Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/30

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI. Qua thăm

CHƯƠNG THỨ BA MƯƠI
Qua thăm

Thiên nhật-ký này nét chữ cũng y như đoạn trên là do tay Mộng-Hà sao ra chứ không phải Quân-Thiến thân viết. Cuối thiên nhật-ký lại có mấy lời của Mộng-Hà phụ biên, cũng xin chép cả ra đây. Hơn vài trăm chữ lơ-thơ, cũng đủ thấy Mộng-Hà chưa từng có hững-hờ với Quân-Thiến vậy:

« Đây là thiên nhật-ký trong khi ốm của vợ tôi, vợ tôi 18 tuổi, chết ngày 17 tháng sáu năm Canh-tuất. Thiên nhật-ký này tuyệt bút ở ngày 14, bởi vì ba ngày sau thì vì bệnh nặng không thể biên chép được nữa. Tôi nghe tin ốm, đến nơi khí chậm, thành ra không kịp cùng vợ tôi cùng nhau quyết-biệt lần cuối cùng. Nghe vợ tôi trong khi ốm, hằng ngày chỉ mong tôi đến, lúc chết cũng còn cứ gọi tên tôi, thiên nhật-ký này là cốt để lại cho tôi đó. Tôi phụ vợ tôi, vợ tôi lại thể lượng lòng tôi, đến chết cũng không có một lời oán trách; sống, tôi không có gì đối với, chết, tôi biết lấy gì yên-úy được đây! Bất-tường thân phận có ra sao, tai vạ gieo cho bạn má đào! một đã là quá mà lại đến hai du? Vợ tôi phải chết là tôi làm chết đó. Tôi hận không thể chết ngay để tạ vợ tôi! Tôi lại sao được không chết để tạ vợ tôi! Đi thôi, đi thôi, sẽ có một ngày. Kẻ chết có hay, thì trong trời ly-hận xin giữ sẵn cho tôi một ghế. »

Tôi đọc thiên nhật-ký của Quân-Thiến, chiền-miên uyển-chuyển, luống thương cho Quân-Thiến vô cùng. Tân-di một gốc, chưa được trận gió đông qua lại, vội gặp cơn mưa nặng tồi-tàn, Quân-Thiến bạc-mệnh cũng giống Lê-nương, nhưng Quân-Thiến gặp-gỡ thì lại còn rủi-ro hơn Lê-nương nữa. Mộng-Hà là tình-chủng mà cũng là tình ma, nhân chung-tình với một người nọ mà lại dáng-díu đến một người kia, tình duyên điên-đảo, nhân-quả ly-kỳ, vì cớ lầm dùng chữ tình mà khiến nên gẫy hai cành ngọc, tàn một giấc vàng, sắt máu gan liều, phong trần nợ rũ, muôn năm dằng-dặc, khối tương-tư dễ đập tan đi; một nấm sè-sè, mối trường hận khôn vùi hết được. Ta cũng kẻ thương tâm, viết một thiên hận-sử, việc dẫu không can cớ, tình như có vấn-vương, ném bút thở dài, nước mắt đã không biết từ đâu đầm-đìa tuôn xuống.

Tôi viết đến đây đã có thể cùng với các ngài cáo biệt được đó. Thế nhưng khách giai-nhân, người tài-tử, kết quả như vậy đã đành, đứa trẻ nọ ông già kia, cận trạng làm sao chưa rõ. Vậy cũng không xét cho suốt hết để thu thập một cuộc cờ tàn. Lương-khê Cầm-thủy, xa cách không bao, tôi sao nỡ tiếc công-phu mấy ngày mà chẳng thử thăm dò một chuyến. Ý tôi đã quyết, bèn thả một chiếc thuyền đi chơi Dung-hồ. Chuyến đi này tôi định trước hết đến thăm Thạch-Si, rồi nhờ Thạch-Si giới-thiệu đến thăm Thôi-ông, thì chắc sẽ được biết những điều mà ý tôi muốn biết. Nhưng chỉ lo không gặp Thạch-Si thì sẽ thất vọng, vì tôi với nhà họ Thôi vốn không có họ hàng gì cả, chả lẽ lại tự nhiên đường-đột đến thăm người ta. May khi đến nơi thì Thạch-Si mới về chưa được mấy ngày, trông thấy tôi có ý bỡ-ngỡ. Tôi cùng Thạch-Si biệt nhau đã 7 năm nay, ngày tháng đổi thay, hình-dung biến cải, trách nào lúc mới gặp không phải lạ-lùng. Rồi mà đón mời vồn-vã, trò-chuyện vầy vui. Thạch-Si nhân hỏi tôi đến có việc gì, Tôi nói: « Tôi đến đây là vì một phong thư của anh gửi cho tôi năm trước. » Thạch-Si lúc đầu như không nhớ ra, nghĩ ngẫm một lát mới nói rằng: « À à, việc tôi nhờ anh, bây giờ thế nào? đã có thể đưa toàn tập cho tôi xem chưa? » Tôi nhân kể cái cớ trước đây gác để. Thạch-Si nín lặng. Rồi tôi chợt hỏi rằng: « Nay người ấy ở đâu? » Thạch-Si nói: « Khi có giặc giã, thì Mộng-Hà về trước tôi nửa tháng, lúc lâm-biệt nói chuyến này có lẽ không về nhà mà sẽ đua sức đi đánh giặc. Từ khi biệt nhau đã một tháng rồi, vẫn chưa biết tin-tức gì cả. Anh không sang chơi thì cũng định thuê thuyền đến chơi nhà hắn để hỏi thăm xem sao. » Tôi nói: « Tung-tích Mộng-Hà tôi đã biết cả. Tôi còn muốn cho anh xem một vật này. » Liền rút quyển sách con trong túi đưa cho Thạch-Si. Thạch-Si xem chưa được vài dòng, kinh-dị mà rằng: « Đây là quyển sách bí-mật của Mộng-Hà, khi trước hắn đã từng cho tôi xem; nay anh lấy được ở đâu thế? » Tôi buồn rầu mà rằng: « Mộng-Hà chết rồi! »

Thạch-Si nghe nói cả kinh, liền gạn hỏi tôi. Tôi đem việc người bạn nói, kể cho Thạch-Si nghe và nói rằng: « Quyển-sách ấy đã qua bể lớn, trải chiến-trường, bạn tôi lại lấy được ở trong chỗ súng rừng đạn mưa, quanh quẩn lại vào đến tay tôi, ai dắt-díu, ai dủi-dun, trong đó có lẽ không phải là không có ý. Đời khiến cho danh tiếng không đến nỗi mai một. Hoặc giả cái người tình-nhân của chàng là Lê-nương, một hương-hồn vẫn thường quanh-quẩn bên cạnh chàng mà xếp đặt nên, khiến cho cái kỳ-tình vĩ-tích của người yêu được nhờ bút mực nhà văn mà truyền bá lại ở nhân-gian, chứ quyết không phải là ngẫu nhiên mà thế. » Thạch-Si nghe nói giật mình thương cảm mà rằng: « Khi hắn biệt tôi, hăng-hái mấy lời, tôi biết là tất sẽ thực hành sở chí. Nay quả liệt-liệt oanh-oanh, lưu huyết mà chết, Mộng-Hà chết như thế, cũng không còn oán hận gì. Mà quyển sách nhỏ này đã lọt vào tay anh, thì vì người chết biểu dương ra, trách-nhiệm ấy hẳn anh không thể chối từ được nữa. Thư trước còn đó, sự tích đủ tìm, nay lại có một cái chết này càng đủ làm cho toàn-thư sinh sắc; chắc anh sẽ vui lòng mà nhận sự ủy cạy của tôi trước kia. » Tôi đáp rằng: « Vâng vâng. »

