Bước tới nội dung

Ngọn cỏ gió đùa/Quyển thứ nhì/(7)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hải-Yến tưởng dễ kết tư tình với Ánh-Nguyệt, té ra khó không biết chừng nào.

Chàng muốn thấy mặt nàng luôn luôn, mà mỗi ngày nàng cứ ở nhà sau hoài, ít hay lên nhà trên. Ðã vậy mà nàng có lên, hễ chàng kiếm chuyện mà nói với nàng, thì chàng hỏi đâu nàng đáp đó, bộ nàng nghiêm nghị, chẳng hề khi nào nàng cười, nên chàng không dám nói tiếng lẳng-lơ ghẹo chọc.

Vợ chồng Ðỗ-Cẩm lại dặn dò với nhau làm sao không biết, mà hễ chồng đi khỏi thì vợ ở nhà, còn vợ đi khỏi thì chồng ở nhà, chẳng hề khi nào vợ chồng đi với nhau một lượt. Hải-Yến từ biết Ánh-Nguyệt đờn hay, từ thấy nết na nàng dè-dặt, thì chàng càng thêm quyến luyến, càng ước mơ hoài vọng đêm ngày. Chàng bị vợ chồng Ðỗ-Cẩm ngăn trở, làm cho chàng không trao lời ước hẹn với Ánh-Nguyệt được, thì chàng buồn rầu ăn ngủ không biết ngon. Mỗi buổi tối chàng mời Ánh-Nguyệt đờn chơi, nàng từ hoài không chịu đờn, mà vợ chồng Ðỗ-Cẩm cũng không chịu ép uổng.

Hải-Yến ở trong nhà Ðỗ-Cẩm đã hơn một tháng rồi, mà chàng cũng chưa kết mối tình với Ánh-Nguyệt được, thì chàng bực bội quá, chịu không được, nên một bữa nọ chàng thấy Thị-Phi với Ánh-Nguyệt dắt nhau xuống rạch mà xúc tép, có một mình Ðỗ-Cẩm ở nhà, chàng mới tỏ thiệt với Ðỗ-Cẩm rằng chàng thấy tánh tình và tài sắc Ánh-Nguyệt chàng thương, nên xin Ðỗ-Cẩm gả nàng cho chàng đặng phỉ tình hoài vọng.

Ðỗ-Cẩm ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng:

- Biết nó ưng cậu hay không? Tôi nói thiệt với cậu, vợ chồng tôi nuôi nó là có ý để sau lựa chỗ giàu có mà gả nó đặng vợ chồng tôi nương nhờ. Nếu tôi gả cho cậu rồi làm sao? Cậu học giỏi thiệt, mà chừng nào cậu thi đậu làm quan rồi sẽ hay, còn bây giờ vợ chồng tôi lấy cơm đâu mà ăn.

Hải-Yến cười và đáp rằng:

- Chú không hiểu, chớ ông thân tôi là một người cự phú trên An-Giang. Nếu chú tính gả cho con nhà giàu thì tôi đây lại thua ai hay sao.

- Chẳng dấu cậu làm chi, phận tôi nghèo cực, nên tôi coi bạc tiền là trọng. Nếu cậu muốn cưới cháu tôi thì cậu phải đem cho đủ 10 nén bạc tôi mới gả, chớ thiếu một nén cũng không được.

Hải-Yến nghe nói như vậy thì mừng quýnh, lật-đật mở tráp lấy ra 10 nén bạc đem để trong khay trầu dựa bên chỗ Ðỗ-Cẩm ngồi mà nói rằng:

- Thưa chú, trong vợ chồng phải lấy tình lấy nghĩa làm trọng, chớ không phải lấy bạc tiền. Tuy vậy mà cũng phải làm cho đủ lễ. Phận tôi ở xa xuôi, không thế nào làm cho đủ lễ được. Vậy vưng theo lời chú dạy, nên tôi tạm 10 nén bạc làm lễ mọn mà cưới cô hai đây. Chú mà nhậm lời, thì ơn nghĩa càng trọng lắm.

