Bước tới nội dung

Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton phát biểu nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton phát biểu nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế  (2011) 
của Hillary Rodham Clinton, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 6 tháng 12 năm 2011 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Palais des Nations

Geneva, Thụy Sỹ

6/12/2011

Xin kính chào quý vị. Cho phép tôi được bày tỏ niềm vui sướng và vinh dự lớn lao khi được có mặt tại đây. Tôi muốn cảm ơn ngài Tổng giám đốc Văn phòng Liên Hiệp Quốc Tokayev và bà Wyden cùng các ngài bộ trưởng, đại sứ, quan khách và các đối tác của Liên Hiệp Quốc. Vào cuối tuần này, chúng ta sẽ kỷ niệm một trong những thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ vừa qua. Đó là Ngày Nhân quyền Quốc tế.

Khởi đầu từ năm 1947, các đại diện đến từ 6 lục địa đã dành trọn tâm trí và sức lực để soạn ra một bản tuyên ngôn mà sẽ là thánh đường của quyền con người và quyền tự do căn bản nhất của con người ở mọi nơi trên thế giới. Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nhiều quốc gia đã thúc giục phải đưa ra một tuyên bố như vậy nhằm giúp đảm bảo rằng sự tàn ác sẽ bị ngăn chặn, nhân phẩm và phẩm giá vốn có của con người sẽ được bảo vệ. Những người đại diện ấy đã bắt tay vào công việc. Họ thảo luận, soạn thảo, lật giở vấn đề, sửa chữa và viết lại trong hàng ngàn giờ đồng hồ. Họ đã đưa vào đứa con tinh thần của mình những khuyến nghị và tu chỉnh mà các chính phủ, các tổ chức và cá nhân ở khắp nơi trên toàn thế giới đã nêu lên.

Sau gần hai năm soạn thảo và cả một đêm dài dành cho việc tranh biện lần cuối, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu bỏ phiếu thông qua văn bản cuối cùng vào lúc 3 giờ sáng ngày 10/12/1948. 48 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ, 8 quốc gia bỏ phiếu trắng và không có quốc gia nào bỏ phiếu chống. Như thế, bản Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu đã được thông qua. Nó tuyên bố một ý tưởng giản dị nhưng có sức mạnh lớn lao rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng về nhân phẩm và các quyền con người. Tuyên ngôn này đã làm sáng tỏ một thực tế rằng quyền con người không phải là thứ do các chính phủ trao ban cho người dân, mà tất cả mọi người đều có các quyền ấy kể từ lúc họ được sinh ra. Việc chúng ta sống ở quốc gia nào, ai là người lãnh đạo chúng ta, và thậm chí ngay cả việc chúng ta là ai đi chăng nữa cũng không quan trọng. Bởi chúng ta là con người, do đó chúng ta có quyền của con người. Và bởi chúng ta có các quyền này, các chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ các quyền đó.

Trong suốt 63 năm kể từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền được thông qua, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ vĩ đại trong việc biến các quyền của con người thành một hiện thực của nhân loại. Từng bước một, những trở ngại từng ngăn cản con người được hưởng đầy đủ quyền tự do, được trải nghiệm đầy đủ những giá trị về phẩm cách, có được đầy đủ những quyền lợi với tư cách là con người đã bị dỡ bỏ. Ở nhiều nơi, các bộ luật phân biệt chủng tộc đã bị bãi bỏ, các thông lệ pháp lý và xã hội xem phụ nữ là các công dân hạng hai đã bị thủ tiêu, các nhóm tôn giáo thiểu số đã được đảm bảo khả năng tự do thực hành tín ngưỡng của mình.

Tiến bộ nói trên không dễ dàng đạt được trong hầu hết các trường hợp. Người ta đã phải đấu tranh, phải tổ chức các chiến dịch trên các quảng trường công cộng cũng như tại các không gian riêng tư để mang đến sự thay đổi không chỉ trong luật pháp mà còn trong cả những con tim và khối óc. Nhờ nỗ lực ấy của nhiều thế hệ, hàng triệu cá nhân mà cuộc sống của họ từng bị hạn chế bởi sự bất công giờ đây đã có thể sống tự do hơn, tham gia đầy đủ hơn vào đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của cộng đồng nơi mình sinh sống.

