Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI. Mộng dữ

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI
Mộng dữ

Bông lan nở trắng, tàu chuối hoen vàng; phong-vật Giang-nam, đã ra cảnh tàn-thu rồi đấy. Cổ-nhân tiễn nhau đi đâu thường hay chúc cho nhau chân cứng đá mềm, bởi vì lấy rằng trong khi tác khách phương xa cần phải có cái sức mạnh-khỏe để chống với phong-vị cầu sương điếm nguyệt. Mộng-Hà sau khi tới trường lần thứ ba, tuy đã rứt duyên thang thuốc, nhưng chưa tuyệt nọc yếu đau, thể chất liễu-bồ, kinh khiếp vì thu, phải đâu như những khóm hoa vàng, bảo có thể vui cùng sương gió, trời thu bầu-bạn! ngày trời tên bắn, dạ khách tơ vò, lận-đận quê người, siết bao truân-khổ. Với trông mây trắng, mù-tịt bóng hồng, Mộng-Hà bấy giờ nhớ đến mẹ già, từ khi thu sang tới nay chẳng biết ăn ngủ ra làm sao? Lại nhớ đến hồi nghỉ hè cùng Kiếm-Thanh vui vầy một độ, nhưng vì bệnh-ma quấy-nhiễu, chưa được thỏa-tình, rồi mà ngàn-nam cõi-bắc, mỗi kẻ một phương, góc biển bên trời, tin thư chẳng thấu! Thoắt chốc trăng bạc tròn khuôn, trung-thu đã đến; chợt lại cúc vàng đầy rậu, trùng-cửu gần sang; ngảnh đi ngảnh lại chưa bao mà đã trải bấy nhiêu thời-tiết! Vậy thì ai bảo quang-âm của nhà chí-sĩ ngắn mà tháng ngày của kẻ bông-lông dài! Lại nhớ đến Thạch-Si mây bay một chuyến, mưa lũ ba thu, hứng rượu tình thơ, phải đành gác để, xa trông bạn cũ, cách tuyệt bể trời! Hồi đầu thu cha chàng có chuyển đưa cho một bức thư, được biết qua tung-tích của chàng, mình cũng viết một thư ân-cần phúc đáp: vậy mà đến nay sen lụi cúc tàn, chanh vàng quít đỏ, sao cũng vẫn ngư chìm nhạn lạc, tin-tức vắng tanh! Mỗi khi nửa vành trăng xế, một ngọn đèn tàn, nghe một tiếng nhạn trên lưng trời mà thần-hồn bay bổng muôn trùng dặm khơi, hình dẫu xa nhưng thần vẫn tiếp. Những lúc túy-ngâm, những cơn mộng mỵ, nói-năng dáng điệu hãy còn như tưởng thấy ở trước mắt mình. Đọc đến câu « Cây xuân miền Vị-bắc, mây tối đất Giang-đông », không khỏi đến ngơ-ngẩn dạ; đọc đến câu « Hồ-hải còn tri-kỷ, quan-san tựa láng-diềng », thì lại cũng yên-úy lòng. Bởi vì Mộng-Hà vẫn cho là ngoài Lê-nương ra duy có Thạch-Si có thể là một người tri-kỷ thứ hai, cho nên những lúc quạnh-hưu, càng nặng tấm lòng tưởng nhớ. Trơ-vơ đất khách, nỗi khổ khôn cùng; vướng-vít dây tình, ruột đau đòi đoạn; luống mấy bữa nay mưa cơn gió trận, những tiếng ỳ-ào tý-tách lại thường nhân những lúc đèn tàn rượu cạn, đưa đến quấy-nhiễu ở bên tai; Bằng-lang thì vì ươn mình mà luôn mấy hôm trời cũng không sang học. Một ngọn đèn mờ, tình buồn vô hạn, đêm dài giằng-giặc, sầu nối liên-miên. Ôm chăn trằn-trọc suốt canh tà, chàng bèn đem mọi mối bi-thương trồng-chất, mọi niềm tâm-sự ngổn-ngang, nhất-nhất đều tả ra thành thơ, trong khoảng vài tuần, tập giấy viết đã dầy gần một tấc. Nay lục ra mấy bài như sau:

I. — Quá lứa buồn tênh khách má hồng,
       Thương xuân Đỗ-Mục luống đau lòng;
       Người còn hận biết bao giờ hết,
       Đêm quạnh sầu thêm mấy đợt trồng;
       Rậu cúc tàn sương hương vẫn thoảng,
       Chồi lan động gió lá đương rung;
       Người trong cảnh ấy ai là bạn?
       Một tập thơ xuông, chén rượu nồng.