Ðỗ-Cẩm thấy 10 nén bạc thì mừng nên ngồi liếc ngó và chúm chím cười hoài. Cách một hồi lâu anh ta mới nói:

- Cậu đã đem lòng thương cháu tôi, không lẽ tôi làm eo xách không gả cho cậu. Thôi, để tôi cất bạc đó, cháu tôi về tôi sẽ nói lại nó hay, rồi cậu chọn ngày nào tốt làm một con vịt mà cúng đặng vợ chồng thành hôn với nhau, đừng có làm rình-rang làm chi cho tốn hao.

Hải-Yến mừng rỡ hết sức, trong bụng đã chắc rằng trong năm ba ngày nữa mình sẽ giao duyên với Ánh-Nguyệt, sắc cầm hòa hiệp, loan phụng đồng sàn, chẳng còn ngày ngóng đêm trông, hết nỗi nhớ mây thương gió.

Chừng Thi-Phi với Ánh-Nguyệt xúc tép về, Hải-Yến muốn để cho Ðỗ-Cẩm thong thả mà nói chuyện với vợ và cháu, nên chàng thay đổi áo quần đặng đi vô trong thành dạo chơi. Trước khi ra đi, chàng lại dặn nếu chiều chàng không về thì ở nhà cứ việc ăn cơm, đừng có chờ đợi.

Ðỗ-Cẩm đợi Thị-Phi với Ánh-Nguyệt tắm rửa xong rồi, anh ta mới kêu hết ra nhà trước mà nói chuyện. Anh ta ngồi ván giữa bộ nghiêm chỉnh lắm, liếc ngó Ánh-Nguyệt, tằng-hắng hai ba tiếng, rồi nói rằng:

- Nầy cháu, vợ chồng chú không có con; cháu ở đây hơn một năm nay, vợ chồng chú thương yêu cũng như con ruột. Chú thấy thân cháu nghèo hèn côi-cút, nên xưa rày chú đã có ý muốn kiếm một chỗ tử-tế mà gả dùm cháu, đặng cho cháu có chỗ nương dựa yên ổn tấm thân. Dịp cũng là may, cậu Hải-Yến đến ở đậu trong nhà mình hơn một tháng nay, cậu muốn cháu mà chú không hay. Bữa nay cháu đi xúc tép, cậu ở nhà tỏ thiệt với chú đứng làm mai-dong đặng cậu cưới cháu. Chú đã có hỏi dọ rồi, cậu là con nhà cự-phú trên tỉnh An-Giang, cậu đã giàu mà lại học giỏi, thế nào khoa tới đây cậu thi cũng đậu. Chú tưởng người như cậu đó, cháu cũng nên cầu mà gởi phận trao thân. Vậy cháu ưng cậu đi, đặng chọn ngày cộng phẩm giao bôi cho sớm. Lúc nầy cậu còn làm học sanh thì cháu sửa tráp nưng khăn cho cậu; chừng cậu thi đậu rồi bổ đi làm quan, thì cháu lại được làm bà quan, có người hầu hạ sang trọng sung sướng quá. Cháu ưng đi nghé.

Ánh-Nguyệt đứng nghe Ðỗ-Cẩm nói thì nàng châu mày ủ mặt, trong trí nàng lo tính vô cùng. Ðỗ-Cẩm ngó nàng, có ý đợi coi nàng trả lời thế nào. Còn Thị-Phi thì ngó chồng, có ý muốn biết coi Hải-Yến nói làm sao mà chồng xúi giục như vậy. Ánh-Nguyệt ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:

- Thưa chú, chú thím có lòng thương cháu, nên tính việc trăm năm cho cháu, thiệt cháu cảm ơn đức vô cùng. Còn cậu Hải-Yến là con nhà nho-học, nếu cậu chiếu cố đến cháu thì cháu cũng đội ơn cậu lắm. Tuy vậy mà cháu xét phận cháu, thì cháu có chỗ buồn riêng, nên cháu không thể xuất giá được.

Ðỗ-Cẩm nghe lời trái ý mình, thì không vui, nên hỏi rằng:

- Tại sao mà cháu xuất giá không được?

- Thưa, ông già cháu mất chưa mãn tang, nếu cháu lấy chồng thì cháu là con bất hiếu.

- Ối, tưởng là chuyện gì kìa, chớ thứ chuyện như vậy hơi nào cháu lo.

- Thưa, con người phải lấy lễ nghĩa làm trọng, sao chú lại biểu đừng lo.