Tuy nhiên, như tất cả quý vị đều biết, vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo duy trì cam kết đó, hiện thực đó, tiến bộ đó cho tất cả mọi người. Hôm nay, tôi muốn nói đến một phần việc mà chúng ta sẽ cần phải làm để bảo vệ một cộng đồng mà ngày nay các quyền con người của họ vẫn tiếp tục bị chối từ ở nhiều nơi trên thế giới. Theo nhiều cách, họ là một nhóm thiểu số vô hình. Họ bị bắt giữ, đánh đập, khủng bố và thậm chí bị giết hại. Nhiều người trong số họ bị các đồng loại của mình đối xử với sự khinh miệt và bạo lực trong khi các nhà chức trách, vốn có đủ quyền năng để bảo vệ họ, lại cố tình làm ngơ hoặc thậm chí còn thường xuyên tham gia vào các hành vi ngược đãi đó. Họ bị từ chối được có các cơ hội việc làm và học tập, bị buộc phải xa lìa gia đình và quê hương, bị ép buộc phải che dấu hoặc chối từ chính bản thân mình để có thể tự bảo vệ khỏi sự xâm hại.

Tôi đang nói đến những người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT), những con người được sinh ra tự do, được trao ban quyền bình đẳng và phẩm cách và hoàn toàn có quyền được đòi hỏi những điều đó. Đây là một trong những những thách thức về nhân quyền còn lại của thời đại chúng ta. Khi đề cập đến vấn đề này, tôi hiểu rằng rằng tình hình nhân quyền cho người đồng tính ở nước Mỹ còn lâu mới được coi là hoàn hảo. Cho đến năm 2003, đồng tính luyến ái vẫn còn là một tội ác ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Rất nhiều người LGBT ở Mỹ đã phải chịu đau khổ do bạo lực và các hành vi quấy rối trong cuộc sống. Và đối với một số người, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi, bị bắt nạt và cô lập là những điều diễn ra hàng ngày. Nước Mỹ cũng như tất cả các quốc gia khác vẫn còn phải làm rất nhiều để bảo vệ nhân quyền ở ngay chính trên đất nước mình.

Nêu lên vấn đề này khá nhạy cảm với nhiều người. Tôi cũng hiểu rằng những trở ngại trên hành trình bảo vệ nhân quyền cho người LGBT nằm ngay chính trong những tín điều tôn giáo, văn hóa, chính trị và cá nhân đã bắt rễ sâu sắc. Bởi thế, hôm nay trước quý vị, tôi bày tỏ lòng kính trọng, cảm thông và khiêm nhường. Mặc dù không dễ để đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng chúng ta cũng không thể trì hoãn hành động. Trên tinh thần đó, tôi muốn nêu lên những vấn đề khó khăn và quan trọng mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết để có thể đạt tới sự đồng thuận toàn cầu về việc công nhận các quyền con người cho các công dân LGBT ở khắp mọi nơi.

Điều đầu tiên tôi muốn đề cập chính là cốt lõi của vấn đề. Một số người có ý nghĩ rằng các quyền cho người đồng tính và nhân quyền nói chung tồn tại riêng biệt và khác hẳn nhau. Mặc dù vậy các quyền đó trên thực tế chính là một và hoàn toàn giống nhau. Hiển nhiên là khi các chính phủ dự thảo và thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu 60 năm trước đây, họ đã không nghĩ đến việc tuyên ngôn đó sẽ được áp dụng cho cộng đồng LGBT như thế nào. Họ cũng không nghĩ đến việc nó sẽ được áp dụng cho đối tượng như người bản địa, trẻ em, người khuyết tật hay những nhóm người bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển chung của xã hội như thế nào. Nhưng trong vòng 60 năm qua, chúng ta đã đạt đến sự công nhận rằng thành viên của những cộng đồng nói trên có quyền được trải nghiệm đầy đủ các giá trị phẩm cách và được hưởng thụ đầy đủ các quyền con người. Vì cũng giống như tất cả mọi người, họ có chung bản chất con người.

Sự công nhận này đã không xảy đến cùng một lúc mà đã tiến triển theo thời gian. Trong suốt quá trình đó, chúng ta nhận thức rằng đó là sự vinh danh các quyền vốn có của con người, chứ hoàn toàn không phải là chúng ta đang tạo ra các quyền mới hoặc riêng biệt cho các nhóm người kể trên. Cũng giống như khi bạn là một phụ nữ hay là một người thuộc một nhóm sắc tộc, tôn giáo, bộ lạc hoặc dân tộc thiểu số, việc là một người LGBT không làm cho chúng ta kém “con người” hơn. Đó là lý do tại sao quyền của người đồng tính chính là quyền con người, và quyền con người cũng chính là quyền của người đồng tính.