II. — Gặp nhau quá chậm ngoại mười niên,
        Gương vỡ mong chi chắp được liền!
        Nghìn thủơ hãy còn đeo-đẳng hận,
        Ba sinh thôi đã lỡ-làng duyên;
        Hầu khô giếng nọ trào khôn rậy,
        Đã tắt lò kia lửa lại nhen;
        Bể khổ mông-mênh tìm giải thoát,
        Bờ xa chưa dễ dắt nhau lên.

III — Vàng ken ngọc nhả vận thơ trao,
        Mỗi lượt ngâm tuôn một trận rào;
        Thông tuệ tiếc cho đời bạn uổng,
        Nổi chìm ấy chính kiếp ta sao?
        Nước trôi quá ngán ngăn không lại,
        Bóng xế còn mong sáng được bao?
        Giằng-giặc canh dài người một bóng,
        Thành sầu lũy hận chất càng cao.

IV — Nỗi lòng càng nghĩ lại càng đau,
         Oan nghiệt tiền-sinh buộc mãi nhau;
         Còn mẹ, âu đành ta gượng sống,
         Có con, may đặng bạn khuây sầu;
         Nhân sinh sao lắm cơn cùng bách,
         Thiên ý ai lường được cạn sâu;
         Kiếp trước hẳn không tu được trọn,
         Đền bù thế đã chắc xong đâu!

Mưa xuân lách-rách, gà gáy lao-xao. Một buổi sớm kia Mộng-Hà vùng chăn trỗi dậy, thấy có một tia lạnh từ khe cửa sổ đưa vào, khiến cho mình phải rét run lên, bèn đứng phắt dậy đi lồng quanh trong nhà vài vòng, rồi ngồi vào chiếc ghế bên án sách, thần người ra tựa như có điều gì nghĩ-ngợi. Nghĩ-ngợi gì? Nghĩ về một giấc mộng lạ của Mộng-Hà. Nguyên đêm hôm trước mưa gió ầm-ầm. chàng ngồi đối ngọn đèn xanh, buồn-bã một mình, nhân cầm quyển « Trường-chính-điện truyền-kỳ » mà đọc. Mưa tuôn trận trận, canh khuya lạnh-lùng, chàng không thể ngồi lâu, bèn bỏ sách đi ngủ, trùm chăn kín mít để đợi ma ngủ đến đưa đi, nhưng ngoài song gió trận mưa cơn, hạt mưa lách-tách, mỗi tiếng như khêu động mạch sầu, lại càng thêm trạnh tấm lòng quê ngổn-ngang trăm mối, không tài nào chợp mắt đi được. Đương trong lúc ngửa-nghiêng trằn-trọc, chợt nghe bên gối có tiếng người gọi: « Dậy! dậy! có muốn được gặp ý-trung-nhân không? » Mộng-Hà nói: « Muốn lắm! » Liền theo đi đến một chỗ: Nước trôi một dải, hoa nở mấy cành, tường phấn xây cao, rèm hoa rủ thấp. Thoắt con mắt thì người cùng đi đã không trông thấy đâu nữa. Nghĩ thầm đây không biết cửa nhà nhà ai, trong bụng có ý ngờ sợ. Đương lúc ngơ-ngẩn thì chợt thấy bức rèm hé ra, lộ nửa nét mặt, thì là một mỹ-nhân trông mặt đã từng quen quen. Mỹ-nhân thấy Mộng-Hà, cười mà hỏi rằng: « Anh đã lại đấy ư? Ý-trung-nhân của anh còn chưa đến. Hãy vào ngồi đây đợi một lúc. » Mộng-Hà bèn mở rèm bước vào, mỹ-nhân khoản đãi rất ân-cần. Rồi đó cứ nói chuyện xuông mãi chán ngắt, Mộng-Hà bèn đẩy cửa trốn ra. Thấy quang-cảnh bên ngoài không phải như lúc đến trước mà là một cánh đồng mông-mênh bát-ngát, trông không còn biết phương hướng nào cả; đàng sau thì có người đuổi theo rất gấp, muốn chạy mà hai chân luống-cuống không thể chạy được. Đương lúc sợ-hãi bối-rối thì chợt trông thấy phía trước cách chừng nửa dặm có một người con gái, chân đi thủng-thẳng, trông giống Lê-nương, liền gọi to lên rằng: « Chị Lê cứu tôi với! » Rồi đó thấy mình chạy khỏe như bay, chỉ thoắt con mắt đã theo kịp, nhìn kỹ ra thì chính là Lê-nương. Bấy giờ chàng đã hơi thở hổn-hển, mồ-hôi ròng-ròng, hai người bèn cùng nhau ngồi nghỉ ở trên một hòn đá lớn bên đường cái. Chàng mừng rỡ lắm mà rằng: « May quá! May quá. Bây giờ mới biết là thoát khỏi miệng hùm ». Đương nói thì thấy mình lao-đao không vững, rồi cái hòn đá cùng ngồi bỗng không thấy nữa, mà thấy mông-mênh bể lớn, trông không còn có bờ bến nào, hai người cùng ngồi ở trên một chiếc thuyền, cột buồm đổ, bè chèo gẫy, mà sóng gió nổi lên cuồn-cuộn. Lê-nương lúc ấy đã sợ hãi xanh xám. Mộng-Hà còn cầm được cái sào gẫy, đứng ở đầu thuyền, mà se-sẽ bơi. Chợt sa chân một cái lăn ùm xuống bể. Sợ quá hú lên rồi tỉnh lại, thấy mình vẫn đương nằm trên ghế, đèn tàn le-lói, chiếu vào trong màn chăn lạnh như băng, mà vì mồ-hôi sợ tuôn ra, sớm đã mấy lần thấm ướt. Ngoài song gió mưa rầm-rầm rộ-rộ, làm cho chàng còn phảng-phất tưởng mình hãy còn đâu trên làn sóng cả gió to.

