Ngọn cỏ gió đùa/Quyển thứ ba/(10)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Trời mưa mới tạnh, đường sá trơn-trợt bẩy-lầy; cây cỏ loi-ngoi lót-ngót. Bên hướng tây mặt trời ngó ra, chiếu nắng xuống mấy tàu lá chuối ướt, rồi nước động trên tàu chuối dọi lại, nên chớp nhán[1] coi sáng ngời. Ở ngoài đồng ngọn gió thổi lai-rai, đưa đẩy mấy chòm lau bóng giũ phất phơ, cộng ngã oặc-òa uặc-oại. Con cò ngà đậu trên nhánh bần rạch, sè cánh ra phơi; vịt xiêm[2] mái lội xuống mé đường mương kêu con đi rút tép.

Lý-ánh-Nguyệt ngồi chồm hổm dựa cửa, ngó ra trước sân, mặt mày buồn hiu. Con Thu-Vân bước lẩm đẩm trong nhà, chạy vịn sau lưng, miệng cười hịt-hạt.

Ngoài sân nước mưa còn đọng vũng; trong bụi chàng-hiu nhảy lom-xom. Mấy đám rau đắng đóng mọc tàn lan[3] sát cửa gốc ngập xấp-xấp, lá ướt loi-ngoi. Mấy về rong-rêu đóng theo đường vô nhà, chỗ thấy xanh vờn, chỗ coi láng mướt.

Ánh-Nguyệt ngồi ngó mấy đám rau đắng, thì tủi phận mình chẳng khác chi rau cỏ kia, thân dãi-dầu mưa nắng mà chưa hề nếm được chút ngọt bùi, rồi nàng ngó lại mấy về rong-rêu, càng phiền não trong lòng, giận người giả dối bạc đen, để cho mình đeo sầu, làm cho mình mang nhục, ở trong nhà tức tủi đêm ngày, ra ngoài đường hổ ngươi cùng thiên hạ.

Con Thu-Vân đeo sau lưng kêu "má, má"; nàng ngoái đầu ngó lại, con cười mà mẹ lụy ứa rưng-rưng.

Con Thu-Vân nay đã gần giáp hai đôi-tôi[4] rồi, coi thiệt là ngộ-nghĩnh, môi đỏ lòm như thoa son, mắt sáng ngời như sao đóng, nước da mỏng mà trắng nõn, cườm tay nhỏ mà no tròn, diện mạo giống hịch Từ-Hải-Yến như khuôn đúc.

Ánh-Nguyệt một tay vịn con, còn một tay thì lấy vạt áo lau nước mắt rồi ôm con vào lòng mà hun. Thình-lình có dạng một người đàn bà ở xa xa đi lại gần tới cửa, Ánh-Nguyệt lật đật đứng dậy bồng con đi vô, dường như trốn tránh, không dám để cho thiên-hạ thấy mặt.

Tấm vách xông hư đổ xịt-xạt, nên nắng ở ngoài dọi vô nhà, vẽ mấy khóm vàng-vàng. Lá sấp nóc tốc bay tan-hoang nên lọt giột mưa làm khuyết bẩy một đường ướt nhẹp. Ánh-Nguyệt bồng con đi thẳng vô nhà sau, rồi leo lên võng mà nằm. Phía sau gió thổi đánh lá mái nhà nghe lạch xạch, đằng xóm heo kêu đòi ăn tiếng ột-ẹt vang rân.

Con Thu-Vân nằm trên võng với mẹ, cứ đỏ-đẻ nói chuyện hoài. Ánh-Nguyệt thương con mà ít dám ngó con, vì hễ ngó một hồi thì nước mắt ở đâu cuồn-cuộn chảy ra, khó cầm cho được. Thình-lình con Thu-Vân chờn-vờn ngồi vỗ tay trên ngực nó mà hỏi rằng: "Cha đi đâu má?"

Chết chưa! Làm sao mà trả lời!

Từ ngày con Thu-Vân biết đi biết nói thì Ánh-Nguyệt tập nó nói đủ hết, nhưng mà chẳng hề dám dạy nó nói "cha", vì tiếng ấy hễ nói tới thì tức-tủi đau đớn lòng nàng, nên nàng dạy không được. Vì cớ nào bữa nay con Thu-Vân lại biết nói tiếng "cha", mà lại còn hỏi "cha đi đâu?"

Ánh-Nguyệt làm lơ day mặt chỗ khác như không nghe. Thu-Vân kêu hỏi nữa. Nàng không thế không trả lời được; mà trả lời bây giờ biết nói làm sao với con? Hải-Yến bạc bẽo đáng giận thiệt song Thu-Vân là con nít thơ ngây chưa có trí khôn, mình có nên tập lần đặng ghi cái sự oán cha nó vào trong trí nó hay không? Con oán cha là một tội đại ác, dầu mình hờn Hải-Yến, song mình không nên xúi con mang tội đại ác với đời. Vậy mình chẳng khá tỏ lòng hờn của mình cho con biết làm chi. Mà bây giờ nếu mình giấu-giếm, hoặc kiếm chuyện nói dối với con, thì là trái với sự thiệt, nên mình cũng không nỡ làm. Cha chả là khó! Con nhỏ thiệt là tệ! Ai xui khiến nó hỏi cắc cớ chi lắm vậy không biết! Nàng đương suy nghĩ, con Thu-Vân lại hỏi nữa. Nàng cùng thế, nên lau nước mắt và thở dài mà đáp rằng:

- Cha con đi khỏi.

- Ði đâu, má?

Trời ơi! Biết nói đi đâu bây giờ! Ánh-Nguyệt chảy nước mắt dầm-dề, song nàng gắng gượng mà nói giọng rất bi thảm rằng: "Về An-Giang".

Thu-Vân ngước mắt ngó mẹ trân-trân một hồi rồi hỏi rằng: "Sao mẹ khóc?"

Ánh-Nguyệt lấy vạt áo đậy mặt, hết trả lời với con nữa được. Chẳng hiểu con Thu-Vân vì thấy mẹ như vậy mà nó buồn, hay là vì nó ăn-năn mấy lời nó mới hỏi đó, mà nó ngó dáo dác một hồi rồi nằm ngửa trên võng, nhắm riết hai con mắt lại, cách chẳng bao lâu nó ngoẻo đầu ngủ khò.