- Ồng chết rồi thì thôi! Cháu lo thủ hiếu rồi ổng sống lại được hay sao?

- Ðạo làm con phải giữ hiếu cho tròn. Nếu cháu thất hiếu với cha cháu, thì khi có chồng cháu làm sao mà trọn tiết với chồng được.

- Cậu Hải-Yến có nói cậu không cần.

- Cậu là con nhà nho-học, cậu biết lễ nghĩa lắm, có lẽ nào cậu nỡ ép cháu mang chữ bất hiếu. Mà dầu cậu có quên lễ nghĩa đi nữa, phận cháu là con, cháu phải nhớ chớ đâu dám quên.

- Lễ nghĩa mà làm gì! Hễ có tiền thì thôi mà! Nầy cháu, cậu Hải-Yến đi du-học mà coi bộ cậu tiền nhiều lắm. Cháu ưng cậu, chắc cháu ăn mặc phủ phê, cháu ưng đi. Nếu cháu dục dặc chờ cho tới mãn tang, biết đâu cậu còn ở đây hay không. Hễ cậu không chờ, cậu đi cưới vợ khác rồi chừng cháu mãn tang, đâu chắc có chỗ tử-tế như vậy nữa.

Thị-Phi xen vô nói rằng:

- Tôi coi bộ cậu mê con nầy lắm, nhứt là từ hôm cậu nghe con nầy đờn tới nay, cậu quắn quyếu. Tôi chắc cậu không đi cưới chỗ nào khác đâu mà sợ.

Ðỗ-Cẩm trợn mắt ngó vợ mà nói rằng:

- Mầy biết giống gì mà xen vô. Cứ nói bậy hoài.

Thị-Phi bị rầy thì xụ mặt, bỏ đi lại ghế têm trầu mà ăn. Ðỗ-Cẩm day qua nói với Ánh-Nguyệt nữa rằng:

- Chú nói cháu phải nghe lời, đừng cãi chú giận.

- Thưa chú, cháu đâu dám cãi chú, song việc nầy cháu liệu không thế nghe lời chú được. Vả việc lấy chồng là việc trọng. Tuy nay ông già cháu đã mất rồi, song cháu còn một ông chú ở dưới Cần-Ðước. Ví dầu cháu muốn lấy chồng thì trước hết cháu phải về dưới mà thưa cho ông chú hay, như ông chú bằng lòng thì cháu mới dám, chớ cháu tự chuyên như vậy sao phải.

- Nhiều chuyện quá! Mình đã lớn rồi, việc của mình thì mình định, chớ hỏi chú bác làm gì.

- Thưa trong thân tộc của cháu bây giờ còn có một ông chú với một ông cậu; cháu là con nhà lễ nghĩa, lẽ nào cháu lấy chồng mà không thưa cho thân tộc hay.

- Thân tộc! Thân tộc! Cứ nói thân tộc hoài, nghe mà mắc cỡ. Có thân tộc mà sao thiếu người ta có 30 quan tiền, thân tộc không cho mà trả, bây giờ lấy chồng lại phải thưa với thân tộc hay?

Ánh-Nguyệt liếc thấy Ðỗ-Cẩm đổ quạu, nàng không dám nói nữa, nên đi lại góc mà đứng, sắc mặt coi buồn lắm. Ðỗ-Cẩm gãi đầu hai ba cái, rồi đi lại ghế têm trầu mà ăn. Cách một hồi, anh ta nói rằng:

- Bề nào mầy cũng phải ưng cậu Hải-Yến. Nếu mầy cãi lời thì mầy sẽ coi tao. Thôi đi xuống bếp rang tép rồi nấu cơm ăn.

Ánh-Nguyệt ríu-ríu xuốn bếp. Thị-Phi bước lại đứng một bên chồng. Hai người nói to nhỏ với nhau một hồi, và nói và ngó chừng phía dưới bếp, rồi Ðỗ-Cẩm mở gói đưa 10 nén bạc cho vợ coi. Thị-Phi mừng rở, tay vịn vai chồng, miệng chằng[1] ra phơi hai hàm răng đen chơm chởm[2]. Ðỗ-Cẩm gói bạc lại rồi đem vô buồng mà cất, còn Thị-Phi đi xuống bếp phụ với Ánh-Nguyệt nấu cơm, mà mắt ngó nàng lườm-lườm.

