Bước tới nội dung

Nhơn tình ấm lạnh/Hồi 8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Trai khôn gái đẹp gặp nhau không ưa nhau thì lộ ra ngoài cho người ta thấy, còn nếu ưa nhau cũng lộ tình ra ngoài cho người ta thấy nữa. Cô Ba Kiềm gặp Duy Linh quyến luyến không muốn về nhà, chừng về rồi lại trở ra chơi bốn năm bữa nữa. Lúc không có Duy Linh ở nhà, cô đem những bài viết trong báo của Duy Linh ra mà bình luận, mà cách bình luận của cô cũng khác thường; cô kiếm lời bắt bẽ ý kiến của Duy Linh luôn luôn, tuy miệng chê, còn trí lại muốn cho cô Hai Thanh hoặc vợ chồng Phước Đằng cãi lẽ đặng cô chịu thua, làm như vậy là ý cô muốn chỗ hay của Duy Linh càng hay hơn lên.

Chiều chúa nhựt cô trở ra Cầu Kho, tưởng gặp mặt Duy Linh rồi sẽ nhập trường, chẳng dè ra đó không thấy Duy Linh, bởi vậy cô dần dà ý muốn chờ, mà chờ không được, chừng cô lên xe đi với cô Hai Thanh mặt coi buồn thủi hẳn đi.

Vợ Phước Đằng dòm thấy tình ý ấy lấy làm mừng, thầm tính để làm mai Ba Kiềm cho Duy Linh, đặng Duy Linh nhờ ngày sau, bởi vì ông bá hộ Bảy giàu lớn, vợ khuất sớm, con trai lớn là Hai Lập là thợ bạc mua may bán đắt nên vốn liếng cũng mấy muôn, còn con gái nhỏ là Ba Kiềm, vàng có nhiều, hột xoàn có đủ, chừng chia gia tài phần cô cũng được vài ba muôn, nếu để trai khác nó kết hôn nó ăn gia tài uổng lắm.

Vợ Phước Đằng lại nhớ tới hôm nọ Duy Linh thấy vắng mặt Ba Kiềm thì hỏi, tình ý ấy đủ hiểu Duy Linh thấy sắc đẹp đã động lòng, chẳng dè Duy Linh không thấy Ba Kiềm không ăn cơm vùng hỏi thăm, chớ anh ta đương tính viết báo cho hay, nghị luận cho đúng, đặng bay danh trong sáu tỉnh, không có trí nào nghĩ đến việc khác.

Hai cô nhập trường rồi, một lát Duy Linh đi coi đá banh về. Lúc ăn cơm Duy Linh khen ngợi đội "L’ Étoile de Gia-Định" không ngớt. Anh ta nói một hồi lâu, bộ vui vẻ lắm, chừng anh ta ngừng nói, vợ Phước Đằng mới hỏi rằng:

- Cháu viết báo sao đó, mà sao hôm qua con Ba Kiềm nó đọc nó chê dữ quá?

Duy Linh nghe nói mặt hết vui liền ngó sửng thím hỏi:

- Thưa thím, cô ba cổ chê chỗ nào?

- Ối! Nó chê nhiều chỗ lắm, mà nhứt là nó chê cái bài „Gái phải biết kén chồng” luận không được đúng.

Duy Linh ngồi ngẫm nghĩ rồi chúm chím cười nói:

- Bài ấy là bài luận đầu tiên của cháu. Tuy vậy, khi viết bài ấy cháu có suy xét kỹ lưỡng lắm. Những cái lý tưởng cháu tỏ trong bài ấy thấy đều chánh đáng, chẳng hiểu vì cớ nào cô ba không vừa ý lại chê bai. Để khi nào cháu gặp cổ cháu hỏi cổ chê chỗ nào rồi cháu bày giải hết ý của cháu cho cổ hiểu.

Vợ Phước Đằng cười:

- Nói nhiều lắm, thím nhớ không hết nên không biết sao mà thuật lại cho được. Vậy nên bữa nào có lễ nó ra nữa thì cháu hỏi nó.

Phước Đằng tiếp lời:

- Con Ba Kiềm nó nói như vậy chớ không phải chê: Nó nói trong bài ấy cháu có ý phiền trách bọn con gái nhà giàu sang có tài có sắc sao không chọn trai nghèo hèn hiền đức, lại kén trai giàu sang qủy quyệt mà kết duyên. Nó nói cháu trách như vậy không nhằm, bởi vì con gái mới lớn lên trông mấy chỗ đến cầu hôn coi chỗ nào xứng sui xứng gia thì cha mẹ gả chớ biết ai hiền đức mà chọn, biết ai qủy quyệt mà tránh. Theo ý nó thì con nhà giàu sang lại còn khó nhiều hơn nữa; đời nay con trai hễ thấy con gái giàu sang thì mong cưới cho được đặng ăn của. Trai giàu tự nhiên ít ham của hơn trai nghèo, bởi vì trai giàu nó cần gì tiền của nữa, duy có trai nghèo mới ham tiền của mà thôi, ấy vậy gái giàu thường ưng trai giàu hoặc có tài gì hay hơn mà gái giàu nó chê trai nghèo để đi ưng trai giàu chừng ấy cháu trách mới đáng.