Ánh-Nguyệt nghe con hỏi cha, thì nàng tức-tủi đau-đớn, mà vì thương yêu con, nàng không muốn khóc, bởi vậy nàng ấm-ức trong lòng, không khóc mà thở hơi nghe khì-khịt, không giận mà ngực nhảy coi xoi-xói. Chừng nàng nghe con nằm im lìm, nàng dở áo mở mắt ra mà dòm, thì con đã ngủ lâu rồi. Nàng chống tay ngồi dậy, sửa con nằm lại cho ngay-ngắn rồi nhẹ-nhẹ lén bước xuống đi lấy nồi vo gạo nấu cơm chiều.

Cơm cạn rồi, nàng ra trước sân ngắt ít ngọn rau đắng đặng luộc mà chấm mắm. Mặt trời đã chen lặn. Ráng chiều ửng đỏ nhuộm cỏ cây một màu vàng-vàng. Ánh-Nguyệt lum-khum hái rau, bị ráng dọi nên da mặt trắng mà ửng hồng-hồng.

Năm nay nàng mới vừa 25 tuổi, mà vì lắm dày bừa gió bụi, rồi lại nặng mang niềm thảm sầu, bởi vậy tóc nàng đã thưa, thân nàng đã ốm, gò má nàng đã thỏn, da mặt nàng lại dùn làm cho có hai lằn nhỏ-nhỏ trên trán. Tuy nhan sắc nàng mười phần kém hơn xưa hết hai ba phần, nhưng mà nếu ngó cho kỹ thì thấy gương mặt nàng có vẻ nghiêm-trang tề chỉnh hơn, vóc vạc có tướng dịu-dàng dung-dảy hơn.

Nàng hái rau mà mắt ngó chừng ra ngoài đường hoài, hễ thấy dạng ai đi gần tới thì nàng cúi đầu xây lưng, không muốn cho họ thấy mặt. Lòng sầu não đã chịu không được rồi, mà mặt lại hổ ngươi không thể tỏ nỗi niềm tâm sự của mình cho ai biết, đau-đớn nầy nghĩ thử coi còn có đau-đớn nào bằng!

Cơm chín rau luột rồi, thì trời đã tối mò. Nàng sập cửa đốt đèn rồi vô võng phá con thức dậy bồng ra để ngồi trong lòng mà đút cơm. Hễ nàng đút cho con một miếng thì nàng và một miếng, mà phần con thì con ăn coi ngon lành, còn phần nàng thì nàng ngồi chống đũa nhai hoài dường như nhai đất nhai bùn, nuốt không qua khỏi cổ. Nàng ngẩn-ngơ quên lửng thế sự đến nỗi con Thu-Vân nuốt hết cơm rồi, phải hả miệng đòi đút cơm nàng mới nhớ mà đút cho nó một miếng cơm khác.

Cơn nước xong rồi, Ánh-Nguyệt mới gài cửa tắt đèn bồng con vô buồng mà vỗ ngủ. Ngoài sân vắng-vẻ, trong nhà tối mò. Ánh-Nguyệt ôm con nằm lim-dim, nhớ mấy lời con hỏi hồi chiều thì lòng càng thêm chua xót. Người sao mà tệ lắm vậy! Ðã thông thuộc năm kinh ba truyện, hễ mở miệng ra thì nói luân lý cang thường mà sao sở học với sở hành lại khác nhau, nỡ quên câu sách "Tào khang chi thê bất khả hạ đường", để cho phận gái liễu bồ nhục nhã không dám trở về cố hương, mà lại còn đành bỏ con thơ bơ-vơ không biết cha là ai nên phải hỏi. Thói đời giả dối, càng nghĩ càng thêm phiền; lòng người bạc đen, càng nhớ càng thêm giận. Ối thôi, ấy cũng là tại mạng số mình vô duyên nên khiến cho mình phải chịu đau lòng hổ mặt, dầu bây giờ mình có than trời trách người cho lắm đi nữa thì cũng đã muộn rồi. Bởi tại mình vội tin người, nên mình mới bị người gạt-gẫm. Bây giờ mình có con thì mình phải lo nuôi nó, chớ ngồi mà khoanh tay mà rầu hoài đặng bỏ con chết hay sao. Vậy người ta bỏ mình thì mình phải rán mà lo cho thân phận mình, đừng thèm nhớ tới người vô tình bạc bẽo nữa. Mình phải lăn-lóc rán nuôi con cho nó khôn lớn, nó không có cha thì mình thế làm cha mà dạy nó học. Mình kể như cha nó đã chết rồi, đừng thèm tưởng tới làm chi. Mấy năm nay vì con còn nhỏ, mình mắc cho bú, mắc dỗ ngủ, không đi buôn gánh bán bưng được, nên 5 nén bạc đã tiêu mòn gần hết 3 nén rồi. Nay con đã thôi bú, vậy mình phải tính bề mà nuôi miệng nuôi con, chớ nếu ở không hoài chừng tiêu hết mấy nén bạc rồi thì mẹ con làm sao mà sống được.

Ánh-Nguyệt suy nghĩ tới đó rồi lại tính tầm rằng: "Bữa nay là 18 tháng 5, ngày 20 mình bồng con qua viếng ông ngoại nó một bữa rồi sẽ tính phương buôn bán làm ăn".

Nàng còn đương bàn-hoàn suy tính, bỗng nghe ngoài đường có tiếng đông người đi ngang qua cửa, nói chuyện lào-xào, động đất thịch-thịch. Nàng ngóc đầu ngồi dậy dòm ra cửa, có ý lóng tai nghe coi canh khuya rồi mà người ta còn đi đâu.

Trăng đã mọc lên cao. Cửa lá thưa-thớt nên yếng mặt trăng rọi vô nhà thấy mờ-mờ. Dế trốn dưới chơn giường gáy tiếng xè-xè; dơi đáp trên nhành ổi đập cánh xạch-xạch.

Cách chẳng bao lâu, lại nghe có tiếng người đi ngang qua nhà nữa, mà lần nầy số lại đông hơn, nên đi nghe rần-rần. Ánh-Nguyệt lấy làm kỳ, song nàng không muốn cang dự đến việc của người, nên nàng không để ý đến.