Hải-Yến từ được lời Ðỗ-Cẩm hứa gả cháu, thì lòng mừng hớn-hở bởi vậy ra đi chơi chơn bước khấp-khởi, sắc mặt hân hoan. Mấy cây bần rạch mọc dưới ruộng, gốc đóng bùn, lá còi-cọt, mà mắc[3] chàng vui nên chàng xem cũng xinh đẹp như liễu yếu mai cằn. Chàng vào trong thành rồi chàng muốn lộ lòng mừng của chàng cho thiện-hạ biết, nên vào quán ăn uống no say rồi lại ngâm thi đọc phú om-sòm, coi giữa thế gian nầy chẳng có ai được hạnh phước bằng chàng hết thảy.

Ðến chạng-vạng tối, chàng mới tở về xóm Trầu. Bữa ấy nhằm ngày 13 tháng chạp, nên trăng đã mọc cao được vài sào. Trên trời sao giăng tứ phía, bên đường lúa chín vàng khè, dưới chơn tiếng dế gáy re-re, trước mặt gió bấc đàng lạnh-lạnh. Trong bụng chàng còn chứa rượu nên hơi bay nực nồng, mà trong trí chàng lại đầy hình dung của Ánh-Nguyệt, nên chàng không biết cảm trăng thanh gió mát.

Chàng bước vô tới sân thì thấy Ðỗ-Cẩm đứng đó, còn trong nhà vắng teo, lại không đèn đuốc chi hết. Chàng bèn hỏi Ðỗ-Cẩm rằng:

- Chú làm gì đứng đây? Sao bữa nay không đốt đèn? Như hết tiền mua dầu thì nói, tôi đưa cho mà mua chớ.

- Vợ tôi với con Ánh-Nguyệt ngủ hết, đốt đèn làm gì cho hao dầu. Tôi thấy bữa nay trời tốt quá, nên ra đứng đây chơi.

- Ờ, phải a, trời bữa nay tốt thiệt chú há?

- Cậu ăn cơm rồi chưa?

- Rồi rồi. Chú ở nhà có chờ tôi hôn? Tôi có dặn đừng có chờ mà.

- Tôi chờ tới mặt trời lặn, không thấy cậu về tôi mới ăn.

- Bất nhơn dữ hôn! Tôi có nói mà!

Ðỗ-Cẩm nắm tay áo Hải-Yến mà kéo ra ngoài đường. Hài-Yến nghi Ðỗ-Cẩm muốn tỏ việc kín chi đây, nên ríu-ríu đi theo, không hỏi chi hết. Ðỗ-Cẩm ngồi dựa gốc cây thị, biểu Hải-Yến ngồi ngay trước mặt rồi nói nhỏ nhỏ rằng:

- Không xong rồi cậu! Con nhỏ nó không ưng.

- Sao vậy?

- Ôi! Nó nói nhiều chuyện lắm. Nó nói những là còn tang cha, những là phải thưa cho bà con bên nội bên ngoại hay, nói lộn-xộn tôi nhớ không hết.

- Cha chả! Chú phải làm sao, chớ nói như vậy sao được. Tôi nói thiệt, dầu thế nào tôi cũng phải kết tình ân ái với cô cho được mới nghe. Chú phải liệu dùm một chút.

- Tôi biết làm sao bây giờ?

- Chú ép đại cô thì được chớ có khó gì.

- Tôi có làm giận làm hờn, tôi rầy nó, mà coi bộ nó cũng không chịu.

- Sao chú không nói tôi là người giàu có lớn, học hành giỏi? Chú cắt nghĩa lợi hại cho cô nghe thì cô phải ưng, chớ cô còn đợi ai nữa.

- Tôi có nói chớ, tại nó kỳ quá, cứ không chịu hoài, tôi biết làm sao?

- Hay là cô có tư tình với ai rồi?

- Không có đâu! Nó ở với tôi hơn một năm nay tôi có thấy mòi gì đâu.

Hải-Yến hết say, ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:

- Nếu chú thím có lòng thương tôi, quyết gả cô hai cho thôi thì tôi tính được như chơi, không khó gì đâu.

- Tính sao?

