Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1982

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1982  (1982) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1982.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 3

- Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;

- Sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và dự toán ngân sách nhà nước năm 1982;

- Sau khi nghe thuyết trình của Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 1982 với:

- Tổng số thu là: bốn mươi tám tỷ, hai trăm năm mươi triệu đồng (48.250.000.000 đồng);

- Tổng số chi là: năm mươi hai tỷ, hai trăm năm mươi triệu đồng (52.250.000.000 đồng).

Trong quá trình thực hiện, dự toán ngân sách nhà nước, cần ra sức phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, lấy tăng thu làm biện pháp chính; nếu gặp khó khăn, không giữ được mức bội chi nói trên thì phải phấn đấu hạn chế số bội chi ở mức thấp nhất và phải báo cáo với Hội đồng Nhà nước.

2. Hội đồng Bộ trưởng cần chỉ đạo chặt chẽ các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở hoàn thành và hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1982 đã được Quốc hội thông qua.

Cần tập trung sức sắp xếp lại sản xuất nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là những sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, những sản phẩm đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn, phấn đấu hạ giá thành sản phẩm và chi phí lưu thông.

Tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh thu mua nắm nguồn hàng vào tay Nhà nước, quản lý thị trường, làm tốt công tác vật giá, chống đầu cơ buôn lậu; và tăng cường tài chính nhà nước, chống thất thu về thuế và nợ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu thuế công thương nghiệp và thuế nông nghiệp năm 1982 đúng chính sách.

Triệt để tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng, quản lý và tiêu dùng. Thực hiện đúng phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao.

3. Hội đồng Bộ trưởng cần chỉ đạo các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh chế độ tài chính thống nhất của Nhà nước; nghiêm cấm việc tự đặt ra chế độ thu chi trái với quy định chung, lập và duy trì các quỹ trái phép; phải phản ánh đầy đủ mọi khoản thu, chi vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, xúc tiến việc phân cấp ngân sách trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương, đề cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động và quyền tự chủ về tài chính của các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở.

Bộ Tài chính, các ngành, các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra tài chính, đưa công tác quản lý tài chính vào nền nếp.

4. Ủy ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tăng cường giám sát các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu thu, chi của ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua, góp phần vào việc tăng thu, tiết kiệm chi và thực hiện thống nhất quản lý tài chính.

Các đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ động viên các xí nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân hăng hái sản xuất và làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1982.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".