Mộng nọ dù tàn, ảnh kia chưa mất; hồn kinh mới định, lệ ứa khôn ngăn, đêm ấy Mộng-Hà trằn-trọc thâu canh, ngoài hiên mưa gió vô tình tựa như cùng họa một điệu sầu, chàng đành những tựa gối than dài, ôm chăn đợi sáng mà thôi vậy. Nghĩ như mộng chẳng qua là một cái huyễn-cảnh do ở tâm-lý gây nên, trong tâm-lý trước đã mơ tưởng ra một cái huyễn-tượng thì đến lúc mộng nó sẽ thực hiện cái huyễn-cảnh ấy ra, nếu trong lòng thanh tĩnh thì không có những cái mộng kinh sợ, cho nên có câu nói rằng: « Chí nhân vô mộng. » Cái tâm-lý của Mộng-Hà gần đây chẳng khác như trăm nghìn mối tơ bối-rối lung-tung, không còn biết đầu mối nào nữa, nào lúc thì mừng, lúc thì buồn, lúc thì mê, lúc thì tỉnh, chỉ trong chốc lát, tâm-lý hiện ra không biết bao nhiêu cái huyễn-tượng bâng-khuâng, vì vậy đêm ngủ không yên mà có cái giấc mộng quái lạ như thế. Giấc mộng ấy rất kỳ rất huyễn, Mộng-Hà đã lấy tâm lý tạo thành, thì có thể hư mà cũng có thể thực. Thử lấy cảnh mộng chứng với sự thực mà dự đoán về cái kết-cục của hai người sau này, bể khổ cùng chìm, dẫu không hẳn là có việc ấy, nhưng thực cũng không sao trốn được kiếp ấy. Vậy thì cái huyễn cảnh ấy thực hiện ra ở trong mộng của Mộng-Hà, chính là cái chứng ngày nay hờn hoa giận lá, chứa hận ôm sầu, mà tức là cái triệu mai sau huê rụng chim kêu, trăng tàn người khuất. Tâm thường tạo cảnh, quả tất theo nhân. Mộng-Hà nghĩ lại việc trước, tưởng đến đường sau mà quyết cái mộng ấy không phải là điềm tốt; nhân thế mà hồn tan đêm quạnh, lệ ứa canh trường; ta cũng không nên cười Mộng-Hà là người mê tín vậy.