Đánh đập hoặc giết hại một người vì khuynh hướng tính dục của họ hoặc bởi họ không tuân theo những tiêu chuẩn văn hóa về việc nam giới và phụ nữ cần ăn mặc hoặc cư xử ra sao là vi phạm nhân quyền. Khi các chính phủ tuyên bố rằng đồng tính luyến ái là phạm pháp hoặc không trừng phạt những cá nhân có hành vi xâm hại người đồng tính thì đó là vi phạm nhân quyền. Nhân quyền cũng bị vi phạm khi các phụ nữ đồng tính hoặc chuyển giới phải chịu đựng cái gọi là “cưỡng bức sửa sai” hoặc bị bắt buộc phải trải qua các cuộc điều trị hóc-môn, khi có người bị giết hại sau khi có những lời kêu gọi bạo lực công khai chống lại người đồng tính, hoặc khi những người đồng tính phải chạy trốn khỏi đất nước mình và sống tị nạn tại những vùng đất khác để có thể bảo toàn mạng sống. Sự vi phạm cũng xảy ra khi các cá nhân bị từ chối được sử dụng các dịch vụ chăm sóc cứu sinh, tiếp cận tư pháp bình đẳng hay ra vào các không gian công cộng chỉ bởi họ là người đồng tính. Dù vẻ ngoài của chúng ta ra sao, chúng ta đến từ đâu hay chúng ta là ai đi chăng nữa thì chúng ta đều có quyền được hưởng các quyền con người và các giá trị nhân phẩm một cách bình đẳng.

Vấn đề thứ hai là câu hỏi liệu rằng đồng tính luyến ái có phải bắt nguồn từ một phần nhất định nào đó của thế giới hay không. Một số người dường như tin rằng đó là một hiện tượng của thế giới phương Tây, và do đó những người không thuộc các nước phương Tây có cơ sở để không chấp nhận điều này. Trên thực tế, những người đồng tính được sinh ra và sinh sống ở tất cả các xã hội trên thế giới. Họ là những con người ở tất cả các độ tuổi, các chủng tộc, các tín ngưỡng. Họ là các bác sĩ, giáo viên, nông dân, nhân viên ngân hàng, quân nhân hay vận động viên. Và dù chúng ta có biết về bản chất thực của họ hoặc chúng ta có chấp nhận họ hay không, thì họ vẫn là gia đình của chúng ta, bạn bè của chúng ta, láng giềng của chúng ta.

Đồng tính luyến ái không phải là một phát minh của phương Tây. Đó là một thực tế của loài người. Bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người, dù là đồng tính hay dị tính, là điều không phải chỉ chính phủ của các nước phương Tây mới làm. Hiến pháp của Nam Phi được soạn thảo sau thời kỳ A-pác-thai quy định việc bảo vệ quyền bình đẳng cho tất cả mọi công dân kể cả người đồng tính. Ở Colombia và Ac-hen-ti-na, quyền của người đồng tính cũng được bảo vệ một cách bình đẳng. Tại Nepal, tòa án tối cao đã ra phán quyết rằng các công dân LGBT cũng được hưởng các quyền bình đẳng. Chính phủ Mông Cổ đã cam kết sẽ theo đuổi một chương trình lập pháp mới trong đó sẽ có các giải pháp xử lý tình trạng phân biệt đối xử chống lại người đồng tính.

Một số người e ngại rằng bảo vệ nhân quyền cho cộng đồng LGBT là một sự xa xỉ mà chỉ có các quốc gia giàu có mới có đủ khả năng thực hiện. Tuy thế, tất cả các quốc gia trong thực tế đều phải trả giá khi chúng ta không bảo vệ những quyền nói trên, khi cả những người đồng tính và dị tính bị mất đi sinh mạng của mình do bệnh tật và bạo lực, khi những tiếng nói và quan điểm có thể làm các cộng đồng trở nên vững mạnh hơn bị dập tắt, khi những chủ doanh nghiệp là người đồng tính không thể theo đuổi các ý tưởng kinh doanh của mình. Chúng ta phải trả giá khi bất kỳ nhóm người nào bị đối xử với địa vị thấp kém hơn, dù họ là phụ nữ, là thành viên của các nhóm thiểu số sắc tộc hoặc tôn giáo hay là người LGBT. Cựu Tổng thống Bostwana Mogae đã chỉ ra rằng chừng nào những người LGBT vẫn còn bị kìm giữ trong bóng tối, chừng đó chúng ta sẽ không thể có các chương trình y tế công cộng hiệu quả để giải quyết vấn nạn HIV và AIDS. Điều đó cũng đúng với những thách thức khác mà chúng ta đang phải đương đầu.

