Nghị quyết số 181 NQ/TVQH (1978)
Căn cứ vào điều 53 của Hiến pháp năm 1959;
Căn cứ vào Nghị quyết số 38/NQ-QHK6, ngày 24 tháng 11 năm 1976 về việc thành lập Toà án nhân dân đặc biệt;
Để tăng cường bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tăng cường bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiến hành thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1
[sửa]Nay giao cho Toà án nhân dân đặc biệt, được thành lập theo Nghị quyết số 38 NQ/QHK6, ngày 24 tháng 11 năm 1976 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thẩm quyền xét xử những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh: giết người, cướp của, tống tiền, bắt cóc, đốt nhà, tổ chức lưu manh trộm cướp, hiếp dâm.
Điều 2
[sửa]Trong trường hợp tuyên án tử hình, người bị kết án có quyền xin Uỷ ban thường vụ Quốc hội ân giảm án tử hình trong thời hạn ba ngày kể từ ngày tuyên án.
Nếu có đơn xin ân giảm án tử hình thì trong hạn mười ngày sau khi nhận được hồ sơ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao phải trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét.
Điều 3
[sửa]Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị đối với bản án tử hình trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, để Toà án nhân dân tối cao xét xử lại.
Điều 4
[sửa]Quá thời hạn ghi ở điều 2 và điều 3, nếu Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị, và nếu người bị kết án tử hình không xin ân giảm, thì Toà án nhân dân đặc biệt ra lệnh thi hành án.
Điều 5
[sửa]Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chán án Toà án nhân dân đặc biệt, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Điều 6
[sửa]Nghị quyết này có hiệu lực cho đến khi có quyết định mới của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".