Bước tới nội dung

Nghị định thư về Ủy ban quốc tế (bản bốn bên)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam có kèm theo bốn Nghị định thư về các vấn đề:

  • Về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ;
  • Về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban liên hợp quân sự;
  • Về Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát;
  • Về tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Sau đây là bản Nghị định thư thứ ba:

[Vietnamese text — Texte vietnamien]


NGHỊ ĐỊNH THƯ CỦA HIỆP ĐỊNH VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HÒA BÌNH Ở VIỆT NAM VỀ ỦY BAN QUỐC TẾ KIỂM SOÁT VÀ GIÁM SÁT


Các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam,

Thực hiện điều 18 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký vào ngày này, quy định việc thành lập Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Việc thi hành Hiệp định là trách nhiệm của các bên ký kết.

Nhiệm vụ của Ủy ban quốc tế là kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản nói trong Điều 18 của Hiệp định. Trong khi thực hiện nhiệm vụ này, Ủy ban quốc tế sẽ:

a) Theo dõi việc thực hiện những điều khoản trên đây của Hiệp định qua liên lạc với các bên và quan sát tại chỗ ở những nơi cần thiết;

b) Điều tra các vụ vi phạm những điều khoản thuộc thẩm quyền kiểm soát và giám sát của Ủy ban;

c) Khi cần thiết, hợp tác với các Ban liên hợp quân sự trong việc ngăn ngừa và phát hiện vi phạm các điều khoản nói trên.

Điều 2

Ủy ban quốc tế sẽ điều tra những vụ vi phạm nói trong Điều 18 của Hiệp định theo yêu cầu của Ban liên hợp quân sự bốn bên, hoặc của Ban liên hợp quân sự hai bên, hoặc của bất cứ bên nào, hoặc, đối với Điều 9(b) của Hiệp định về tổng tuyển cử, của Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc, hoặc trong bất cứ trường hợp nào mà Ủy ban quốc tế có đầy đủ căn cứ khác để cho rằng đã xảy ra vi phạm đối với các điều khoản đó. Cần hiểu rằng, khi tiến hành nhiệm vụ này, Ủy ban quốc tế sẽ hành động với sự giúp đỡ và hợp tác cần thiết của các bên có liên quan.

Điều 3

a) Khi Ủy ban quốc tế thấy có một sự vi phạm nghiêm trọng đối với việc thực hiện Hiệp định hoặc thấy có nguy cơ đe dọa hòa bình mà Ủy ban không đi đến một biện pháp thích đáng, thì Ủy ban sẽ báo cáo việc đó cho bốn bên ký kết Hiệp định để bốn bên hiệp thương giải quyết.

b) Theo Điều 18(f) của Hiệp định, các bản báo cáo của Ủy ban quốc tế phải được sự nhất trí thỏa thuận của đại diện tất cả bốn thành viên. Trong trường hợp không có sự nhất trí, thì Ủy ban sẽ chuyển các ý kiến khác nhau cho bốn bên theo Điều 18(b) của Hiệp định hoặc cho hai bên miền Nam Việt Nam theo Điều 18(c) của Hiệp định, nhưng không được coi đó là báo cáo của Ủy ban.

Điều 4

a) Trụ sở của Ủy ban quốc tế đặt tại Sài Gòn.

b) Sẽ có bảy tổ khu vực đặt tại các khu vực ghi trong bản đồ kèm theo và đóng tại các địa điểm sau đây:

Khu vực Địa điểm
I Huế
II Đà Nẵng
III Pleiku
IV Phan Thiết
V Biên Hòa
VI Mỹ Tho
VII Cần Thơ

Ủy ban quốc tế cử ba tổ cho khu vực Sài Gòn – Gia Định.

c) Sẽ có hai mươi sáu tổ hoạt động trong các địa phương ghi trong bản đồ kèm theo và đóng tại các địa điểm sau đây ở miền Nam Việt Nam:

Khu vực I

Quảng Trị
Phú Bài

Khu vực II

Hội An
Tam Kỳ
Chu Lai

Khu vực III

Kontum
Hậu Bổn
Phù Cát
Tuy An
Ninh Hòa
Ban Mê Thuột

Khu vực IV

Đà Lạt
Bảo Lộc
Phan Rang

Khu vực V

An Lộc
Xuân Lộc
Bến Cát
Củ Chi
Tân An

Khu vực VI

Mộc Hóa
Giồng Trôm

Khu vực VII

Tri Tôn
Vĩnh Long
Vị Thanh
Khánh Hưng
Quán Long

d) Sẽ có mười hai tổ bố trí theo như bản đồ kèm theo và đóng tại những địa điểm sau đây:

Gio Linh (hoạt động trong vùng phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời)
Lao Bảo
Bến Hét
Đức Cơ
Chu Lai
Quy Nhơn
Nha Trang
Vũng Tàu
Xa Mát
Sân bay Biên Hòa
Hồng Ngự
Cần Thơ

e) Sẽ có bảy tổ, trong số đó sáu tổ có thể được cử đến các cửa khẩu không nằm trong danh sách nói ở đoạn (d) trên đây, mà được hai bên miền Nam Việt Nam chọn làm nơi cho phép đưa vào miền Nam Việt Nam vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh được phép thay thế theo Điều 7 của Hiệp định. Tổ nào hoặc những tổ nào không cần cho nhiệm vụ nói trên thì có thể dùng vào nhiệm vụ khác phù hợp với trách nhiệm kiểm soát và giám sát của Ủy ban.

f) Sẽ lập bảy tổ kiểm soát và giám sát việc trao trả nhân viên của các bên bị bắt và giam giữ.

Điều 5

a) Để thực hiện nhiệm vụ của mình về việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt nói trong Điều 8(a) của Hiệp định, Ủy ban quốc tế sẽ, trong thời gian tiến hành trao trả, cử một tổ kiểm soát và giám sát tới mỗi nơi ở Việt Nam có việc trao trả những người bị bắt và tới những nơi giam giữ cuối cùng trước khi những người đó được đưa đến nơi trao trả.

b) Để thực hiện nhiệm vụ của mình về việc trao trả những nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam nói trong Điều 8(c) của Hiệp định, Ủy ban quốc tế sẽ, trong thời gian tiến hành trao trả, cử một tổ kiểm soát và giám sát tới mỗi nơi ở miền Nam Việt Nam có việc trao trả những người bị bắt và giam giữ nói trên và tới những nơi giam giữ cuối cùng trước khi những người đó được đưa đến nơi trao trả.

Điều 6

Để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Điều 9(b) của Hiệp định về cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ ở miền Nam Việt Nam, Ủy ban quốc tế sẽ tổ chức thêm những tổ, nếu thấy cần thiết. Ủy ban quốc tế sẽ thảo luận trước vấn đề này với Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Nếu cần có thêm những tổ nhằm mục đích đó, thì những tổ đó sẽ được thành lập ba mươi ngày trước cuộc tổng tuyển cử.

Điều 7

Ủy ban quốc tế sẽ luôn luôn xem lại vấn đề số nhân viên của mình, và sẽ giảm bớt số tổ, số đại biểu hoặc số nhân viên khác, hoặc cả hai, khi các tổ, đại biểu hoặc nhân viên ấy đã hoàn thành nhiệm vụ mà họ đã được giao và không cần cho nhiệm vụ khác, đồng thời Ủy ban quốc tế giảm các chi phí một cách tương ứng.

Điều 8

Mỗi thành viên Ủy ban quốc tế luôn luôn phải cung cấp số nhân viên có thẩm quyền sau đây:

a) Một trưởng đoàn và hai mươi sáu người khác cho cơ quan Ủy ban.

b) Năm người cho mỗi tổ trong số bảy tổ khu vực.

c) Hai người cho mỗi tổ khác của Ủy ban quốc tế, trừ các tổ ở Gio Linh và Vũng Tàu thì mỗi tổ có ba người.

d) Một trăm mười sáu người để giúp việc tại cơ quan Ủy ban quốc tế và các tổ.