Vấn đề thứ ba có lẽ là thách thức lớn nhất. Đó là khi người ta viện dẫn các giá trị văn hóa hoặc tôn giáo làm lý do cho việc vi phạm hoặc không có động thái để bảo vệ nhân quyền cho các công dân LGBT. Điều này cũng không có gì khác biệt so với việc biện hộ cho các hành vi bạo lực chống lại phụ nữ như giết hại vì danh dự, thiêu cháy quả phụ hoặc cắt xẻo âm vật. Một số người vẫn bào chữa rằng những việc làm đó là một phần của truyền thống văn hóa. Thế nhưng bạo lực chống lại phụ nữ không phải là văn hóa. Đó là tội ác. Tương tự như hành vi chiếm hữu nô lệ vốn từng được biện minh là việc làm được sự chấp thuận của Chúa trời. Ngày nay, chúng ta đã lên án kịch liệt sự chiếm hữu nô lệ, xem đó là một hành vi vi phạm nhân quyền vô lương tâm.

Trong mỗi trường hợp nói trên, chúng ta đã nhận thức rằng không một tục lệ hay truyền thống nào có thể vượt lên trên mọi quyền con người của toàn thể nhân loại. Điều này cũng đúng với các hành vi bạo lực chống lại người LGBT, ví dụ như hình sự hóa bản sắc giới tính hay hành vi của họ, trục xuất họ khỏi gia đình và cộng đồng, hay công khai hoặc kín đáo chấp thuận việc giết hại những người này.

Tất nhiên, chúng ta vẫn nhớ rằng các truyền thống và giáo huấn văn hóa hay tôn giáo hiếm khi xung đột với việc bảo vệ các quyền của con người. Trên thực tế, tôn giáo và văn hóa của chúng ta khơi dậy lòng trắc ẩn và tình cảm của chúng ta đối với những đồng loại của mình. Và không chỉ những người muốn biện minh cho chế độ chiếm hữu nô lệ mới phải dựa vào tôn giáo. Ngay cả những người muốn thủ tiêu chế độ đó cũng vậy. Hãy cùng ghi nhớ rằng những cam kết của chúng ta đối với việc bảo vệ tự do tôn giáo và bảo vệ nhân phẩm của người LGBT có chung một nguồn gốc. Với nhiều người trong chúng ta, đức tin và thực hành tôn giáo là nguồn mang đến những ý nghĩa và giá trị bản sắc không thể thiếu, cũng như là nền tảng làm nên con người trong mỗi chúng ta. Tương tự như vậy, hầu hết chúng ta coi các mối liên kết tình cảm và quan hệ gia đình là một nguồn quan trọng mang lại ý nghĩa đời sống và bản sắc cho riêng mình. Quan tâm chăm sóc người khác là sự biểu hiện cho ý nghĩa của việc làm người. Làm người là một trải nghiệm mang tính phổ quát, do đó nhân quyền cũng có tính phổ quát và đi xuyên qua mọi tôn giáo và văn hóa.

Vấn đề thứ tư là điều mà lịch sử đã dạy chúng ta làm sao để đạt được tiến bộ trong việc đảm bảo nhân quyền cho tất cả mọi người. Tiến bộ khởi phát từ các cuộc thảo luận thẳng thắn và trung thực. Có người nói cũng như tin rằng tất cả những người đồng tính là những kẻ ấu dâm, rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh lây nhiễm hoặc có thể chữa lành được, hay rằng những người đồng tính “chiêu mộ” những người bình thường khác và làm họ trở nên đồng tính. Những nhận định này hiển nhiên không chính xác. Những chúng cũng không dễ gì bị xóa bỏ nếu những người có hay ủng hộ chúng không được tham gia đối thoại để chia sẻ nỗi lo lắng hay quan ngại của họ. Chưa từng có ai từ bỏ những điều mình tin tưởng chỉ bởi người đó bị bắt buộc phải làm như vậy.