- Chú cho phép tôi ghẹo chọc cô. Cô là gái mới lớn lên, hễ con trai đờn riết rồi cô ta xiêu lòng chớ gì. Vậy mỗi bữa chú thím giả bộ dắt nhau đi xóm, để cô ở nhà với tôi. Tôi kiếm lời khôn khéo mà dụ riết cô ít bữa chắc là được.

- Làm như vậy xóm riềng dòm thấy thì xấu hổ cho tôi quá.

- Có xấu chi đâu. Bề nào chú cũng gả cho tôi, trước sau gì cũng vậy, có sao đâu mà chú ngại.

Ðỗ-Cẩm ngồi lặng thinh không trả lời. Hải-Yến nói rằng:

- Xin chú đừng ngại chi hết. Hễ tôi mà được ăn nằm với cô Hai rồi tôi sẽ đền ơn cho chú thím năm nén bạc nữa.

Ðỗ-Cẩm nghe nói như vậy thì vui cười, liền phủi đít đứng dậy mà nói rằng:

- Cậu thương nó quá, nên cậu đã nói cạn lời; thôi cậu nói sao tôi phải nghe vậy, chớ biết sao bây giờ.

Hai người dắt nhau vô nhà. Ðỗ-Cẩm gài cửa rồi vô buồng mà ngủ, còn Hải-Yến thì đốt đèn rồi ngồi đờn và ngâm thi. Hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm nói chuyện xầm-xì, không ai nghe được. Hải-Yến ngâm thi thì lựa những bài trêu hoa ghẹo nguyệt, trông bạn nhớ tình. Không biết Ánh-Nguyệt ngủ hay là thức, mà nàng im-lìm không nghe cục cựa.

*

* *

Sáng bữa sau, ăn cơm rồi, vợ chồng Ðỗ-Cẩm rủ nhau đi nhổ lác đặng chẻ phơi khô mà dệt chiếu, dặn Ánh-Nguyệt ở nhà ra sau vườn thuốc coi có lá nào úa, hoặc sâu ăn thì bẻ mà bỏ cho sạch sẽ.

Vợ chồng Ðỗ-Cẩm vừa ra sân mà đi, thì Ánh-Nguyệt cũng đội khăn đi ra sau vườn thuốc. Nàng lum-khum vạch mấy lá thuốc kiếm sâu, trong trí đương tính một lát nữa sẽ đi thẳng ra thăm mộ cha, thình lình nàng thấy có bóng người dọi dưới đất, gần một bên cái bóng của nàng. Nàng lật-đật ngước dậy, thì thấy Hải-Yến đứng một bên, miệng cười chúm chím, mắt liếc đưa tình. Nàng mắc cỡ bỏ đi qua hàng thuốc khác.

Chàng đi theo, đứng xẩn-bẩn sau lưng, rồi lại nói rằng: "Tài sắc giá đáng ngàn vàng, mà phải đi làm công việc hèn hạ như vầy, nghĩ thiệt tội nghiệp quá".

Nàng không trả lời, bỏ đi chỗ khác nữa. Chàng thấy nàng mái tóc phất phơ trên gò má như mây vướng mặt nguyệt, thì trong lòng càng khoăn-khoái nên và đi theo và kêu mà nói nho nhỏ rằng: "Cô hai, cô đứng lại cho tôi nói chuyện một chút". Ánh-Nguyệt đứng lại, ngó ngay chàng mắt tợ trăng rằm, mặt như hoa nở, sắc thiệt là xinh đẹp, song bộ đứng nghiêm nghị lắm.

Hải-Yến quyết ghẹo nàng mà thấy tướng mạo nàng đoan chánh như vậy thì kiêng nể, nên đứng bợ ngợ rồi nói nhỏ-nhẹ rằng:

- Tôi vì mang nặng khối tình nên mới đến đây xin ở đậu. Chẳng hiểu vì cớ nào cô đã không chiếu cố, mà ý coi như cô chẳng vui mà thấy mặt tôi vậy cô hai?

Ánh-Nguyệt đáp rằng:

- Thưa cậu, cậu là bực sang trọng, còn tôi là đứa nghèo hèn, bổn phận tôi phải kính sợ cậu, chớ nào phải tôi cao sang hơn cậu hay sao mà cậu nài cho tôi chiếu cố. Còn tôi thấy cậu mà tôi vui hay là buồn, thì tại trong bụng tôi, cậu làm sao rõ được mà cậu hỏi.