Gió trận mưa cơn, trời không sáng tạnh, hình đơn bóng chiếc, mình những lơ trơ, mộng tàn nhưng ảnh tượng trong mộng chưa tàn, tựa hồ như nó đả in sâu vào tận não căn mà không thể gột chùi đi được. Tưởng mộng đã rầu trong tấc dạ, gửi sầu phải mượn đến tờ hoa. Mộng-Hà bèn đem chuyện mộng nhất-nhất viết vào một bức thư để gửi cho Lê-nương; cuối thư lại đề 4 câu thơ rằng:

Giấc mộng đêm qua mộng lạ sao!
Đắm chìm chung một kiếp lao-đao;
Sóng dồi cát rập người không tỉnh,
Xum họp nhau thôi biết kiếp nào?

Lê-nương được thư cũng ta thán là một giấc mộng kỳ. Đó là mộng chăng? Đó là thực chăng? Cho là mộng, thì sự thực biết đâu không phải là mộng; cho là thực, thì cảnh mộng biết đâu không phải là thực. Tình duyên chểnh-choảng, nghiệt trái bộn-bề. Vô luận trời kia có thương đến hay không, tơ nọ có chắp được hay không, hai người cũng là tình nhiều duyên ít, thần họp hình tan, sống khó chôn hờn, oan nọ sẽ làm chim Bích-hải; chết không thỏa dạ, hồn kia nên hóa bướm Thanh-lăng. Than ôi, trâm gẫy kiếp này, gương tan đêm ấy, lòng si chưa rứt, lệ nóng còn nhiều. Giấc mộng ấy là một giấc huyền mộng, thực cũng là một giấc cảnh-mộng; có thể cảnh giới cho Mộng-Hà. cũng có thể cảnh giới cho Lê-nương, mà cũng có thể cảnh giới cho hằng hà sa số oán-nữ si-nam ở trong chỗ trời tình bể hận. Tiếc cho họ trầm mê không tỉnh, sống chết coi khinh, dù có trăm chục giấc mộng cảnh giới cũng không thể lay tỉnh được muôn một. Biết rõ cơ duyên lỡ dở, không chịu quay đầu, dù chăng hội hợp khó khăn, vẫn mong gặp mặt, thực khá thương vậy, chẳng đáng giận ư? Lê-nương bấy giờ có lòng lảo-lướt, hoảng như thân mình đã vào trong cõi mộng mà cùng với Mộng-Hà đương lênh-đênh trên mặt bể lớn. Thở dài một tiếng, lệ thảm muôn hàng, ngồi lặng mấy giây, đã họa nên một bài thơ tứ-tuyệt. Họa rằng.

Mưa gió đêm trường thảm-đạm sao!
Theo nhau cùng một bước lao-đao;
Thuyền chìm người đắm hồn không tỉnh,
Nghiệp chướng đôi ta những thế nào?

Cúi đầu ngâm đoạn, hòa lệ viết thành, liền gọi con Thu lén đưa cho chàng, vì Bằng-lang bấy giờ đương yếu, chưa thể làm sứ chim xanh được. Con Thu đi một lát, đã thấy trở lại đưa trình bài thơ của Mộng-Hà. Thơ rằng:

Bên lòng mang nặng khối tương-tư,
Áo-não người thay trận gió mưa!
Tả oán thơ ngâm trăm vận nối,
Tiêu sầu rượu rót một mình trơ;
Chiêm-bao lẩn-quẩn đêm canh vắng,
Thân-thế lênh-đênh kiếp sống thừa;
Hoan-hội lẽ nào tìm chẳng thấy,
Cửu-nguyên xin sẵn để công chờ.

Lê-nương xem xong lại làm một bài đáp lại rằng:

Tả lòng nối mãi bức tờ mây,
Hoan-hội mong chi ở kiếp này!
Câu thảm nghìn lần không ngại đọc,
Rượu sầu nửa chén đã như say;
Thanh-sam lệ biết bao giờ ráo,
Bạc-mệnh hoa rơi xuống vũng lầy;
Mới biết tương-tư mùi-mẽ thế,
Xót vì càng nếm, nếm càng cay.