Duy Linh chăm chỉ nghe chú nói dứt rồi thì ngồi lo ra; mặt buồn xo, không nói chi hết. Ăn cơm xong anh ta ra đứng ngoài đường ngẫm nghĩ thầm rằng: "Cô Ba Kiềm chê lý tưởng của mình cũng phải đôi chút. Mình viết bài luận ấy là một bài luận chung về tục cưới gả trong nước, mình không chánh lý mà luận lại để ý xuyên tạc lấy tinh thần trong sự uất ức riêng của mình, thế thì luận sao cho chánh đáng được. Cô Ba Kiềm chê trúng lắm: ý mình trách Phi Phụng sao không ưng mình làm chồng, lại ưng bọn nhà giàu sang, vậy mình có tỏ cái tình gì cao hơn bọn ấy, mình có tài gì hay hơn, mình có đức gì qúy hơn hay không? Phi Phụng là gái giàu, mình thương cô ấy là vì cái tình u uẩn theo đuổi trong lòng chớ không phải vì thấy cô nhà tốt ruộng nhiều mà thương, mà cái tình của mình ai biết được? Ai dám chắc mình không cưới ruộng đất không cưới nhà lầu? Mình trách đó là trách quấy, vậy mình phải làm sao cho cái tài của mình hay hơn, cho cái đức của mình qúy hơn, chớ đừng có trách ai hết“.

Duy Linh suy nghĩ tới đó bỗng nghe tiếng thím kêu nên lật đật bước vô nhà. Vợ Phước Đằng thấy Duy Linh mặt còn buồn thì cười hỏi:

- Cháu nghe con Ba Kiềm chê cháu nên cháu buồn hay sao?

- Nãy giờ cháu suy nghĩ lời chê của cô Ba đó phải lắm. Cháu mang ơn cô chỉ đường chánh cho cháu, chớ có chi đâu mà buồn.

Vợ Phước Đằng kéo ghế bảo Duy Linh ngồi. Thím ta cũng ngồi một cái ghế ngang đó, rồi day qua thấy ông chồng đang nằm trên ghế xích đu hút thuốc, thì cười ngỏn ngoẻn nói với Duy Linh:

- Nầy cháu, thím thấy một chuyện ngộ lắm, hổm nay muốn nói cho cháu nghe, mà bị trong nhà khách khứa tới lui lộn xộn hoài nên thím chưa nói chuyện được.

Duy Linh không hiểu chuyện chi nên ngồi ngó sững thím, có ý lóng tai nghe. Vợ Phước Đằng tằng hắng rồi nói tiếp rằng:

- Cháu coi con Ba Kiềm đó có vừa ý cháu hay không? Hổm nay thím dò ý coi nó quyến luyến cháu lắm. Nếu cháu có bụng muốn nó, thì thím làm mai dùm cho. Nó mồ côi mẹ, mà chú với thím quen với ông già nó nhiều lắm, bởi nếu chú thím nói thì chắc ông già nó gả liền. Sao? Cháu chịu hay không? Ông già nó giàu lắm, ngày sau chia gia tài chắc nó có được vài muôn. Nếu cháu đụng nó thì cháu nhờ được.

Duy Linh vừa nghe thím nói mấy tiếng đầu thì chưng hửng, trong lòng hồi hộp, trong trí lộn xộn, nên không rõ mấy câu sau, chỉ nhớ có tiếng "nó giàu, nếu đụng nó thì nhờ được" mà thôi. Anh ta ngồi lặng thinh ngó xuống đất, bộ coi suy nghĩ lắm. Vợ chồng Phước Đằng nghĩ hễ mình nói ra thì chắc Duy Linh vui mừng thuận tình liền, chẳng dè Duy Linh lặng thinh, không biết trí Duy Linh nghĩ chuyện gì nên ngồi đợi.

Duy Linh suy nghĩ đây chẳng phải là thuận tình, hay là lo sợ việc không thành nên suy nghĩ. Anh ta suy nghĩ là vì nghe chú thím nói cái việc hổm nay mình không để ý, vì tình thương Phi Phụng đã tràn trề trong lòng không còn chỗ nào đem tình thương người khác vào được, lại trừ Phi Phụng ra thì không còn gái nào sắc đẹp, không còn gái nào tốt nết bằng, bởi vậy nghe nói chuyện Ba Kiềm mà anh ta lại tưởng dạng Phi Phụng.

Vợ Phước Đằng thấy lâu mà anh ta không trả lời bèn nói tiếp:

- Cháu đừng lo, hễ cháu muốn thì thím làm mai được như chơi. Con đó đáng lắm cháu. Nó có sắc lại nết na, nhứt là có của nhiều, không cưới nó để người khác họ ăn uổng.

