Bước tới nội dung

Những đồng tiền siết máu/Chương 4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

- 4 -

Mười bốn ngày ở Ma Cao. Người ta đã không bận việc gì, người ta lại rất sẵn tiền, người ta lại luôn luôn được những người làm ở khách sạn mời xuống xem sòng bạc. Mời xuống xem để tiêu khiển thôi.

Cái lần đầu, ông Vạn Ký dắt con gái xuống xem sòng bạc, ông thật đã không ngờ tự đem mình và đem con vào chỗ chết. Mà những khách đánh bạc và các nhân viên của khách sạn, hôm ấy cũng không ngờ vị tài chủ sang trọng và cô thiên kim tiểu thư rực rỡ như thế kia chỉ 20 hôm sau đã hóa ra thân tàn ma dại.

Từ thiên đàng cho tới địa ngục, chỉ cách nhau có một gang tấc, một ngưỡng cửa, cái ngưỡng cửa của sòng bạc. Cái gang tấc ấy, một khi người ta đã bước qua, thế là người ta đã ấy, người ta đã bắt đầu bán hồn cho quỷ, và thôi, bao nhiêu cái gì gọi là phải chăng, người ta đều quên đi hết, chỉ để nghĩ có một việc đánh đu với tinh.

Từ phút ấy thì đầu óc con người ta bị thần kinh đen đỏ dội chì sôi vào, bao nhiêu dây thần kinh đều bị căng đến cái hướng của vực thẳm. Sự được, thua sẽ thu đi những cái gì gọi là lành mạnh, sáng suốt, chỉ còn để lại cho kẻ đánh bạc độc một cái quyền nghĩ sai, rồi nhìn lệch.

Những tiếng bạc lại như máy nổ, dồn mãi con người ta đến góc tường, cái góc tường của sự tuyệt vọng.

Lúc ấy thì những cái gì không thuộc về cờ bạc đều tiêu tan. Tất cả sự sống sôi nổi, tất cả vị đời, tất cả quá khứ, và tương lai đều thu vào cái diện tích nhỏ hẹp hòn “đê” đang quay, hay cây bài sắp lật. Vợ, con, cha, mẹ, anh, em, giàu, nghèo, sống, chết và tất cả mọi cái thuộc về của đời người đều không còn ở trong trí óc người ta nữa. Thần Đen, Đỏ đã đánh bật đi hết. Hiện tại chỉ còn là một cái chớp mắt, cái chớp mắt của đồng tiền sấp ngữa, nó kéo người ta lên thiên đường hay đạp người ta xuống địa ngục.

Hy vọng bạc ngàn như một đàn muỗi đói chiếm lấy người đánh bạc, con sà vào mắt, con bâu trên môi, con vồ lấy tay, con lao xuống chân để rồi con mắt, làn môi, bàn tay, ngón chân đều “nhói” lên cùng một lúc cái tiếng lòng muôn thuở của người máu mê: “này tôi được!”. Để rồi chết lặng cả đi trong một cái thở hắt ra nó cũng chẳng cần phải thốt ra thành tiếng mà cũng đủ nói lên các thứ tiếng của thất vọng “thôi thua rồi!” Hồi thanh la ở pháp trường vang dội đối với kẻ tử tù thế nào thì những tiếng ấy đối với kẻ thua tiếng bạc cũng như thế. Có khác là kẻ thua bạc tự mình rú lên, và chỉ một mình mình nghe tiếng.

Cái nó làm cho sự đánh bạc thành ra sôi nổi đối với người đánh bạc là hy vọng đi liền ngay với thất vọng; và qua cái khắc thất vọng ấy, tiếng bạc sau lại lập tức làm cho họ hy vọng chứa chan.

Không có ở đâu, những cảm giác cực kỳ trái ngược lại sôi sục trong con người bằng những đổi thay mau chóng như thế. Vì thế, trong bài bạc, kẻ máu mê như bị nung, bị nấu bởi bàn tay của thần Đen Đỏ. Những tiếng rít “này tôi được!” những tiếng rú “thôi thua rồi” như cắt, như thái người đánh bạc ra từng mảnh theo nhịp nhặt, khoan của những tiếng bạc đổi hồi. Đó là những tiếng sét, những tiếng sấm chúng chiếm đoạt cả tâm hồn, và làm cho người ta thành lú lấp, thành mê sàng, chỉ còn biết cắm cổ chạy theo những cảm xúc một chiều, nhưng cái chiều nó mới ghê rợn và sảng khoái làm sao. Càng ghê rợn, càng sảng khoái… thì người ta lại càng cắm cổ lao đầu vào.

Bước chân vào sòng bạc là người ta mắc ngay phải cái “bệnh của nhà bạc” nó hành cho lúc thì mặt đỏ bừng bừng, lúc tái nhợt như gà cắt tiết để rồi không rét mà run, không nực mà toát mồ hôi, và kêu không ra hơi, và rên không thành tiếng.

Lòng ruột những con người máu mê là một thế giới mà những bình minh day đi liền ngay với những hoàng hôn bão dật. Nắng hè lẫn vào với gió đông, mùa xuân ngay đấy mà mùa thu cũng ngay đấy. Những thế giới mà chụm vào gây thành một vũ trụ: vũ trụ của sòng bạc. Cái vũ trụ ấy ở trong một túp xiêu vẹo hay trên một tòa lầu nguy nga, cũng chỉ có một bản thể, một khuôn mặt, cái bản thể điên cuồng, cái khuôn mặt ngây dại. Ở đâu thì cũng là hình tượng của tham tàn, của xâu xé, mà không khí thì sặc sụa mùi máu, mùi mồ hôi. Trước, sau, bên phải, bên trái, đâu đâu cũng đã yếm bùa mê, bả dột để cho “ngon lành” những con người đang húp cháo lú. Rồi thì những cuộc sát phạt dồn dần, dồn dần họ vào cửa ngục U, để họ phải tỉnh dậy trước con thần ngao đang sủa những tiếng sủa kinh hồn với sự sợ hãi của hai bàn tay trắng.

Cô Wa-Phá bước chân vào trong sòng thấy hơi người xông lên thì dừng ngay lại, rút chiếc mùi xoa thơm phức đưa lên mũi:

- Con khó chịu quá, pá ạ! Chả vào xem nữa pá ạ!

Tiếng oanh làm cho mấy người gần đấy quay lại, rồi, cảm phục trước cái sắc đẹp lộng lẫy, một bọn rẽ ra, rồi một người nói:

- Đây cô muốn xem thì mời cô vào xem.

Có dè đâu câu nói lịch sự của một con người biết quý sắc đẹp đêm hôm ấy lại là một câu mào đầu cho cái chết của cô sau này.

Ông Vạn Ký chiều con, và chính ông cũng thấy khó chịu đã toan quay ra, vì nghe câu nói ấy ông bèn ngừng lại. Người cha nào không kiêu hãnh về cái sắc đẹp của con gái mình. Và không nể lời cái người đã biết tôn trọng cái sắc đẹp ấy. Cô Wa-Phá cũng nghĩ thế, cô không muốn làm mích lòng những con người đã vì nể cô, tránh đường cho cô đi và mời cô như thế. Cô tiến sát vào bàn bạc. Bọn người máu mê ăn cháo lú đương mê man đến như thế, mà đã phải dồn cả mắt vào phía cô. Những cái nhìn ấy làm cho cô Wa-Phá sung sướng. Từ trước đến nay, cô Wa-Phá toàn cấm cung ở trong nhà: Lần này đến chỗ đông đảo, có một cơ hội để nhận thấy mình đẹp, lòng cô gái thơ ngây rạo rực: Cô muốn kéo dài cái phút sung sướng ấy ra một chút.