Nhân quyền phổ quát bao gồm quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do tín ngưỡng, cho dù những ngôn từ hay tín điều của chúng ta có gây tổn hại đến nhân phẩm của người khác hay không. Mặc dù vậy, dù chúng ta được tự do tin những gì chúng ta muốn, chúng ta cũng không thể làm bất kỳ thứ gì mình lựa chọn, nhất là trong một thế giới nơi nhân quyền được bảo vệ cho tất cả mọi người.

Để thấu hiểu những vấn đề này, cái chúng ta cần không chỉ là lời nói. Chúng ta cần đối thoại. Sự thực là chúng ta sẽ cần thực hiện rất nhiều cuộc đối thoại ở mọi không gian lớn nhỏ. Chúng ta cũng cần sẵn sàng đón nhận những khác biệt mạnh mẽ trong những gì người khác tin tưởng, xem đó là lý do để khởi xướng đối thoại chứ không phải để tránh né đối thoại.

Tuy nhiên, tiến bộ có được nhờ sự thay đổi của luật pháp. Ở nhiều nơi và ngay trên chính nước Mỹ, các công cụ bảo vệ pháp lý đã đi trước chứ không phải theo sau việc mở rộng sự công nhận các quyền của con người. Luật pháp có một hiệu ứng về giáo dục. Các bộ luật có tính phân biệt đối xử sẽ mở đường cho nhiều hình thức đối xử phân biệt và làm chúng trở nên hợp pháp. Các bộ luật quy định các hình thức bảo vệ bình đẳng sẽ củng cố thêm tính bắt buộc về phương diện đạo đức của sự bình đẳng. Thực tế mà nói, thường thì các bộ luật phải thay đổi trước khi nỗi e ngại trước sự thay đổi thực sự tiêu tan.

Nhiều người Mỹ cho rằng Tổng thống Truman đã mắc sai lầm khi ra lệnh xóa bỏ tình trạng phân chia sắc tộc trong quân đội Hoa Kỳ. Họ lập luận rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến tính gắn kết của mỗi đơn vị. Nhưng chỉ đến khi ngài Tổng thống cho thực hiện mệnh lệnh nói trên, chúng ta mới nhận thấy điều đó đã làm cơ cấu xã hội của nước Mỹ vững mạnh thêm ra sao, theo một cách thức mà ngay cả những người từng ủng hộ mệnh lệnh này cũng đã không thể lường trước. Tương tự như vậy, nhiều người Mỹ đã lo ngại rằng việc bãi bỏ luật “Không Hỏi, Không Nói” (Don't Ask, Don't Tell) sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ. Nhưng Sĩ quan Chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến, từng là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất chống lại việc này, đã phát biểu rằng những quan ngại trước đây của ông là không có cơ sở, và rằng lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tiếp nhận sự thay đổi này một cách hết sức tích cực.

Và sau cùng, tiến bộ đến từ việc chúng ta sẵn sàng đặt mình vào địa vị của người khác. Chúng ta cần hỏi bản thân mình những câu hỏi như: Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu việc yêu người mình yêu bị xem là có tội, hay nếu chúng ta bị đối xử phân biệt bởi một điều gì đó về bản thân mình mà chúng ta không thể thay đổi? Tất cả chúng ta sẽ cảm nhận rõ thách thức này khi suy ngẫm về những tín điều đã bắt rễ sâu sắc, khi chúng ta nỗ lực mang đến lòng vị tha và sự tôn trọng đối với phẩm giá của tất cả mọi người, hay khi chúng ta tạo ra mối liên kết khiêm nhường những người mà giữa chúng ta và họ còn tồn tại những bất đồng, với hy vọng rằng sẽ tất cả sẽ đạt đến sự cảm thông rộng lớn hơn.