Duy Linh nghe mấy lời rõ ràng; khi ở Bạc Liêu thấy thiên hạ vì ruộng đất, vì tiền bạc, nên giành nhau tới cầu hôn với Phi Phụng thì ghét rồi; nay lên đây còn nghe chuyện như vầy nữa, nhứt là nghe xúi mình làm chuyện hư ấy thì lấy làm bất bình, song sợ nói ngay ra mất lòng chú thím, nên kiếm lời nói tránh rằng:

- Chú thím thương cháu nên tính việc ích cho cháu như vậy thiệt cháu cám ơn lắm. Nhưng cháu nghĩ làm trai đi hỏi vợ đặng tính ăn gia tài thì xấu hổ quá, nên chắc là cháu làm không được.

Phước Đằng lồm cồm ngồi dậy nói rằng:

- Cháu ra cầm viết báo, cháu không biết đời nầy là đời tiền bạc hay sao? Lại hiềm nghi câu chấp liêm sĩ như vậy? Thiên hạ làm nhiều việc tồi bại bằng mười việc đó đi nữa mà cũng không ai chê thay huống chi mình cưới vợ giàu, có của sẵn cho mình sang trọng, xấu hổ gì đó mà cháu sợ.

Duy Linh nghe lời luận hèn hạ như vậy thì bất bình lắm, muốn cãi lẽ cho rõ chỗ chánh chỗ tà, nhưng vừa mới mở miệng thì chú nói tiếp:

- Chú hiểu ý cháu rồi! Cháu sợ phận cháu mồ côi lưu lạc đi nói con Ba Kiềm anh bá hộ Bảy, ảnh không gả, nên cháu mới hơi ngại chớ gì?

Vợ Phước Đằng tay mặt vuốt mái tóc, tay trái xĩa thuốc sống, vảnh mấy ngón tay cà rá thủy xoàn chói xanh xanh đỏ đỏ, nghe chồng nói như vậy liền đáp:

- Ba nó nói sao vậy? Cháu mình tuy nó mồ côi song có vốn liếng vài ngàn, lại nó làm nhà báo thiên hạ kêu nó bằng „ông” hư hèn gì đó hay sao mà sợ anh bá hộ Bảy ảnh không gả. Nói cùng lẽ mà nghe, nếu ảnh làm hơi bảnh, muốn cầu cao, mà như con Ba Kiềm nó thương lỡ thằng hai đây rồi thì ảnh bắt gả chỗ khác được hay sao? Tưởng đâu dể đa há?

Duy Linh nghe tính chuyện ăn gia tài tuy trái ý, song cũng rán dằn lòng được, đến chừng nghe thím bày mưu tiền dâm hậu thú thì trong lòng ghê gớm quá chịu hông được, nên khẳng khái đáp:

- Thưa chú thím, nếu chú thím thiệt có lòng thương cháu, thì xin đừng có tính tới việc đó nữa, bởi vì tính tới việc đó đã hổ thẹn thân phận cháu, mà lại nhục tới danh tiết của một người con gái nhà tử tế nữa. Khi cha mẹ cháu qua đời cháu có lời thề nếu cháu chưa được giàu sang thì chẳng khi nào cháu chịu cưới vợ. Nay thân cháu còn linh đinh, không lẽ cháu dám nuốt lời thề.

Vợ chồng Phước Đằng đứng dậy đi vô nhà trong, coi bộ không vui. Duy Linh cũng đứng dậy đi lại ván nằm coi sách là vì một là sợ lời khẳng khái của mình làm mích lòng chú thím, hai là phiền nhân tình ở xứ nào cũng trọng tiền bạc, khinh liêm sĩ, nên trí lo ra, đọc sách mà không hiểu, còn dẹp sách đi ngủ cũng nằm thao thức hoài, ngủ không được.

Mấy bữa sau vợ chồng Phước Đằng cũng vui vẻ như thường, tuy không nhắc đến chuyện Ba Kiềm nữa, song hay giểu cợt khi kêu Duy Linh là quân tử, khi nói Duy Linh là thằng khùng. Duy Linh bề ngoài cũng cung kính như thường, nhưng trong bụng thì khinh bỉ chú thím, cho chú thím là người không liêm sĩ.

Một người đa tình đương thất vì tình, lại bị giàu sang khinh thị, đương lập tâm trù chí quyết làm cho trở nên giàu sang, nếu gặp vận hội như Duy Linh đây chắc sao cũng nhân cái vận hội ấy mà kết mối tình khác đặng khuây lãng mối tình xưa, hoặc là tỏ cho người kia biết rằng ở đời còn nhiều gái đẹp yêu mình, chớ không phải người xưa phụ phàng rồi hết, thấy trong thiên hạ chẳng còn ai yêu trọng. Sánh nhan sắc thì cô Ba Kiềm không thua chi Phi Phụng mà cô Ba Kiềm nước da lại trắng hơn, đi đứng yểu điệu hơn, nếu hỏi bọn thanh niên trong hai nàng nàng nào thì chắc phần nhiều đều chọn cô Ba Kiềm, chớ ít ai đành Phi Phụng.