Nàng nằm xuống, day qua hun con hai ba cái rồi nói một mình rằng: "Mẹ kiếp nó, mới vừa biết nói thì hỏi thăm cha! Ðồ nó là đồ bạc, con hỏi đến nó làm chi, con? Chớ phải mà nó biết thương con, thì có đâu mẹ con mình bơ-vơ như vầy. Vì nó mà má chịu tiếng đời cười chê, vì nó mà mấy năm nay má đau lòng cực trí. Con có thương má thì cứ biết một mình má đây mà thôi, đừng có thèm hỏi ai nữa hết. Mẹ con mình hẩm hút nuôi nhau cũng xong, vái trời cho mẹ con mình mạnh giỏi thì thôi, cha con nó giàu sang thì nó nhờ, con đừng có trông nhờ cậy nó. Nó không biết thương má, thì nó thương con bao giờ. Dầu ngày sau con khôn lớn rồi cha con có tìm con, thì con cũng đừng thèm nhìn, nghe hôn con".

Vì là vậy nóc nhà bị giông gió tốc làm trống lổng một đường, nên mặt trăng dọi xuống giường sáng hoắt. Ánh-Nguyệt nựng con nói tầm phào. Thu-Vân đương ngon giấc mà nó lại nhích miệng cười, dường như nó chịu lãnh mấy lời nhỏ to của mẹ nó dặn.

Ánh-Nguyệt hả hơi chút đỉnh được thì nhẹ lòng thỏa dạ, mới tính nhắm mắt mà ngủ, không thèm buồn rầu lo tính việc chi nữa. Nàng nằm mơ-màng, cách chẳng bao lâu, bỗng nghe trong thành tiếng la vang-vầy, tiếng trống hồi inh-ỏi. Nàng giựt mình, lồm cồm ngồi dậy lóng tai mà nghe.

Ngoài đường thiên hạ chạy rần-rần, nàng không hiểu có việc chi, nên lén con bước xuống đất, rồi lần ra mở hé cửa mà dòm. Ðường sá ướt-át, mà mặt trăng tỏ rạng soi cảnh vật thấy rõ ràng. Ánh-Nguyệt ngó thấy có một tốp đông người ở phía trong thành chạy ra, không hiểu tại họ mệt hay họ sợ, mà người nào người nấy đều thở hào hển. Chừng họ chạy ngang qua nhà, Ánh-Nguyệt muốn kêu hỏi thăm, mà chưa kịp hỏi, bỗng có một người trong đám ấy kêu lớn rằng: "Hai a! Bớ Hai! Cháu thức hay là ngủ đó cháu?"

Ánh-Nguyệt biết tiếng ông ba Cửu là người ở gần, nàng không còn ái ngại chi hết, nên vùng dở cửa chun ra và nói rằng: "Dạ, cháu thức đây. Bác kêu chi vậy bác? Có việc chi mà trong thành nổi trống quân …"

Nàng nói chưa dứt câu, thì ông ba Cửu nói tiếp rằng: "Có giặc! Có giặc! Chạy trốn đi cho mau, kẻo chết bây giờ". Nàng nghe mấy lời thì kinh tâm thất sắc, bủn rủn tay chơn, muốn hỏi nữa, mà ông ba Cửu đã chạy xa rồi, nàng hỏi không kịp. Nàng chắc lưỡi nói có ba tiếng: "Trời đất ôi!", rồi dở cửa chun vô nhà hai tay xốc bồng lấy con mà chạy ra ngoài sân nữa.

Lúc ấy thiên-hạ chạy tới càng đông hơn nữa: kẻ mang gói, người cỏng con, kẻ dắt cha, người dắt vợ, ông già lụm-cụm trợt té bò càn, con nít lao-nhao sợ khóc thút-thít. Ánh-Nguyệt thấy vậy càng thêm kinh hãi, nên bồng con nhập vào đám đông mà chạy theo họ, không biết chạy đi đâu, không kịp đem vật chi theo hết.

*

* *

Người đời nay ai nghe nói "Giặc Khôi" thì cũng tưởng là giặc chòm giặc khóm, tùng tam tụ ngũ rồi nổi lên đặng cướp giựt của lương dân, hoặc khuấy rối trong thôn xã. Có người không rõ căn nguyên lại khinh khi Lê-văn-Khôi đến nỗi con hư thì mắng nó là đồ "Ngụy Khôi đầu thai" coi Khôi như người nghịch của mình, tưởng Khôi là một tên đê tiện.

Ðã biết người viết tiểu-thuyết không nên giành nghề với người chép sử ký. Nhưng vì giặc Khôi có can thiệp với những người thuộc trong bộ tiểu-thuyết nầy, bởi vậy dầu không muốn cũng nhắc sơ truyện giặc Khôi cho độc giả dễ hiểu.

Ai có đọc Việt-Nam sử-ký thì cũng đều biết, lúc gần hết thập bát thế kỷ chúa Nguyễn bị binh Tây-Sơn thâu đoạt giang san; Ðịnh-vương với Ðông-cung đều bị Nguyễn-Huệ và Nguyễn-Lữ bắt giết hết. Nguyễn-phước-Ánh, là cháu Ðịnh-vương, chiêu mộ anh hùng, viện binh Pháp-quốc, xung đột với Tây-Sơn trót 24 năm. Ðến năm tân-dậu (1801) Nguyễn-phước-Ánh mới lấy đô-thành Phú-Xuân (Huế) lại được rồi qua năm sau lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia-Long.

Tuy vua Gia-Long có cậy sức ngoại bang giúp, song ngài thâu phục cơ phục nghiệp của chúa Nguyễn lại được, nhứt là thống nhứt sơn hà từ Nam chí Bắc, thiệt phần nhiều là nhờ công lao tài cáng của các đứng anh-hùng nghĩa-sĩ trong nước là mấy ông: Ðỗ-thanh-Nhơn, Châu-văn-Tiếp, Tôn-thất-Hội, Võ-Tánh, Nguyễn-huỳnh-Ðức, Nguyễn-văn-Thành, Lê-văn-Duyệt, Lê-Chất, Nguyễn-văn-Trương, Võ-duy-Nguy v.v.