Điều 9

a) Ủy ban quốc tế, và mỗi tổ của Ủy ban quốc tế, hành động như một cơ quan thống nhất bao gồm đại biểu của tất cả bốn thành viên.

b) Mỗi thành viên có trách nhiệm bảo đảm sự có mặt của các đại biểu của mình ở tất cả các cấp của Ủy ban quốc tế. Trong trường hợp một đại biểu vắng mặt, thành viên hữu quan phải cử ngay người thay thế.

Điều 10

a) Các bên sẽ dành sự hợp tác, giúp đỡ và bảo vệ đầy đủ cho Ủy ban quốc tế.

b) Các bên sẽ thường xuyên giữ liên lạc đều đặn và liên tục với Ủy ban quốc tế. Trong thời gian tồn tại của Ban liên hợp quân sự bốn bên, các đoàn đại biểu của các bên trong Ban này sẽ đồng thời làm chức năng liên lạc với Ủy ban quốc tế. Sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên đã chấm dứt hoạt động, sự liên lạc đó sẽ được duy trì thông qua Ban liên hợp quân sự hai bên, các phái đoàn liên lạc, hoặc bằng các cách thích hợp khác.

c) Ủy ban quốc tế và các Ban liên hợp quân sự hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ lẫn nhau trong khi tiến hành nhiệm vụ của mình.

d) Tổ đóng hoặc hoạt động ở vùng nào, thì bên có liên quan cử sĩ quan liên lạc bên cạnh tổ để hợp tác và giúp đỡ tổ tiến hành nhiệm vụ kiểm soát và giám sát mà không có sự cản trở. Khi một tổ tiến hành một cuộc điều tra, sĩ quan liên lạc của mỗi bên liên quan sẽ có cơ hội cùng đi với tổ miễn là việc đó không làm trì hoãn cuộc điều tra.

e) Mỗi bên sẽ thông báo trước với một thời gian hợp lý cho Ủy ban quốc tế về tất cả những hành động dự định tiến hành có liên quan đến các điều khoản của Hiệp định mà Ủy ban quốc tế phải kiểm soát và giám sát.

f) Ủy ban quốc tế, kể cả các tổ, được đi lại quan sát theo sự cần thiết hợp lý để thực hiện đúng đắn nhiệm vụ của mình như đã quy định trong Hiệp định. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ này, Ủy ban quốc tế, kể cả các tổ, sẽ được mọi sự giúp đỡ và hợp tác cần thiết của các bên hữu quan.

Điều 11

Trong khi giám sát việc thực hiện tổng tuyển cử tự do và dân chủ nói trong Điều 9(b) và Điều 12(b) của Hiệp định theo những thể thức sẽ được thỏa thuận giữa Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc với Ủy ban quốc tế, Ủy ban quốc tế sẽ được sự hợp tác và giúp đỡ đầy đủ của Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Điều 12

Ủy ban quốc tế và nhân viên của Ủy ban có quốc tịch của một nước thành viên, trong khi thi hành nhiệm vụ, sẽ được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ tương đương với quyền dành cho các phái đoàn ngoại giao và nhân viên ngoại giao.

Điều 13

Ủy ban quốc tế được sử dụng những phương tiện thông tin và vận tải cần thiết để thi hành nhiệm vụ. Mỗi bên miền Nam Việt Nam sẽ cung cấp cho Ủy ban quốc tế, do Ủy ban quốc tế trả tiền, trụ sở, nhà ở và những tiện nghi thích hợp và sẽ giúp đỡ Ủy ban quốc tế có các tiện nghi đó. Ủy ban quốc tế có thể nhận của các bên, theo điều kiện hai bên đều thỏa thuận, phương tiện thông tin và vận tải cần thiết và có thể mua từ bất cứ nguồn nào những thiết bị cần thiết và thuê phục vụ cần thiết không nhận được của các bên. Ủy ban quốc tế sẽ sở hữu các phương tiện nói trên.