- Pá, đánh đi Pá.

Người bồi bàn đem ngay hai chiếc ghế ra.

Ông Vạn Ký đánh vài tiếng đều được cả. Đến lúc ấy thì thật là vị thiên kim tiểu thư không còn có thể chịu nổi cái hơi người sặc sụa nữa:

- Thôi, chả đánh nữa, pá ạ! Khó thở lắm pá ạ!

Nói xong, cô đứng dậy, ông Vạn Ký theo con ra, nhưng trước khi ra, ông không quên cho người bồi đã bưng ghế cho con gái ông năm mươi đồng.

Bọn người thấy thế xì xào:

- Đã đẹp thế lại giàu, sung sướng thật!

Lý tiên sinh kể đến đấy thở dài:

- Gia cảnh nhà ông Vạn Ký sau này, tôi gặp cậu Wu-Heng, cậu ấy kể cho tôi nghe mới rõ. Nhưng cái hôm đầu, ông Vạn Ký đưa con gái xuống xem sòng bạc thì có tôi ở đấy. Cô Wa-Phá đẹp quá, lại vàng ngọc đầy người, khiến cho tụi hồ lỳ và con bạc cứ ngây ra mà nhìn. Lúc ông ta dắt con đi rồi, bọn họ vẫn còn tấm tắc khen mãi: “Chà vừa đẹp, vừa giàu sung sướng thật”.

Từ đấy cô Wa-Phá không một lần nào xuống sòng nữa, nhưng hôm sau, thì ông Vạn Ký xuống. Ý giả, không có việc gì, ngồi ở trên buồng thì buồn. Trước còn đánh bé, tiêu khiển, sau thua cứ to dần mãi lên. Và tôi xem ra thì ông là người không quen chơi cờ bạc bao giờ, nên càng thua, cứ càng húc mãi vào. Có nhiều lần, ông ta đã đánh tới những tiếng bạc mười vạn. Rồi thì đến khi có chuyến tàu sang Mỹ, tôi không thấy ông ta đi nữa. Tôi tính ra áng chừng trong gần nửa tháng, ông ta đã thua đến hơn hai trăm vạn. Ý giả ông ta nghĩ như những người máu mê khác vẫn thường nghĩ: trong ngần ấy ngày đã có thể thua như thế thì cũng rất có thể gỡ được như thế. Và chủ tôm khi gỡ hòa thì bố con dắt nhau đi. Nhưng xưa nay, cờ bạc chỉ có gỡ vào, chứ có gỡ ra bao giờ. Từ đấy thì mặt ông cứ tái mét như người mất hồn, và ông ta đánh to quá.

Lúc ấy, tôi mới sẽ bảo Lý tiên sinh:

- Giá lúc ấy mà ông Vạn Ký gặp một người bạn sốt sắng, cố khuyên ông như tiên sinh thường khuyên tôi thì có lẽ không đến nỗi khổ.

- Tiên sinh là hạng người khác. Mà ông Vạn Ký là một hạng người khác. Tiên sinh là cái hạng người tay trắng lập lấy cơ đồ, chứ ông Vạn Ký là người ơn cha nhờ mẹ, có hiểu việc đời là cái quái gì đâu. Cha mẹ chết đi, cái cửa hàng sẵn có đấy, cứ việc sẵn nong, sẵn nó mà theo. Ông ta chỉ có hai điểm là yêu vợ và yêu con gái vô cùng.

- Thế mà vì thua bạc bán cả con.

- Lúc ấy thì người ta có là người nữa đâu, lúc ấy nó là ma rồi. Chính tôi là người được sòng cử ra để hỏi nhà băng về số tiền của ông ta gửi ở đấy. Có hơn bốn trăm vạn thì ông ta đã lãnh ra thua hết cả rồi. Tôi độ chừng là khi càng thua, ông ta càng nghĩ về tương lai của con gái, ông ta càng như điên, càng nóng gỡ, cho nên nó mới chóng hết như thế. Hết tiền mặt rồi, chắc là ông ấy nói dối con gái, lấy hết tư trang của cô đem bán. Người hàng vàng ngọc nói với tôi là họ mua tất cả bốn mươi sáu vạn. Số tiền ấy chỉ có ba ngày là hết sạch. Lúc ấy tôi đi qua buồng thì nghe có tiếng khóc, và mỗi khi tôi gặp cô Wa-Phá thì thấy mắt cô lúc nào cũng đỏ ngầu và gầy tọp hẳn đi. Hết tiền rồi, không còn lấy đâu mà đánh nữa. Tôi đã thấy ba ngày không có mặt ông ta ở dưới sòng. Nhưng ngày thứ tư thì tôi lại thấy ông ta xuống. Tôi không thể nào quên được cái vẻ mặt của ông ta hôm ấy. Thật không còn biết tả thế nào cho rõ. Tôi có cái cảm tưởng ông ta như người đi chết vậy. Lòng tôi thắt lại. Cho nên dù là hồ lỳ của sòng bạc mà tôi cứ cầu cho ông ta được. Ông ta đánh có mấy tiếng thì thua hết. Trời ơi! Tôi còn nhớ mãi cái tiếng bạc cuối cùng. Ông ta đứng ngây ra nhìn bàn bạc cho tới khi người hồ lỳ đã vơ hết cả rồi, mà ông ta vẫn còn đứng ngẩn ra nhìn. Khi tiếng bạc sau mở rồi, ông ta mới thở dài một tiếng, rồi quay đi. Tôi tưởng chừng như lúc ấy, ruột ông ta đứt ra. Ấy thế là nửa giờ sau, tôi nghe thấy tiếng người ồn ồn ở trên từng gác thứ ba, tôi vội chạy lên. Thì ra ông ta đã nhảy từ trên gác xuống lề đường để tự tử. Mà số tiền ông ta vừa thua đó là số tiền ông ta viết giấy bán con gái cho một mụ dầu! Trong giấy thì nói cho làm con nuôi, nhưng tiên sinh còn lạ gì con nuôi của những mụ dầu.

- Ở đây, có quyền mua bán người như thế?

- Tha hồ, chỉ sợ không có tiền. Cái điều não nùng nhất là cô con gái không biết việc mình bị bán này. Nhưng cái cách cư xử thì lại khiến cho chúng tôi càng cảm kích thương cô. Con người hiếu thảo quá.

- Nhưng làm sao mà cô ấy lại không biết? Như thế thì sao bọn mụ dầu họ chịu mua.

- Ông còn lạ gì, nơi nào có sòng bạc là có đĩ điếm, trộm cắp. Chung quanh sòng bạc này, lúc nào cũng có những quân ăn thịt người không gớm, chúng đang rình mò để chờ cơ hội. Nên nói bán con để làm đĩ thì đời nào ông Vạn Ký chịu bán. Chúng dụ dỗ ông Vạn Ký nếu bằng lòng để cô Wa-Phá làm con nuôi chúng thì chúng cho ông vay một số tiền…

- Nhưng chắc là trong thâm tâm ông ta cũng biết chứ có lẽ nào…

- Lòng dạ những con người mê cờ bạc… nhưng thôi, ông ta đã chết rồi… số tiền mụ dầu hẹn cho là hai vạn rưởi. Ông ta mới lấy có một vạn rưởi, còn một vạn thì đến tối, ông ta đưa con gái đến thì họ đưa nốt. Hết tiền, con gái sống bằng gì, âu là cho làm con người ta.

