Bước tới nội dung

Ngự chế Quốc âm từ khúc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngự chế Quốc âm từ khúc
của Trịnh Sâm

Bài này của Trịnh Sâm được viết bằng chữ Nôm, trong nguyên bản được gọi là bài từ khúc nhưng được viết như một bài phú.

Bóng thỏ[1] chập chờn,
Lậu rồng[2] thưa nhặt.

Chặp địch[3] mơ màng nơi viễn thú[4],
Bông[5] đào thắc mặc thuở sư kỳ[6].

Trước nhà vàng[7] con hỷ thước chăng băng[8], tiếng tâu công sớm ruổi,
Ngoài dặm tía[9] cái đề quyên ánh ỏi, người hành dịch[10] mới về.

Xuất xa[11] mấy nỗi ân cần,
Trượng đỗ[12] vài lời khoản khúc[13].

Ta nay:
Vâng nền gian đại[14],
Noi dấu hiển thừa[15].

Lòng lệ tinh[16] sớm áo trưa cơm, mảy tấc[17] hằng chăm bóng hạ;
Đường lý chính[18] trong văn ngoài vũ, gần xa khắp phủ hơi xuân[19].

An chiếu[20] đà thỏa chốn nhạn hồng,
Lọt lưới chút còn loài cáo quỷ.

Sáu bảy huyện non cao hang thẳm, lung lao thói dữ quấy dân lành;
Ba mươi nhăm thành rộng hào sâu, nấn ná ngày chầy nên thế cả.

Một giải áo riêng ngăn đức giáo[21],
Điểm nốt ruồi lạm bạn thanh bình[22].

Giống can thường[23] bao dễ dung nào!
Việc chinh tiến ắt chăng được chớ!

Vậy phải:
Trao gươm khiển tướng[24],
Xuống lệnh ra quân.

Trước là nối chí đức tiên vương, công kinh hoạch[25] bấy lâu còn chửa chút;
Sau nữa thông đường ngoài tuyệt vực[26], lòng úy hoài[27] đâu đấy cũng cho phu[28].

Nghìn trùng dóng dả xa xôi,
Ba đạo nhọc nhằn ai nấy.

Hăm hở bác[29] vàng ngựa sắt, trăm tướng một lòng;
Duổi dong chân tuyết đầu sương[30], ba quân cộng sức.

Trải gió tắm mưa rập rã,
Trèo non lặn suối pha phôi.

Mường Thanh[31] vừa đóng việc gác yên[32], xuân trước chửa tan màu chướng vụ[33],
Trình Quang[34] lại trải tuần gối bác[35], thu sau thêm quyến thức lam yên[36].

Gian nan ai vẽ nên đồ!
Hiểm viễn dễ đo được đất!

Lạnh lùng nhẽ! Chăn sương nệm giá[37], dày cừu sĩ trạnh kẻ vu giao[38];
Lạt lẽo thay! Cơm ống nước bầu, hằng bữa chẳng khuây người mĩ thất[39].

Đá cật ngựa[40] xót hề phận khổ,
Giao đầu duềnh[41] bao đã đồng cam.

Đoạn cần lao muôn dặm xem gần, mai dịch[42] vắn dài lời ruổi cánh;
Niềm trữ vọng[43] năm canh chất nặng, Thiên San[44] chầy kíp thuở treo cung.

Mừng thấy:
Chiếu lát chông gai[45],
Sấm vang hiệu lệnh.

Chước ly gián, dẫu ruột rà cũng trói[46],
Thế bức cùng cho vây cánh nên mòn.

Lũ hoàn lương ngậm cỏ ra đầu, thành Sái[47] nửa đêm tuyết lọt,
Loài nghịch mệnh nghe hơi vỡ mật, non Côn[48] một trận lửa tan.

Giúp thiêng, trên đội đức thiên địa tổ tông,
Nung sức, dưới cậy lòng tướng thần sĩ tốt.

Lận mấy tiết, cúc bông sen chiếng[49], công trì khu thẻ Hán kham điền[50];
Vây một nhà rồng dậy[51] mây tuôn, lòng thể tất tịch Chu ngõ thỏa[52].

Sau trước tả bề lao khổ,
Dưới trên hưởng phúc thái bình.

   