Đã vậy cô Ba Kiềm cũng là con nhà giàu, hễ kết duyên cùng cô thì chắc vài ba năm nữa lãnh gia tài rồi sẽ trở nên giàu có tự nhiên sang sẽ đến, bởi nếu thiên hạ chẳng kính chẳng yêu thì muốn chức gì mua cũng được.

Duy Linh học hỏi ít, nhưng vì mùi đời nếm nhiều lần đắng cay, nên suy xét nhiều, lại suy xét bao nhiêu lại càng ghét thế thái nhân tình bấy nhiêu, bởi vậy lập chí ở đời khác hơn người thường, quyết kính nghĩa trọng tình, dầu đất trời chẳng tưởng bắt thân hèn hạ trọn đời cũng cam lòng, chớ không chịu để nghĩa nhẹ nhàng tình thấp kém.

Bởi tánh tình anh ta như vậy nên gặp vận hội như vậy mà không cảm động, ngó dung nhan tuấn tú của cô Ba Kiềm mà cũng như ngó cỏ cây, nghe gia tài của ông bá hộ Bảy cũng như nghe nước đổ, nghe gió đàn, trong trí khắc hình dạng của Phi Phụng rồi, không còn chỗ nào mà đem hình dạng người nào khác vô nữa được; trong lòng tự quyết dùng tài lực của mình đặng làm giàu sang, nên không thèm cậy sức ai hết.

Từ ngày Duy Linh lãnh phụ bút cho "Đại Đồng Nhựt Báo" thì anh ta đã chú ý làm trọn cái trách nhậm nhà ngôn luận. Chừng nghe nói chú thím xúi làm việc bất nghĩa thì anh ta giận, nên ngày đêm lại càng lo trau dồi chức nghiệp, quyết làm sao cho nghề của mình được bổ ích cho đời, nhứt là phá hủy những thói hư, rồi sẽ mở đường chân chánh vạch lẽ cao sang cho người đồng thời bước tới.

Người cầm bút viết báo mà lập tâm quyết chí như vậy, nếu gặp chủ nhân hợp ý, và nếu có bạn đồng nghiệp một lòng, thì cái danh dự kiếm dễ như chơi, và người đọc báo cũng được nhờ biết mấy, thản[1] vì nỗi tâm trí cao thượng ấy thuở nay trong làng báo chưa biết; bởi vậy Duy Linh hễ luận tới nhân cách nhơ nhuốc, hoặc phẩm giá thấp hèn, hoặc thế tình suy bại của người nước mình thì ông Tổng Lý hoặc ông chánh chủ bút không chịu cho đăng báo, nói rằng bài nầy in ra thì mích lòng ông nầy, bài kia thấy thì tội nghiệp ông nọ.

Duy Linh viết báo thì cứ do chánh ý thôi chớ chẳng hề có ý xuyên tạc một người nào cả, lại bị bắt bẻ hoài nên trong lòng bất bình, nhưng vì bởi đương ái mộ nghề nên phiền mà không nói ra, cứ trách lấy mình, nghĩ thầm bởi tại mình viết chưa đúng đắn nên người ta mới chê được.

Tuy vậy anh ta để ý dòm coi các chủ bút và phụ viết thế nào, anh ta xem xét kỹ lưỡng bài của người và rình mò cử chỉ của mỗi người đối với ông Tổng Lý, đối với chánh chủ bút và đối với công chúng ra sao. Cách chẳng bao lâu anh ta thấy hễ chánh chủ bút gặp Tổng Lý thì khoe văn hay luận giỏi, còn phụ bút thì gặp chánh chủ bút thì bợ đở khen dồi. Anh ta đã nhớ lại mình không khoe khoang gì cũng không dua nịnh, tính không giống người đồng nghiệp coi cũng kỳ mà thà là kỳ chớ không quen làm, nên làm như họ không được.

Anh ta thấy cách cư xử trong làng báo thì trong lòng chẳng đặng vui, nhưng cũng dằn lòng quyết tìm đường ngay để đi còn ai đi quanh co thì mặc họ.

Một ngày nọ, lối chín giờ sớm mai, trong tòa báo kẻ đương lo viết, người lo đương sửa bài, bỗng có một ông chừng 45 tuổi, y phục đoan trang, khăn đen áo dài, giày Tây láng, kính gọng vàng, bước vào rồi đi ngay lại bàn của Cao Minh Chiếu và chào rằng:

- Chào tiên sanh, xưa rày tôi mắc bận việc ở nhà không đi Sài Gòn được, tiên sanh ở trên nầy mạnh gỏi như thế nào?

Chánh chủ bút Cao Minh Chiếu lật đật đứng dậy bắt tay, kéo ghế mời ngồi, bộ coi mừng rỡ lắm. Duy Linh đương viết lại bị khách vô làm lộn xộn, nên ngồi chống viết ngó ra cửa sổ, trí lo ra viết không được. Tuy anh ta không có y lóng tai nghe, song chánh chủ bút với khách nói chuyện anh ta nghe không sót một câu nào hết.

