Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/28

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI TÁM. Đoạn-trường

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI TÁM
Đoạn-trường

Nét mực não-nùng, ý lời chua chát. Một tập đoạn-trường để lại, chữ chữ đều là do máu lệ đúc nên. Quân-Thiến nghe rồi mới hoảng-nhiên về cái cớ chết của Lê-nương; nghĩ không ngờ một người trinh-khiết như Lê-nương mà lại có một sự buông-tuồng như thế. Rồi nàng thở dài mà than rằng: « Tuổi xuân hơn-hớn, phòng thu lạnh-lùng, dù thẳng tính sen, khôn lìa tơ ngó, đời mà đến thế, buồn biết bao nhiêu! Danh-sĩ long-đong, giai-nhân lận-đận, cùng nhau gặp gỡ, sao khỏi vương tình! Vậy thì điều đó cũng không đủ mà trách chị Lê được. Huống chi lênh-đênh cũng kiếp, tiếc hạnh thương tài, trong sạch tấm thân, gìn vàng giữ ngọc, trái phận dẫu rằng mang tiếng ấy, ngứa nghề khác hẳn những tuồng kia, cảm nhau chỉ ở một tấm lòng, yêu nhau không ở chỗ hình-tích, trả châu ứa lệ, tặng ngọc vô tâm, si-tình thực nên thương, mà nghị-lực cũng rất nên khen, Tư-Mã Văn-Quân, đáng ngậm hổ ở nghìn xưa vậy. Tiếc cho: Tưởng đã si rồi, biến thành huyễn-tưởng, tình khi nặng lắm, chưa thoát tục tình. Trong lành giữa khoảng, gây nên mấy điểm phù vân; can cớ chi ai, thổi gợn một ao xuân thủy. Trời hoang đất rậm, kiếp này đã lỗi thì thôi; mận thế đào thay, duyên ấy ép làm chi vậy? Khéo đem một tấm thân tuyệt không dính-dáng, để làm đại-giá cho cái ái-tình của mình, lấy sổ nhân-duyên, làm châu như-ý, đó thực là dụng tình quá đáng mà không hề nghĩ kỹ. Tuy-nhiên chị vốn vẫn yêu ta lắm, vì yêu ta mà phát sinh việc ấy, vì yêu ta mà thành tựu duyên này, lòng chị nên lượng mà tình chị cũng là nên cảm. Sau cùng biết rằng việc không kết cục, âu đành mình tự quyên-sinh, ta chưa vì người lấy chồng, người đã vì ta thiệt mạng. Rút lại thì phần chị được một tri-âm, cũng là thỏa dạ, phần ta mất người thân-ái, há chẳng đau lòng. Chao ôi, chị Lê! thực khiến em phân-vân không biết nên oán chị hay nên giận chị. Chị ơi! Chị vì em mà liều bỏ đời sống, em sao nỡ bán chị để cầu lấy phúc lành, nghĩ đến nỗi này, lòng em đứt nát. Quân-Thiến liền vỗ vào áo quan Lê-nương than-thở, vừa gọi được một tiếng « chị ơi! » thì nước mắt đã tuôn ra chan-chứa mà cổ nghẹn không nói ra lời. Than ôi, lòng Quân-Thiến đau-đớn dường bao! Đời Quân-Thiến lâu dài được sao!

Gió tuyết trời lạnh, đường-lê hoa rơi, lạ sao sứ chim xanh, bỗng hóa người áo trắng. Mộng-Hà! Mộng-Hà! tiếp được cái tin kinh hãi đau xót ấy, chẳng hay trong tâm tình làm sao? Đương khi mới tiếp được thư nàng, chàng biết nàng ốm, ốm đến hầu nguy, mà khổ không thể nhẹ bước sang thăm, lại khổ không thể viết thư đáp phúc; dằn lòng nấn-ná, còn mong chúa xuân lại mở lòng nhân-đức, hộ trì cho cái hoa hồn gầy yếu ấy đừng vội để gió xuân vùi rập tơi-bời. Hay đâu hồng-nhan mãn kiếp, không kịp đợi đến buổi xuân tàn, cái tin buồn sét đánh mang tai, lại cùng với bức thủ-thư của người ốm, kế tiếp mà đưa đến trước mắt con người si-vọng.