Vua Gia-Long trị vì được 18 năm. Lúc ngài gần băng thì những vị khai quốc công thần lần hồi đã chết hết rồi, duy còn có một ông Tả-Quân Lê-văn-Duyệt, đương làm chức Nam-thành Tổng-trấn mà thôi. Ngài mới triệu quan Tả-Quân về kinh mà thương nghị việc lập hoàng Thái tử để nối ngôi cho ngài. Ngài tỏ ý muốn lập ông Hoàng-Ðảm. Ông Lê-văn-Duyệt không vừa lòng, ông muốn lập con của Ðông-Cung Cảnh, nên ông tâu rằng: "Ðích tôn thừa trọng". Vua phán rằng con của Ðông-Cung Cảnh còn nhỏ, không thế cầm quyền cả được, mà ông Hoàng-Ðảm thì lớn tuổi, lại tư chất thông minh, ham học, hay làm, nên vua không nghe lời Tả-Quân, nhứt định lập ông Hoàng-Ðảm.

Ông Lê-văn-Duyệt không dám cải, song ý ông không vui. Vua sợ ngày sau ông không phục ông Hoàng-Ðảm rồi sanh rối, nên phải bắt ông Hoàng-Ðảm làm con nuôi ông Lê-văn-Duyệt.

Ðến năm kỷ mão (1819) vua Gia-Long băng. Ông Lê-văn-Duyệt hay tin lật đật về kinh mà chịu tang. Song về triều ông không thèm yết-kiến Ðông-Cung, làm cho Ðông-Cung phải cà rà trước cung Thái-Hậu mà chờ chực. Vì ông không dám cãi di-chiếu nên cực chẳng đã ông phải tôn Ðông-Cung Ðảm lên ngôi, xưng hiệu là Minh-Mạng, nhưng mà tôn vương rồi, thì ông bỏ đi Gia-Ðịnh liền, không chịu chầu vua.

Ông Lê-văn-Duyệt đả không phục vua Minh-Mạng rồi, mà đến chừng ông hay tin vua hãm hại vợ con của Ðông-Cung Cảnh, thì ông càng bất bình, không thèm kể triều đình nữa. Ở trong Gia-Ðịnh ông hoành hành, muốn làm việc gì tự ý ông định, không cần tâu cho vua hay. Ông cho tàu ngoại quốc vô ra buôn bán thong-thả, ông cho phép mấy linh-mục đi truyền đạo Thiên-Chúa, ông sai sứ qua giao-hảo với Miến-Ðiện, ông lãng bảo-hộ nước Cao-Mên, ông phá rừng lấy cây đóng chiến thuyền, ông bắt dân đào kinh Vĩnh-Tế, rồi tích trử lương thực tính đi đánh Xiêm-La, làm cho vua Xiêm sợ phải đem lễ vật tấn cống.

Vua muốn rõ việc hành tàng của ông, mới sai Huỳnh-công-Lý là cha của vị vương-phi, vào lãnh chức Nam-Thàng Ký-lục để thám dọ tình hình. Lúc ấy trong Gia-Ðịnh chưa phân tỉnh, nên trên thì chức Tổng-Trấn, dưới thì chức Ký-lục coi việc thâu thuế, điền lính. Huỳnh-công-Lý, là cha của một vị vương-phi, vào lãnh chức Nam-thành Ký-lục để thám dọ tình hình. Huỳnh-công-Lý ỷ thế cha vợ vua không ai dám làm tội, nên hà khắc nhơn dân. Ông Lê-văn-Duyệt bắt hạ ngục rồi chạy sớ về kinh cho triều đình định tôi. Ông Lê-văn-Duyệt biết trước hễ giải về kinh thì vua tha, bởi vậy ông chém Huỳnh-công-Lý rồi gởi cái đầu về Huế.

Vua Minh-Mạng nghĩ công khai quốc, lại vị tình thượng phụ, nên trót mấy năm trường quan tả quân khinh dể triều đình thái thậm, nhưng mà ngài cứ dằn lòng mà chịu, không nỡ bắt tội. Ðến chừng chém tới Huỳnh-công-Lý thì ngài giận quá, ngài mới trù hoạch kế sách mà trừ quan Tả-Quân. Cái kế sai người vào Nam-Thành ăn cắp ấn của tổng trấn là kế hay lắm, rủi thay thằng ăn trộm bị bắt nên lậu mưu, hết làm chi được. Mà quan Tả-Quân thiệt cũng là một đứng trí lược ít ai bì kịp. Các quan xin tra vấn thằng ăn trộm coi ai xuối nó đi ăn cắp như vậy. Quan Tả-Quân nói rằng: "Tra vấn làm gì? Nó khai ra càng thêm xấu chớ có ích lợi chi đó. Ðem chém phứt đi". Các quan phải vưng lịnh chém liền.

Bởi các cớ bày giải trước đó nên vua Minh-Mạng không ưa quan Tả-Quân, mà quan Tả-Quân cũng không ưa vua Minh-Mạng.

Ðến ngày 30 tháng 7 năm nhâm-thìn (1832), quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt mất lộc. Vua liền bãi chức Nam-Thành-Tổng-Trấn, chia đất Gia-Ðịnh ra làm sáu tỉnh và đặt chức Tổng-Ðốc, Tuần-Phủ, Bố-Chánh, Án-Sát, Lãnh-Binh để cai trị mỗi tỉnh.

Thành Gia-Ðịnh thuộc vào tỉnh Phan-Yên. Vua sai ông Nguyễn-văn-Quế làm Tổng-Ðốc, ông Bạch-xuân-Nguyên làm Bố-Chánh, ông Nguyễn-chương-Ðạt làm Án-Sát.

Vã Bạch-xuân-Nguyên ngày trước có giúp việc với quan Tả-Quân, nhơn vì có tánh tham-lam gián tà, nên quan Tả-Quân cách chức đuổi về kinh. Anh ta về Huế lập mưu thiết kế thế nào không biết, mà triều đình lại trọng dụng, rồi chừng nghe tin quan Tả-Quân mất, vua lại phong tới chức Bố-Chánh tỉnh Phan-Yên và giao mật chỉ dạy vào tra xét các việc riêng của quan Tả-Quân làm khi ngài còn sanh tiền.

Bạch-xuân-Nguyên vừa tới Gia-Ðịnh thì tra xét lăng-xăng, đòi hỏi chứng cớ, bắt những người thủ-hạ và người tâm phúc của quan Tả-Quân mà hạ ngục hết thảy.

Vã quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt là một vị khai-quốc công-thần, trót 15 năm trời trải nắng dầm mưa, xông tên lướt đạn mà giúp vua Gia-Long thâu phục giang sơn cũ.

