Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tổng quyết toán nhà nước năm 1958 và về tổng dự toán nhà nước năm 1959
Sau khi nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tổng quyết toán Nhà nước năm 1958 và tổng dự toán Nhà nước năm 1959;
Sau khi nghe Tiểu ban ngân sách thuyết trình, và các vị đại biểu tham luận,
QUYẾT NGHỊ:
1. Quốc hội thông qua bản tổng quyết toán Nhà nước năm 1958 của Chính phủ với:
- Tổng số thu là chín trăm mười một triệu, bốn trăm hai mươi hai nghìn, hai mươi lăm đồng (911.422.025đ).
- Tổng số chi là tám trăm chín mươi tư triệu, chín mươi tám nghìn, bốn trăm ba mươi sáu đồng (894.098.436đ).
2. Quốc hội thông qua bản tổng dự toán Nhà nước năm 1959 với:
- Tổng số dự thu là một nghìn một trăm sáu mươi mốt triệu tám trăm chín mươi mốt nghìn đồng (1.161.891.000đ).
- Tổng số dự chi là một nghìn một trăm sáu mươi mốt triệu tám trăm chín mươi mốt nghìn đồng (1.161.891.000đ).
3. Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ trong quá trình thực hiện tổng dự toán Nhà nước 1959, căn cứ vào nguyên tắc bảo đảm thăng bằng thu chi tài chính và theo phương hướng của dự toán đã được Quốc hội thông qua, mà điều chỉnh kịp thời một số khoản chi thu cần thiết phải điều chỉnh, nhằm khai thác thêm các khả năng tiềm tàng để tăng thu, cố gắng tiết kiệm chi, bảo đảm khối lượng và chất lượng công tác, đồng thời để có thêm vốn làm thêm những việc cần làm.
4. Quốc hội tin tưởng rằng nhân dân và cán bộ ta sẽ không ngừng phát huy tinh thần yêu nước và nhiệt tình xã hội chủ nghĩa, nhận rõ bản chất và nhiệm vụ tài chính Nhà nước của chế độ chúng ta, mà ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành đúng đắn các chính sách và chế độ tài chính, bảo đảm hoàn thành thắng lợi dự toán tài chính Nhà nước 1959.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 27 tháng 5 năm 1959.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".