Tết vừa nguyên-đán, người mừng tân-xuân, Mộng-Hà đương cùng người cốt nhục trong nhà vui cuộc đoàn-viên thì một bức ai-âm, đột nhiên bay đến; muôn vàn đau xót, mở đầu ra từ buổi đầu năm. Mộng-Hà từ sau khi đính hôn, thường kể chuyện với người nhà, khen ngợi Lê-nương là một người hiền-phụ; nay nghe tin mất, cả nhà đều ái-ngại phàn-nàn, mẹ già sẵn mối từ tâm, cũng thầm ứa mấy hàng nước mắt. Mộng-Hà bấy giờ kinh hãi đau xót đến cực-điểm, hầu tưởng thân mình đã lạc vào cảnh mộng chứ không còn là kẻ ở nhân-gian. Phàm người ta gặp những sự đau khổ mà có thể nói, có thể khóc, thì cái đau khổ nhân cớ phát tiết ra được mà sẽ còn giảm bớt đi; đến như chịu những nỗi đau khổ vô danh, đã không thể nói, lại không thể khóc, kích-thích ở ngoài, uất-kết ở trong, nuốt lệ uống hờn, rầu gan nát ruột thì cái đau khổ không thể tiết ra sẽ cũng không thể giảm bớt; đến lúc sau cùng của nó thì sẽ hoặc đến ốm hoặc đến chết, thứ nữa thì hoặc thành ra bệnh dồ dại, hoặc sinh ra bụng chán đời, trọn đời không thể hồi phục được cái lạc-thú nhân-sinh nữa. Như Mộng-Hà đó, chính là hạng ấy chứ ai.

Mộng-Hà bấy giờ muốn kêu muốn khóc, nhưng sợ người nhà sinh nghi, mắt trơ miệng cứng, ruột xót lòng đau, dù đem hết những sự vui sướng ở nhân-gian cũng quyết không thể nào đền lại. Hai mắt chàng tựa như có hai cái suối lệ, lã-chã tuôn rơi không lúc nào rứt, dù cố muốn ngăn lại, nhưng nào có thể mà ngăn lại được đâu! Giờ lâu thở dài nói với người nhà rằng: « Tôi không phải thương gì người chết, mà chỉ thương người sống đó thôi. Ông cụ sáu mươi, tuổi già mắt kém, chỉ còn có một người dâu góa ấy, nay lại không được nương nhờ cho trọn tuổi già; thằng cháu hãy còn nhỏ, con gái sắp gả chồng, nhà cửa quạnh-hưu, thật đã là cái cảnh rất mực thảm thương ở nhân thế. » Kế rồi nói với bà mẹ muốn thân sang viếng tang. Bà mẹ nói: « Nhà họ Thôi với nhà ta mơ má tình xưa, Châu Trần nghĩa mới, nay gặp việc thảm biến, lão-ông tất buồn rầu vô cùng. Vậy con nên sang viếng thăm là phải lắm. Mộng-Hà bèn sắm sửa lễ phúng, sáng sớm hôm sau thuê thuyền đi.