Hải-Yến nghe như vậy, tưởng nàng muốn nói trớ-trêu nên cười ngỏn-nghẻn mà nói rằng:

- Cô nhớ hôm bữa nọ tôi đi chơi, tình cờ gặp cô quét sân, hai đứa mình nhìn nhau đó. Chẳng hiệu tại tôi có cái duyên nợ gì hay sao mà trở về quán tôi xốn-xang thao thức hoài, ăn không ngon, nằm không ngủ, ngày như đêm hình dung của cô cứ chàng-ràng trước mắt tôi luôn luôn. Tôi nói hết cho cô thương, tôi bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ học, bỏ đờn, trong lòng vấn-vít, tương tư cô hoài. Tôi muốn làm lảng, mà hễ giả quên cô chừng nào, trong trí lại càng nhớ cô chừng nấy. Khổ tâm quá tôi chịu không được, nên mới làm gan đến đây xin ở đậu, đặng ra vô thấy mặt nhau.

Hải-Yến nói tới đây thì thở dài, coi bộ buồn thảm lắm, rồi ngồi chồm-hổm dưới đất. Ánh-Nguyệt vói tay níu lá thuốc lật qua lật lại mà nhìn, song nàng đứng tỉnh táo, lóng tai nghe coi chàng nói chuyện gì nữa.

Hải-Yến thấy vậy chắc nàng đã gần xiêu lòng rồi, nên nói tiếp rằng:

- Tôi tưởng được ở chung một nhà với cô tôi bớt buồn rầu thương nhớ, nào dè gần nhau, ra vô thấy nhau thì lửa lòng càng thêm hừng-hực, có khi nó làm cho trí tôi bối-rối như dại như ngây. Tôi biết được tánh nết của cô, tôi càng yêu mến cô hơn nữa, mà nhứt là tôi nghe được tiếng đờn, giọng nói, rồi tôi rõ gốc cô là con nhà nho, thì tôi quyết thế nào tôi cũng phải kết tóc trăm năm với cô. Bởi tôi thương cô quá, không còn biết mắc cỡ nữa, nên hôm qua tôi mới tỏ thiệt với chú và xin cưới cô, đặng phỉ tình hoài vọng rồi mới yên lòng mà lo đọc sách được. Tôi xin cô tỏ thiệt cho biệt coi vì cớ nào tình tôi thương cô như vậy, mà cô không đoái tưởng, lại kháng cự không chịu ưng tôi. Tôi chắc nếu cô phụ lòng tôi thì tôi rầu buồn chẳng những là học không được phải lỡ hội công danh, mà sợ sanh bịnh rồi bỏ mình nơi đất Gia-định nầy nữa.

Chàng và nói và lấy móng tay gạch đất, bộ coi buồn thảm vô cùng. Ánh-Nguyệt đợi chàng nói dứt rồi, nàng mới chúm chím cười mà đáp rằng:

- Cậu là học trò du học, lẽ thì ngày đêm cậu phải để trí vào kinh sử luôn luôn, quyết lập cho được công danh mà làm hiển vinh tổ phụ chớ sao cậu lại cố ý dòm hoa ngó nguyệt làm chi mà đến nỗi thương gió nhớ mây như vậy?

- Tại ông trời khiến như vậy, tôi biết làm sao bây giờ.

- Cậu chẳng nên đổ lỗi cho ông trời. Tại cái trí của cậu không kiên nhẫn, tại cái lòng của cậu hay trớ-trêu, chớ không phải tại ông trời nào hết.

- Thôi, như không phải tại ông trời, thì là tại cô.

- Sao mà tại tôi?

- Thuở nay không phải là tôi không thấy con gái, mà sao tôi thấy người ta tôi không chút động tình, đến chừng gặp cô tôi lại tương-tư, dường ấy không phải là tại cô hay sao?

- Cậu thiệt là lanh lợi!

- Không phải đâu cô hai. Thuở nay tôi ít ăn ít nói lắm chớ. Không hiểu tại sao bữa nay tôi được nói chuyện với cô, rồi ông thần-khẩu của tôi ổng giục cho tôi phải nói hết cho cô nghe. Những lời tôi nói với cô nãy giờ đó là lời tâm-huyết, chớ không phải lời phỉnh phờ đâu. Nếu cô không tin thì để ngày sau đôi ta kết tóc với nhau rồi cô sẽ biết.

