Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990 và năm 1988

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990 và năm 1988  (1987) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 29 tháng 12 năm 1987.

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2 năm 1986-1987, kế hoạch phát i tển kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990 và năm 1988;

Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội và ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

1- Phê chuẩn báo cáo của Hội đồng bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2 năm 1986-1987.

2- Quyết định các phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và biện pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990.

3- Quyết định phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1988 với những chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

- Tổng sản phẩm xã hội tăng 9% so với năm 1987,

- Thu nhập quốc dân tăng 9,5% so với năm 1987,

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng 10% so với năm 1987, trong đó công nghiệp hàng tiêu dùng tăng 12,5%,

- Giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 7,6% so với năm 1987 trong đó sản lượng lương thực (quy thóc) 19 triệu tấn,

- Giá trị hàng xuất khẩu tăng 17,6% so với năm 1987,

- Đầu tư xây dựng cơ bản bằng khối lượng năm 1987.

Quốc hội giao trách nhiệm cho Hội đồng bộ trưởng nghiên cứu và xử lý những vấn đề do Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội đã nêu ra và những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội để bổ sung các biện pháp, chính sách và tổ chức chỉ đạo, điều hành kế hoạch nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ổn định một bước tình hình kinh tế - xã hội, giảm bớt khó khăn cho đời sống những người lao động, nhất là cán bộ, công nhân viên chức và lực lượng vũ trang. Hội đồng bộ trưởng gấp rút ban hành các cơ chế chính sách để giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát triển mạnh sản xuất hàng hoá của các thành phần kinh tế, trước hết tập trung cho ba chương trình kinh tế, đặc biệt là chương trình lương thực, thực phẩm; đổi mới công tác kế hoạch hoá, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và mở rộng kinh tế đối ngoại; tăng cường quyền lãnh đạo và quản lý tập trung thống nhất của Trung ương, phát huy tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của địa phương, quyền tự chủ sản xuất kinh doanh và quyền làm chủ của quần chúng ở cơ sở; đổi mới tổ chức cán bộ, tinh giản biên chế bộ máy hành chính từ 20 - 30%; mở rộng dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự kỷ cương trong đời sống kinh tế và xã hội.

4- Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tham gia mua công trái, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số dưới 2%, thực hiện cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước; xây dựng, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ở mọi ngành, mọi cơ sở, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi và thiết thực phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1988, tạo đà thuận lợi cho bước phát triển các năm tiếp theo.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ hai, thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".