- Thì ra nghĩ đến sự phải đưa con gái lại, ông ta thấy nhục nhã, đau xót quá…

- Mà tự tử, tôi chắc những người mê bạc toàn là nghĩ quẩn. Ông ta hy vọng đem cái số tiền một vạn rưởi về đánh, nếu được thì hoàn lại họ, cho họ ít lãi, và nói khó với họ rồi cũng xong. Nhưng ông ta có hiểu đâu cờ bạc…

- Thứ nhất cờ bạc mà khi người ta lại đã vấp.

- Thế trước khi chết, ông ta có nói gì cho con gái biết không?

- Không nói gì, mà cũng không viết thư để lại, vì thế nó mới lại càng thảm. Một bên thì cô Wa-Phá ôm lấy cái xác đầm đìa máu me của ông Vạn Ký, một bên thì bọn mụ dầu sợ mất tiền, cứ chìa cái văn tự của ông Vạn Ký ra…

- Chúng cũng không tính đến sự ông Vạn Ký có thể tự tử?

- Đúng rồi. Chứ xưa nay, bọn đó đều tiền trao cháo múc, không dẫn người lại thì đời nào chúng nó đưa tiền. Sở dĩ chúng cho vay để đưa ông Vạn Ký vào tròng là vì cô Wa-Phá đẹp lắm, có thể là một mối lợi lớn cho chúng. Mà chúng tính cũng không sai. Nghe đâu, chúng bán cái đêm đầu trinh bạch của cô cho một vị tài chủ ở Quảng Đông được hai vạn đồng.

- Thế nghĩa là sau cô Wa-Phá phải buộc lòng về với chúng.

- Đúng ra, nếu có người thế lực cầm đầu nâng đỡ thì cô Wa-Phá có thể không về với chúng cũng được. Nhưng khi cô thấy bọn mụ dầu chúng hoảng lên vì sợ mất tiền toi, chúng chỉ cái xác ông Vạn Ký mà rủa sả thì lòng người con xúc động. Trước đây, chúng đưa bức văn tự của ông Vạn Ký cho cô xem, cô không chịu xem, cô chỉ khóc. Nhưng khi chúng làm như thế thì cô mới cầm bức văn tự đọc. Và cô nhận đúng là chữ cha cô. Một tí tuổi đầu, lại thơ ngây, lại hiếu thảo như thế. Vì thấy thế mà tôi lại càng thương xót cho cô. Cô nhận nợ của cha, cô nhận trả, nhưng cô buộc họ bỏ ra nốt cái số bạc vạn làm ma chay cho cha cô xong, cô mới chịu về làm con nuôi họ.

- Nghĩa là về làm đĩ kiếm tiền cho chúng nó. Thế thì tụi mụ dầu mừng rơn lên rồi còn gì.

- Thì họ chỉ cần có thế. Tôi vì thấy thế, tôi cảm động, tôi giúp đỡ cô trong việc ma chay. Lúc đưa ông Vạn Ký ra nghĩa địa, chỉ trơ trọi có một cô ta và tôi.

- Thì làm gì còn có họ hàng ở đất khách quê người này nữa. Ông Vạn Ký thật là…

Lý tiên sinh ngắt lời:

- Những người máu mê dại cờ bạc, họ còn nghĩ sâu xa gì nữa. Người ta bắt đầu phạm tội ác từ khi bước chân vào sòng bạc cơ chứ. Thiếu gì người đã làm những việc tương tự như ông Vạn Ký đã làm.

- Thế từ đấy cô Wa-Phá cũng phải đi tiếp khách như những em này.

- Còn làm thế nào được, khi thân gái đã vào trong tay họ. Các em này cũng có quen biết cô ấy đấy. Nhưng cô ấy là món hàng cực sang phải mất rất nhiều tiền cơ. Đã nổi tiếng ở đấy một dạo. Nhưng trước khi cô ấy tự tử chết thì bọn mụ dầu cũng đã kiếm được một món tiền gấp mấy lần số vốn chúng bỏ ra rồi.

Cái chết của cô Wa-Phá xảy ra sau đấy bảy tháng. Đây là những lời Lý tiên sinh nói với tôi.

- Cái thảm kịch ấy làm sôi nổi dư luận ở đây một dạo, rồi lâu dần người ta cũng quên đi. Mà chính tôi cũng quên. Thì một hôm có một người thanh niên đến hỏi tôi. Trông cậu, tôi biết ngay là hạng người có học thức, có nhân cách. Mà thật là một ngẫu nhiên oan trái cậu ta cũng đến trọ ở buồng 13 như mẹ cậu ta bây giờ.

- À tôi hiểu, cháu ông Vạn Ký và là ý trung nhân của cô Wa-Phá.

- Lúc ấy tôi chưa biết như thế. Sau cậu ta kể ra tôi mới hiểu. Lần này, còn thảm thiết hơn lần trước. Đây, tôi còn nhớ hôm cậu ta đi ở phía ngoài kia, trông thấy người vợ chưa cưới phải tiếp khách ở gian chúng mình ở này, cậu ta ngã ra, chính tôi phải vực cậu ta về buồng. Thì ra cậu ta ở Chicago được tin chú và vợ chưa cưới đánh giấy sang mà mãi không thấy sang, cậu ta mới bàn tính với mẹ là bà Thập Hữu để về Trung Hoa đón. Đến Hán Khẩu, thì người ta nói cho biết đã đi Ma Cao. Và hình như cái tin ông Vạn Ký chết cũng truyền về đến Hán Khẩu. Nhưng cậu ta chỉ mới biết mang máng thôi. Đến đây, cậu ta hỏi, tôi nói rõ, cậu ta xám hẳn mặt đi. Tôi chưa từng thấy một vẻ mặt nào đau đớn như thế, thật là lúc ấy, tôi cũng thấy đau nhói vào tận ruột. Thì ra hai người đã yêu nhau tha thiết, chỉ còn chờ ngày cưới, bây giờ thế là tan vỡ. Mãi một lúc lâu, cậu ta mới bảo tôi:

- Nhà tôi bây giờ, chỉ còn có một mình cô ấy, nay chẳng may xảy ra tai nạn như thế rồi thì ngài có nghĩ các gì cứu được chúng tôi không?

- Chỉ có tiền. Nhưng có tiền mà mụ chủ vị tất họ đã bằng lòng cho chuộc. Vì cô ấy hiện nay đang là cây vàng, cây bạc của nhà họ.

- Tiền thì độ bao nhiêu?

- Trước kia ông Vạn Ký lấy một vạn rưởi, lại ma chay nữa, có lẽ đến hơn hai vạn.

Cậu Wu-Heng thở dài:

- Nếu thế thì tôi không thể có được. Đây tôi chỉ có năm sáu nghìn.

Rồi ngẫm nghĩ một lúc:

- Để tôi thử viết giấy về Chicago nói với má tôi chạy xem có được không. Nhưng được thì chắc là cũng còn lâu. Bây giờ, tôi muốn gặp mặt em tôi, ngài tính có cách gì cho chúng tôi được gặp nhau không?

Tôi thấy con người thơ ngây quá, tôi ái ngại. Tôi muốn nói thật ra thì sợ cậu ta buồn, nhưng không nói thật thì không còn cách nào. Người con gái đã lọt vào đó như lọt vào hang hùm rồi.

- Cậu phải kín đáo, chứ không họ biết có người nhà, người cửa về đây, họ sợ tìm cách cho cô ấy trốn, họ sẽ giữ riết thì khổ cho cô ấy. Mà như thế thì không bao giờ cậu gặp được cả. Tối nay, may ra thì cô ấy đến đây, để chờ khi nào đến, tôi sẽ tìm cách mách cho cậu.

Cậu ta hỏi tôi thế này có não lòng không:

- Thế đến đây để tiếp khách à?

Tôi không còn biết trả lời thế nào, đành nói xuôi:

- Thì làm thế nào được, một khi đã thất thế sa cơ.

Cậu Wu-Heng nghe tôi nói thế, lại ôm mặt khóc. Có mộ điều tôi nhận thấy và nó khiến tôi càng thương hại là cậu ta không một lời oán trách ông Vạn Ký, cả cô Wa-Phá cũng thế. Họ khóc, nhưng họ không nguyền rủa con người đã gây ra nỗi tuyệt vọng cho họ. Họ chỉ biết có nhớ và thương. Thật là những con người trời sinh ra để hiểu nhau, để cùng ở với nhau cho đến no đời mãn kiếp, ai ngờ chỉ vì sự lỗi lầm trong một chốc lát mà tan tành cả.

Tôi bực tức:

- Giá mà Ma Cao không có sòng bạc “Tai-seng” này?!

- Thì đã không sao cả, mà bây giờ thì họ Vũ đang líu ríu sống yên vui với nhau ở dưới ngọn đèn hạnh phúc. Nhưng làm thế nào được khi mối lợi của sòng bạc làm giàu cho bao nhiêu con người có thế lực, khi nó làm phồn thịnh cả một cái thị trấn này. Đứa nào dại thì đứa ấy chết, người ta bảo thế. Một họ Vũ tuyệt chủng chứ đến mười họ Vũ tuyệt chủng, người ta vẫn có thể thản nhiên như không, miễn là người ta được giàu sang về cái chết của họ. Hôm cậu Wu-Heng nhìn thấy cô Wa-Phá bị mấy khách làng chơi đùa bỡn, cậu thương cảm quá, cậu ngất hẳn đi. Tôi thấy thế đứt ruột, muốn tìm cách cho hai người gặp nhau, nhưng sau tôi nghĩ kỹ thì tôi thấy rằng sự gặp gỡ ấy chỉ làm cho cô Wa-Phá tủi cực thêm, và nhớ lại những điều thảm khốc. Từ khi cô sa vào cảnh hồng lâu, mặt cô lúc nào cũng buồn như người chết rồi, ai trông thấy cũng phải mủi lòng. Mụ dầu chỉ lo cô tự tử, nên đi đâu cũng cho người kèm riết. Tôi ngỏ ý ấy với cậu Wu-Heng:

- Tôi thiết tưởng bây giờ cậu chưa có tiền để chuộc cô ấy ra thì gặp nhau chỉ làm cho cô ấy đau đớn thêm. Trông thấy người nhà trong cái cảnh tủi nhục như thế… hay cậu cứ để chờ… khi nào…

Cậu Wu-Heng ngắt lời tôi và nói bằng một giọng tin tưởng:

- Ngài bảo để chờ thời gian làm cho quên đi, chờ tới ngày tôi có đủ số tiền ư? Không, không, tôi biết, không một giây phút nào tôi quên em tôi cả. Ngài cứ tìm cách cho chúng tôi gặp nhau để chúng tôi nói với nhau một vài câu an ủi thì dù có chết, chúng tôi cũng hả.

- Khi đã chưa chuộc được nhau ra thì cậu nói gì với cô ấy chứ?

- Tôi sẽ nói cho em tôi biết lòng tôi yêu thương nó không vì… một cớ gì mà có thể giảm đi, và nó càng bị đọa đày bao nhiêu, tôi càng thương nó bấy nhiêu. Lúc nào tôi cũng tôn quý nó như hồi nào nó còn trong trắng…

Cậu Wu-Heng nói đến đấy xám mặt lại. Cậu là một thanh niên tuấn tú đã hấp thụ được những tư tưởng của Tây phương, không đánh giá người đàn bà theo quan niệm cổ hủ của chữ trinh. Sự chung thủy của cậu làm xao xuyến lòng tôi:

- Tôi chỉ lo cô Wa-Phá không biết nghĩ như cậu, rồi cô ấy trông thấy cậu, cô ấy lại…

- Vì thế cho nên tôi mới phải cần gặp em tôi để nói rõ cho nó biết rằng chỉ có sự kiên trinh của tâm hồn là đáng kể, còn xác thịt không nghĩa gì đối với tôi. Như thế, để cho nó an lòng chờ đợi và hy vọng về tương lai. Tôi muốn nói cho nó biết rằng tôi sẽ đem cả đời tôi để xây đắp hạnh phúc cho nó, và làm cho nó quên những chuyện chẳng may đã xảy ra. Chứ ở trong hoàn cảnh như thế này thì nó khổ quá.

- Thế thì chỉ còn một cách là cậu… mời cô ấy đến đây để tiếp cậu. Mà như thế thì tốn tiền lắm.

- Độ bao nhiêu?

- Ít nhất cũng phải ba bốn nghìn. Cậu không biết bây giờ cô ấy là hoa khôi đệ nhất ở đây ư? Giá tiền cô ấy tiếp khách đắt gấp mười những cô khác. Phải có giấy hẹn trước, rồi ngày nào cô ấy tiếp cậu thì mụ chủ sẽ trả lời cho cậu biết. Có người chờ hàng tháng mà chưa tới lượt mình. Cái tiểu sử khổ cực của cô ấy càng làm cho người ta náo nức. Một tài chủ ở Quảng Đông phải tốn phí mất năm vạn bạc mới mời cô ấy sang chơi được hai ngày.

- Thế thì tôi làm sao mà chờ được! Mà tôi thì tôi muốn được gặp ngay. Báo cho nó biết trước ngày nào là nó đỡ khổ đi ngày ấy. Ngài làm phúc cố giúp tôi thì cái ơn cao dày ấy không bao giờ tôi dám quên. Chờ lâu như thế thì tôi hết tiền mất.

- Tôi cũng nghĩ thế. Tôi còn lo sau này, cậu có đủ tiền vị tất họ đã cho chuộc.

Mắt cậu Wu-Heng quắc lên:

- Nếu má tôi chạy được đủ số tiền thì tôi tin rằng tôi chuộc được. Tôi đã có cách.

Tôi vội vàng can:

- Cậu nên nhớ chúng ta ở đây, chứ không phải ở bên Mỹ. Ở đây, có rất nhiều những thằng thổ phỉ nó sẵn sàng thí đi một mạng người nếu người ta trả cho nó vài nghìn bạc, chứ không nói nhiều. Cậu đã có lòng tin nhờ tôi thì tôi có bổn phận phải khuyên cậu nên cẩn thận và kín đáo. Nếu lộ ra mà mụ chủ nó biết cậu là họ hàng với cô Wa-Phá thì chẳng những nó không cho cô ấy tiếp cậu, mà nó lại có thể hại cậu nữa nếu nó biết cái ý định của cậu muốn chuộc cô ấy ra.

- Nếu thế thì ở đây không có pháp luật gì nữa ư?

- Có chứ, có lắm chứ, nhưng thế lực đồng tiền của những con người khôn khéo, ở bất cứ đâu, cũng làm mờ ám pháp luật được. Cậu ở đây chỉ có một mình, chứ bọn mụ dầu, nhà chứa chúng sẵn có một lũ đãng tử chỉ chờ được trả tiền một giá đắt là việc gì chúng nó cũng có thể làm. Cô Wa-Phá bây giờ là một mối lợi rất to cho chúng nó. Mà khi vì lợi thì cậu đã hiểu con người có thể làm những gì, phương chi lại là đối với bọn buôn thịt người ấy. Cậu nên tin và nghe tôi.

Cậu Wu-Heng quỳ ngay xuống ôm chân tôi:

- Thôi bây giờ cái tính mệnh tôi ở trong tay ngài, ngài đã rõ cái tình cảnh của chúng tôi, thì xin ngài thương lấy những con người vô tội bị hàm oan.

Tôi cũng cảm động ứa nước mắt. Tôi kéo cậu ta dậy, rồi tôi giảng giải:

- Tôi thề trên vong linh ông Vạn Ký, tôi sẽ xin hết sức giúp cậu. Được rồi, tôi cũng có tí chút uy tín đối với mụ Tài-Lay là chủ cô ấy, để tôi tìm cách cho cậu gặp, nhưng tôi khuyên cậu khi ở đây thì đừng tỏ ý tình gì. Tường nó có tai, phương chi lại là tường của sòng bạc ở cái đất tứ chiến này. Nhưng tôi hỏi số tiền chuộc, chừng độ bao giờ thì má cậu gởi sang.

- Tôi phải thưa thật với ngài nhà tôi cũng nghèo thôi. Số tiền ấy má tôi không sẵn có, nhưng tôi viết thư về trần tình thì thế nào má tôi cũng hết sức xoay sở bán chác, cũng có thể có đủ.

- Nghĩa là phải lâu. Thế thì cậu nên đi ở chỗ khác trong khi chờ đợi, chứ ở đây tốn lắm. Tôi có một người bạn, để tôi gửi cậu lại ở đó, một tháng họ chỉ lấy ít tiền thôi, và cậu tránh không phải nhìn đến những thảm cảnh, vì thời thường có khách mời cô Wa-Phá đến đây.

- Nhưng tôi xin ngài cho tôi gặp mặt đã, rồi thì đi đâu, tôi mới có thể đi được.

- Nhưng cậu phải hứa với tôi lúc gặp nhau đừng khóc lóc, và cố kín đáo đừng để cho mụ chủ nó ngờ vực.

- Điều ấy tôi xin hứa. Nhưng tôi chỉ lo em tôi nó trông thấy tôi, nó cảm động quá mà không tự chủ được thôi.

- Được rồi. Để tôi sẽ tìm cách báo trước cho cô ấy biết.

Kể đến đây, Lý tiên sinh lắc đầu một cách buồn bã:

- Mới ngày hôm qua là một vị tiểu thư thân nghìn vàng, ngày hôm sau sa cơ vào nghề son phấn, thằng nào nó có đồng tiền cũng làm được chủ nhân ông cái thân thể của mình. Ở đấy, bao nhiêu người háo hức vì sắc đẹp của cô ấy.

Cậu Wu-Heng uất lên:

- Và thứ nhất lại là một vị tiểu thư 100 phần trăm…

- Đúng thế. Họ xô nhau vào… họ đã rủ tôi, nhưng tôi từ chối. Cái nỗi đau lòng của con người ta, mình không nỡ…

Tôi nắm tay Lý tiên sinh:

- Tiên sinh thật là một người quân tử, giàu lương tâm và bác ái.

- Tôi học được những bài học lương thiện trong khi tôi làm cái nghề cờ gian bạc lận này. Và từ đấy thì tôi nghĩ sâu xa về cái kiếp con người. Tôi hiểu giá trị của cuộc sống là ở chỗ mình biết đem dâng cho người chút ít tình cảm chân thành trong những trường hợp đáng dân và biết ghìm mình trên cái dốc của tài lợi, không chịu để cho thú tính sai khiến được mình. Cái câu “chước tham toàn nhi giác sảng” của Vương BỘt thật là đúng với tôi.

- Tôi tưởng cái nghề hồ lỳ trong sòng bạc chỉ làm chìm đắm người, thế mà tiên sinh thì trái lại.

- Ấy cũng là nhờ tôi biết nhiệm nhặt trong sự sống và chịu nghe lời những người bạn tốt khuyên can mình. Tôi không tự tôn một cách quá đáng, và bao giờ tôi cũng biết quý người có đức hơn người có tài.

Tôi biết những lời ấy là để cho tôi:

- Gần tiên sinh, một người xấu đến đâu, rồi cũng phải tử tế. Sự thật thì tiên sinh có một thiên lương rất tốt.

- Có lẽ thế cho nên khi tôi biết rằng việc tôi làm là để giúp người, mà lúc nói với mụ Tài-Lay tôi vẫn thấy ngường ngượng là sao ấy. Mụ nghe tôi nói thì cười hề hà…

- Cái cười cầu tài của những quân bán thịt.

- Đúng thế, rồi mụ bảo tôi: tôi biết thế nào rồi cũng có ngày đại ca chiếu cố đến, chứ chả lẽ một người sành như đại ca lại để cho một miếng ngon như thế qua mắt mà không gắp hay sao. Nhưng quả tình là nhờ trời đất, thần chủ phù hộ, không có ngày nào là ngày con bé được rảnh rỗi.

Muốn được việc cho Wu-Heng, tôi phải dùng thủ đoạn:

- Này mụ, mụ đến đây kiếm ăn, tôi biết mụ là người biết anh, biết em cho nên tôi đã bảo quản lý dễ dàng với mụ nhiều lắm rồi đấy. Và có khách, tôi đều sai chúng nó gọi mụ. Tôi tưởng dù cô ấy bận mấy, mụ cũng phải tìm cách để mà ăn miếng, trả miếng với tôi chứ. Phương chi tôi cũng trả giá cho mụ bằng người ta cơ mà. Nào mụ muốn lấy bao nhiêu?

- Chỉ vì đã có người hẹn trước, chứ có phải tôi dám nghĩ đến đồng tiền nhiều ít. Tôi hiểu là tôi kiếm ăn ở đây, phải nhờ vã đại ca nhiều lắm. Tôi rất muốn làm cho vui lòng đại ca lắm.

Tôi làm ra bộ… nóng nảy:

- Thôi thôi, thiên ngôn vạn ngữ bất quá hồ thực. Tối mai đấy. Ngoài ra mà phải chờ, tôi không còn hứng nữa đâu. Lúc ấy, thì có đem dâng không tôi, tôi cũng hất đi. Và tôi oán mụ đấy.

Rồi tôi nghiêm sắc mặt:

- Tôi nói thật. Và tôi coi như thế là mụ không biết nể tôi, mụ lờn…

Thấy tôi dọa, mụ sợ:

- Nhưng tối mai thì nó phải đi bồi tiệc đến khuya, chưa biết chừng nào, e người ta giữ ngủ lại.

- Mặc, cứ là tối mai.

- Nếu đại ca bằng lòng cho nó độ nửa đêm, khi nào xong tiệc rồi nó đến. Tôi sẽ khước cái chỗ ngủ đêm đằng kia đi.

- Được, khuya một tí cũng được, nhưng nhất định là phải tối mai.

- Nếu đại ca rộng lượng cho như thế thì được. Nhưng đại ca cho nó đến tiếp ở đâu, và đại ca thương cho thế nào?

- Mụ muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Tôi là người không hay chơi, nhưng đã chơi thì không kỳ quản đồng tiền.

Nói thế rồi thì tôi lại nghĩ đến cậu Wu-Heng bây giờ đang không có nhiều tiền:

- Nhưng chắc là mụ cũng không nỡ lột da tôi.

- Ồ, đâu dám. Thôi người ta thì nhiều, nhưng đại ca thì em xin ba nghìn đấy.