- Cậu phải lo đèn sách, chớ đừng có lo chuyện ngoài không nên.

- Nếu tôi không kết tóc với cô được thì có vui vẻ chi đâu mà lo xem sách. Xin cô thương dùm thân tôi. Cô mà phụ lòng tôi, thì dầu cô không có ý hại tôi đi nữa, tức nhiên cô cũng có tội, vì cô muốn cho tôi buồn rầu học không được rồi lỡ hội chơi, nên cô mới phụ tôi. Cô cũng là con nhà nho-học, tôi chắc cô không nỡ làm điều độc ác đến thế, phải không cô hai?

Ánh-Nguyệt châu mày, cúi mặt ngó xuống đất bộ nàng suy nghĩ lắm. Hải-Yến liếc ngó nàng, trong bụng mừng thầm, có ý đợi coi nàng nói thế nào. Cách một chút nàng nói rằng:

- Tôi xét phận tôi, nên tôi không thế nào ưng được. Tôi đã nói với chú Ðỗ-Cẩm rồi, vậy chớ chú không có nói lại cho cậu nghe hay sao?

- Không. Cô nói làm sao đó?

- Tôi đã nói với chú, nếu tôi ưng cậu thì tôi phải mang ba điều lỗi lớn. Thứ nhứt: ông thân tôi mất chưa mãn tang, nếu tôi lấy chồng thì tôi mang chữ bất hiếu. Thứ nhì: tuy tôi mồ côi, song tôi còn một ông chú với một ông cậu; nếu tôi lấy chồng mà không thưa cho thân tộc hay thì ai gọi tôi là con nhà lễ nghĩa. Thứ ba: cậu là con nhà học trò, đương xôi kinh nấu sử mà chờ khoa thi, nếu tôi cộng chẩm đồng sàn[4] làm cho cậu rối rấm lảng lơ đèn sách, thì tôi tưởng tôi cũng có tội với thánh hiền lắm. Vậy xin cậu hãy giữ lòng thanh tịnh mà lo bề đèn sách, chẳng nên tưởng nguyệt nhớ hoa mà lỗi với cha mẹ và lụy thân tôi tội nghiệp.

Hải-Yến ngồi nghe nàng nói, giọng lảnh lót như hồi đờn, ý ôn hòa như bài giảng, bởi vậy chàng mê mẩn tâm thần, muốn xen mà cải, song sợ nàng không nói nữa, nên phải dằn lòng lặng thinh mà nghe. Chừng nàng nói dứt rồi, chàng mới ngước mặt lên hỏi rằng:

- Cô nói còn một ông chú với một ông cậu, nếu muốn lấy chồng thì phải thưa trước mới dám. Hai ông ở đâu? Chú Ðỗ-Cẩm chịu thì đủ rồi, cần gì phải thưa cho đủ mặt bà con thân tộc.

- Chú Ðỗ-Cẩm có bà con gì với tôi đâu.

- Ủa! Nếu không phải bà con, sao cô lại ở đây? Cô gạt tôi chi vậy cô hai? Chú đả nói thiệt gia đạo của cô cho tôi biết hết. Chú nói chú là chú ruột của cô mà.

- Thưa, không. Chú nói dối với cậu đa. Ông thân tôi khoa trước lên ở đậu tại nhà chú mà thi, rủi đau rồi bỏ mình, làm tốn hao của chú hết 30 quan tiền. Tôi nghèo nàn không có tiền mà trả. Chú đến quan chú kiện tôi. Quan bắt tôi phải ở đợ với chú đây chớ.

Hải-Yến nghe nói chưng hửng, vùng đứng dậy, mắt ngó Ánh-Nguyệt trân-trân. Ánh-Nguyệt xây lưng đi qua giồng thuốc khác. Hải-Yến đứng ngó theo. Chẳng hiểu vì chàng nghe nàng nói nàng ở đợ với Ðỗ-Cẩm chớ không phải là cháu, thì chẳng biết kiêng nể chi nữa, hay là tại chàng ngó theo, thấy dáng đi yểu-điệu, chàng động lòng, mà nàng đi vừa được một chục bước, gần tới gốc cây bồ-đề lớn, chàng bươn bả chạy theo, rồi nắm cánh tay trái nàng chặt cứng mà kéo lại gốc cây bồ-đề.