Rồi mà tôi bảo Thạch-Si rằng: « Tôi còn muốn hỏi, Thôi-ông và Bằng-lang hiện nay vẫn còn được bình-yên chứ? » Thạch-Si buồn rầu mà rằng: « Thôi-ông ư? đã nát xương rồi, nói đến mà càng thương hại quá! Từ sau khi Lê, Quân hai người nối nhau mà mất thì ông cụ ấy cảnh già buồn ngắt, không sao chịu nổi, chẳng bao lâu cũng nhuốm bệnh mà qua đời. Nhà ông ấy họ hàng không có ai, sau khi ông mất, cửa nhà không có người chủ trì, duy có một nhà họ ngoại là Mỗ-thị ở tận vùng xa nghe được tin buồn đến thăm, do mọi người bàn tính đem Bằng-lang gửi nuôi ở nhà Mỗ-thị, gia-sản cũng ủy Mỗ-thị quản-lý hộ, đợi khi Bằng-lang lớn lên lấy vợ sẽ lại trở về mà dựng lại môn đình. Bàn tính đã quyết, Mỗ-thị bèn đem Bằng-lang đi, còn cửa nhà thì thuê hai người đầy tớ ở đó trông coi, may cũng chưa đến nỗi biến thành bãi cỏ. Trong khoảng vài năm, một nhà tàn hủy, trong làng tôi thực chưa có nhà nào mà chết-chóc thảm thương suy bại mau chóng đến như thế. Tưởng anh nghe chuyện cũng không khỏi sinh ra một mối cảm tang-thương. Tôi ngậm-ngùi mà rằng: « Hay dở không thường, thịnh suy có vận, vần đi xoay lại, lý vốn tất nhiên. Người ở hiền lành, trời nào phụ bạc. Nhà họ Thôi còn một đứa trẻ đó, bất quá chỉ độ mười năm nữa thì cái nghiệp trung-hưng của Thiếu-Khang nhà Hạ sẽ thành. » Thạch-Si gật đầu rồi lại bảo tôi rằng: « Anh đã đến đây, vậy có muốn qua thăm cái di-tích chôn hoa của Mộng-Hà không? Tôi sẽ đưa anh đi ». Tôi nói: « Điều đó tôi rất muốn lắm; may ra đến đấy hoặc có tìm được chút hương thừa phấn vãi gì nữa để tô điểm thêm cho đoạn cuối của cuốn truyện ấy thì còn gì hay bằng ».

