Bước tới nội dung

Nghị quyết số 646 NQ/HĐNN7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết số 646 NQ/HĐNN7 về việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt và tha cho những người bị phạt tù nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 02-9-1985  (1985) 
của Hội đồng Nhà nước Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 29 tháng 8 năm 1985.

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Căn cứ vào kết quả thi hành chính sách giáo dục và cải tạo của Nhà nước đối với phạm nhân,

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày Quốc khánh 2-9,

Theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng,

QUYẾT NGHỊ:

1- Giảm thời hạn chấp hành hình phạt và tha cho những người bị phạt tù đã chấp hành hình phạt ít nhất được 2/5 thời hạn, nếu bị phạt tù chung thân thì đã chấp hành hình phạt ít nhất được 12 năm, và đã cải tạo tốt theo các điều kiện sau đây:

a) Thành thật ăn năn hối cải, quyết tâm cải tạo để trở thành người lương thiện;

b) Nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, nội quy của trại giam;

c) Tích cực lao động, học tập và có tác dụng thúc đẩy những người bị phạt tù khác cải tạo và tiến bộ.

2- Giảm thời gian chấp hành hình phạt cho những người bị phạt tù đã chấp hành hình phạt ít nhất được 1/6 thời hạn, nếu bị phạt tù chung thân thì đã chấp hành hình phạt ít nhất được 5 năm, và đã cải tạo tốt theo các điều kiện nói trên.

3- Khi xét đặc xá có thể châm chước về điều kiện thời gian đã chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã lập công trong thời gian ở trại giam;

b) Bản thân người được xét đặc xá là thương binh, bệnh binh hoặc có công với cách mạng;

c) Có người ruột thịt trong gia đình là liệt sĩ hoặc đã lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trong sản xuất;

d) Già yếu, bệnh tật;

đ) Đông con hoặc con còn nhỏ không người trông nom, gia đình gặp nhiều khó khăn trong đời sống.

4- Hội đồng bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".