Chú thích

  1. Bóng thỏ: Bóng trăng. Theo truyền thuyết, trên cung trăng có con thỏ ngọc. Sau văn thơ dùng chữ bóng thỏ để chỉ trăng
  2. Lậu rồng: Lậu là cái đồng hồ nước ngày xưa. Lậu rồng là chỉ cái đồng hồ chạm hình con rồng, dùng trong cung điện
  3. Chặp địch: Chặp là một hồi. Địch: cây sáo. Chặp địch: tiếng sáo thổi từng hồ
  4. Viễn thú: Đóng đồn phòng thủ ở phương xa
  5. Bông: chưa rõ nghĩa
  6. Sư kỳ: Ngày hẹn xuất quân đi đánh dẹp
  7. Nhà vàng: Nhà cửa trong cung điện, hoặc nơi quyền quý
  8. Chăng băng: Từ tượng thanh, tả tiếng hót nhí nhảnh của con chim thước báo tin vui
  9. Dặm tía: Con đường bụi bặm
  10. Hành dịch: Đi làm nhiệm vụ, theo lệnh trên
  11. Xuất xa: Mang xe ra ngoài thành; chỉ việc xuất quân, ra trận
  12. Trượng đỗ: Cắm gậy, nghĩa là dừng quân, cắm trại trên đường hành quân
  13. Khoản khúc: Khẩn khoản, chỉ sự ân cần quan tâm
  14. Gian đại: Nhiều khó khăn
  15. Hiểu thừa: Nối tiếp sự rực rỡ của tổ tiên
  16. Lòng lệ tinh: Lòng phấn chấn, hưng phấn
  17. Mảy tấc: Từ cổ, một chút ít, rất ít
  18. Lý chính: Lo việc chính sự
  19. Gần xa khắp phủ hơi xuân: Khắp nơi tràn ngập hơi ấm mùa xuân
  20. An chiếu: Vâng chiếu nhà vua dẹp yên miền biên viễn. Bài "Chức cẩm hồi văn" của nàng Tô Huệ có câu: "Quân thừa Hoàng chiếu an biên thú" (Chàng vâng chiếu vua đi thú để yên ổn ngoài biên)
  21. Ý cả câu: mảnh đất bé như cái giải áo mà dám ngăn đức giáo của nhà vua đưa tới (ý nói đất nhỏ mà dám cự lại nhà vua)
  22. Lạm bạn: cản trở, vướng víu. Ý cả câu: Một mảnh đất nhỏ như cái nốt ruồi mà dám cản trở vào sự thanh bình do nhà vua gây dựng
  23. Can là xâm phạm, thường là chính sự của quốc gia. Can thường: kẻ xâm phạm vào sinh hoạt chính trị của quốc gia
  24. Trao gươm khiển tướng: Nghi thức trước khi ra trận, vua chúa trao gươm cho tướng. Điển tích: Lưu Bang trao gươm và quyền tướng quân cho Hàn Tín để sai đi dẹp Hạng Vũ
  25. Kinh là chinh chiến, chinh phục; hoạch là vẽ bản đồ vùng đất chiếm được. Kinh hoạch: tính toán hoạch định công việc
  26. Ngoài tuyệt vực: Nơi xa xôi, tận cùng của cõi đất
  27. Úy hoài: Sợ hãi, vỗ về. Chính sách cai trị xưa: đối với người ở gần thì mềm mỏng, đối với người ở xa thì vỗ về; làm cho kẻ ở gần thì sợ mà theo, người ở xa thì được chở che mà theo về
  28. Phu: Tin tưởng
  29. Bác: Khí giới thời xưa, cán dài, lưỡi rộng bản, mũi nhọn, dùng để chém
  30. Chân tuyết đầu sương: Chân đạp tuyết, đầu đội sương
  31. Mường Thanh: Thuộc châu Ninh Biên, phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa, nay thuộc tỉnh Lai Châu. Xưa đất Mường Thanh rất rộng, gồm cả Mường Lễ, Sông Mã ở khu Tây Bắc và vùng phụ cận
  32. Gác yên: Thôi việc chinh chiến, gác cái yên ngựa thôi không dùng nữa
  33. Chướng vụ: Khí độc nơi rừng sâu, núi cao
  34. Trình Quang: Tên đất, thuộc phủ Trấn Ninh, nay thuộc vùng xứ Nghệ, giáp với Lào. Theo "Bình Ninh thực lục", Trình Quang là tên ấp, sau đắp nên thành, nơi cát cứ, xây cất cung thất của viên Thổ tù Lô Cầm Dân (Lô Cầm Hương - bản dịch Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Tập II. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, trang 656)
  35. Gối bác: Gối đầu lên cái bác (vác). ý nói người chiến sĩ ở ngoài chiến trường
  36. Quyến: (từ cổ) nhiễm, dính vào; thức: (từ cổ) màu vẻ; lam yên: khí độc nơi rừng sâu
  37. Chăn sương nệm giá: Tả nỗi vất vả của người ở nơi chiến địa, phải nằm trên sương lạnh
  38. Vu giao: Đi ra ngoài thành, đến nơi xa xôi, biên ải. Dày cừu sĩ trạnh kẻ vu giao: Chưa hiểu nghĩa
  39. Mĩ thất: Kẻ không nhà, ở đây chỉ những người đang ở nơi chiến địa. Ý cả câu: Mỗi bữa chẳng nguôi nhớ đến những người không nhà cửa, đang trong cảnh cơm ống nước bầu
  40. Đá cật ngựa: Đường núi hiểm trở, cheo leo như lưng ngựa