Cánh buồm phấp-phới, mặt nước lênh-đênh; một lá thuyền con, đưa người khách cũ, đôi hàng lệ thảm, theo dòng nước trôi. Thương thay chuyến đi này, tựa như vào cõi quỷ. Cái thủy-trình bảy tám mươi dặm ấy, đối với Mộng-Hà thì mênh-mang chẳng khác như con đường đi xuống suối vàng. Tiếc thay, vì nếu khi nghe được tin nàng ốm mà vội-vã sang thăm, thì trong chỗ thuốc khói lệ mưa, còn được kịp cùng nhau gặp mặt; chứ nay còn làm gì được nữa. Thế nhưng gió rập mưa rào, vội cướp bông hoa đoản mệnh; mười châu ba đảo, tìm đâu ra thuốc phản hồn? Gặp nhau càng khó nỗi biệt ly, tai nghe còn đỡ hơn mắt thấy. Ta lại lấy sự không kịp trông thấy Lê-nương chết, là điều rất may cho Mộng-Hà. Chỉ đau-đớn rằng biết nhau chưa được một năm, mối hận vội thành nghìn thuở! Lê-nương là một người tri-kỷ có một của cái đời Mộng-Hà, vậy Lê-nương chết thực cũng là nỗi đau lòng có một của cái đời Mộng-Hà. Mịt-mờ mây tối, đương mong trăng bạc lại tròn đầy; tan-tác hoa thừa, ai biết gió xuân còn dữ-dội. Ốm không biết vì sao, chết không ở bên cạnh, liệm không đứng bên quan! Trời già tai-ác, ngăn đón duyên lành, ngày thường đã bắt phải họp ít tan nhiều, đến lúc chết đi mà một lần trông mặt sau cùng cũng không thể được, đó lại càng là điều đau lòng lắm nữa. Ngày nay một chèo sóng gió, không là bác ngư-lang hỏi bến, lại là người viễn-khách viếng tang; cúi xuống dòng sâu, sóng đào mấy lớp, trông lên trời thẳm, mây bạc một mầu, nước thẳm non xa, đều hóa thành sầu bể hận! Chao ôi, hoa ngàn cỏ bãi, điểm xuyết nhàn-tình; vịt lội le bơi, sẵn sàng giã-thú, một giải sông xa, cảnh xuân ban sớm, còn gì thú hơn cho hành-khách; vậy mà ở con mắt Mộng-Hà xem ra thì hình-hình sắc-sắc hết thẩy đều là cái tài liệu để tổ chức nên mối tơ sầu và là cái mối manh để dắt-díu cho cái ma sầu.

Thuận buồm xuôi gió, con thuyền veo-veo, Mộng-Hà buông chèo sang Dung-hồ chuyến nay đã là lần thứ tư rồi vậy. Lần này ý hứng so với các lần trước thì thật khác hẳn, hận dồn ngày mà chứa-chất, tình theo cảnh mà biến dời. Ngày trước đi sang, tựa-hồ thân đến đào-nguyên, bước bước tiến vào cảnh thú. Ngày nay đi sang, chẳng khác mình vào cao-lý, xăm-xăm lần đến cõi sầu. Cho nên ngày trước khi đi chỉ sợ chậm tới nơi, ngày nay khi đi chỉ ngại mau đến chốn. Đáng giận thần sông ngu ngốc quá, ai xui thuận gió bữa hôm nay! Mới nửa ngày trời mà một con đường thủy bảy tám mươi dặm xa, thoắt đã qua đi, mà cái cảnh thảm thống rất mực ở nhân-gian, phút đã trình bày ra trước mắt.

Bến đò vắng ngắt, Tô-môn không xa, một vật gì kia, theo gió phất-phơ ở nóc nhà, trông như con bướm trắng bay múa, lại như nhà hàng rượu treo cái cờ bài; ấy là vật gì? chẳng phải là cây phướn dấu hiệu của nhà tang đó ư? như vậy mà bảo trong cái rèm mắt của Mộng-Hà lại có thể dong chứa được vật ấy ư? Trông thấy cây phướn ấy mà ngọn cờ lòng của chàng cũng theo mà lảo-lướt phất-phơ, không thể cầm cho đứng lại Chao ôi! Cái cảnh-địa ấy có phải là nhân-gian hay không phải nữa? Người đến cảnh ấy chính là đi tìm lấy con đường chết, cùng với nhân-gian thế đã cách xa rồi!