Cao Minh Chiếu lấy thuốc ra mời khách rồi nói:

- Lâu ngày không gặp ông, nay gặp thật tôi mừng quá. Tuy vậy tôi cũng có chỗ phiền ông nhiều.

- Tôi làm sao mà tiên sanh phiền?

- Ông coi tờ báo của tôi bây giờ nghị luận đúng đắn, có tờ báo nào dám bì hay không? Chúng tôi trên nầy giữ lòng cung ích, cứ lo khêu đuốc văn minh, dóng chuông cảnh tỉnh hoài, mà mấy ông ở Lục Tỉnh không phụ giúp chúng tôi không rán chế dầu dùm, để hết dầu rồi đèn tắt rồi còn gì để soi sáng nhơn quần xã hội nữa!

- Không biết họ làm sao, chớ tôi ở Long Xuyên hễ đi đâu tôi cũng cổ động dùm cho tờ báo của tiên sanh luôn luôn.

- Ờ, hôm trước tôi hay tin ông được thăng chức Bang Biện, tôi có viết bài tặng ông đó, ông coi có vừa ý hay không?

- Tôi đọc bài đó tôi cảm ơn tiên sanh quá, nên tôi lật đật viết thơ cho tiên sanh liền, tiên sanh có được thơ của tôi hay không?

- Có.

- Tôi không biết lấy lời gì để cảm ơn nên tôi mới gởi theo hai chục đồng bạc, tiên sanh có được cái măng–đa[2] nữa chớ?

- Có.

- Lâu lâu tiên sanh viết dùm cho một bài như vậy, tôi chẳng dám quên ơn đâu.

- Anh em mình, có chi đâu gọi ơn nghĩa. Ông ở trên nầy còn ở chơi hay là về gấp?

- Tôi ở mua đồ đến sáng mai tôi mới về.

- Vậy sẵn dịp mời tiên sanh chiều nay đi ăn cơm với tôi chơi. Tôi ở nhà ngủ "Nam Hồng Phát" phòng số 12, chiều tiên sanh lại rồi anh em mình đi chơi.

- Được.

- Ở dưới Long Xuyên có việc chi lạ hay không? Nầy, hôm trước tôi nghe trên Biên Hòa có một ông đại phú gia lấy dâu tôi đẩy trong một bài nhựt trình ông té ngữa.

- Ờ, tôi có đọc bài đó. Mà tiên sanh có hứa để sau dọ chắc rồi sẽ nói tên họ và quê quán người ấy, sao rồi mấy tuần nay lặng thinh không thấy nói nữa?

- Ổng xuống tìm tôi nói phải quấy và tặng tôi năm chục đồng bạc, thấy mấy người biết điều nên tôi thôi, nếu không có vậy thì tôi nói hoài, chớ tôi dễ nín đâu.

Người khách cười rồi nói tiếp:

- Ờ Long Xuyên có một chuyện ngộ lắm. Nếu tiên sanh mà nói trong nhựt trình chắc kiếm tiền được nhiều.

- Chuyện gì vậy? Ông nói cho tôi nghe thử coi.

- Có một nhà giàu đánh tôi tớ ổng chết, ổng sợ tòa hay có tội, nên xuất tiền bạc cho người đầy tớ ấy[3] rồi biểu làm khai nói trèo lên cây té chết chớ không phải bị đánh đập. Uổng quá, không phải ở trong phần tổng tôi, chớ phải ổng về tổng tôi thì nói làm gì... Nó đương sợ lắm. Vậy tiên sanh rao sơ sơ trong nhựt trình đi, hễ nó hay thì nó cho người lên năn nỉ với tiên sanh liền.

- Thằng cha đó giàu lung hay giàu ít?

- Ối! Giàu lớn lắm mà! Một năm góp lúa ruộng đến ba bốn chục ngàn giạ, còn bạc mặt thì nó biết bao nhiêu mà kể.

- Việc nầy tôi kiếm ước được chừng bao nhiêu?

- Cái đó tự ý tiên sanh liệu lấy chớ tôi biết đâu mà nói. Nó giàu lắm đừng thèm ăn ít, phải đòi cho được hai ba trăm, chớ ít đừng thèm. Tiên sanh dọa cho nó kinh tâm rồi muốn đòi bao nhiêu cũng được hết.

Chánh chủ bút gật đầu rồi hỏi thăm tên họ và quê quán của người giàu ấy và biên vào một miếng giấy nhỏ, lại cũng biên luôn tên tuổi của người tớ chết đó và tên vợ con nó nữa. Các việc xong rồi khách từ giã đứng dậy. Minh Chiếu đưa khách ra khỏi cửa rồi chúm chím cười và nói với người phụ bút ngồi gần đó rằng:

- Ông đó là Bang Biện ở dưới Long Xuyên, ổng tử tế và kính phục tôi lắm. Anh em mới ra viết báo không hiểu cái nghề soạn báo cao thượng thế nào. Trong nước ba cái cơ quan mạnh mẽ có đủ quyền để sửa trị dân chúng thứ nhứt là sở chánh trị, thứ nhì là sở đề hình, thứ ba là báo chương. Ấy vậy mà mình viết báo biết dùng cái quyền của mình thì nước mình mạnh mẽ biết chừng nào.

Duy Linh nãy giờ nghe chánh chủ bút nói chuyện với khách thì lấy làm hổ thẹn, đến chừng nghe dạy khôn dạy dại như vậy nữa thì càng thêm tức giận, dằn lòng không được nên nói rằng:

- Phải! Báo chương thì mạnh mẽ thật, đã có thế lực mạnh mẽ mà lại có tôn chỉ cao thượng lắm nữa. Nhưng mà người chấp bút phải chủ hướng cao thượng phải công luận công chánh thì tờ báo mới xứng đáng với ý nghĩa cao thượng, công chánh, chớ cử chỉ người chấp bút mà hèn hạ thì tờ báo cũng như một tờ giấy lộn làm sao làm cho người trên trọng, kính mến cho được.

Cao Minh Chiếu ngước mặt trợn mắt ngó sững Duy Linh nói:

- Thầy mới tập viết báo chưa đầy một tháng, đã biết nghề làm báo ra làm sao mà cãi lẽ. Thầy viết thời sự chưa xong, có đâu nghị luận được mà nói tới tôn chỉ của nhà viết báo.

Duy Linh nghe lời khinh bỉ giận đỏ mặt, vừa muốn cãi lại, thì mấy người gần đó ó lên chê đè anh ta nói quấy, làm cho anh ta càng tức càng phiền, nên không thèm nói nữa.

Mãn giờ, Duy Linh ra về, lúc đi ra ngoài đường nhớ tới thói hèn hạ của bạn đồng nghiệp thì thối chí ngã lòng nên mặt mày buồn xo, nhưng khi bước vô nhà không muốn cho chú thím biết rõ ý riêng của mình nên làm bộ vui vẻ như thường, nghĩ rằng chú thím đã làm nghề cho vay ăn lời cắt họng, mà lại hôm nọ còn xúi mình tư tình với cô Ba Kiềm rồi cưới cô đặng ăn của nữa, người tánh tình dường ấy dù mình có thuật việc nầy lại cho nghe thì cũng vô ích chớ có biết tư cách của người cầm bút với tôn chỉ của tờ báo ra làm sao mà mình than phiền.

Thuở nay mình bước quen đường chánh, khi ở Bạc Liêu nếu mình tỏ thật tình riêng của mình với Phi Phụng thì có lẽ cô cũng động lòng nhưng vì chút hiềm nghi, mình sợ cô tưởng mình thương cô là thương đồng tiền nên thà mình chịu khổ tâm chớ không nỡ nói. Hôm nọ chú thím mình cũng vì chữ vô tình bất nghĩa mà kháng cự nữa. Nay mình đã thấy rõ cái đường mình đi là cái đường nhơ nhuốc, nếu mình nhắm mắt bịt tai đi hoài thì mình cũng chẳng khác gì mấy người đi chung với mình đó, thế là mình kiếm danh thơm lại hóa ra tiếng nhơ. Tuy lời tục có nói: "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Trong làng báo có kẻ quấy song cũng có kẻ phải, chớ không phải là quấy hết, nhưng cái phải ở đâu mình chưa thấy, chớ cái quấy đã lòi ra rõ ràng, nhứt là mình ở chung với những người làm một đằng nói một lẽ, không có chút gì thành thật, không biết phận sự ra làm sao, đường ấy sợ khỏi lây tiếng xấu chung, té ra mình cầu vinh lại bị nhục.

Duy Linh quyết bỏ nghề viết báo, và tính kiếm nghề khác làm ăn. Tuy anh ta không tỏ ý cho ai hết, song mỗi buổi chiều hễ bước ra tòa báo rồi thì anh ta theo mấy đường có tiệm Việt Nam buôn bán đăng coi chơi. Chiều thứ bảy anh ta đi đường D’Espagne, vừa tới một tiệm hớt tóc, bỗng trước cửa tiệm có treo một tấm bảng đề hàng chữ: "Vì có việc riêng nên tính sang tiệm. Ai muốn lãnh xin vào thương nghị“.

Duy Linh đứng ngắm nhìn một hồi, ngó từ trong ra ngoài, thấy người ngoài đường đông, mà trong tiệm thì vắng hoe, chủ tiệm ngồi khoanh tay, còn hai người hớt tóc thì đứng soi kiếng gỡ đầu. Anh ta bước vào hớt tóc và thừa dịp ấy mới hỏi thăm chủ tiệm vì cớ nào không muốn làm ăn nữa và tính sang tiệm chừng bao nhiêu. Chủ tiệm nói rằng mình có việc nhà phải trở về Rạch Giá và nếu có ai chịu 700 đồng thì mình sang tiệm liền. Duy Linh dòm coi tủ, bàn, kiếng, quạt, mọi vật trong tiệm cũng đáng 600, 700 đồng, song nói rằng:

- Thầy đòi quá nhiều, sợ không ai dám lãnh.