Ðã vậy mà ngài làm chức Tổng-Trấn đất Gia-Ðịnh gần 20 năm, thi ân bố đức, chánh trực công bình, trong sạch, kẻ tà khiếp oai, ngoài lân bang nễ mặt, bởi vậy từ quan chí dân chẳng ai mà chẳng kính phục yêu mến. Nay ngài vừa mới mất mà Bạch-xuân-Nguyên muốn làm nhục thinh danh phẩm giá của ngài, nên kiếm chuyện tra xét, bởi vậy ai nghe cũng đều tức giận, mà nhứt là bọn thủ-hạ của ngài lấy làm oán trách, ứa mật sôi gan không thế dằn được.

Trong đám thủ hạ có Lê-văn-Khôi là người võ nghệ cao cường, làm quan tới chức Phó-vệ-úy, mà cũng bị Bạch-xuân-Nguyên bắt giam vào ngục nữa. Khôi là nguời gốc ở tỉnh Cao-Bằng, ngoài Bắc-Kỳ thiệt tên là Nguyễn-hữu-Khôi. Vì ngày trước anh ta dấy binh làm loạn, bị quan quân đánh đuổi, anh ta yếu thế cự không lại, mới chạy vào Thanh-Hoá, may gặp quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt, anh ta ra xin đầu thú. Quan Tả-Quân thấy Khôi có tài, bèn xin với vua Gia-Long tha tội, rồi ngài nhận làm con nuôi, đổi họ lại mà kêu là Lê-văn-Khôi, và đem về Gia-Ðịnh tin dùng, cho làm quan lần lần phong đến chức Phó vệ-úy.

Lê-văn-Khôi bị Bạch-xuân-Nguyên bắt giam trong ngục, chẳng phải là sợ tội nên kiếm thế thoát thân, ấy là vì giận Triều đình vội quên công lao của đứng khai-quốc đại thần, đã không kính trọng bực tiền hiền, lại còn dám cả gan kiếm chuyện làm nhục. Khôi hỏi những người trong ngục vậy chớ ai dám lấy máu mà rửa hờn cho quan Tả-Quân hay không? Chẳng những bọn thủ-hạ của quan Tả-Quân mà thôi, thậm chí lính coi ngục phần nhiều cũng tình nguyện theo Khôi, quyết ra sức anh-hùng đặng trừng trị kẻ vong ân bội nghĩa.

Lê-văn-Khôi thấy dân tâm dường ấy lấy làm đắc chí, nên khắc kỳ[5] rồi đến đêm 18 tháng 5 năm quí-tị (1833) mới giựt khí giái[6] phá cửa khám dắt nhau ra hết. Khôi cầm đầu kéo dân đi riết lại vây dinh quan Bố-Chánh Bạch-xuân-Nguyên, quyết bắt giết mà rửa hờn. Bạch-xuân-Nguyên kinh hãi bỏ chạy ra ngoài trốn. Khôi kiếm không được thì giận quá, nên bắt giết hến cả nhà Bạch-xuân-Nguyên.

Khôi lại nghi cho Bạch-xuân-Nguyên chạy qua dinh quan Tổng-Ðốc, bèn kéo quân qua đó mà kiếm nữa.

Quan Tổng-Ðốc Nguyễn-văn-Quế nghe quân báo rằng Lê-văn-Khôi muốn làm dữ nên vây quan Bố-Chánh, thì ngài lật-đật đem quân đến cứu. Ði nửa đường gặp bọn Lê-văn-Khôi kéo qua. Khôi lầm tưởng quan Tổng-Ðốc là Bạch-xuân-Nguyên, nên xốc tới đánh giết quan Tổng-Ðốc với bọn tùy tùng không còn sót một người.

Người ở trong thành thảy đều kinh hãi; bực quan lại sợ Khôi không dung, nên chạy trốn chẳng nói làm chi, thậm chí bực bình dân chẳng hề dám binh ai bỏ ai. Mà thấy quan Tổng-Ðốc bị giết cũng sợ liên lụy, nên dắt vợ cõng con kéo nhau mà chạy.

Ông ba Cửu kêu Lý-ánh-Nguyệt mà biểu chạy đó là chạy giặc nầy, giặc Lê-văn-Khôi rửa nhục cho quan Tả-Quân. Giặc anh-hùng vì ân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên, chớ không phải là muốn cướp giựt của lương-dân, hay là muốn khuấy rối trong xã-hội.

Lê-văn-Khôi phá ngục mà ra, sơ tâm quyết giết cho được Bạch-xuân-Nguyên mà rửa hờn cho Tả-Quân chớ không phải muốn sát hại Nguyễn-văn-Quế. Ðến chừng giết lỡ quan Tổng-Ðốc rồi biết mình giết lầm, bề nào cũng chẳng khỏi tôi bội phản, nên phải làm luôn, truyền cho người trong đảng tìm mà bắt cho được Bạch-xuân-Nguyên, đừng để cho nó thoát về kinh.

Dân đáo soát, đến sáng mới gặp Bạch-xuân-Nguyên đương ngồi chồm-hổm tay chơn run lập cập, trong đám bắp ở phía sau đình, bèn bắt trói đem nạp cho Khôi. Còn quan Án-Sát với quan Lãnh-Binh thấy binh lính phần nhiều đều theo Khôi hết thảy, thế Khôi mạnh mẽ không dám chống cự, nên trà trộn với dân thoát khỏi thành rồi trốn đi mất.

Khôi thấy mặt Bạch-xuân-Nguyên thì lửa giận phừng phừng, mà rồi thấy Nguyên run-rẩy sợ chết, thì lấy làm khinh bỉ, không thèm mắng nhiếc chi hết, cứ biểu nấu sáp rồi bắt Bạch-xuân-Nguyên lăng đèn đem để tế Tả-Quân.