Vấn đề thứ năm cũng là câu hỏi cuối cùng về việc chúng ta sẽ hành động như thế nào để đảm bảo rằng cả thế giới sẽ bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người, kể cả những người LGBT. Đúng vậy, những người LGBT sẽ cần đóng vai trò đi đầu trong tiến trình này. Tôi biết nhiều người trong số quý vị đã và đang làm điều đó. Kiến thức và kinh nghiệm của những người LGBT vô cùng quý giá, cũng như lòng can đảm của họ có khả năng truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta. Chúng ta biết đến tên tuổi của nhiều nhà hoạt động LBGT can đảm, những người đã thực sự hy sinh mạng sống của mình cho sự nghiệp này. Nhưng cũng còn rất nhiều người mà tên tuổi của họ sẽ không bao giờ được biết đến. Và thường thì những người không được hưởng các quyền lại ít được trao ban quyền hành nhất để có thể mang đến những thay đổi mà họ kiếm tìm. Những nhóm thiểu số hoạt động trong đơn độc sẽ không bao giờ có thể đạt được những hiệu ứng đa số có thể mang lại sự thay đổi về chính trị.

Khi một phần của nhân loại bị gạt ra ngoài lề, những người còn lại sẽ không thể làm ngơ. Để gỡ bỏ một rào cản bất kỳ ngáng trở sự tiến bộ, cần có nỗ lực chung của tất cả những người đứng ở cả hai phía của rào cản đó. Sự ủng hộ của nam giới đã đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến giành quyền cho phụ nữ. Cuộc chiến giành quyền bình đẳng sắc tộc cũng phải dựa rất nhiều vào đóng góp của các cá nhân thuộc tất cả các chủng tộc. Thủ tiêu tâm lý chống Hồi giáo hoặc bài Do Thái là nhiệm vụ của mọi người thuộc tất cả các tín ngưỡng. Điều này cũng đúng với cuộc chiến giành bình đẳng mà chúng ta đang nói tới.

Ngược lại, khi chúng ta chứng kiến việc nhân quyền bị vi phạm hoặc bị chối từ và không có bất kỳ hành động nào để đáp lại, chúng ta đang gửi một thông điệp đến những kẻ vi phạm rằng họ sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào cho hành vi của mình. Và như thế, họ vẫn sẽ tiếp tục hành vi vi phạm ấy. Nhưng nếu hành động, chúng ta sẽ gửi ra một thông điệp đạo đức mạnh mẽ. Ngay ở chính Thành phố Geneva này, cộng đồng quốc tế trong năm nay đã hành động nhằm tăng cường sự đồng thuận toàn cầu về vấn đề nhân quyền cho người LGBT. Tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền hồi tháng 3, 85 quốc gia từ tất cả các khu vực đã ủng hộ một tuyên bố kêu gọi chấm dứt việc hình sự hóa và bạo lực chống lại con người vì xu hướng tính dục hoặc bản sắc giới tính của họ.

Tại phiên họp tiếp theo của Hội đồng hồi tháng 6, Nam Phi đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc đưa ra một nghị quyết về vấn đề bạo lực chống lại người LGBT. Phái đoàn Nam Phi đã diễn thuyết hùng hồn về kinh nghiệm và cuộc đấu tranh của chính họ nhằm giành quyền bình đẳng không thể bị chia rẽ của nhân loại. Khi văn kiện này được thông qua, nó đã trở thành nghị quyết đầu tiên của Liên Hiệp Quốc công nhận các quyền con người cho người đồng tính trên toàn thế giới. Tại phiên họp của Tổ chức Các Quốc gia Châu Mỹ trong năm nay, Hội đồng Nhân quyền Liên Mỹ đã thành lập một đơn vị chuyên trách về quyền của người LGBT. Đây một bước tiến mà chúng tôi hy vọng sẽ là khởi đầu cho việc hình thành một cơ quan báo cáo chuyên trách đặc biệt.

Chúng ta cần tiến xa hơn và hành động không chỉ ở tại đây mà còn trên mọi vùng miền của thế giới để khuyến khích sự ủng hộ hơn nữa cho các quyền con người của cộng đồng LGBT. Với các lãnh đạo của những quốc gia nơi con người bị cầm tù, đánh đập hoặc hành hình vì họ là người đồng tính, tôi kêu gọi quý vị hãy xem xét điều này: Vai trò lãnh đạo, theo định nghĩa, là việc đảm bảo trách nhiệm giải trình trước người dân khi được yêu cầu, là việc đứng ra bảo vệ nhân phẩm cho tất cả công dân của mình và thuyết phục mọi người dân của đất nước mình làm điều tương tự. Vai trò ấy cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo rằng tất cả mọi công dân đều được đối xử bình đẳng theo luật pháp. Cho phép tôi làm rõ điểm này. Tôi không nói rằng người đồng tính không thể hoặc không bao giờ phạm pháp. Giống như người dị tính, họ đã và sẽ có thể phạm pháp. Khi điều đó xảy ra thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng là một người đồng tính thì không bao giờ là một tội ác.