  41. Giao đầu duềnh: Nguyên bản viết là , có lẽ phải viết là . Do chữ "đầu giao hưởng sĩ", dẫn điển trong sách "Văn tuyển" chép lời Hoàng Thạch Công rằng: "Xưa có viên tướng giỏi, khéo dùng binh, nhân có người biếu hũ rượu, viên tướng liền truyền tập họp quân sĩ bên gềnh sông rồi đổ hũ rượu xuống dòng sông để quân sĩ đều được nhắp lấy hơi rượu, gọi là chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau chung sức chiến đấu. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có câu: Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm (Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào)
  42. Mai dịch: Trạm dịch đặt dọc đường để đưa tin tức. Điển tích: Lục Khải ở Giang Nam bẻ một cành hoa mai gửi về Trường An cho bạn là Phạm Hoa kèm theo bài thơ. Về sau dùng chữ "mai dịch" để chỉ việc đưa tin. Ý cả câu: Con đường xa muôn dặm gian lao vất vả vẫn xem như gần, là bởi nhờ có các trạm dịch nối những đường thư thông suốt
  43. Trữ vọng: Sự trông mong canh cánh
  44. Thiên San: Tên đất. Thiên San (Thiên Sơn) còn gọi là Kỳ Liên Sơn, dãy núi ở Tây Vực, cách Trường An hơn tám nghìn dặm, về phía Tây huyện Trương Dịch, tỉnh Cam Túc, nơi xảy ra nhiều trận chiến ác liệt thời Hán, Đường. Về sau Thiên San chỉ nơi xa xôi, hiểm trở hay có chiến sự. Theo Hán thư: Năm Thiên Hán thứ 2, Nhị tướng quân đem ba vạn quân cùng với Hữu Hiền vương giao chiến ở Thiên San chém được hơn ba vạn đầu giặc. Ý cả câu: Năm canh nặng nỗi niềm trông đợi (tin thắng trận), việc treo cung, kết thúc chiến dịch như trận Thiên San ngày trước sớm muộn cũng sẽ đến
  45. Chiếu lát chông gai: Hình ảnh ví von tả nỗi vất vả gian lao của chiến sĩ, lấy chông gai làm chiếu
  46. Nghĩa cả câu: ta dùng kế ly gián, thì kẻ phản nghịch dẫu là ruột rà của nhau cũng vẫn trói nhau nộp mạng
  47. Thành Sái: Tức thành Thái Châu, thuộc huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Theo Thông chí: Đời Đường, Ngô Nguyên Tế làm phản, chiếm giữ thành Thái Châu; bấy giờ Lý Tố, tự Nguyên Trinh làm Tiết độ sứ ở đất Đường Đặng, giỏi mưu lược, nhân đêm tuyết xuống, đem quân vào Thái Châu bắt sống Ngô Tuyên Tế. Thơ "Hồng Đức quốc âm thi tập" có câu: "Cửa Trình chăm chắm lòng cầu đạo, Thành Thái hây hây chí lập công."
  48. Non Côn: Tên núi, tức Côn Cương (hoặc Côn Lôn). Kinh Thư, Dận chinh: "Hỏa viêm Côn Cương, ngọc thạch câu phần" (Lửa thiêu núi Côn Cương, ngọc và đá đều cháy ráo cả). Núi Côn Cương sản ra ngọc, nên có câu này. Đời sau, trong văn chương thường hay dùng chữ Côn hỏa hay Côn viêm, để dẫn ra việc này. Ở câu thơ trong bài chỉ cảnh chinh chiến, người dân lành cũng bị tàn hại, như ngọc đá núi Côn Cương. "Hoài Nam khúc" của Hoàng Quang có câu: "Tới đâu ngọc thạch câu phần; Than rằng Thăng, Điện, ấy dân tội gì." (Nguyễn Văn Sâm, Văn học Nam Hà - Văn học Đường trong thời phân tranh, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, 1974. tr.106)
  49. Chiếng: Từ cổ, nở, nở ra
  50. Trì khu: rong ruổi nơi trận mạc; thẻ Hán: tấm thẻ ghi công lao công thần nhà Hán, chỉ sự tưởng thưởng lớn lao, vinh dự; kham điền: có thể lấp chỗ trống. Ý cả câu: Công chinh phạt của hôm nay có thể điền vào, bổ sung cho sổ ghi công nhà Hán
  51. Rồng dậy: Dịch từ hai chữ Long phi hoặc Hưng long, chỉ bậc đế vương ở ngôi. Ở đây chỉ cảnh thái bình, thịnh trị
  52. Thể tất: hiểu thấu đáo; tịch Chu: bữa tiệc thưởng công ở đời nhà Chu; ngõ: (từ cổ, thuộc loại kết từ) ngõ hầu, để rồi, để mà; thỏa: trạng thái hoàn toàn hài lòng khi được đúng như đã mong muốn. Ý cả câu: Cả triều đình quần tụ vui vẻ hưởng thái bình, tấm lòng thấu hiểu này thấy phải mở tiệc lớn như nhà Chu xưa kia thì mới thỏa lòng


Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1930, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.