Nghị quyết về công tác bảo vệ hòa bình thế giới

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết về công tác bảo vệ hòa bình thế giới  (1953) 
của Ban Thường trực Quốc hội Việt NamỦy ban Liên Việt toàn quốc

Nghị quyết được ban hành ngày 1 tháng 3 năm 1953 và hết hiệu lực ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên việt toàn quốc họp từ ngày 25-2 đến 1-3-1953,

Sau khi nghe báo cáo của đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam đi dự hội nghị hoà bình châu á và Thái Bình Dương ở Bắc Kinh, và Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình ở Viên, nhận thấy:

1- Phong trào bảo vệ hoà bình thế giới đứng đầu có Liên Xô và Trung Quốc đã phát triển rất rộng rãi và mạnh mẽ, nhân dân toàn thế giới không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và mầu sắc chính trị một lòng đoàn kết phản đối chiến tranh, bảo vệ hoà bình; bọn đế quốc gây chiến đứng đầu là đế quốc Mỹ, bị vạch mặt nạ và bị phản đối kịch liệt.

2- Nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và 2 dân tộc bạn Miên, Lào, đã kiên quyết đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt - Miên - Lào, đòi ngoại quốc rút ra khỏi Việt - Miên - Lào, 3 nước Việt - Miên - Lào độc lập hoàn toàn và thật sự. Lực lượng bảo vệ hoà bình của nhân dân thế giới đã kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc.

Hội nghị liên tịch nhiệt liệt hoan nghênh tất cả các nghị quyết của Hội nghị hoà bình châu á và Thái Bình Dương và Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình; Hội nghị liên tịch kêu gọi các đoàn thể, các đại biểu Quốc hội và Hội viên Mặt trận hãy tích cực thực hiện nghị quyết ấy:

- Bằng cách đưa các nghị quyết ấy ra tuyên truyền và giáo dục rộng rãi trong nhân dân thế giới để tăng cường đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới.

- Bằng cách kết hợp công tác bảo vệ hoà bình với công tác kháng chiến mà Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã nêu ra, nhất là công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất năm nay.

- Bằng cách đẩy mạnh cuộc kháng chiến Việt Nam hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, góp phần bảo vệ hoà bình Châu á và hoà bình thế giới.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".