Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN. Ép duyên

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN
Ép duyên

Gác cỏ xuân về, song tiêu ốm dậy; quang-âm vì-vụt, tâm-sự ngổn-ngang. Lê-nương ốm một trận liệt chiếu liệt giường, tưởng dễ không còn sống được. May được một con người ngọc, đầu lưỡi phun hoa, bàn tay thí phúc, gây nên cái diệu-kế của Lê-nương, đem lại mối kỳ-duyên cho Mộng-Hà; vì thế mà cái bệnh mê-mệt ly-bì, chỉ trong sớm tối đã cất nhẹ ngay đi, như đương lúc mây tối mịt-mù mà có bóng mặt trời chiếu sáng; lòng nàng mừng rỡ biết bao mà nói, lòng chàng mừng rỡ cũng biết bao mà nói, tức đến lòng Quân-Thiến cũng cùng hai người mà mừng rỡ không biết chừng nào! Tuy-nhiên, bệnh đến vì đâu thì nàng tự biết, chàng cũng biết, duy có Quân-Thiến là không biết; bệnh khỏi sao chóng thì chỉ duy có nàng tự biết. Quân-Thiến đã đành không biết mà ngay đến chàng cũng chẳng biết được nào. Nàng biết rõ việc ấy đem phát biểu ra, chưa chắc là có thành hay không, nhưng bấy giờ muốn giải quyết một mối phân-vân ở trong lòng thì không thể không kịp đem phát biểu. Chàng vì nàng ốm mà dùng-dằng mãi muốn về không được, nay nghe tin khỏi, đáng lẽ nên quẩy níp về ngay mới phải, song hình như chàng còn quyến-luyến điều gì mà chưa nỡ vội về. Bởi vì chàng còn muốn tiếp được thư nàng sau khi ốm dậy cho thỏa lòng bấy lâu khao-khát. Một hôm sớm dậy, trông thấy ở đầu án có một phong thư rán kín, coi mấy chữ đề ngoài biết ngay là thư của Lê-nương; sau khi ốm dậy, tay hãy còn run, nên nét chữ không được cứng-cát đặm-đà như trước. Chàng đoán biết là ở trong tất có tin tốt, chưa bóc bì xong mà lòng riêng đã khấp-khởi mừng. Hay đâu đọc đến bức thư lại làm cho chàng chợt mà giận, chợt mà mừng, chợt mà lắc đầu, chợt mà chau mặt, cầm thư mà ngẫn-ngự trù-trừ. Vậy trong thư nàng nói những gì, tức là đem phát-biểu cái kế-hoạch ở trong lòng nàng, muốn chàng cầu hôn với Quân-Thiến. Thư rằng:

« Ốm bệt mấy tuần, tưởng như đổi kiếp. Bữa trước tiếp được thư thăm hỏi, vì gặp vào đương khi ốm nặng, không thể gượng dậy viết thư phúc đáp, thương nhau âu hẳn lượng tình cho. Bệnh của Lê-Ảnh, nguyên bởi thương tâm, nay may được lành, xin nói để anh yên dạ. Thư trước của anh, lời lời thống-thiết, không khỏi quá si về tình, lời thề tạc đá, mối phẫn ngụt trời, một tấm tình sâu, nghĩ sao nói thế, mà đối với cái địa-vị của hai người đương đứng thì hãy còn chưa nghĩ kỹ chút nào. Thân Lê-Ảnh, Lê-Ảnh không dám tiếc gì, nhưng rất không muốn vì yêu anh mà để lụy anh, lại rất không muốn tự lầm mình lại để lầm anh. Tấm tình của anh, Lê-Ảnh đã biết rõ mà lấy làm cảm lắm rồi, song lời nói của anh thì, Lê-Ảnh quả không có thể vâng nghe được. Anh tự nói rằng lòng anh đã yên như thế, nhưng anh có biết lòng anh đã vậy, còn tấm lòng người đối với anh thì có thể nào yên như thế được không? Huống chi Lê-Ảnh nghĩ ra thì lòng anh thực cũng còn có điều khó mà yên được « Tội bất hiếu có ba, không con là nặng nhất »; Việc vợ chồng không nhỏ, nghĩa cả của loài người. Như anh trên có mẹ già, dưới chưa con cái; lấy vợ sinh con, là đạo thường của người ta phải thế. Vậy mà anh lại muốn trái ngược với đời, tự cho làm phải, quyết lộn vòng phu phụ cho cam! Thử hỏi quạt nồng đắp lạnh, việc thần-hôn ai kẻ đỡ thay? cơm giẻo canh ngon, sự bếp nước ai người giúp hộ? Bỏ hạnh-phúc tìm vào cảnh khổ, trái nhân-luân quyết giữ lòng si; trong tình-trường làm con quỷ chết oan, trên danh-giáo làm một người có tội; anh đã từng đọc sách hiểu lẽ, cớ sao hành-vi lại luẩn-quẩn, tư-tưởng lại sai lầm đến thế! Lê-Ảnh trộm nghĩ, thực không thể không lấy làm lạ lùng cho anh. Ngạn-ngữ có câu: « Trời định hơn người, người định cũng có thể hơn trời ». Anh si như thế, ý chừng cũng muốn hơn trời chăng? Tôi e ông xanh vô tình kia, hẳn cho lời anh là trách lẫn trời già, sẽ dìm-rập mãi đôi ta trong suối lệ bể oan, muôn kiếp không mong gì cất mình ra được. Tuổi xanh đương độ, vội nguội lòng đời, anh dù không biết tự tiếc, nhưng há chẳng nên vì cha mẹ tiếc thân, vì anh em tiếc tài ư? Như anh phong-lưu tài bộ, đời ít ai bằng, sự-nghiệp sau này, biết đâu hạn lượng; vậy mà lại vì một kẻ bạc-mệnh là Lê-Ảnh, cam lòng bỏ hết mọi việc, một đời mang lấy bi-quan, rồi đây câu chuyện nực cười đồn đại ra khắp bốn phương, thiên-hạ đời sau, tất đem anh ra mà bình-luận. Họ cho rằng một người học-thức như thế, chí thú như thế, lại đi vì một người con gái mà trọn kiếp ngậm oan, nghìn thu để giận, tưởng anh dù chết xuống chín suối cũng khó mà nằm yên cho được, huống nay mà bảo đã yên lòng được ư? Anh thật là một người đa-tình, nhưng tiếc rằng không biết tự nén để đến nỗi thái quá; thái quá cũng như bất-cập, đa-tình như anh thành ra cũng như một kẻ vô tình vậy. Lê-Ảnh yêu anh, Lê-Ảnh thực không dám yêu anh. Nói rút lại là kiếp này Lê-Ảnh với anh tuyệt không có quan-hệ gì cả. Sứ-quân tự tìm lấy vợ, La-Phu vốn đã có chồng. Đôi bên cùng nhiều công việc chưa xong, cùng để mối duyên chưa đứt, nợ lòng còn vướng, kiếp sau ta đã hẹn-hò; đường trước còn dài, nơi khác sớm nên định liệu. Anh chẳng thề thì cái tâm tình của anh, Lê-Ảnh cũng không quên được, anh dù thề, thì cái ý định của anh, Lê-Ảnh cũng không phục đâu. Giai-nhân nào thiên-hạ thiếu gì, hạnh-phúc chỉ gia-đình mới có. Tội gì tự tìm phiền não, chết chẳng đổi lòng, tông-đường chẳng nghĩ về sau, thân thế nỡ liều như vậy, làm một hạng người si thứ nhất trong thế-giới ba nghìn. Vì tính kế cho anh, Lê-Ảnh mong anh nên kíp dũ phăng nợ nghiệt, chém đứt tơ tình, đừng bận gì đến kẻ bạc-mệnh này nữa. Lê-Ảnh coi anh là thầy, anh coi Lê-Ảnh là bạn. Chăm chút con thơ, phận gái góa thiếp xin giữ trọn; vui-vầy duyên mới, đạo làm con chàng phải tính ngay. Mối tình của đôi ta, có thế mới là thu thúc xong, Lê-Ảnh nghĩ đã chín mà tính cũng đã kỹ. Tuy nhiên một tấm tình sâu, Lê-Ảnh dẫu trọn đời hãy còn ghi tạc mà không dám phụ. Bấy lâu vẫn muốn vì anh tìm một người con gái đa-tình, có thể thay thế cho ý-trung-nhân của anh, để khôi-phục cái hạnh-phúc một đời của anh, ấy là điều Lê-Ảnh muốn để báo đền anh đấy. Song vì tìm càng vội mà được càng khó, tấc lòng bực rọc, nghĩ không biết làm sao để báo đền anh được, ấy bệnh của Lê-Ảnh bởi thế mà phát sinh ra. Một bức tiên thề, Lê-Ảnh đã chịu đủ muôn vàn đau-đớn. Anh Mộng-Hà ơi! Anh chẳng phải là người yêu Lê-Ảnh ư? Anh chẳng phải là người lấy đau khổ của Lê-Ảnh làm đau khổ của mình ư? Anh nếu không muốn cho Lê-Ảnh đau khổ thì xin nghĩ đến một tấm khổ-tâm của Lê-Ảnh cùng anh bàn chước sau này, đừng nên cho lời của Lê-Ảnh là khó vào tai, mà biết cho kế của Lê-Ảnh là bất-đắc-dĩ, rủ lòng lượng xét, để bụng nghe theo; đó là điều Lê-Ảnh vẫn đốt hương khấn nguyền, mong anh không phụ một bức thư sau khi ốm dậy của Lê-Ảnh.

« Cái kế mà Lê-Ảnh bàn tính cho anh thì nay đã tìm được một người con gái út họ Thôi tên là Quân-Thiến, em chồng Lê-Ảnh mà là một tay xuất-sắc trong nữ-giới ngày nay. Tóc vừa chấm trán, tuổi đương tuần sen ngó đào tơ; tài sớm hơn người, chí khác bọn trâm cài lược giắt. Anh được người ấy đủ kéo lại Lê-Ảnh. Nhà họ Thôi chỉ có mình cô nó là gái, ông tôi quý-báu như hòn ngọc trên tay, thường nói muốn kén người rể hiền như anh để vui cảnh già. Kế đó vì Quân-Thiến ham-mê cái thuyết tự-do, nên việc ấy còn chưa nhắc đến. Anh về nên kíp mượn băng-nhân đến nói, chắc việc sẽ thành. Quân-Thiến cùng tôi vốn thân yêu nhau, anh cầu hôn với ông tôi, tôi lại nói hộ với Quân-Thiến thì việc làm gì chẳng xong được! Đó là cái kế « mất Lũng được Thục », thành thì Lê-Ảnh đền được ơn anh, mà anh cũng yên-ủi được lòng Lê-Ảnh. Bệnh Lê-Ảnh hiện nay đã khỏi, anh nếu nghe lời Lê-Ảnh, Lê-ảnh thực ghi ơn suốt đời. Nếu lại chấp mê một mực, cho lời thề là không thể thay đổi, cho lời khuyên là không thể nghe theo, cố muốn cùng kẻ bạc-mệnh này giằng-co đến nước, quấn-quít không buông, thì bệnh Lê-Ảnh không khó gì mà không phục lại. Bấy giờ đối với anh, Lê-Ảnh không còn cách gì để báo đền được nữa, chỉ còn có một chết mà thôi. Song Lê-Ảnh dù chết cũng không thể quên anh, còn mong hồn phách linh-thiêng, sẽ đi về trong giấc chiêm-bao, muôn một mong khuyên anh tỉnh lại. Anh thương Lê-Ảnh, chắc hẳn anh nghe lời Lê-Ảnh, đâu nỡ để cho Lê-Ảnh vì anh mà lại ốm, vì anh mà đến chết! Mực hòa nước mắt, lạo-thảo vài trang; ý định làm sao, phục thư cho biết. — Lê-Ảnh cẩn bạch. »

Mộng-Hà đọc xong, ngẫm nghĩ hồi lâu, như ngây như dại; thuận hay không thuận bâng-khuâng chưa biết tính bề nào. Kế nghĩ lời của Lê-nương thật là đến lý đến tình, nàng trách ta là quá si, điều đó ta cũng tự biết. Song ta thực đứng vào cái cảnh trăm khó nghìn khó, muốn bỏ đi thì sức không làm nổi, muốn xum họp thì duyên đã lỗi rồi, nỗi lòng bề-bộn, vội chẳng kịp suy, cho nên khi cầm bút viết thư, cho là không thế không đủ tỏ tấm lòng với bạn tư sinh, còn bao nhiêu việc sau đó thì tuyệt không tính đến. Lời đã nói ra thì ta cũng cam lòng ôm giận suốt đời, hy sinh hết thẩy, tuy biết rõ là thái quá, nhưng cũng không muốn giữa vời hối lại để đeo mang lấy tiếng phụ tình. Nay nàng khuyên lơn đến nước, bày giãi cạn lời, lẽ phải lời nghiêm, thực khiến cho mình khó nghĩ. Huống chi lại lấy chết mà dọa, ép ta vào cái thế không thuận không xong. Ta nếu khăng-khăng lời cũ, không chịu quay đầu, e rằng lỡ sẩy ra sự biến thế nào thì hối lại làm sao cho kịp? Thế nhưng nếu ta lại « ăn lời mà béo », một tấm tình sâu, buông dòng nước chảy, lòng ta phỏng có đành được chăng? « Mất Lũng được Thục », khen cho kế cũng là hay, song nước nào bằng nước bể xanh, yêu hoa bướm liệng mấy cành sao đang! Hiện nay nàng vừa yếu khỏi, nếu ta không chiều ý thì con ma bệnh vô tình kia nó vẫn nằm dình bên cạnh, lọ phải mời mới trở lại đâu! Ta không thể chữa cho nàng khỏi ốm, nhưng sao nỡ làm cho nàng lại ốm! Xem chiều như thế, vậy lúc này đành lẽ phải dùng đến kế hoãn binh. Chàng liền cầm bút viết một bức phúc-thư, đại khái nói: Nghìn dặm mây Tần, lòng về đương nóng. Việc chị tính giùm cho đó, bây giờ chưa thể quyết được ngay. Vậy xin hãy khất chị một tháng để về suy nghĩ. Đợi sang thu khi lại tới trường dạy học, sẽ liệu bề bình-tước giương cung. Việc nên chăng chưa biết thế nào, song cũng không dám cố ý trái lòng bạn nữa. Cuối thư lại đề bốn bài thơ tứ-tuyệt rằng:

I.— Nguyệt-lão khuyên ai học lấy nghề,
      Tơ hồng âu phải khéo vương xe;
      Cheo-leo đường Thục đi không trót,
      Đầu Lũng trông chừng đã sợ ghê.

II.— Lò cừ nung-nấu tỉnh hay mê,
       Hạnh-phúc trăm năm ngán đủ bề;
       Vẫn biết Tân-di hoa phẩm quý,
       Riêng yêu đầm lụy một cành Lê.

III.— Đất rậm trời hoang đã nặng nguyền,
        Kiếp này thôi có nghĩ chi duyên;
        Thử xem con bướm Thanh-lăng nọ,
        Cành khác nào ai thấy đậu truyền!

IV.— Ví chăng duyên ấy chắp cho thành,
        Nguyệt tủi hoa hờn lắm sự-sinh;
        Buồn ngắt đêm qua mưa gió dữ,
        Tìm ai trong mộng suốt năm canh.

Duyên đâu khéo dắt tơ đào, nợ đâu ai đã buộc vào cho ai? Muôn năm đất rộng trời dài, một thiên hận-sử cho đời xem chung. Một bức thư của Lê-nương đưa cho Mộng-Hà lần mới rồi, chính là đã định cái số mệnh một đời của Quân-Thiến. Cô bé thơ ngây, hoa còn phong nhị, chị dâu lúng-túng, tơ khéo xe quàng. Nghiệt oan đã trút vào thân, tránh sao cho khỏi dữ gần lành xa! Kẻ chép truyện đến đây không còn thì giờ phàn-nàn cho Mộng-Hà Lê-nương mà những ngậm-ngùi kêu oan cho Quân-Thiến vậy.

Tình mà đúc lại, lòng khó đổi đi. Tấm tình của Mộng-Hà đối với Lê-nương đã nặng lời thề thuyết, sống thác theo nhau, thì dù nhan sắc như Tây-Thi Trịnh-Đán, hùng biện như Tô-Tần Trương-Nghi cũng không thể làm cho chuyển đổi.

Vậy thì tấm lòng yêu Lê-nương không có thể nào đổi sang yêu Quân-Thiến được, điều đó Mộng-Hà đã quyết mà Lê-nương cũng chẳng lạ gì. Đã chẳng lạ gì mà còn khuyên, cực chẳng đã thương cho Lê-Ảnh, đã chối hẳn đi mà lại thuận, thế không sao ngán nỗi Mộng-Hà. Hai người như vậy đã đành. mà Quân-Thiến lại càng khổ nữa. Nàng đương mừng rỡ là Lê-nương khỏi ốm, nào có biết đâu Lê-nương đã đem nàng mà đẩy xuống vực thẳm hang sâu. Nợ nghiệt díu-dăng, hại nhau lắm thế, trường tình biến huyễn, đến nỗi này ư? Những kẻ đa tình, xưa nay thường vẫn khổ về tình, đó là bọn họ mình làm mình chịu kêu mà ai thương, câu chuyện hoặc còn không đủ nói. Đến như Quân-Thiến thì tuổi trẻ vừa xinh, vòng tình chưa vướng, thế mà bỗng bị trẻ tạo ghét ghen, chị dâu ấn-ủi, đến nỗi phải dấn mình vào trong cảnh khổ, thì không hay duyên cớ vì sao?

Lê-Ảnh được phúc-thư của Mộng-Hà, biết chàng đã sắp-sửa về quê, không khỏi khêu gợi một mối sầu ly biệt. Kế nghĩ đến mối duyên kia, xem chàng đã có ý ưng thuận, thì lòng riêng lấy làm mừng lắm. Cho là rồi đây việc ấy mà xong thật thì cái duyên gặp mặt hãy còn nhiều lắm, một phen tạm biệt, đã có chi đáng để bận lòng. Sáng hôm sau, thấy Bằng-lang ở ngoài cầm vào một phong thư, thì ra Mộng-Hà đã giong buồm về quê từ sáng sớm rồi, trong thư để lại sáu bài thơ lưu-biệt. Thơ rằng:

I — Lưu lạc quê người một tấm thân,
      Má hồng lại sẵn mắt phong-trần,
      Mười năm tuôn biết bao nhiêu lệ,
      Tri-kỷ là đây mới một lần.

II — Mai rữa ngày nào ta gặp ta,
       Đầu cành nay đã lựu phun hoa;
       Ân tình biết đã bao khăng-khít,
       Ly biệt buồn thay bước một xa;

III.— Sắp sửa đồ lề bước xuống khoang,
        Trùng phùng xin hẹn buổi thu sang;
        Lệ ai khuyên hãy lau cho ráo,
        Đợi lúc nhìn nhau rủ bốn hàng.

IV — Ngậm-ngùi thay bước lên đường,
        Trăm mối tơ chia rối dạ vàng;
        Lời dặn đinh-ninh xin ký chú:
        Thềm hoa chớ đứng lúc đêm sương.

V — Canh tàn chợt tỉnh giấc chiêm-bao,
        Mảnh nguyệt ngoài song vẫn chiếu vào,
        Một tấm tình riêng soi có thấu?
        Đa-tình này hỡi bóng trăng cao!

VI — Nhạn nam én bắc rẽ đôi nơi,
         Non biển thề xưa phải trọn lời;
         Sinh-nhật hoa sen ghi độ ấy,
         Móng hống dấu tuyết chửa pha-phôi;