- Được rồi. Mai mụ cho đưa cô ấy lại buồng số 13.

Rồi muốn cho chắc chắn, tôi đưa tiền ngay cho mụ:

- Nhớ đừng có làm lỡ tôi, để tôi phải mang tiếng với người bạn đấy nhé.

Trời ơi cứ nghĩ đến những câu tôi đã nói mà đến bây giờ tôi còn nghe sàn sạn cả mặt. Tôi cũng không ngờ là chóng ván đến thế. Tôi báo cho Wu-Heng biết rồi dặn:

- Lúc cô ấy mới vào thì cậu hãy tránh mặt đi, để chờ tôi dặn dò cô ấy xong, rồi cậu hãy vào.

Gần một giờ đêm thì cô Wa-Phá đến. Cô đã bị người ta ép rượu, mặt hơi đỏ. Tuy sáu tháng trời bị chìm đắm trong chốn vui cười, nhưng cô vẫn không bị lây những thói xấu. Cái phong thái của một vị tiểu thư, mặc dầu vì bị bó buộc, cô phải hạ mình lễ phép. Trông vẻ mặt buồn thảm của cô, lòng tôi se lại.

- Thì mới hôm nào thân ngà ngọc…

- Bây giờ đã là thân con đĩ. Cô ấy còn dám nghĩ đâu đến điều ấy.

Nhưng tôi, tôi vẫn nghĩ cho cô. Cô chào tôi, rồi cô xin lỗi:

- Má em nói cho biết là ngài chờ, em cũng muốn lại sớm, nhưng đến bây giờ tiệc mới tan, xin ngài tha lỗi cho em.

Tôi mời cô ngồi, rồi tôi hỏi:

- Có ai theo cô đấy không?

- Vẫn có mụ vú và con nữ tỳ má em cho theo em. Chúng nó đứng ở ngoài cửa kia.

Muốn giữ cho không lộ bí mật, tôi bảo cô:

- Khuya rồi, cô có thể cho họ đi ngủ. Tôi dễ tính lắm, không bắt ai phải hầu hạ gì đâu.

Cô không hiểu, tưởng là tôi… nóng nảy, mặt cô đã đỏ lại ửng đỏ thêm. Thì ra sáu tháng lăn lóc trong ca trường, lương tâm người con gái ấy vẫn chưa chết. Cô vẫn chưa quen cái nghề “khép mở”. Cô ấp úng mãi:

- Thôi được cứ để họ đấy. Họ có… cần ngủ đâu.

Biết là Wu-Heng nóng ruột tôi lại bảo:

- Tôi nói thật mà.

Rồi cũng chẳng chờ cô trả lời, tôi đứng dậy ra cài then cửa.

Cái cử chỉ “nóng nảy” của tôi là cho cô sợ hãi, nhìn tôi, rồi cô nhắm mắt. Tôi hiểu ý nghĩa của sự nhắm mắt ấy. Đó là một sự đành lòng của những kẻ không còn dám nghĩ đến ngày mai. Tôi ngùi ngùi:

- Tôi có một người bạn, ở… bên Mỹ tôi không phải là một khách làng chơi. Tôi mời cô đến để thưa với cô một câu chuyện nhà.

Cô mở to mắt, ngơ ngác không hiểu. Tôi ôn tồn kể rõ đầu đuôii mọi việc cho cô nghe. Mặt cô tái dần đi. Rồi tới khi Wu-Heng ở trong buồng tắm đi ra, cô trông thấy thì cô ngã gục ngay xuống. Tôi không dám gọi to vì sợ có người biết, Wu-Heng vừa nức nở, vừa ghé miệng vào tận tai gọi cô. Chừng năm phút thì cô tỉnh. Mở mắt là cô khóc. Wu-Heng như ngây như dại cứ nắm tay cô và cũng thút thít khóc theo. Cái cảnh hai thanh niên khôi ngô sinh ra thật là vừa đôi phải lứa, lại yêu nhau tha thiết như thế này, mà chỉ đành đứt ruột nhìn nhau làm cho lòng tôi nao lên. Tôi biết bây giờ bao nhiêu lời an ủi cũng là thừa, tôi chỉ dặn họ phải kín đáo. Rồi lúc đứng dậy, tôi bảo thêm Wu-Heng:

- Không lúc nào bằng lúc này, cậu cần phải can đảm. Nếu mà lộ ra một tí, mụ chủ nó biết, thì nó sẽ giam cô ấy lại không cho đến đây nữa. Và rất có thể, nó làm nguy khốn cậu. Đằng nào những sự đã xảy ra cũng xảy ra rồi, không gỡ lại được nữa. Hai em phải nghĩ đến tương lai mà cố dằn lòng xuống. Chờ má các em gởi tiền sang đây, rồi anh sẽ liệu cách cho các em. Nếu phong thanh tiết lộ ra ngoài, mụ chủ rất có thể đưa em đi tỉnh khác thì không còn biết đâu mà tìm nữa. Chúng nó có cửa hàng ở khắp các đô thị, và thủ hạ chúng nó đông lắm, chúng nó rất có thể hạ độc thủ đối với các em. Ở đây, mọi người biết rõ quá khứ của em, họ còn ái ngại mà tử tế, chứ đi tỉnh khác thì em không hy vọng được đối đãi như ở đây đâu. Tương lai, các em nên suy nghĩ đến tương lai. Và các em có thể tin anh sẽ hết sức giúp để cho các em lại được đoàn tụ.

Thành thật thì lúc ấy, tôi coi họ như anh em của tôi, và đối với họ, tôi cũng có cái tình tay đứt ruột xót thật.

- Điều ấy thì tôi hiểu lắm. Vì tôi đã sống những phút như thế, và tôi cũng đã được người ta đối với tôi những phút như thế.

Rồi cảm động về sự họ Lý sai ông Lý-Chí-Seng theo tôi để cố tránh cho tôi những lỡ làng:

- Ông Thái-Seng-Long trong rừng sâu, trước mũi súng cũng đã coi tôi như một người em ruột thịt cho nên tôi sang đây cũng lấy lòng thành kính là con, là cháu mà sang. Tôi hiểu, tôi hiểu tấm lòng tiên sinh trong lúc ấy. Và thật đúng như lời tiên sinh nói, giá trị của cuộc đời là những phút ấy. Đời thì rồi còn gì đâu, tiền bạc, giàu sang, đau khổ, hoạn nạn và cho cả đến những sướng thỏa nữa rồi cũng qua và quên đi. Có còn họa chăng là còn một chút cảm tình nồng hậu người ta đối với nhau, thế thôi.

Quả vậy, trong hơn hai mươi năm, làm nghề hồ lỳ, tôi đã vô tình phạm bao nhiêu tội ác. Nhưng tôi cũng có được mối an ủi là trong việc này, tôi đã hết sức tử tế với những người hoạn nạn. Tôi càng thương họ vì tôi biết họ là những người lòng dạ khá giả. Cô Wa-Phá và cậu Wu-Heng không một lời oán trách ông Vạn Ký. Nhất là lúc bọn mụ dầu sợ mất không món tiền chỉ vào cái thây ông Vạn Ký rủa sả mà cô Wa-Phá hy sinh ngay, không nghĩ đến cuộc đời mình nữa mà tôi cảm phục cô. Cô không muốn người ta động chạm đến vong hồn người chết, mặc dầu người chết đã làm cho đời cô tan tành. Cô chỉ nghĩ đó là cha cô. Cô có một tâm hồn đẹp đẽ quá. Tôi biết có mặt tôi ở đó, họ ngượng, tôi muốn cho họ tự do âu yếm và than thở với nhau, nên dặn xong thì tôi đi ra. Ra tới cửa, tôi mới sực nhớ đến cảnh éo le của họ, tôi lại quay vào:

- Hai em, cứ yên trí mà… trò chuyện với nhau. Sáng mai… thì độ tám giờ, em Wa-Phá phải về để cho họ không nghi ngờ gì. Và em Wu-Heng nhớ đưa cho em Wa-Phá một nghìn đồng… gọi là chút tiền… thưởng riêng của khách để em Wa-Phá về đưa cho mụ chủ, còn tiền cái… chầu này thì anh đã trả rồi.

Tôi nói mà ngượng mồm quá, thương hại họ quá, nhưng làm thế nào được. Bọn mụ dầu chúng nó tệ lắm ngoài số tiền khách làng chơi phải trả cho chúng nó rồi, chúng nó lại còn bắt con em chúng nó “làm tiền” khách riêng nữa. Không làm được thì các cô cứ là khốn đốn với chúng nó. Cậu Wu-Heng muốn trả lại tôi số tiền ba nghìn, tôi không nghe, tôi phải gắt, rốt cuộc tôi phải thề, cậu ấy mới thôi. Tôi nghĩ đến cảnh họ, tôi nghĩ đến sự nguy hại của cờ bạc thành ra trằn trọc mãi gần sáng mới nhắm mắt được. Chín giờ sáng hôm sau, tôi còn đang ngủ thì có tiếng ồn ào ở ngoài. Tôi đã chột dạ… ngờ có tai nạn xảy đến cho đôi trai gái ấy. Thì đúng cái điều tôi lo ngại đã thành sự thật. Họ đã nhảy xuống gác tự tử cả.

Với những con người lòng dạ như thế, ở trong cảnh cực nhục như thế, tôi cho chết đi là thoát nợ đời, thế lại mát mặt hơn.

- Tôi cũng nghĩ ở đời có nhiều vấn đề mà chỉ có cái chết mới giải quyết được một cách thỏa đáng thôi.

- Nhưng ai nhảy trước?

- Cô Wa-Phá. Lúc con mụ già mà bọn chủ hồng lâu cho theo hầu cô, mà cũng là để giữ gìn và giám sát cô, giục cô về, thì cô chồm ra cửa sổ, rồi nhảy xuống đường. Gác cao như thế, còn gì là xương thịt. Tôi hỏi con mụ đi theo ấy thì nó nói rõ cho tôi biết, nó phải giục mãi cô mới về. Lúc cô đi ra thì cậu Wu-Heng cứ đứng cửa nhìn theo. Mụ già nói, khi đó nó trông thấy cậu khóc, nó chỉ đồ chừng rằng lúc đêm, cô Wa-Phá có kể cảnh mình cho cậu ấy nghe thì khách làng chơi ái ngại mà thương tâm, chứ nó cũng không ngờ là chồng chưa cưới của cô. Cô Wa-Phá đi được mấy bước thì cô vùng quay lại ôm chầm lấy cậu ấy khóc thét lên, rồi thì cô lao qua cửa sổ để nhảy. Cậu Wu-Heng chắc cũng đã linh cảm thấy, chạy lại để ôm cô lại, nhưng không kịp. Cậu chỉ chộp được có một mảnh áo. Cô Wa-Phá rớt xuống đường mà manh áo rách ra thì còn lại ở trong tay cậu. Ấy thế rồi cậu nhìn xuống đường, rồi nhìn manh áo, rồi thì chắc là đau đớn làm cho cậu điên lên chẳng còn nghĩ gì đến đời của mình nữa, cậu cũng nhảy theo. Thế là ba bố con cùng chết ở một cái cửa sổ, trước gian phòng số 13. Cậu Wu-Heng thì chết ngay, còn cô Wa-Phá thì một giờ sau mới chết.

- Chắc là lúc quay lại nhìn thấy ý trung nhân, cô nhìn thấy tất cả thảm cảnh của mình, cô đau xót quá mới tìm sự giải thoát ở trong cái chết.

- Mà thật chỉ có cái chết mới giải thoát được thôi. Vừa mới ngày nào ngọc trong ngà trắng, kẻ hầu người hạ, bây giờ là thân con đĩ. Người yêu đứng kia, rõ nước mắt nhìn mình trở về nhà chứa… mà không có quyền giữ lại. A, đau đớn thật, xót xa thật. Hiện tại cũng chết người, mà tương lai cũng chết người. Mà họ làm gì nên tội hở trời.

- Chỉ vì có ông bố hiền lành đã dại. A! Cờ bạc!

- Mà cũng tại vì có sòng bạc. Tôi bỏ không kiếm ăn ở sòng bạc nữa cũng vì thế. Tôi không thể đành tâm ngồi nhìn những chết chóc do cái sòng này gây ra. Tôi không đủ lương tâm mưu lợi trên xương máu của người khác. Và từ đấy, thấy ai bước chân vào sòng bạc tôi cũng muốn kéo áo họ nắm lại.

Lý tiên sinh nói xong nhìn tôi. Tôi hiểu cái nhìn ấy. Tôi nắm tay tiên sinh:

- Tiên sinh có thể an tâm. Tôi thề với tiên sinh không bao giờ tôi còn bước chân vào sòng bạc nữa. Ba cái án mạng ấy đủ mở mắt cho tôi rồi.

- Đó là xảy ra ngay ở đây thì ta nhìn thấy, chứ còn bao nhiêu đau thương từ trong sòng bạc mà ra thì ta có biết đâu. Bọn mụ dầu họ tệ lắm, cô Wa-Phá chết làm mất mối lời của nó, nó định chôn qua quít cho xong như một đứa ăn mày. Tôi không nghe. Không, đời cũng còn nhiều người tốt chứ. Vài người bạn của tôi thấy bọn mụ dầu muốn dập vùi cho xong thôi, khỏi phải tốn tiền ma chay, bàn với tôi. Chúng tôi chung tiền chôn cất cho hai người tử tế và để mả gần nhau. Rồi tôi viết thư sang Mỹ báo cho bà Thập Hữu biết.

- Vì thế bà ấy đến đây là tìm ngay đến tiên sinh.

- Tôi có nói tên đâu mà bà ấy biết.

- Thế thì chắc là những cách ăn ở của tiên sinh khiến cho mọi người chung quanh cảm phục. Cho nên ai có việc người ta cũng tìm đến.

Rồi tôi sực nghĩ ra:

- Này tiên sinh, tôi xem ra bà Thập Hữu buồn lắm. Tôi rất e bà ấy sau khi cải táng cho người nhà xong, rất có thể vì thất vọng mà không muốn sống nữa.

- Thất vọng! Tuyệt vọng thì đúng hơn. Chồng chết, con trai chết, cháu chết, em rể chết, lại chết một cách cực nhục như thế. Bây giờ đã già rồi, lại trơ trọi có một mình.

Đau xót thật. Đáng lý ra, nếu không có sự ông Vạn Ký dại bạc, bà ấy rất có thể có một cuộc đời yên vui lúc tuổi già. Con trai như thế, con dâu như thế lại là cháu, lại bụng dạ khá giả. Bao nhiêu điều kiện để tạo nên một hạnh phúc gia đình. Tôi thiết tưởng bà ấy cứ nghĩ như thế thôi, cũng đã thối ruột thối gan ra rồi. Mà con người ấy tôi xem ra cũng nhiều tình cảm lắm. Tôi với tiên sinh phải làm thế nào, chứ chả lẽ thấy một người chết trước mắt mình mà không cứu. - Mà để yên thì đúng hơn. Chứ cứu thì… như ông Vạn Ký lúc đầu, nếu ngăn được ông không đánh bạc thì mới là cứu. Chứ bà Thập Hữu thì còn gì để mà sống.

Lý tiên sinh nói xong lặng thinh. Chúng tôi cùng nghĩ ngợi về cái tương lai đen tối của bà Thập Hữu, rồi thốt nhiên lòng tôi bốc lên:

- Nhưng đó cũng không là một cớ để cho bà ấy chết. Xem tình hình như thế thì bà ấy cũng không giàu. Được tin con trai và người cửa người nhà chết như thế, mà mấy năm mới sang thì sinh kế cũng không được dồi dào lắm. Bà ấy rất có thể bị lo về miếng ăn của hậu nhật. Số tiền hơn năm vạn mà họ Lý cho tôi…

- Đó là tại vận đỏ nó cho tiên sinh được chứ.

- Không, chỗ tôi với tiên sinh đã lấy cái tâm thành mà ở với nhau thì hà tất phải nói sai sự thật. Và tôi tự coi được họ Lý cho như thế là một vinh dự, và một tang chứng của tình thương. Sau này, nếu tôi nghèo mà cần tiền, tôi xin đến tiên sinh và họ Lý ngay. Chúng ta đem tính mệnh cho nhau còn được nữa là đồng tiền. Chắc tiên sinh cũng thừa rõ sự tôi đem di hài của tiên tổ họ Lý, nếu xảy ra rủi ro thì tôi chỉ còn việc nhảy xuống bể, hay đưa phát súng vào thái dương. Ông Thái-Seng-Long cũng đã có một lần đem tính mệnh mà cho tôi. Cái số tiền năm vạn này nếu cần để cho bà Thập Hữu được bảo đảm trong tuổi già, tôi xin đem hiến ngay cho bà ấy.

Lý tiên sinh nắm tay tôi:

- Tôi biết họ Lý chúng tôi được tiên sinh là được một người bạn muôn đời mà. Ông Thái-Seng-Long nhà tôi quả là có cái con mắt biết người. Được rồi, nếu tiên sinh có bụng ấy, thì rồi chúng ta liệu xem. Và tôi, tôi cũng bỏ ra một số tiền nữa biếu bà Thập Hữu để chuộc những tội lỗi của tôi trong hai mươi năm kiếm ăn ở sòng bạc.

- Số tiền năm vạn của tôi nếu không có tiên sinh cố ngăn thì có lẽ tôi cũng đã nướng cho sòng bạc rồi. Và chưa biết chừng còn thua bao nhiêu nữa, và chưa biết chừng nếu không có những cái gương đau xót do cờ bạc gây ra, tôi không biết chừa đi thì còn có thể có bao nhiêu tai hại đến sau nữa. Được một lời nói ở trong đời, để cho mình tu chỉnh được cả một kiếp người, tôi cho quý hơn tiền bạc. Sự họ Lý sai tiên sinh theo tôi để mở mắt cho tôi còn to hơn số tiền năm vạn. Tôi xin vui lòng biếu bà Thập Hữu để kỷ niệm những điều tốt lành mà tôi đã được chịu ơn bên cạnh tiên sinh.

Trong năm ngày, chúng tôi tận lực giúp bà Thập Hữu trong sự bốc mả cho ba người thân của bà, Lý tiên sinh thật không còn quản công khó nhọc, và không nề hà một tí gì. Sự tiên sinh xuống mả, nhặt từng cái xương để rửa ráy, làm cho tôi càng kính phục tiên sinh. Cái câu tiên sinh luôn luôn nói với tôi: “Những người xấu số đều là anh em chúng ta cả” khiến cho tôi suy nghĩ rất nhiều về những hành vi của tôi về sau. Giúp người như thế mới gọi là giúp. Tôi càng hiểu thấm thía câu tây ngạn: “Cái cách cho còn quý hơn những cái đem cho”. Tiên sinh nói tiên sinh làm như thế để chuộc tội mình cũng có đúng một phần nào. Nhưng thật ra thì tiên sinh quá nhiều tình nhân loại. Cái tình nhân loại ấy đã khiến cho tiên sinh có những sự tận tâm làm cho bà Thập Hữu cảm động đến phải khóc lên. Và còn tôi thì tôi nhớ mãi để làm một bài học về sau. Tiên sinh thường bảo:

- Chỉ sợ mình không có bụng, chứ bất cứ ở cảnh ngộ nào, mình cũng có thể giúp ích một người khác được. Mà yêu người, giúp người thì đời vui lắm. Những ngày tháng mình sống thốt nhiên có một cái nghĩa và một cái vị lạ lùng. Chỉ những kẻ ích kỷ hại nhân là thiệt thôi. Họ như những con ốc sống chúi trong cái vỏ ích kỷ, còn có luồng gió mát mẻ nào đến với họ được. Họ tự mình ngăn không cho mình hưởng thụ những cái vui đẹp của sự sống. Những con người có lòng nhân ái không buồn bao giờ cả. Vì họ nhìn đâu cũng thấy những khuyến khích và những công việc để làm một cách say sưa, khoái sảng.

Cuộc đời tôi từ trước đến ngày nay tuy là dài một cuộc phấn đấu mà tôi đã đem dùng hết tâm trí và nghị lực của một con người vào, nhưng tôi chỉ phấn đấu cho cá nhân tôi thôi. Mà nếu tôi có giúp người cũng là để lợi cho mình, hay là vì lòng tự ái, tự kiêu nó thúc đẩy. Nhưng từ khi tôi gặp Lý tiên sinh và nhìn những cử chỉ nhân ái của ông, thì cuộc đời của tôi chuyển hướng. Những tư tưởng được cải tạo trong cái chiều sáng sủa và tưng bừng nhất của sự sống.

Những ngày tôi sống trong kinh thành cờ bạc Ma Cao là những ngày bổ ích đáng ghi nhớ nhất. Tôi chịu ơn mãi thần số mệnh đã run rủi cho tôi gặp Lý tiên sinh. Tôi học những bài học yêu người đầu tiên ở tiên sinh. Tầm con mắt tôi nhờ đó mà được mở rộng đến những chân trời xa rộng.

Những sự sống tự kỷ và đểu giả chung quanh sòng bạc, những cách mưu lợi tàn nhẫn của những con người chỉ tìm cái sống của mình trên cái chết của người, cái sướng của mình trong cái đau của đồng loại làm cho tôi ngẫm nghĩ về kiếp người và mục đích của nó. Cái tai nạn ghê khiếp nó xảy đến cho họ Vũ làm rắn lại những ý định tốt lành mà Lý tiên sinh đã khơi nguồn ở trong lòng tôi.

Tôi đi Ma Cao chủ tâm để đánh bạc, chủ tâm dựa vào cái vận đỏ để bóc lột kẻ khác, nghĩa là lao mình vào cái lốc tham tàn để rồi tự giết dần lương tâm và những năng khiếu tốt đẹp đi trong cái nhịp được thua, thì may mắn cho tôi, tôi đã gặp Lý tiên sinh.

Tôi cũng đỏ, nhưng đỏ một lối khác. Chỉ mong vận đỏ giúp mình trong một canh bạc, mà thành ra tôi được may trong cả một cuộc đời. Tôi hiểu được những điều cần hiểu để thành một con người tử tế, có thể làm bạn của mọi người mà không là kẻ thù của đồng loại.

Tôi đã được một tiếng bạc to nhất trong canh bạc của đời là biết sống một cuộc đời có nghĩa.