Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984  (1983) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 26 tháng 12 năm 1983.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1983 và trong ba năm 1981-1983, về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 và mức phấn đấu năm 1985.

Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban Kinh tế, kế hoạch và ngân sách, của Hội đồng dân tộc, và các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội.

QUYẾT NGHỊ

1- Tán thành báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội năm 1983 và trong ba năm 1981 - 1983; về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984.

2- Thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1984 với những chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp (kể cả tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp) tăng 9,5% so với năm 1983;

- Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 7% so với năm 1983;

- Tổng sản lượng lương thực (quy ra thóc 18 triệu tấn);

- Lương thực Nhà nước huy động 4,3 triệu tấn;

- Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn tập trung của Nhà nước tăng 31,4% so với năm 1983;

- Khối lượng hàng hoá vận tải tăng 11% về tấn và 9% về tấn km so với năm 1983;

- Tổng giá trị hàng hoá bán lẻ trên thị trường có tổ chức tăng 35- 40% so với năm 1983;

- Giá trị hàng hoá xuất khẩu tăng 22% so với năm 1983;

- Năng suất lao động:

Của một công nhân viên sản xuất công nghiệp tăng 5% so với năm 1983;

Của một công nhân viên xây lắp tăng 10% so với năm 1983;

Của một công nhân viên vận tải tăng 4,5 so với năm 1983;

- Giá thành và chi phí lưu thông hàng hoá của kinh tế quốc doanh trung ương giảm 3,7% so với năm 1983;

- Diện tích cây công nghiệp tăng 38% so với năm 1983;

- Diện tích rừng trồng mới tăng 7% so với năm 1983;

- Đàn lợn tăng 8% so với năm 1983;

- Đàn trâu, bò tăng 5% so với năm 1983;

- Sản lượng điện phát ra tăng 12% so với năm 1983;

- Sản lượng than sạch tăng 8% so với năm 1983;

- Sản lượng xi măng tăng 83% so với năm 1983;

- Sản lượng gỗ khai thác tăng 8% so với năm 1983;

- Sản lượng vải, lụa tăng 23% so với năm 1983;

- Sản lượng giấy tăng 26% so với năm 1983;

Trong đó: giấy viết tăng 22% so với năm 1983;

- Sản lượng đường mía tăng 35% so với năm 1983;

- Sản lượng cá tăng 3,5% so với năm 1983;

- Lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới 120 nghìn người;

- Số học sinh tuyển mới để đào tạo:

Học sinh đại học tăng 5% so với năm 1983;

Học sinh trung học chuyên nghiệp tăng 18% so với năm 1983;

Công nhân kỹ thuật tăng 25% so với năm 1983;

- Số học sinh phổ thông có mặt đầu năm học 12 triệu em.

- Số giường bệnh tăng 3% so với năm 1983;

- Sản xuất và phân phối thuốc chữa bệnh tăng 28% so với năm 1983;

- Số sách xuất bản tăng 5% so với năm 1983;

- Tỷ lệ tăng số dân 2 - 1,9%

3- Giao trách nhiệm cho Hội đồng Bộ trưởng thi hành các biện pháp tích cực và có hiệu quả để khai thác các khả năng về lao động, đất đai, rừng, biển, năng lực sản xuất và lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có; cải tiến công tác chỉ đạo và điều hành thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở; tiếp tục cải tiến cơ chế quản lý kinh tế và kế hoạch hoá, quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa, giải quyết đúng đắn quan hệ giữa ba lợi ích; phát huy quyền làm chủ tập thể Xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động và sức mạnh tổng hợp của cả nước, nhằm làm chuyển biến tốt hơn nữa tình hình kinh tế xã hội, ổn định đời sống của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang, thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước năm 1984 tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 1981-1985, chuẩn bị tốt cho kế hoạch 1986-1990.

Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm nghiên cứu những ý kiến và kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế, kế hoạch và ngân sách, của Hội đồng Dân tộc, của các ủy ban thường trực khác của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội để bổ sung các biện pháp điều hành, chỉ đại thực hiện kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nước.

4- Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước nêu cao tinh thần yêu nước, yêu Chủ nghĩa xã hội, ý chí tự lực tự cường, tinh thần cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuât, chiến đấu và công tác; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu qủa, thực hành tiết kiệm, mua công trái xây dựng Tổ quốc, sống lành mạnh, giản dị, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong kinh tế và đời sống xã hội; luôn luôn cảnh giác, làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng và bá quyền Trung quốc câu kết với đế quốc Mỹ và các thế lực phản động khác; ra sức phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc - Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

5- Uỷ ban Kinh tế, kế hoạch và ngân sách, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát chặt chẽ các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ động viên các cơ quan xí nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 26 tháng 12 năm 1983.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".