Nàng bị níu thình-lình thì thẹn thùa mà lại giận quá, nên mặt mày đỏ tươi, cả mình run bây-bẩy, day lại ngó ngay chàng mà nói rằng:

- Cậu là con nhà học trò, chớ phải là đồ thất phu hay sao mà cậu vô lễ như vầy. Cậu phải buông tôi ra. Buông đi, nếu cậu không buông thì tôi làm cậu mang nhục cho cậu coi. Cậu buông hôn?

Hải-Yến miệng cười hề-hề, tay mặt cứ nắm Ánh-Nguyệt chặt cứng, rồi tay trái lại vói muốn ôm ngang mình nàng, nàng cúi xuống luợm khúc cây mà đập nhầu. Hải-Yến sợ trúng lổ đầu, nên lật đật buông nàng ra rồi bước thối lui hai ba bước. Ánh-Nguyệt chỉ cây ngay mặt chàng mà nói:

- Cậu là ăn cướp, chớ không phải học-trò. Tôi nói cho cậu biết, tuy thân phận tôi nghèo hèn mặc dầu song tôi trọng danh giá của tôi lắm, thà là tôi chết, chớ tôi không để cho ai làm nhơ danh tôi đâu.

Hải-Yến đứng xa-xa, mặt mày tái lét, cứ ngó nàng, chớ không kiếm được một lời mà đối đáp. Nàng thấy vậy mới bỏ mà đi. Chàng lục-thục đi theo và nói nhỏ-nhẹ rằng:

- Cô hai ơi, xin cô đừng có phiền. Vì tôi thương cô quá, nên tôi quên hết lễ-nghĩa liêm-sĩ.

Ánh-Nguyệt ngoái đầu lại và cười gằn và nói rằng:

- Cậu không biết chớ không phải cậu quên.

Hải-Yến nhăn mặt đáp rằng:

- Nãy giờ cô mắng nhiếc tôi lời nặng nề lắm, nhưng vì tôi thương cô quá nên tôi nhịn hết thảy. Cô hãy xét lại cô như vậy, còn tôi như vầy, sao cô lại chê tôi? Tôi là con nhà cự phú ở trên An-Giang; tôi tài học lại không nhượng ai hết. Phận cô nghèo khổ đến đỗi phải đem thân đợ cho người ta. Nếu cô khứng kết nghĩa Châu-Trần với tôi, thì tôi ra tiền mà trả nợ, rồi tôi mướn nhà rước cô về, vợ chồng ở với nhau, tôi xôi kinh nấu sử, cô lo sửa tráp nâng khăn, khi buồn hòa đờn, khi vui thưởng nguyệt, dường ấy cô không sung sướng hơn là ở đợ cho người ta như vầy hay sao? Cô phải nghĩ lãi, cô xét chỗ lợi hại cho kỹ. Tôi nói cho cô biết, tôi không nỡ làm bức cô, thì thiếu gì cách.

Nàng đứng lại đáp rằng:

- Tôi biết lắm chớ! Cậu làm đàn-ông con trai, lại có tiền bạc nhiều, còn tôi là đàn-bà con gái lại nghèo-hèn côi-cút, cậu muốn làm hại tôi có khó chi đâu. Tuy vậy mà thà tôi bị hại, chớ tôi không chịu để ô danh xủ tiết. Còn cậu khoe cậu giàu có mà lại học giỏi. Thưa cậu, tuy tôi nghèo hèn, song tôi kính trọng người biết lễ-nghĩa liêm-sĩ mà thôi, chớ không phải nghe nói giàu có mà tôi ham, hoặc nghe nói học giỏi mà tôi sợ.

Ánh-Nguyệt nói dứt rồi quây quả đi kiếm lá thuốc úa mà bẻ. Hải-Yến đứng ngó xuống đất mà suy nghĩ một hồi lâu lắm, rồi lần bước thủng thẳng đi vô nhà.

*

* *

   




Chú thích

  1. mở rộng
  2. có nhiều đầu nhọn nhô lên
  3. chung gối cùng giường