Thuyền bình-yên, khách bình-yên, mọi nhà trên bến cũng bình-yên. Đây là Thiên-thai chăng? Bồng-đảo chăng? Tác khách ở đây, gặp tiên ở đây, mở cõi thơ ở đây, xây lò tình ở đây. Trải qua ngày tháng chưa bao mà việc vui-vẻ đi hết, việc phiền não sinh ra, mù thảm mây sầu, đã trùm kín cả một thôn ấp. Đó là trời ly-hận chăng? Đất tương-tư chăng? Mênh-mang một cõi đất, sinh-ly ở đó, tử-biệt ở đó, cái tấn hoạt-kịch bao phen bi-thảm vén màn ở đó, cũng buông màn ở đó. Cái người buông chèo đến kia, tuy không phải là chủ-ông đất này, mà không thể bảo được là cùng với đất này không duyên, cũng không thể bảo được là cùng với đất này có duyên. Bảo là không duyên thì sao lấy một người tuyệt không cắn kíu, bỗng chốc mây trôi bèo dạt đưa đến đất này, cười trăng cợt gió ở đó đã một năm, ngâm thơ uống rượu ở đó đã một năm. Bảo là có duyên thì sao trong một năm ấy, gặp-gỡ đều những người thất ý, trải qua đều những việc thương tâm, cái tình-hoài quá-khứ, cái hạnh-phúc vị-lai, đến đó đều tiêu-tan về cõi hư không mà chỉ còn khốn-đốn về mọi nỗi thương đau hiện-tại. Lấy một cái thời-kỳ rất ngắn-ngủi trong một năm, mà có một đoạn tình-sử rất phức-tạp như thế, rồi kết-cục thì thành ra một giấc Nam-kha. Vậy thì đất ấy là cái huyễn-cảnh ở trong trời tình vậy. Vào trong huyễn-cảnh ấy sẽ bị cái huyễn-cảnh nó làm mê, thân tâm đều bị huyễn-cảnh nó trói buộc; đến lúc biết rõ cái huyễn-tượng trong ấy, mà muốn nhảy ra ngoài phạm-vi huyễn-cảnh, nhưng khu xác dẫu còn, linh-hồn đã chết, một đời sự-nghiệp, còn có mong chi. Thật lại không bằng người trôi dạt ra chốn đảo hoang, ở vào cái chỗ muôn chết một sống, nhưng hãy còn một dây hy-vọng, chứ không đến nỗi tuyệt hẳn. Mộng-Hà đến đây lần này là một lần cuối, từ đó về sau thì cùng đất này vĩnh-biệt mà không còn có buổi trùng-lai. Hỏi bến mê mà đến, qua bể hận mà về, Mộng-Hà thân thể tuy vẫn không sao, nhưng cái khí-khái, cái bão-phụ lúc ngày xưa thì đã bị ma tình nó cướp sạch đi mà không còn một chút nào nữa. Tiếc thay người ấy, có lẽ cứ như thế mà hết đời ư? Tuy nhiên Mộng-Hà là người đa-tình thực cũng là người chí-tình. Người chí-tình trong thiên-hạ tất không chịu bỏ thân vì mối tình riêng. Vậy thì kết-quả của Mộng-Hà hoặc sẽ có cái việc kinh-nhân chưa thể biết được.

