Bước tới nội dung

Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với báo cáo chung của Chính phủ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với báo cáo chung của Chính phủ  (1955) 
của Quốc hội Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 20 tháng 9 năm 1955.

Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, xét kỹ những công việc Chính phủ đã làm, đang làm và chuẩn bị làm, Quốc hội nhất trí quyết nghị:

1- Dân tộc Việt Nam về mọi mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hoá là một khối thống nhất, không thể phân chia được. Lãnh thổ Việt Nam là một giải đất thống nhất, không thể chia cắt được. Việt Nam là một nước. Nhất định Việt Nam phải thống nhất.

Để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ về phần giải quyết vấn đề chính trị, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã hai lần tuyên bố sẵn sáng mở hội nghị hiệp thương với chính quyền miền Nam để bàn về tổng tuyển cử tự do trong cả nước đặng thống nhất nước nhà.

Nhưng do sự xúi giục của đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã chống lại hiệp định Giơ-ne-vơ, trốn tránh hiệp thương và tổng tuyển cử tự do. Đế quốc Mỹ đang tăng cường can thiệp vào miền Nam về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế. Chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết phát xít hoá bộ máy cai trị, xoá bỏ tự do dân chủ, khủng bố những người yêu chuộng hoà bình, thống nhất. Đế quốc Mỹ ráo riết tăng cường quân đội miền Nam, công nhiên chở thêm vũ khí và nhân viên quân sự vào miền Nam, kéo miền Nam vào khu vực "bảo hộ" của khối xâm lược Đông Nam á, hòng biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ để chuẩn bị chiến tranh. Đế quốc Mỹ và tay sai của chúng đang ra sức phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ một cách có hệ thống và hết sức nghiêm trọng.

Nhân dân ta từ Bắc đến Nam kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc. Đồng bào miền Nam vững lòng tin tưởng ở tương lai của Tổ quốc đã đấu tranh vô cùng anh dũng cho hoà bình, thống nhất của nước nhà. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cực lực phản đối sự can thiệp về mọi mặt của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, những hành động khủng bố của chính quyền miền Nam và nhiệt liệt hoan nghênh lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam.

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hoàn toàn ủng hộ đường lối của Chính phủ chủ trương kiên quyết tôn trọng và triệt để thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời kiên quyết đấu tranh để các bên có liên quan cũng phải thi hành đúng đắn hiệp định Giơ-ne-vơ.

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nhận rằng chính quyền miền Nam thừa kế nước Pháp ở miền Nam, có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh mọi điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ.

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đòi nước Pháp phải tôn trọng chữ ký của mình và làm trọn trách nhiệm đối với hiệp định Giơ-ne-vơ không chỉ trong việc đình chỉ chiến sự mà cả trong việc giải quyết vấn đề chính trị.

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đòi các nước tham gia hộinghị Giơ-ne-vơ cũng như các nước trong Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát phải bảo đảm hiệp định Giơ-ne-vơ được thi hành đầy đủ.

2- Hiện nay, tình hình chính trị và xã hội ở miền Bắc và miền Nam khác nhau. Muốn thực hiện một cách thuận lợi việc thống nhất Tổ quốc, phải chiếu cố đến lợi ích và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, dùng cách hiệp thương đi đến tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thực hiện thống nhất.

Dựa trên bản cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ đã vạch rõ đường lối đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình.

Cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà sẽ tiến hành trong toàn quốc theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bí mật. Mục đích của cuộc tổng tuyển cử tự do này là bầu một Quốc hội thống nhất để cử một Chính phủ liên hợp duy nhất cho toàn nước Việt Nam. Việc thành lập Chính phủ liên hợp sẽ tăng cường đoàn kết giữa các đảng phái, các tầng lớp, các dân tộc, các miền trên toàn cõi Việt Nam. Để chiếu cố tình hình khác nhau giữa hai miền, địa phương có quyền ra những luật lệ địa phương thích hợp với đặc điểm của địa phương và không trái với pháp luật chung của Nhà nước.

Đường lối chủ trương trên đây của Chính phủ nhất định sẽ được nhân dân cả nước ta nhiệt liệt hoan nghênh và hăng hái thực hiện đồng thời sẽ được nhân dân thế giới nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ. Chính phủ đã đề ra chính sách ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ ấy.

3- Để giành thắng lợi, phải ra sức củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh của toàn dân. Trong một năm từ ngày hoà bình lập lại, nhân dân ta đã ra sức củng cố miền Bắc và đã thu được những thành tích khá. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần hăng hái của anh chị em công nhân, nông dân, quân đội, lao động trí óc và của mọi tầng lớp nhân dân khác.

Để đẩy mạnh củng cố miền Bắc, Chính phủ đã đề ra đường lối chủ trương khôi phục kinh tế, mục đích là thực hiện chương trình hai năm khôi phục kinh tế nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, giảm bớt khó khăn của nhân dân, nâng cao dần đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân làm cơ sở cho việc củng cố miền Bắc về kinh tế, chính trị, quốc phòng, đồng thời chiếu cố miền Nam, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế có kế hoạch sau này.

Nhiệm vụ chung của việc khôi phục kinh tế là dựa vào sức lực của nhân dân ta, đồng thời dựa vào sức giúp đỡ của các nước bạn -sức ta là chính- nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với cải cách ruộng đất; khôi phục và phát triển sản xuất thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp và công nghiệp; khôi phục thương nghiệp và bình ổn vật giá; củng cố nền tài chính quốc gia; khôi phục giao thông vận tải.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, phải sử dụng hợp lý sự giúp đỡ của các nước bạn; tăng cường tổ chức kinh tế tài chính, ra sức đào tạo cán bộ kinh tế tài chính, đẩy mạnh và hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc; phát động nhân dân thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

4- Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hoàn toàn tán thành và nhất trí thông qua những đường lối chủ trương trên đây của Chính phủ, là đường lối chủ trương đúng đắn, hợp với tình hình thế giới và hoàn cảnh chính trị của nước ta hiện nay, hợp với quyền lợi và nguyện vọng căn bản của nhân dân Việt Nam, hợp với lợi ích hoà bình thế giới.

Nhân dân ta bước vào một thời kỳ đấu tranh mới, rất gay go, gian khổ, phức tạp nhưng nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi, cũng như chúng ta đã thắng lợi trong cuộc kháng chiến 8, 9 năm qua. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kêu gọi nhân dân miền Bắc hãy ra sức đẩy mạnh củng cố miền Bắc về mọi mặt. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kêu gọi đồng bào miền Nam hãy đoàn kết đấu tranh chặt chẽ và rộng rãi trong Mặt trận Tổ quốc nhằm giữ gìn quyền lợi hàng ngày của mình và giành hoà bình, thống nhất cho Tổ quốc. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hăng hái đấu tranh thực hiện cương lĩnh của Mặt trận, nhằm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, do đó mà hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kêu gọi nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới hãy đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam để thực hiện các quyền dân tộc của mình, đồng thời góp phần giữ gìn hoà bình ở Đông Dương, ở Đông Nam á và thế giới.

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà triệt để tín nhiệm và ủng hộ Chính phủ do Hồ Chủ tịch lãnh đạo và tin tưởng rằng, dưới sự điều khiển của Chính phủ, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sẽ ngày càng thêm vững mạnh, cuộc đấu tranh của nhân dân ta để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nhất định thắng lợi; nước Việt Nam sẽ trở nên một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.


Nghị quyết này đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 20 tháng 9 năm 1955.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".