Với người dân của tất cả các quốc gia, tôi xin nói rằng ủng hộ nhân quyền cũng là trách nhiệm của các bạn. Cuộc sống của những người đồng tính được định hình không chỉ bởi luật pháp mà còn bởi sự đối xử họ nhận được hàng ngày từ gia đình và những người xung quanh. Eleanor Roosevelt là người từng rất nỗ lực hòng thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới. Bà đã nói rằng nhân quyền cho người đồng tính bắt đầu ngay từ những nơi chốn nhỏ nhất gần nhà – trên đường phố nơi họ sinh sống, trong các ngôi trường nơi họ theo học, trong nhà máy, nông trại, văn phòng nơi họ làm việc. Những nơi chốn ấy là lãnh thổ của các bạn. Hành động của các bạn cũng như lý tưởng mà các bạn theo đuổi có thể quyết định liệu nhân quyền có thể nở rộ nơi các bạn sinh sống hay không.

Và cuối cùng, với những phụ nữ và nam giới LGBT trên toàn thế giới, cho phép tôi nói điều này: Cho dù bạn sống ở đâu, dù hoàn cảnh sống của bạn là gì, dù bạn là thành viên của một mạng lưới hỗ trợ nào đó hay đang bị cô lập và cảm thấy bị tổn thương, xin hãy biết rằng các bạn không đơn độc. Mọi người trên toàn thế giới đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ các bạn cũng như để chấm dứt những bất công và nguy hiểm mà các bạn đang phải đối mặt. Nước Mỹ cũng tham gia vào nỗ lực đó. Bạn có một đồng minh ở Hoa Kỳ và có hàng triệu người bạn là các công dân Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Obama cam kết bảo vệ nhân quyền cho người LBGT và xem đó là một phần trong chính sách nhân quyền tổng thể của chúng tôi. Đây cũng là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Ở các đại sứ quán Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao của chúng tôi đang nêu quan ngại về các trường hợp cụ thể và về các bộ luật. Họ làm việc với rất nhiều đối tác nhằm tăng cường nỗ lực bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người. Tại Washington, chúng tôi đã thành lập một nhóm công tác thuộc Bộ Ngoại giao nhằm hỗ trợ và điều phối nỗ lực này. Trong những tháng tới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho mỗi đại sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài một bộ công cụ nhằm giúp họ đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực của mình. Chúng tôi cũng đã xây dựng một chương trình nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cho cộng đồng LGBT.

Sáng hôm nay ở Washington, Tổng thống Obama đã ban hành chiến lược đầu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ dành riêng cho cam kết chống vi phạm nhân quyền đối với người LGBT ở nước ngoài. Trên cơ sở những nỗ lực đã và đang được triển khai tại Bộ Ngoại giao cũng như ở các cơ quan khác của chính phủ, Tổng thống đã chỉ thị cho tất cả các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ làm việc với nước ngoài phải kiên quyết chống lại việc hình sự hóa đặc điểm giới tính và hành vi của người LGBT, tăng cường nỗ lực bảo vệ những người LGBT di tản và xin tị nạn gặp khó khăn, đảm bảo rằng các gói trợ giúp nước ngoài của Hoa Kỳ sẽ giúp thúc đẩy việc bảo vệ nhân quyền cho người LGBT, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức nước ngoài trong cuộc chiến chống phân biệt đối xử, ứng phó nhanh chóng với các vụ vi phạm nhân quyền chống lại người LGBT.

Tôi cũng rất vui mừng được thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ đưa vào hoạt động Quỹ Bình đẳng Toàn cầu mới nhằm hỗ trợ công việc của các tổ chức xã hội dân sự trên toàn thế giới hoạt động trong lĩnh vực nói trên. Quỹ này sẽ giúp họ lập hồ sơ ghi chép lại các dữ kiện thực tế, qua đó có thể xác định đối tượng vận động chính sách, học cách sử dụng luật pháp làm công cụ hoạt động, quản lý ngân sách, đào tạo cán bộ, thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức của phụ nữ và các nhóm nhân quyền khác. Chúng tôi đã cung cấp hơn 3 triệu đô-la để khởi xướng quỹ này và hy vọng rằng sẽ có các đối tượng khác tham gia cùng chúng tôi ủng hộ cho quỹ.