Tế lễ xong rồi, Khôi mới hội chư tướng mà thương nghị việc thâu phục 6 tỉnh và việc ngăn đón binh triều. Chư tướng đồng cử Lê-văn-Khôi làm Ðại-Nguyên-Soái. Khôi nhận chức, mới sắp đặt binh cơ, phong cao:

Thái-công-Triều với Lê-đắc-Lực quản trung quân, Nguyễn-văn-Ðà với Nguyễn-văn-Tông quản tiền quân, Dương-văn-Nhã với Huỳnh-Nghĩa-Thơ quản tả quân, Võ-vĩnh-Tiền với Võ-vĩnh-Tài quản hữu quân, Võ-vĩnh-Lộc với Nguyễn-văn-Bột quản hậu quân, Lưu-Tín với Trần-văn-Tha quản thủy quân, Nguyễn-văn-Tâm với Nguyễn-văn-Chơn quản tượng quân.

Ðại-Nguyên-Soái Lê-văn-Khôi lại đặt đủ quan văn để chuyên việc cai trị, tổ chức rành rẽ như một triều đình ở trong đất Gia-Ðịnh. Sắp đặt an bài rồi, Khôi mới sai Thái-công-Triều dẫn binh đi thâu phục các tỉnh. Trong 6 tỉnh ai cũng mến đức quan Tả-Quân, mà ai cũng biết Lê-văn-Khôi, nên Thái-công-Triều đi đến chỗ nào quan sở tại cũng qui thuận, chẳng ai chống cự, bởi vậy Lê-văn-Khôi lãnh chức Ðại-Nguyên-Soái mới một tháng thì 6 tỉnh trong đất Gia-Dịnh đều thuộc về trong tay hết.

Triều-đình được tin Lê-văn-Khôi giết quan trấn Gia-Ðịnh rồi điều binh khiển tướng thâu phục các tỉnh, thì sợ nếu để diên trì, thế Khôi càng thêm mạnh, ắt khó mà trừ được, bởi vậy vua Minh-Mạng liền sai Tống-phước-Lương làm Thảo-nghịch tả-tướng-quân, có Nguyễn-Xuân làm Tham-tán và sai Phan-văn-Túy là Thảo-nghịch hữu-tướng-quân, có Trương-minh-Giảng làm Tham-tán, hiệp với Bình-khấu tướng-quân Trần-văn-Năng, rồi người lãnh thủa-binh, người lãnh bộ-binh, người lãnh tượng-binh, kéo vào đánh Lê-văn-Khôi mà thâu đất Gia-Ðịnh lại.

Lê-văn-Khôi biết trước hễ mình độc lập thế nào triều-đình cũng không nhịn, nhưng mà đến chừng nghe binh triều sắp kéo vô thì trong lòng có hơi lo, bởi vậy mới sai người đi các tỉnh chiêu tập những nghĩa-sĩ anh hùng để làm trảo nha[7] mà chống cự với binh triều.

*

* *

Dựa mé sông Vũng-Gù, thuộc trong phủ Tân-An, tỉnh Ðịnh-Tường, có một xóm không đông cho lắm, đếm hết thảy được có chín cái nhà, mà ở giữa xóm có một tòa nhà lớn tốt hơn hết, ở trong làng người ta kêu là nhà ông Chấn.

Nhà ông Chấn cất day cửa xuống mé sông, mà trước cửa ông lại trồng cây leo cặp làm hàng rào kín-mít, dường như ý ông không muốn quan làng dòm thấy tài sản của ông, hoặc không muốn ngoại nhơ hiểu biết việc gia đình của ông vậy. Phía sau hè ông có lập một thớt vườn gần một mẫu, trồng cau ngay hàng ngay lối mà giữa liếp cau chỗ thì ông trồng xen ổi, chỗ thì ông xen trầu. Phía ngoài ông lại trồng mấy hàng dừa xiêm bao vòng, rồi ngoài nữa ông mới trồng tre gai, đặng chận kẻ gian không cho chun vô mà bẻ trộm cau, hoặc hái trộm ổi của ông được.

Nhà lớn ở giữa, bên tay mặt có một cái chuồng nhốt hơn một chục con trâu, bên tay trái có một cái lẫm[8] chứa gần ba ngàn giạ lúa. Sân thì lớn mà không trồng bông hay là trồng kiểng chi hết, chỗ thì để trống đặng làm sàn đạp lúa, chỗ thì trồng rau hún, bạc-hà để ăn cá, nấu canh.

Ông Ðàm-tự-Chấn là chủ nhà nầy tuổi đã chừng năm mươi lăm rồi, mà vóc-vạc vậm-vỡ, sức-lực mạnh-mẽ, ông làm xốc-vác chẳng thua gì trai 25 tuổi. Ông góa vợ đã 20 năm rồi, chẳng hiểu tại ông thương bạn xưa hay tại ông sợ cưới vợ khác thêm miệng ăn, mà bấy lâu nay ông không chịu chấp nối. Ông không có con trai, chỉ có hai đứa con gái mà thôi. Con gái lớn của ông tên là Ðàm-kim-Huê, lúc nầy đã được 33 tuổi rồi mà chưa chịu lấy chồng. Còn con gái nhỏ tên là Ðàm-kim-Diệp, 26 tuổi, có chồng rồi lại có một đứa con trai được 6 tuổi.

Ông Ðàm-tự-Chấn có học nho chút đỉnh, mà ở đời ông tập tánh ham làm giàu, chớ ông không ưa thú thanh nhàn, bởi vậy ông có cơm tiền nhiều rồi, mà ông cũng cứ lăn-lốc theo nghề nông, có khi thiếu bạn[9] ông ra ruộng cầm cày, có lúc rảnh rang ông vô vườn mà bồi liếp. Ông thủ phận làm ăn, chẳng hề cậy mượn ai, mà cũng chẳng hề gây-gổ với ai, chẳng hiểu tại sao ông sợ quan sợ làng, dầu quan làng làm quấy đi nữa ông cũng không dám cãi, mà còn cho là nói đúng làm phải.

Hai nàng con gái của ông dung nhan đều đẹp-đẽ, tánh nết đều hiền-lương, mỗi ngày cứ lúc-thúc ở trong nhà lo may áo nấu cơm tuy là con nhà giàu, không ỷ của mà hà hiếp tôi tớ.

Tuy nói tánh hai nàng đều hiền-lương nhưng mà có chỗ không giống nhau: Kim-Huê thì hòa-huỡn chẫm-rãi, những tôi tớ trong nhà dầu thương đứa nào cũng không tỏ cho nó biết. Còn Kim-Diệp thì nóng-nảy hốt-tốc hễ trái ý thì nói liền, không chịu dằn lòng, hễ thương ai thì tỏ ngay không biết dè dặt.

Bởi tánh nết Kim-Diệp như vậy, nên ngày trước nàng đi cúng chùa về dọc đường bị ăn cướp chận ghe mà bắt. Nàng than trời trách đất, tưởng chút thân bồ liễu đã phải gảy nhánh lìa hoa, may đâu có một vị tráng-sĩ, cũng một tuổi với nàng, tên là Vương-thể-Hùng. Người võ nghệ cao cường tánh tình khẳng-khái gặp nàng bị nạn bèn đánh ăn cướp chạy hết mà cứu nàng, rồi hỏi nàng ở đâu mới đưa nàng về tới nhà. Ðàm-tự-Chấn nghe con thuật chuyện ấy lại thì ông cảm mến ân đức của Thể-Hùng, nên lật-đật lấy 5 nén bạc mà đền ơn đáp nghĩa. Thể-Hùng không chịu nhận của ấy, liền từ rồi xuống ghe mà đi. Ðàm-tự-Chấn đền ơn không được, ông lấy làm ái-ngại, nên chạy theo hỏi thăm quê quán tên họ thì Thể-Hùng nói mình ở Bến-Lức rồi chèo ghe đi mất.

Kim-Diệp cảm nghĩa đêm nào nằm trong phòng một mình vắng vẻ, nàng cũng nhớ ơn-nhơn, nhớ riết rồi nàng lại động tình, lần lần sanh bịnh tương tư ăn ngủ không được. Chưa đầy một tháng mà tinh thần mờ mệt, hình vóc ốm-o, ngồi hay ngó sững trí lảng lơ, nằm hay mơ-màng lòng lạnh-ngắt.

Ðàm-tư-Chấn mắc lo ruộng, vườn, trâu, lúa, không có giờ mà dòm ngó đến con, bởi vậy Kim-Diệp ốm ông không hay, Kim-Diệp sầu ông không biết. Một đêm nọ, lúc canh ba, Kim-Huê thức dậy thấy em đương ngồi ngó đèn mà nước mắt rưng rưng, biết em có tâm-bịnh, bèn lấy lời dịu ngọt mà dọ ý. Kim-Diệp đau đớn trong lòng mà không thố-lộ ra được thì lấy làm khó chịu, bởi vậy vừa nghe chị hỏi thì nàng khóc mướt, rồi ngồi khỉ-khăn[10] tỏ nỗi tương-tư cho chị nghe. Nàng nói rằng chẳng hiểu tại ai xui khiến mà từ ngày Vương-thể-Hùng cứu nàng rồi, đêm nào nằm nhắm mắt cũng thấy hình dạng Thể-Hùng trước mặt hoài, nàng muốn làm lơ lại càng thấy thường hơn, nàng muốn giả quên lại càng nhớ nhiều nữa. Nàng lại nói nếu nàng không kết tóc trăm năm ngõ đền ơn đáp nghĩa cho Thể-Hùng được, thì chắc nàng phải buồn rầu mà chết.

Kim-Huê dùng lời ngon-ngọt mà khuyên giải em và hứa sẽ nói giúp với cha đặng cho người đi tìm Thể-Hùng mà tính việc giai-ngẫu.

Sáng bữa sau Kim-Huê vì thương em, sợ em mang bịnh, mới thỏ-thẻ tỏ tâm sự của em cho cha nghe, và xin cha vui lòng mà định chữ vu qui cho em, trước tròn nghĩa tròn ân, sau khỏi sầu khỏi não. Ðàm-tư-Chấn nghe nói chuyện đó thì ông giận Kim-Diêp làm con gái không biết trọng danh-tiết, cha mẹ không định mà dám trộm nhớ thầm yêu con trai, bởi vậy ông châu mày xụ mặt mà đáp rằng: "Thứ đồ hư, nó chết đau thì chết cho rảnh. Làm con gái mà muốn làm nhục tông môn, thì sống càng thêm xấu chớ có ích gì". Kim-Huê thấy cha giận thì không dám nói nữa. Ông ngồi lặng thinh ngó ra sân một hồi rồi nói tiếp rằng: "Không được, bộ thằng đó tao coi nó dữ tợn lắm, chớ không phải là đứa hiền lương. Tao có kén rể là kén đứa biết lo mần ăn, chớ kén đứa phóng tù buông lung mà làm gì. Ðã biết Thể-Hùng nó cứu con Kim-Diệp, thì tao mang ơn nó, mà mang ơn thì tao mang ơn, tốn hao bao nhiêu tao cũng không nại, chớ gả con cho nó sao được".

Ông nói dứt rồi đứng dậy đi ra sau vườn.

Kim-Huê đem mấy lời ấy mà thuật lại cho em nghe, thì Kim-Diệp không dám phiền cha, song nàng đau lòng tủi phận, nên ngồi khóc rấm rức. Kim-Huê thấy tình cảnh như vậy thì nàng động lòng, nhưng vì nàng thật thà, không còn lời chi mà khuyên dỗ em nữa, nên nàng ngó em mà khóc, không nói tiếng chi hết.

Kim-Diệp rầu buồn bỏ ăn bỏ ngủ, cách vài ngày thì nàng mang bịnh cứ thiếp-thiếp hoài. Kim-Huê lo sợ, mới khóc-lóc năn-nỉ với cha, xin cha thuận tình gả Kim-Diệp cho Thể-Hùng, vì nếu khắn-khắn ôm lòng giận Kim-Diệp hoài, thì sợ e nó buồn rầu rồi không khỏi tuyệt mạng. Ðàm-tự-Chấn giận mà cũng thương con, bởi vậy ban đầu thì ông gắt-gao, mà chừng thấy con mang bịnh rồi thì ông bối-rối, lật-đật sai người nhà chèo ghe lên Bến-Lức tìm Thể-Hùng mời xuống cho ông nói chuyện.

Vả Ðàm-tự-Chấn là người chơn-chất thiệt-thà, không môi miếng, bởi vậy Vương-thể-Hùng đến nhà thì ông đem việc Kim-Diệp tương-tư mà tỏ thiệt hết cho Thể-Hùng nghe, rồi hỏi Thể-Hùng như có bằng lòng thì ông gả Kim-Diệp cho.

Thể-Hùng ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: "Cháu là con mồ-côi, từ nhỏ chí lớn cháu tập tánh giang hồ quen rồi; ở đời cháu ưa làm nhơn nghĩa chớ không ưa hưởng phú quí. Vả bác là một ông phú-hộ, còn cháu là một đứa bần-hàn. Nay bác thương tình gả con cho cháu, lẽ thì cháu phải lạy mà vưng lời, ngặc vì thuở nay cháu chưa tính lập gia thất, lại cũng không tính lo làm ăn, cháu sợ vào làm rể nhà bác, cháu đã không giúp ích cho bác được, mà lại còn không làm cho bác vui lòng được nữa".

Ðàm-tự-Chấn mới thấy tướng Thể-Hùng một lần đầu, thì ông đã không ưa rồi, ông kêu gả con ấy là bất đắc dĩ ông phải kêu, chớ không phải tự ý ông muốn; nay ông nghe mấy lời ấy nữa thì ông ngẩn-ngơ dụ dự, tính ép thì ông không nỡ ép mà tính thôi thì ông sợ nỗi con nên ông không đành thôi. Ông ngồi gãi đầu mà suy nghĩ; ông đo đắn trong lòng thì cái tình thương con nó nặng hơn cái ý riêng của ông, bởi vậy ông trầm-ngâm một hồi rồi ông năn-nỉ khuyên Thể-Hùng thuận tình đặng chi Kim-Diệp khỏi thất tình vong mạng. Thể-Hùng nghe cái tình của Kim-Diệp như vậy thì chàng không nỡ kháng cự, mà nghe ông nói đã cạn lời, chàng không nỡ chối từ, bởi vậy chàng xiêu lòng, chịu cưới Kim-Diệp và chịu ở luôn tại đó.

Từ ngày Thể-Hùng với Kim-Diệp thành hôn rồi thì chồng thương vợ, vợ kính chồng, chẳng hề có một lời chi xích-mích. Kim-Diệp phỉ nguyền mơ ước, nên đã hết buồn rầu, mà lại được tươi cười. Kim-Huê có công cứu mạng em, nàng toại chí nên nàng cũng vui mừng. Duy có ông Ðàm-tự-Chấn vì tánh ý của Thể-Hùng không thích hiệp với tánh ý của ông, nên ông không được vui, bởi vậy ở chung một nhà mà ít khi ông ngồi nói chuyện với chàng rể.

Thể-Hùng ở với Kim-Diệp đến năm mậu tí (1828) sanh được một đứa con trai rồi chàng nhớ thú giang hồ, nhớ tình bậu bạn nên trong lòng không vui. Kim-Diệp thấy chồng ngơ-ngẩn, tưởng chồng có chỗ phiền mình, nên theo thỏ-thẻ mà hỏi cho rõ duyên cớ. Thể-Hùng tỏ thiệt với vợ rằng mình là một trang nghĩa-sĩ, tánh khí buông lung, vì lục đục ở nhà hoài nên trong lòng không vui, chớ không có phiền trách chi hết. Kim-Diệp biết được tâm-sự của chồng rồi thì nàng cười mà nói rằng: "Ngày trước anh cứu em khỏi tay kẻ dữ, sau anh lại cưới em đặng cứu em khỏi buồn rầu. Ơn anh cứu em hai lần, mà em chưa đền đáp cho anh được một lần nào hết, có lý nào em dám ràng buộc làm cho anh bực chí buồn lòng. Anh có buồn thì cứ đi chơi mà giải khuây. Em chẳng phải như đàn bà khác vậy đâu. Em có chồng thì lo trưởng chí cho chồng, ví dầu phỉ chí chồng mà em phải chích bóng cô phòng trọn đời thì em cũng vui, chẳng hề khi nào em phiền trách".

Thể-Hùng nghe vợ phân mấy lời hữu tình hữu nghĩa thì lấy làm cảm phục, nên không thèm tính đi giao du nữa. Ngặt vì cái thói giang hồ tập từ nhỏ đã quen rồi, bây giờ không bỏ được, bởi vậy cách chẳng bao lâu Thể-Hùng mới nói với vợ và cha vợ đi thăm anh em chơi ít ngày. Ban đầu chàng đi chơi chừng 10 bữa rồi trở về. Lần lần chàng đi tới nửa tháng hoặc hai mươi ngày. Ðến sau chàng đi một hai tháng mới về một lần, mà về nhà ở chừng năm mười bữa rồi chàng đi nữa. Có khi chàng lại rước bậu bạn về nhà đãi đằng lưu liên, ban mai uống rượu làm thơ, ban chiều tập luyện võ nghệ, đã không giúp đỡ cho cha vợ trong việc ruộng vườn, mà còn nhọc lòng mệt trí cho ông nữa.

Ðàm-tự-Chấn phiền trong lòng, mà ban đầu ông làm lơ, không muốn nói ra. Lần lần ông dằn không được nữa, nên ông phải tỏ lời phiền trách. Thể-Hùng không dám cãi lẽ với ông, mà chàng cũng cứ đi chơi hoài, song thấy ông bất bình, nên không dám dắt khách về nhà nữa.

Kim-Diệp hai vai gánh nặng, một bên thì kính mến cha, một bên thì kính mến chồng, nàng không biết liệu thế nào cho cha với chồng khỏi xích-mích, nên cứ theo năn-nỉ cha dung thứ chồng đặng phỉ chí giang hồ, rồi lại năn-nỉ chồng đừng có cãi lẽ với cha, mà mất niềm hòa khí.

Cảnh gia đình của ông Ðàm-tự-Chấn, lúc viết truyện nầy thì là vậy đó. Ông thì chuyên lo vườn ruộng, mà trong lòng thì phiền trách Thể-Hùng. Thể-Hùng thì giao du với chúng bạn, không cần danh lợi. Kim-Diệp thì lo nuôi con, lại lo cho cha với chồng khỏi mích nhau. Còn Kim-Huê thì lo việc nhà, không tính việc tóc tơ chi hết.

*

* *

   




Chú thích

  1. nhoáng
  2. vịt xiêm có lông nâu, cánh có xen lông màu tím, mỏ nâu, trái lại vịt ta có lông trắng mỏ vàng
  3. tùm lum: trạng thái lan rộng và lộn xộn
  4. thôi nôi
  5. hẹn ngày giờ
  6. khí giới
  7. quân, tướng trừ bị
  8. kho chứa
  9. người làm mướn
  10. tỉ tê