Mộng-Hà đến nơi mới cách khi Lê-nương chết được hai ngày thôi, trong hai ngày ấy lấy đồng-hồ mà tính chả qua có 48 giờ. Thời trời thay đổi không thường mà việc người cũng biến thiên quá chóng. Trong 48 giờ ấy mà trời đã cách năm, người đã cách đời. Nhà họ Thôi cột giường siêu rẹo, nhà cửa quạnh-hưu, người ngoài trông thấy còn phải thương tâm, huống là người lâm cảnh ấy ư? huống là người trong cuộc ấy ư? huống Mộng-Hà là một người đa-tình ư? Gõ cổng thì đôi cánh khép hờ, bên giậu chó nằm thin-thít; vào sân thì bốn bề vắng ngắt, trên cành quạ nhảy lao-sao; cảnh huống thê-lương, cầm lòng sao được, vì thế mà chân phải run-rẩy, mà bước phải rụt-rè. Lên thềm thì ông già đón hỏi, tuôn châu kể lể bệnh-nhân; vào nhà thì con trẻ sụt-sùi, quỳ gối rước mời điếu khách. Mộng-Hà bấy giờ khuyên mình chưa xong lại còn lo khuyên người, viếng sống đã đành lại lấy gì viếng chết? Nghiêng một bầu rượu nhạt, mùi lệ pha chua; đốt mấy nén hương thơm, tro lòng nguội ngắt. Thuốc thừa còn đó, lò đồng trên án vẫn chưa tàn; hồn hỡi đi đâu, xương ngọc trong quan thôi đã lạnh. Kẻ chết ừ đã thế, người sống kia liệu tính làm sao? nỗi hận giấp khôn xong, việc sau đó ngổn-ngang còn lắm, thế-giới nước mắt không phải nơi trường thọ, về đi về đi thôi, chốn này rất không nên ở lâu. Thế nhưng Mộng-Hà hãy còn chưa nỡ vội ra về. Sân không quạnh-quẽ, gió khuya lạnh-lùng, gió thổi vào ngọn cây, cành kêu lắc-rắc, đất hoang một vùng, bia tàn một mảnh, quanh bia thì rêu trùm mấy lượt, quanh mả thì cỏ bọc mấy vùng, phong-cảnh u-tịch, trông không phải là cảnh ở nhân-thế nữa. Bấy giờ đêm đã gần nửa, có một người len-lén đi ra, ngồi trên vùng cỏ mà khóc, khóc rất thảm-thiết. Ôi! ấy là nơi nào? nơi đoạn-trường đấy. Ấy là người nào? chính là cái người tay mở ra cái cảnh-giới đoạn-trường ấy, tay dựng lên cái mốc đá đoạn-trường ấy đó. Mốc ấy thế nào, đề rằng: « Mồ hoa lê. »

Thế thì cái người khóc ấy chính là Mộng-Hà chứ không còn phải nghi ngờ gì. Mộng-Hà từ sau khi chôn hoa, lấy nước mắt mà tưới lên nấm đất này đã không biết là mấy nghìn muôn hộc. Nhưng còn có một người với Mộng-Hà đồng tình, cùng Mộng-Hà góp lệ, người ấy tức là ảnh của hoa. Hồn của hoa, Mộng-Hà chôn cho. Ảnh của hoa nhân cảm sự chôn hoa ấy mà phải khóc, khóc hồn của hoa. lại khóc mình là ảnh của hoa. Ảnh của hoa tức cũng cùng một số với hoa, hồn hoa không bao giờ tỉnh ra, thì ảnh hoa mong gì còn được mãi. Chỉ trong chốc lát mà ảnh hoa hồn hoa, không còn biện nhận, người du hoa du? cũng xuống mồ này. Người khôn hoa kia vì mối thương tâm mà gửi tình ở hoa, tiếc hoa ấy mà khôn kho, không ngờ; từ đó mà cùng hoa thành một mối quan-hệ không sao rứt được. Mồ hương một nấm, hạt nghiệt chót gieo, trước thì khóc hoa một mình, kế thì cùng người cùng khóc, nay thì lại khóc cái người cùng mình vẫn khóc hoa ấy khi xưa. Hồn hoa đi rồi, ảnh hoa mất rồi, khóc hoa để khóc người, lại khóc người để khóc hoa. Hai tầng thương khóc, trồng lại một tầng, đến bấy giờ mà nước mắt của Mộng-Hà phỏng còn lại được bao nữa du! Than ôi! Hoa khá lại mà tươi mà người khôn lại sống, lệ có lúc hết mà hận bao giờ cùng; mà một bộ « Ngọc-Lê Hồn » lấy một trận khóc mở đầu, cũng lại lấy một trận khóc kết cuộc vậy.