Những phụ nữ và nam giới hoạt động vì nhân quyền cho cộng đồng LGBT ở những nơi chốn thù nghịch mà một vài người trong số họ hiện có mặt tại đây là những người hết sức dũng cảm và tận tâm. Họ xứng đáng được hưởng mọi sự giúp đỡ mà chúng ta có thể mang lại. Chúng ta hiểu rằng chặng đường trước mắt chẳng hề dễ dàng và có cả một khối lượng công việc khổng lồ đang chờ phía trước. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã được chứng kiến tận mắt việc các thay đổi có thể diễn ra nhanh chóng ra sao. Trong cuộc đời của chúng ta, thái độ đối với người đồng tính ở nhiều nơi đã thay đổi. Nhiều người trong đó có cả bản thân tôi đã thấy rằng nhận thức của chúng ta về vấn đề này đã trở nên sâu sắc hơn theo năm tháng. Chúng ta đã suy nghĩ về chúng nhiều hơn, đã thảo luận và tranh luận về chúng, đã thiết lập những mối quan hệ cá nhân cũng như công việc với những người đồng tính.

Diễn tiến này được thấy rõ ở nhiều nơi. Một ví dụ điển hình là việc Tòa án Tối cao Dê-li đã phi hình sự hóa đồng tính luyến ái ở Ấn Độ hai năm trước đây. Tôi xin trích dẫn văn bản của tòa án này như sau: “Nếu như có thể nói về một nguyên lý cơ bản làm nền tảng cho hiến pháp của Ấn độ thì đó chính là đặc tính bao hàm”. Tôi hầu như không hoài nghi rằng việc ủng hộ cho nhân quyền của người LGBT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Vì đối với rất nhiều người trẻ tuổi, có một thực tế giản dị là tất cả mọi người đều xứng đáng được đối xử với đúng phẩm giá của họ và các quyền con người của họ phải được tôn trọng, cho dù họ là ai hay họ yêu thương đối tượng nào.

Có một câu nói mà người dân Hoa Kỳ thường viện dẫn khi kêu gọi mọi người cổ vũ nhân quyền: Đó là “Hãy đi bên lề đúng của lịch sử”. Câu chuyện của Hoa Kỳ là câu chuyện của một quốc gia đã phải liên tục vật lộn với tình trạng bất bình đẳng và sự thiếu vắng lòng vị tha. Chúng tôi đã trải qua một cuộc nội chiến khốc liệt để xóa bỏ chế độ nô lệ. Người dân từ các bờ biển của nước Mỹ đã tham gia các chiến dịch đòi công nhận các quyền cho phụ nữ, người bản địa, các nhóm sắc tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật, người nhập cư, công nhân cũng như nhiều đối tượng khác. Cuộc hành trình đến bình đẳng và công lý vẫn đang tiếp diễn. Những ai cổ vũ việc mở rộng nhân quyền đã và đang đi bên phía lề đúng đắn của lịch sử. Lịch sử sẽ vinh danh họ. Những ai tìm cách hạn chế nhân quyền đã phạm sai lầm và lịch sử sẽ có câu trả lời cho điều đó.

Tôi hiểu rằng những gì tôi chia sẻ tại đây hôm nay cũng bao hàm câu hỏi về việc những quan điểm nào sẽ tiếp tục phát triển. Như đã từng diễn ra rất nhiều lần trong quá khứ, các quan điểm một lần nữa sẽ lại hội tụ với chân lý, một thứ chân lý bất biến rằng mọi người đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền con người. Chúng ta một lần nữa được kêu gọi hiện thực hóa Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu. Hãy đáp lại lời kêu gọi đó. Hãy đi bên lề phải của lịch sử. Vì người dân, vì đất nước, vì những thế hệ tương lai của chúng ta. Cuộc sống của họ sẽ được những gì chúng ta làm hôm nay định hình. Tôi mang đến trước quý vị niềm hy vọng và tin tưởng lớn lao rằng dù chặng đường trước mắt có trải dài như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ cùng nhau đi hết chặng đường ấy với thành công. Xin cảm ơn quý vị!

PRN: 2011/T57-13

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: