Nghị định số 17/2023/NĐ-CP/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị định số 17/2023/NĐ-CP
Chương III. GIỚI HẠN, NGOẠI LỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Chương III
GIỚI HẠN, NGOẠI LỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1
NGOẠI LỆ KHÔNG XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, NGOẠI LỆ KHÔNG XÂM PHẠM QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 25. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép

1. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại các điểm b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi sao chép hợp lý không quá một bản một phần tác phẩm.

2. Thiết bị sao chép quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là thiết bị có chức năng sao chép với toàn bộ hoặc một phần linh kiện liên quan được tự động hóa trên cơ sở có hoặc không có trả tiền dịch vụ bởi bất kỳ ai không thuộc về tổ chức sở hữu, chiếm hữu hoặc khai thác thương mại thiết bị đó.

3. Đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết, hành vi sao chép hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này là hành vi sao chép bằng cách photocopy, chụp ảnh hoặc hình thức tương tự khác tối đa không quá 10% tổng số trang hoặc tổng đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài nội dung của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang.

Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép quy định tại khoản này phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.

4. Tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết với tỷ lệ phần trăm nhiều hơn mức quy định tại khoản 3 Điều này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 26. Sử dụng hợp lý tác phẩm

1. Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, cuộc biểu diễn chưa được định hình nhằm mục đích giảng dạy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Việc sử dụng tác phẩm để minh họa trong bài giảng, cuộc biểu diễn chưa được định hình phải bảo đảm chỉ sử dụng trong phạm vi buổi học của cơ sở giáo dục và chỉ người học, người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm.

Trường hợp sử dụng tác phẩm trong đề thi, đáp án kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong hệ thống giáo dục quốc dân thì có thể sử dụng theo mức độ cần thiết;

b) Việc sử dụng tác phẩm không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong ấn phẩm, cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải trong phạm vi cơ sở giáo dục và áp dụng tương tự các điều kiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này.

Điều 27. Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước

Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc cán bộ, công chức sao chép, chuyển thể, triển lãm hoặc trưng bày tác phẩm để thực hiện hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Điều 28. Trích dẫn hợp lý tác phẩm

Trích dẫn hợp lý tác phẩm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.

2. Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

3. Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.

Điều 29. Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại

1. Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá ba bản để bảo quản, với điều kiện các bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ.

2. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này và phải bao gồm thông tin về quyền tác giả xuất hiện trên bản sao được sao chép theo quy định của pháp luật hoặc bao gồm chú thích rõ ràng về việc tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả nếu không có thông tin nào về quyền tác giả được tìm thấy trên bản sao được sao chép.

3. Sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả và không được cung cấp cho công chúng bản sao tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số bên ngoài khuôn viên của thư viện sử dụng hợp pháp bản sao đó.

4. Thiết bị sao chép đặt trong khuôn viên thư viện phải kèm theo thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Điều 30. Ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật

1. Người khuyết tật quy định tại điểm m khoản 1 Điều 25, Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ và tại Điều này bao gồm:

a) Người khuyết tật nhìn;

b) Người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, được hiểu là: Người đang trong tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng đọc mà không thể cải thiện được dẫn đến không thể đọc tác phẩm in như một người bình thường hoặc người khuyết tật đang trong tình trạng không thể cầm nắm, thao tác trên một cuốn sách hoặc tác phẩm in tương tự hay không thể di chuyển mắt để đọc ở mức độ bình thường.

2. Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ là bản sao tác phẩm được thể hiện bằng chữ nổi, ghi âm, chuyển đổi kỹ thuật số, hình ảnh thành lời nói, ngôn ngữ ký hiệu đi kèm hoặc bằng định dạng hay phương thức khác bảo đảm người khuyết tật tiếp cận tác phẩm thuận lợi.

3. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ là tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan nhà nước có hoạt động hoặc chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tiếp cận thông tin và đọc thích nghi theo phương pháp và cách thức phù hợp, bao gồm các tổ chức sau đây:

a) Quỹ trợ giúp người khuyết tật quy định tại Luật Người khuyết tật;

b) Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quy định tại Luật Người khuyết tật;

c) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác quy định tại Luật Người khuyết tật;

d) Tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật quy định tại Luật Người khuyết tật;

đ) Trường dành cho người khuyết tật quy định tại Luật Giáo dục;

e) Thư viện có phục vụ người khuyết tật quy định tại Luật Thư viện;

g) Các tổ chức khác đáp ứng điều kiện nêu trên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Chấp thuận các tổ chức theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều này:

a) Tổ chức không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này có nhu cầu sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ thì nộp hồ sơ đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các tài liệu liên quan.

Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận cho tổ chức áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật;

b) Hình thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Thành phần hồ sơ bao gồm:

Tờ khai đề nghị chấp thuận áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cho người khuyết tật (theo Mẫu số 03 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Kế hoạch sử dụng;

Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc quyết định thành lập của tổ chức và tài liệu khác chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Tổ chức được chấp thuận không được chuyển nhượng quyền đã được chấp thuận cho tổ chức, cá nhân khác.

5. Tổ chức quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

a) Bảo đảm bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Thông báo cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch danh mục bản sao tác phẩm dưới định dạng dễ tiếp cận của tổ chức và công khai danh mục này trên trang thông tin điện tử của tổ chức nếu tổ chức có trang thông tin điện tử;

c) Bảo đảm tôn trọng quyền riêng tư của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng với những người khác;

d) Báo cáo hằng năm cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện các hoạt động theo quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Tổ chức tương ứng theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định tại các khoản 3 và 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ là các tổ chức được các quốc gia thành viên điều ước cho phép.

Điều 31. Sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng

Việc sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng để giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Việc sao chép phải bảo đảm chỉ sử dụng trong phạm vi buổi học của cơ sở giáo dục và chỉ người học, người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận đối với phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sao chép.

Trường hợp sử dụng trong đề thi, đáp án kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong hệ thống giáo dục quốc dân thì có thể sử dụng theo mức độ cần thiết.

2. Việc sao chép không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền liên quan.

3. Quy định này không áp dụng trong trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy.

Điều 32. Trích dẫn hợp lý cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng

1. Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sử dụng các trích đoạn nhằm mục đích thuần túy đưa tin.

2. Việc trích dẫn hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin;

b) Phần trích dẫn từ cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn.

Điều 33. Bản sao tạm thời

Bản sao tạm thời quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện, thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức.

Mục 2
GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ, GIỚI HẠN QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 34. Sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan

1. Sử dụng tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 của Luật Sở hữu trí tuệ; bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để sử dụng tại nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại; câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; quán bar, vũ trường; trong hoạt động hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại có bản chất tương tự.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc khai thác, sử dụng, cung cấp danh mục, thời lượng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã sử dụng và trả tiền bản quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không tìm thấy hoặc không liên lạc được với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình thì tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thực hiện nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 23 của Nghị định này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục tìm kiếm, quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

3. Tỷ lệ phân chia tiền bản quyền trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo thỏa thuận của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình đó. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện phân chia theo tỷ lệ như sau: Chủ sở hữu quyền tác giả hưởng 50%, người biểu diễn hưởng 25%, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hưởng 25% trên tổng số tiền bản quyền thu được.

Điều 35. Trả tiền bản quyền trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải trả tiền bản quyền theo biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo và không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

3. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này lấy một năm dương lịch làm thời gian quyết toán việc trả tiền bản quyền. Sau 90 ngày kể từ ngày hết năm tài chính mà tổ chức phát sóng không trả tiền bản quyền theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì phải dừng việc tiếp tục sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình.

Quy định tại khoản này không áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1 Điều 34 của Nghị định này không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải trả tiền bản quyền theo biểu mức quy định tại Phụ lục II của Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp không trả tiền bản quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ khi sử dụng thì phải dừng việc tiếp tục sử dụng.

Điều 36. Khai thác, sử dụng quyền dịch các tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu dịch sang tiếng Việt tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại phải nộp hồ sơ bao gồm tờ khai đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại trực tiếp đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các bằng chứng về việc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trước đó đã xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc dịch tác phẩm sang tiếng Việt nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc bằng mọi biện pháp không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả và phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Chủ sở hữu quyền tác giả đã không dịch hoặc không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dịch tác phẩm sang tiếng Việt để xuất bản trong vòng 3 năm sau lần xuất bản đầu tiên của tác phẩm;

b) Chủ sở hữu quyền tác giả đã xuất bản bản dịch tiếng Việt nhưng sau 3 năm kể từ lần xuất bản cuối cùng của bản dịch, không còn ấn bản nào trên thị trường.

2. Trình tự, hình thức thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Sau 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo cho chủ sở hữu quyền tác giả và đăng trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan về việc tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

c) Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày đăng thông báo theo điểm b khoản này, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;

d) Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

đ) Sau khi nhận được tiền bản quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quy định tại điểm a khoản này ban hành văn bản chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

e) Cơ quan quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm chuyển tiền bản quyền đã nhận cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

3. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (theo Mẫu số 04 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Kế hoạch sử dụng;

c) Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc dịch tác phẩm sang tiếng Việt nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc đã nỗ lực tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả;

d) Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này;

đ) Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

e) Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

4. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận chỉ có quyền dịch và xuất bản bản dịch được chấp thuận và không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

Cơ quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không được cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác dịch sang tiếng Việt từ cùng một tác phẩm được chấp thuận việc dịch nêu trên trong trường hợp thời gian trong văn bản chấp thuận chưa hết hạn hoặc đã hết hạn trong thời gian chưa quá 6 tháng.

5. Trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả đã xuất bản bản dịch tiếng Việt có nội dung giống với nội dung của tài liệu in là đối tượng của văn bản chấp thuận theo Điều này và đã phân phối tài liệu in với giá thích hợp tại Việt Nam, cơ quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều này ra quyết định thu hồi văn bản chấp thuận đã ban hành. Các bản sao của tài liệu in đã được thực hiện hoặc xuất bản trước khi có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể được phân phối cho đến hết.

6. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận không được xuất khẩu các bản sao của tài liệu in của bản dịch hoặc xuất bản đã được chấp thuận bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân nhận ở nước ngoài là công dân Việt Nam;

b) Tài liệu được in ra phục vụ cho mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu;

c) Việc phân phối tài liệu in không nhằm mục đích thương mại;

d) Quốc gia mà tài liệu in được phân phối cho phép Việt Nam phân phối hoặc phân phối tài liệu in đến hoặc trong quốc gia đó.

Điều 37. Khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại phải nộp hồ sơ bao gồm tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại trực tiếp đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các bằng chứng về việc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trước đó đã xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc sao chép tác phẩm, nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận và phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Chủ sở hữu quyền tác giả không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ khi xuất bản tác phẩm lần đầu tiên hoặc không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 3 năm đối với tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, toán học, công nghệ hoặc không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 7 năm đối với tác phẩm tiểu thuyết, thơ, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật;

b) Chủ sở hữu quyền tác giả đã phát hành bản sao nhưng sau thời hạn tại điểm a khoản này đã không còn ấn bản nào của tác phẩm trên thị trường.

2. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các điều kiện sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chứng minh đã yêu cầu và đã bị chủ sở hữu quyền tác giả từ chối cho phép sao chép và xuất bản tác phẩm đó hoặc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng mọi biện pháp không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả;

b) Khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả, tổ chức, cá nhân đã gửi một bản sao yêu cầu của mình về sự ủy quyền qua đường bưu điện đến nhà xuất bản có tên trên tác phẩm không ít hơn 3 tháng trước khi nộp hồ sơ;

c) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ có đủ năng lực để sao chép và xuất bản một bản sao chính xác của tác phẩm và có đủ phương tiện kỹ thuật để trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả;

d) Tên tác giả và tên ấn bản cụ thể của tác phẩm được đề xuất sao chép được in trên tất cả các bản sao của bản sao chép;

đ) Tác giả chưa rút khỏi các bản lưu hành của tác phẩm.

3. Trình tự, hình thức thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Sau 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo cho chủ sở hữu quyền tác giả và đăng trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan về việc tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

c) Sau ít nhất 6 tháng đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, toán học, công nghệ hoặc ít nhất 3 tháng đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm khác kể từ ngày đăng thông báo theo điểm b khoản này, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;

d) Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

đ) Sau khi nhận được tiền bản quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quy định tại điểm a khoản này ban hành văn bản chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

e) Cơ quan quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm chuyển tiền bản quyền đã nhận cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

4. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (theo Mẫu số 05 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Kế hoạch sử dụng;

c) Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc sao chép tác phẩm nhưng yêu cầu đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc đã nỗ lực tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả;

d) Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này;

đ) Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

e) Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

5. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận chỉ có quyền sao chép và xuất bản bản sao được chấp thuận và không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.