Mấy trùm liễu úa, một khúc ngòi trong, nhà cũ vài gian, cổng ngăn khóa kín. Bấy giờ vào tiết mạnh-đông, trăm hoa chết lụi, một phiến đất hoang rậm nhớp mắt, quang-cảnh rất là tịch-mịch thê-lương. Thạch-Si bảo tôi rằng: « Đó chính là nhà cũ của họ Thôi đó. Khi Mộng-Hà còn ngụ ở đây, tôi thường đến chơi luôn, nhưng đã tuyệt-tích hơn một năm nay không đến. Cái nhà phía sau kia tức là chỗ người coi nhà ở đấy. Còn đàng cửa trước thì lâu nay đã giao cho ông tướng sắt (khóa) canh giữ, không ai qua lại, chắc là đã mọc cỏ lên rồi ». Vừa đi vừa nói chuyện, chợt đã đến cổng, Thạch-Si dơ tay gõ cổng thình-thình, lúc lâu thấy một mụ già ra mở cổng. Mụ già ấy trông thấy chúng tôi mắt nhìn tròng-trọc không nói gì cả, tựa như rất ngạc-nhiên là khách lạ đột-ngột đến chơi. Kế mới hỏi rằng: « Khách đến chơi có việc gì? Có phải định vào thăm ông chủ cũ họ Thôi chăng? Tiếc rằng khách đến chậm mất một năm, nay nhà ấy đã không có ai nữa ». Thạch-Si nói: « Mụ không biết tôi ư? Mụ già nhìn kỹ Thạch-Si rồi cười mà rằng: « À, ông có phải là Tần công-tử không? Mắt tôi hoa đấy. » Thạch-Si nói cái ý định đến chơi. Mụ bèn dẫn chúng tôi đi vào. Qua một cái vườn nhỏ, giặng thông xanh biếc trông cũng đáng yêu. Quanh-quất đi đến một cái nhà sách, cánh cửa khóa chặt, bụi bậm phủ đầy. Trước cửa có cái sân, sân cũng khá rộng. Cảnh-tượng trong sân rất giống như một nơi cổ-sãi, rêu xanh phủ kín, không hở chỗ nào, vì đã lâu lắm không có vết chân người qua lại. Thạch-Si dẫn tôi đến một chỗ, mặt đất chồi lên thành một cái gò con, ấy tức là chỗ Mộng-Hà chôn hoa đó. Muốn tìm lấy mảnh đá mộ-chí thì đã không thấy, có lẽ vì lâu ngày mà bị sức hút ở tim quả đất hút vào chăng? hay là ai đã cầm về cất đi để giữ làm gạch Tần ngói Hán đó chăng? Không thể biết được. Trên mả cỏ ngắn mọc lăn-tăn, màu cỏ ra chiều cằn-cỗi; dưới gốc cỏ thì những bùn khô kết lại thành vô số những viên nho-nhỏ, phảng-phất như những giọt lệ máu của con người thương tâm. Thăm viếng hồi lâu, loanh-quanh ngắm-nghía, tôi chợt bảo Thạch-Si rằng: « Anh nói dối tôi, trong sân phẳng-lừ, làm gì có những cây Lê-hoa với Tân-di ở đâu? » Thạch-Si nói: « Lạ thay! Những cây ấy trước kia có thật, chẳng hay nay sao cành khô lá héo cũng đều không thấy một tý gì! Có lẽ mỹ-nhân đã trở lại giao-đài, mà mầm thiêng của mỹ-nhân cũng bị thần giữ hoa rổ lên đem về giồng ở trên tiên khuyết rồi chăng? » Nhân gọi mụ già ra hỏi. Mụ nói: « Trước kia ở trong sân nghe nói cũng có hai cây ấy thật. Sau khi Lê phu-nhân chết, cây lê sang xuân liền không ra hoa, Tân-di tuy có ra hoa, nhưng cũng không được như năm trước. Tháng sáu năm ấy Quân cô-nương lại chết, hai cây đều khô héo đi dần, cành lá thướt tha, đã không còn cái vẻ tốt tươi ngày trước. Đến sau khi ông chủ tôi chết, chúng tôi đến đây, thì chỉ thấy hai cái gốc khô, đứng trơ sừng-sững, cành lá đều mất hết cả rồi. » Hỏi cái gốc khô ở đâu thì mụ nói là đã chặt xuống để làm củi. Tôi nói: « Tiếc thay! Đó thực cũng là loài tiên-đồng. Cỏ cây không biết gì mà cũng vì chủ chết theo, ấy chính gọi là tình-chủng đó. Dầu một cái gốc khô của nó cũng rất đủ cho người sau thăm viếng, mụ già ngu tục, nỡ chặt bỏ đi, thực là có hại cho phong-cảnh rất nhiều. Ôi! cái tình-căn đã chết ấy mà cũng không lưu lại được lâu ở thế-gian, không trách những kẻ oán-nữ si-nam, sống chết với tình, thì chỉ trong chớp mắt đã thành ra những nhân-vật ở trong tình-sử. » Tôi và Thạch-Si cùng nhau than thở một hồi lâu.

Tôi lại trỏ cái nhà sách mà hỏi Thạch-Si rằng: « Đó tức là chỗ ngụ của Mộng-Hà phải không? » Thạch-Si nói: « Phải! Năm trước tôi thường cùng Mộng-Hà ngồi chơi trò-chuyện với nhau ở đấy. Còn nhớ mùa thu năm ấy, tôi đến thăm Mộng-Hà, Mộng-Hà lưu tôi ở chơi uống rượu. Uống đến nửa say, Mộng-Hà trỏ cái mồ hoa ở ven sân bảo tôi rằng: « Đó tức là cái hố vùi sầu, cái hang tiêu hồn của tôi đó. Tôi chết nếu được chôn xương ở đấy, thì tấm thân này được bàu-bạn mãi với hồn hoa, dù chết cũng không còn oán hận gì! » Lại trỏ hai cây ở trước sân bảo tôi rằng: « Đó là bạn thân của tôi mà cũng là vợ yêu của tôi đó. Lâm-hòa-Tĩnh ngày xưa lấy hoa Ngọc-lục làm vợ, mà thành ra một câu giai-thoại nghìn thu, nay tôi lại được cả hai cây hoa ấy làm vợ thì Hòa-Tĩnh còn thua cái diệm-phúc của tôi nhiều lắm. » Nói xong cả cười. Lại nói rằng: « Sang năm đến mùa hoa nở, nếu anh về được thì tôi sẽ cùng anh đối hoa uống rượu cho thực say sưa, rồi ta lại rẩy rượu lên hoa để vì hai hoa chúc cho dài tuổi. » Ôi! hay đâu cuộc rượu vừa tàn, việc đời đã biến, người đà vội mất, hoa cũng không còn, để lại một cái cảnh địa thương tâm chiếu vào trong gương mắt của tôi, tình dài duyên ngắn, nhà gần người xa, nhớ bạn đau lòng, khóc hoa ráo lệ, tôi thể nào mà kham nổi cái nông nỗi ấy; từ đây về sau thôi cũng chẳng còn dám lại bước chân đến chốn này. Thạch-Si vừa nói, nước mắt tuôn xuống ròng-ròng. Tôi đến bấy giờ cũng đối cảnh não-nùng, lòng trăm mối cảm, không còn biết lấy lời gì mà khuyên giải cho Mộng-Hà được nữa.

Thạch-Si lại bảo mụ già mở cửa phòng sách, cùng tôi đều vào. Thời thấy bụi bậm đầy đất, bàn ghế tinh không, những phiến mặt kính ở trên song, phiến nào vỡ thì vỡ, phiến nào không vỡ thì cũng bị bụi phủ đầy, không còn cái bản-chất sáng-sủa nữa. Thạch-Si nhất-nhất trỏ bảo cho tôi: Đây là chỗ Mộng-Hà kê giường, kia là chỗ Mộng-Hà đặt án, nọ là chỗ tôi cùng Mộng-Hà ngồi uống rượu. Bốn bề vách đứng, chẳng có vật gì, chỉ bên trong cánh cửa có một đống giấy loại lù-lù, Thạch-Si đến bới ra lục soát. Trong nhà ấy không-khí vẫn đục, rất chó đứng lâu, tôi gọi Thạch-Si mà rằng: « Thôi đi ra thôi, trong này không thể ở lâu được. » Thạch-Si chợt kiểm được một mảnh giấy, hý-hửng bảo tôi rằng: « Này anh thử xem cái tro thừa ở trong trời tình sau trận kiếp hôi. Tôi giở ra xem thì thấy có hai bài thơ.

I — Non nước Đào-nguyên lạc lối vào,
      Mơ-màng thôi cũng giấc chiêm-bao;
      Đoạn-trường xót lẽ người chung hội,
      Nhân-quả ba sinh những thế nào?

II — Sầu vùi giận lấp thuở nào thôi!
       Thấm áo bao lần iọt lụy rơi;
       Chìm đắm theo nhau cùng một chuyến,
       Mông-mênh bể thảm sóng tung trời.


HẾT



in tại nhà In Tân-Dân Thư-Quán. — Hanoi.