Điều 14

Chi phí cho các hoạt động của Ủy ban quốc tế sẽ do các bên và các thành viên Ủy ban quốc tế chịu theo các điều khoản của điều này:

a) Mỗi nước thành viên của Ủy ban quốc tế sẽ trả lương và phụ cấp cho nhân viên của mình.

b) Tất cả các chi phí khác của Ủy ban quốc tế sẽ lấy ở một qũy do bốn bên đóng góp, mỗi bên hai mươi ba phần trăm (23%) và do các thành viên của Ủy ban quốc tế đóng góp, mỗi nước hai phần trăm (2%).

c) Trong vòng ba mươi ngày sau khi Nghị định thư này có hiệu lực, mỗi bên trong bốn bên sẽ cấp cho Ủy ban quốc tế một số tiền đầu tiên tương đương với bốn triệu năm trăm nghìn (4.500.000) đồng phơ-răng Pháp bằng loại tiền có thể đổi ra được, số tiền này sẽ được tính vào số tiền mà bên đó phải trả trong ngân sách đầu tiên.

d) Ủy ban quốc tế sẽ dự trù các ngân sách của mình. Sau khi Ủy ban quốc tế thông qua một ngân sách, Ủy ban sẽ chuyển ngân sách đó cho tất cả các bên ký kết Hiệp định để được thông qua. Chỉ sau khi các ngân sách đã được bốn bên ký kết Hiệp định thông qua thì các bên đó mới có nghĩa vụ đóng góp. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên ký kết Hiệp định chưa thỏa thuận được ngân sách mới, Ủy ban quốc tế sẽ tạm thời chi tiêu theo ngân sách trước trừ các khoản đặc biệt chỉ chi một lần về đặt cơ quan và mua trang bị, và các bên sẽ tiếp tục đóng góp trên cơ sở đó cho đến khi ngân sách mới được thông qua.

Điều 15

a) Cơ quan Ủy ban quốc tế sẽ sẵn sàng hoạt động và có mặt ở vị trí hai mươi bốn giờ sau khi ngừng bắn.

b) Các tổ khu vực sẽ sẵn sàng hoạt động và có mặt ở vị trí và ba tổ kiểm soát và giám sát việc trao trả nhân viên bị bắt và giam giữ sẽ sẵn sàng hoạt động và sẵn sàng được cử đi trong vòng bốn mươi tám giờ sau khi ngừng bắn.

c) Các tổ khác sẽ sẵn sàng hoạt động và có mặt ở vị trí trong vòng mười lăm đến ba mươi ngày sau khi ngừng bắn.

Điều 16

Các cuộc họp sẽ do Chủ tịch triệu tập. Ủy ban quốc tế sẽ thông qua những thủ tục làm việc khác thích hợp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình và phù hợp với việc tôn trọng chủ quyền của miền Nam Việt Nam.

Điều 17

Các thành viên của Ủy ban quốc tế có thể nhận nghĩa vụ theo Nghị định thư này bằng cách gửi công hàm, chấp nhận cho bốn bên ký kết Hiệp định. Thành viên nào trong Ủy ban quốc tế quyết định rút khỏi Ủy ban quốc tế thì họ có thể làm như vậy bằng cách gửi công hàm trước ba tháng cho bốn bên ký kết Hiệp định; trong trường hợp đó, bốn bên ký kết Hiệp định sẽ hiệp thương với nhau để thỏa thuận về một thành viên thay thế.

Điều 18

Nghị định thư này sẽ có hiệu lực khi đại diện toàn quyền của các bên tham gia Hội nghị Pa-ri về Việt Nam ký. Tất cả các bên có liên quan sẽ thi hành triệt để Nghị định thư này.

Làm tại Pa-ri, ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba, bằng tiếng Anh và tiếng Việt Nam. Bản tiếng Anh và bản tiếng Việt Nam đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau.


Thay mặt
Chính phủ Hoa Kỳ:
Thay mặt
Chính phủ Việt Nam cộng hòa:

[Signed – Signé]
WILLIAM P. ROGERS
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

[Signed – Signé]
TRẦN VĂN LẮM
Tổng trưởng Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Việt Nam
dân chủ cộng hòa:
Thay mặt
Chính phủ cách mạng lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam:

[Signed – Signé]
NGUYỄN DUY TRINH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

[Signed – Signé]
NGUYỄN THỊ BÌNH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

bản đồ đính kèm

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".

Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".

Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:

  1. Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
  2. Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
  3. Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).