Nghị quyết số 01 NQ/HĐNN7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết số 01 NQ/HĐNN7 về tổ chức, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước  (1981) 
của Hội đồng Nhà nước Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 6 tháng 7 năm 1981.

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1[sửa]

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là cơ quan giúp việc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Hội đồng và Uỷ ban của Quốc hội.

Điều 2[sửa]

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước có nhiệm vụ:

1- Nghiên cứu, xây dựng chương trình và tổ chức, phục vụ các kỳ họp của Quốc hội và các phiên họp của Hội đồng Nhà nước.

2- Nghiên cứu các vấn đề và chuẩn bị các Dự án do Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội giao cho.

3- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ các hoạt động của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

4- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tiến hành công tác lập pháp.

5- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát công tác của Hội đồng bộ trưởng, của toà án nhân dân tối cao và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

6- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

7- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội xét và quyết định kế hoạch Nhà nước và Ngân sách Nhà nước, vấn đề đại xá, vấn đề chiến tranh và hoà bình.

8- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Hội đồng Nhà nước xét và quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các Uỷ ban Nhà nước, cử và bãi miễn các chức vụ lãnh đạo Nhà nước; xét và quyết định việc tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước, quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm và cấp khác.

9- Nghiên cứu các vấn đề về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tổ chức và phục vụ Hội đồng Nhà nước chủ trì các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.

10- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ hoạt động của các Hội đồng và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội.

11- Nghiên cứu, tổ chức và phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

12- Tiếp nhân dân đến Quốc hội và Hội đồng Nhà nước khiếu tố, đề đạt nguyện vọng; nghiên cứu và chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân đến các cơ quan hữu quan, đôn đốc các cơ quan, các ngành, các cấp giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân.

13- Nghiên cứu, chuẩn bị và tổ chức phục vụ Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội thực hiện việc liên hệ với các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

14- Nghiên cứu chế độ làm việc của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, các Hội đồng và Uỷ ban của Quốc hội.

15- Quản lý công tác hành chính của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước:

- Quản lý, lưu trữ văn kiện và tài liệu;

- Tổ chức và quản lý thư viện, công tác tư liệu và thông tin;

- Quản lý công tác tổ chức, cán bộ, lao động tiền lương;

- Quản lý tài vụ, tài sản.

Điều 3[sửa]

Tổ chức Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước gồm có:

1- Vụ pháp luật,

2- Vụ các Hội đồng và các Uỷ ban của Quốc hội.

3- Vụ Hoạt động của các đại biểu dân cử.

4- Vụ dân nguyện.

5- Vụ Đối ngoại.

6- Vụ Tổ chức cán bộ.

7- Vụ Hành chính - Tổng hợp.

8- Vụ quản trị - Tài vụ.

9- Phòng bảo vệ.

Vụ có thể chia ra nhiều phòng.

Việc thành lập hoặc bãi bỏ một Vụ do Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước quyết định.

Việc thành lập hoặc bãi bỏ một phòng của Vụ hoặc phòng trực thuộc do Chủ nhiệm Văn phòng quyết định.

Nhiệm vụ và tổ chức cụ thể của các vụ do tổng thư ký Hội đồng Nhà nước quy định.

Nhiệm vụ và tổ chức cụ thể của các phòng do Chủ nhiệm Văn phòng quyết định.

Điều 4[sửa]

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội và Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng điều khiển công việc của Văn phòng. Giúp Chủ nhiệm Văn phòng có một hay nhiều Phó Chủ nhiệm Văn phòng.

Vụ trưởng điều khiển công việc của Vụ. Giúp Vụ trưởng có một hay nhiều Phó Vụ trưởng.

Trưởng phòng điều khiển công việc của phòng. Giúp Trưởng phòng có một hay nhiều Phó Trưởng phòng.

Điều 5[sửa]

Chủ nhiệm Văn phòng do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng và Vụ trưởng do Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm.

Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Chủ nhiệm Văn phòng bổ nhiệm.

Điều 6[sửa]

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".