Nghị quyết số 814 NQ/HĐNN7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết số 814 NQ/HĐNN7 hướng dẫn một số điểm về tổ chức và hoạt động của các ban của Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương  (1987) 
của Hội đồng Nhà nước Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 28 tháng 4 năm 1987.

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ;

Để bảo đảm cho Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương khoá 1987 - 1989 thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ ;

QUYẾT NGHỊ :

Điều 1[sửa]

Hội đồng nhân dân huyện và cấp tương đương thành lập :

- Ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách

- Ban văn hoá, xã hội và đời sống

- Ban pháp chế

- Ban thư ký.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm của địa phương, có thể thành lập một số ban chuyên trách khác, nhưng nhiều nhất ở cấp huyện và tương đương không quá 6 ban. Trong trường hợp cần thiết, có thể thành lập các ban lâm thời.

Điều 2[sửa]

Hội đồng nhân dân xã và cấp tương đương thành lập :

- Ban kinh tế, văn hoá, xã hội và đời sống

- Ban pháp chế

- Ban thư ký

Ở các xã, phường và thị trấn có số đại biểu Hội đồng nhân dân không quá 20 đại biểu, chỉ thành lập Ban thư ký.

Điều 3[sửa]

Số thành viên các ban của Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương do Hội đồng nhân dân quyết định chọn trong số đại biểu có năng lực, phù hợp với nhiệm vụ của mỗi ban, có điều kiện thực tế tham gia hoạt động của các ban. Trưởng ban thư ký Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã và tương đương phải có trình độ tương đương với uỷ viên thư ký Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Thành viên các ban của Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Các Trưởng ban, Phó trưởng ban, Thư ký ban và thành viên các ban của Hội đồng nhân dân được bầu theo một danh sách chung của từng ban, do đoàn Chủ tịch kỳ họp và các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân giới thiệu chung : từng đại biểu cũng có quyền giới thiệu.

Điều 4[sửa]

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chọn một cán bộ am hiểu công tác chính quyền để giúp việc ban thư ký Hội đồng nhân dân huyện, quận và cấp tương đương.

Điều 5[sửa]

Ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách có nhiệm vụ :

- Nghiên cứu, thẩm tra các dự thảo báo cáo về kế hoạch kinh tế -xã hội của địa phương mà Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân; thuyết trình ý kiến của ban về những dự thảo này.

- Nghiên cứu, xem xét các dự án thu, chi ngân sách và quyết toán ngân sách mà Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân ; thuyết trình ý kiến của Ban về những dự án này.

- Tổ chức việc khảo sát tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương ;

Kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết Hội đồng nhân dân về kế hoạch kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách của địa phương.

Điều 6[sửa]

Ban văn hoá, xã hội và đời sống có nhiệm vụ :

- Nghiên cứu, thẩm tra các dự thảo báo cáo và đề án có liêm quan đến tình hình văn hoá, xã hội và đời sống ở địa phương mà Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân ; thuyết trình ý kiến của Ban về những dự thảo báo cáo và đề án này.

- Tổ chức việc khảo sát tình hình văn hoá, xã hội và đời sống ở địa phương ; kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về văn hoá, xã hội và đời sống.

Điều 7[sửa]

Ban pháp chế :

- Nghiên cứu, thẩm tra các dự thảo có tính pháp quy mà Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân ; thuyết trình ý kiến của ban về những dự thảo này.

- Tham gia xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật ; kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức xã hội và công dân ở địa phương.

Điều 8[sửa]

Ban thư ký Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ :

A) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân điều hoà, phối hợp hoạt động của các Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân :

- Phối hợp với các Ban chuyên trách trong Hội đồng nhân dân sắp xếp chương trình và lịch hoạt động của các Ban, trong các kỳ họp, trong thời gian giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân.

- Kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân về những việc cần làm để phối hợp hoạt động giữa các Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân; về những việc cần giải quyết để phục vụ cho hoạt động của các Ban trong Hội đồng nhân dân (giải quyết nhu cầu cho các cuộc họp, phương tiện đi lại v.v...)

B) Tổ chức việc tiếp dân của Hội đồng nhân dân, đôn đốc việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân gửi đến Hội đồng nhân dân.

- Định lịch tiếp dân, phân công đại biểu tiếp dân, tổ chức việc tiếp dân, công bố cho nhân dân biết địa điểm, ngày giờ tiếp dân ; ở những vùng xa, hẻo lánh, nhất là các huyện miền núi cần tổ chức các buổi tiếp dân lưu động ; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo mà nhân dân đã trực tiếp trình bày trong các buổi tiếp dân hoặc gửi đến Hội đồng nhân dân.

- Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc của đại biểu Hội đồng nhân dân với cử tri ; tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và theo dõi việc giải quyết để báo cáo với Hội đồng nhân dân.

C) Giữ mối quan hệ với các đại biểu Hội đồng nhân dân :

- Theo dõi, tổng hợp các kiến nghị của đại biểu để báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết ; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị đó.

- Tổ chức các cuộc họp để đại biểu Hội đồng nhân dân nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trao đổi kinh nghiêm có liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân ; tổ chức việc bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân về nhiệm vụ, quyền hạn và phương pháp hoạt động.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân.

D) Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tổng hợp tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương để báo cáo lên cấp trên.

Đ) Ban thư ký Hội đồng nhân dân cấp huyện và tương đương :

- Định kỳ 6 tháng một lần họp với Trưởng ban thư ký Hội đồng nhân dân cấp dưới để nghe phản ánh về tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân và trao đổi kinh nghiệm công tác, hướng dẫn hoạt động.

- 3 tháng 1 lần, tổng hợp và ra thông báo về hoạt động của các ban chuyên trách, các tổ đại biểu và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp dưới.

- Nghiên cứu các văn bản, biên bản các kỳ họp, các báo cáo của Hội đồng nhân dân cấp dưới. Kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân về những điều cần hướng dẫn, bổ khuyết.

Điều 9[sửa]

Căn cứ vào chương trình hoạt động từng thời gian của Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân xây dựng chương trình công tác của mình. Trưởng ban chịu trách nhiệm tổ chức điều hành việc thực hiện chương trình công tác của ban.

Mỗi quý một lần, các ban của Hội đồng nhân dân họp kiểm điểm việc thực hiện chương trình, bàn công tác quý sau, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban hoạt động.

Điều 10[sửa]

Trưởng ban thư ký Hội đồng nhân dân được dự các cuộc họp hàng tháng của Uỷ ban nhân dân cùng cấp để kiểm điểm tình hình trong tháng và bàn kế hoạch tháng tới.

Các Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân được mời dự các cuộc họp của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, các cuộc họp sơ kết, tổng kết của các ban, ngành chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân về những vấn đề có liên quan.

Điều 11[sửa]

Các Ban chuyên trách và Ban thư ký của Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu thủ trưởng các ban, ngành chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp thông báo tình hình, cung cấp tài liệu và các vấn đề mà các Ban được Hội đồng nhân dân giao trách nhiệm nghiên cứu ; có quyền kiến nghị những việc cần làm để bảo đảm cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, pháp luật và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân được thi hành nghiêm chỉnh.

Điều 12[sửa]

Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này thay mục II trong bản Quy định tạm thời của Hội đồng Nhà nước để thi hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (số 02/HĐNN7 ngày 16 tháng 2 năm 1984) về quy định tổ chức và hoạt động của các Ban chuyên trách và Ban thư ký của Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".