Chủ tiệm trợn mắt châu mày đáp:

- Thầy coi đồ tôi sắm món nào cũng tốt hết chớ phải sắm đồ bậy bạ như mấy tiệm khác hay sao. Nội đồ đạc đó tôi sắm hết 1000 đồng, nay tôi bán lại bảy trăm có chi đâu thầy gọi rằng mắc. Còn tiền tôi tửng[4] căn phố nầy nữa tôi không kể vào.

Duy Linh trả tiền hớt tóc rồi đứng dậy ra đi, tính để về nhà sẽ suy nghĩ lại. Chẳng dè vừa ra tới cửa chủ tiệm mời lại nói rằng:

- Thầy có biết ai muốn sang tiệm tôi, xin làm ơn chỉ giùm lại đây. Không hại gì, như họ chê mắc tôi sụt bớt chút đỉnh cho.

Duy Linh về biết rằng nếu mình trả năm trăm rưỡi hoặc sáu trăm thì chắc chủ tiệm chịu sang, nên tính để về nhà nói lại cho chú thím hay rồi lấy tiền ra sang tiệm ấy. Đi dọc đường trong trí thầm tính chừng mình làm chủ tiệm mình sẽ dọn dẹp cách nào, mình tiếp khách làm sao, mua vật gì để bán, thì mặt mày hớn hở, dường như đã làm chủ tiệm lớn rồi. Chẳng dè vô tới cửa, thấy cô Ba Kiềm với cô Hai Thanh đang đứng đó, anh ta chưng hửng, quên hết những việc mình tính lúc nãy, xẻn lẻn giở nón mà chào rồi đi thẳng vào nhà.

Lúc ăn cơm nhớ mấy lời chú thím xúi hôm nọ nên hổ thẹn nên không muốn đem sự sang tiệm ra nói. Qua ngày chúa nhựt anh ta thấy cô Ba Kiềm ở đó hoài, lấy làm nhột nhạt nên bỏ ra Sài Gòn đặng trả giá sang tiệm cho chắc chắn. Chủ tiệm dứt giá sáu trăm. Duy Linh liệu không bớt được nữa, nên chịu giá đó, song để hẹn chiều thứ hai rồi sẽ trả lời.

Đến tối Duy Linh trở về thì cô Ba Kiềm và cô Hai Thanh đã vô trường rồi. Ăn cơm rồi anh ta mới đem chuyện bất bình về nghề viết báo và thuật lại cho chú thím nghe, và luôn dịp nói tới sự mình định sang tiệm hớt tóc nữa.

Phước Đằng thấy Duy Linh thuật chuyện Minh Chiếu với khách mà bộ giận dữ thì cười ngất rồi nói:

- Cháu thật thà quá! Ở đời nầy phải khôn lanh qủy quyệt mới có tiền chớ. Ông Cao Minh Chiếu xử trí như vậy cháu phải coi đó để bắt chước, chớ sao cháu lại chê?

Duy Linh liệu cãi với chú không lợi ích gì, lại còn bị tiếng chê khờ dại, nên xin lãnh hai ngàn đồng bạc đặng sang tiệm hớt tóc, không thèm nói tới nghề viết báo nữa.

Vợ Phước Đằng nói:

- Tưởng là cháu muốn gởi bạc cho vay thì chú thím kiếm chỗ chắc chắn cho vay giùm cho. Như cháu muốn lấy lại thì tự ý cháu. Song thím không hiểu vì cớ nào làm "ông viết báo" mà cháu không chịu, để đi làm thợ hớt tóc.

Duy Linh cười đáp:

- Theo ý cháu làm ông gì cũng vậy, hễ mình biết trọng cái phẩm giá của mình, hễ mình làm việc phải, tránh việc quấy là vinh, chớ không phải làm ông quan to, hoặc ông chủ bút mới sang, còn làm thằng hớt tóc thì nhục.

Vợ Phước Đằng thở ra và nói:

- Con Ba Kiềm nó quyến luyến cháu quá! Một ngày nay cháu bỏ đi chơi, ở nhà nó ngồi không yên cứ ra vô dòm chừng cháu hoài. Thím sợ cháu thôi làm ký giả để ra làm hớt tóc nó chê cháu chớ!

Duy Linh nghe mấy lời rất mắc cở và giận nên đáp xẵng xớm:

- Xin thím đừng nói tới việc đó nữa, vì thím nói cháu lấy làm hổ thẹn quá. Dầu cô.......ta...

Anh ta nói tới đó rồi hồi tâm, sợ mình giận quá nói lỡ lầm, nên nín thinh rồi bỏ ra ngoài sân đứng.

Anh ta vừa mới lấy thuốc ra hút, bỗng thấy thằng Cử là đứa ở của anh ta đi lại đứng một bên và đưa một gói giấy và nói nho nhỏ:

- Hồi chiều cổ đưa gói nầy cho tôi và dặn phải lén mà trao cho tới tay của thầy. Đâu thầy dở ra coi thử xem cổ gói vật gì ở trỏng.

Tuy thằng Cử không nói rõ đồ của cô ba nào, nhưng Duy Linh đã hiểu là của cô Ba Kiềm nên sượng sùng không nói được tiếng chi hết. Anh ta day ngó vào trong nhà một cái rồi lấy gói giấy, giở ra thì chỉ thấy một chiếc khăn lụa trắng viền với phong thơ. Anh ta lật đật gói lại rồi trả cho thằng Cử mà nói rằng:

- Tao không lãnh đâu? Ai gởi cho mầy thì mầy trả lại cho họ.

Thằng Cử liếc thấy chủ có sắc giận nên không dám nói trớ trêu, cứ lấy cái gói gói lại rồi đi dọc theo vách tường tính đi vô nhà bếp đặng ngủ. Duy Linh hồi tâm nghĩ rằng nếu phong thơ nầy lọt vào tay kẻ bất lương thì còn gì danh tiết của cô Ba Kiềm, dẫu mình vô tình thì thôi, chớ không nên để tiếng bất nghĩa. Duy Linh nghĩ như vậy liền kêu thằng Cử lại lấy cái gói ấy bỏ vào túi rồi bước vào nhà. Anh ta muốn trao cho chú thím và cậy trả dùm mình cho cô Ba Kiềm, song sợ đưa ra chú thím lấy cớ ấy đặng khuyến dụ việc mình không ưa chỗ đó nữa, nên nín luôn, để có khi nào gặp cô ta mình trả lại tới tay cô, làm như vậy cô mới khỏi mang tiếng xấu.

Bữa sau Duy Linh lấy bạc ra sang tiệm hớt tóc và xin thôi không viết báo nữa. Anh ta đặt hiệu tiệm là "Văn Minh Tiến Phát", mướn hai người thợ hớt tóc, mua giày nón, vớ, khăn, dầu thơm, phấn hộp, cùng nhiều món khác nữa để bán. Anh ta lại có mua ba thứ báo để sẵn trong tiệm đặng cho khách vào hớt tóc trong tiệm đọc mà chờ phiên, song vì anh ta đã chán nghề viết báo, hễ nhớ tới là chạnh lòng, bởi vậy anh ta chẳng bao giờ chịu đọc nhựt báo nữa.

Cách chừng một tháng dọn dẹp xong rồi, trong tiệm khách vào ra nhộn nhịp, kẻ mua đồ, người hớt tóc. Duy Linh thấy cuộc buôn bán ngày càng tấn phát thì vui thầm mới sai thằng Cử về Bạc Liêu chở bàn ghế lên dọn trên lầu để thờ cúng cha mẹ, song căn dặn nó kỹ lưỡng, biểu đừng cho ai biết mình ở xứ nào.

Bữa nọ, nhơn trời trong gió mát, vợ chồng Phước Đằng dắt nhau ra Sài Gòn, tính đến tiệm coi Duy Linh buôn bán thế nào. Duy Linh đang đắc ý nên thấy chú thím đến nên mừng rỡ hết sức, lật đật mời vào tiệm và hối thằng Cử dọn trầu thuốc và chế trà ngon đề đãi vợ chồng Phước Đằng. Vợ Phước Đằng xem trước ngó sau, thấy tiệm vén khéo sạch sẽ, mát mẽ thì trong lòng khen thầm lại nói: "Lời thím nói với cháu quả thiệt như vậy, không sai không chạy chút nào hết. Hôm chúa nhựt con Ba Kiềm ra chơi, thím nói cháu thôi viết nhựt trình và đi lập tiệm hớt tóc thì nó trề môi, coi bộ khinh thị cháu lắm. Thím biểu con Hai ở nhà dọ thử ý nó coi nếu chú thím nói cho cháu, nó ưng hay không, thì nó giận nói rằng nó là con nhà giàu sang nếu lấy ông không được thì lấy thầy, chớ có lý nào mà nó lại khứng[5] làm vợ thằng hớt tóc. Cháu nghĩ lại coi, tại cháu tính quấy, nên mất vợ giàu sang có phải là uổng quá hay không?“.

Duy Linh nghe nói giận đỏ mặt song nghĩ rằng cô Ba Kiềm chê mình bao nhiêu thì mình cũng chê cô ấy bấy nhiêu nên bỏ giận làm vui nói rằng: "Tưởng là cô không chê tôi thì tôi cám ơn cô lắm“.

Vợ chồng Phước Đằng không rõ ý Duy Linh nên không hiểu nghĩa mấy lời ấy, bởi vậy không nói tới chuyện Ba Kiềm nữa, ở chơi một lát rồi dắt nhau về.

Duy Linh nghe lời khinh bỉ của cô Ba Kiềm, càng nhớ càng giận, nên rán ra buôn bán, quyết làm cho kẻ giàu sang họ biết mặt "thằng hớt tóc" nầy, tuy bây giờ bạc tiền thua họ, song trí não và tánh tình họ không dễ mà hơn được đâu.

   




Chú thích

  1. Dĩ nhiên, đương nhiên
  2. Mandat: bưu phiếu
  3. Chết rồi làm sao cho?
  4. Sang lại, khẩn lại
  5. Vừa ý