Pháp-Việt đề huề chính kiến thư
PHÁP VIỆT ĐỀ HUỀ
CHÍNH KIẾN THƯ
Năm 1914, sóng chiến-tranh ở châu Âu thình-lình nổi lên, cuồn-cuộn ầm-ầm, không biết kể mấy nghìn muôn trượng. Những nhà bàn về lịch-sử chiến-tranh, ai nấy điều hoa mắt líu lưỡi, lấy làm một cuộc chiến-tranh rất lớn tự khi tạo thiên lập địa đến giờ, nhưng biết đâu rằng chưa tất đã phải. Cái sóng chiến-tranh, lớp này dẹp đi, tất lại có lớp khác nổi dậy, mà lớp sóng rất lớn về cuộc thứ hai này sắp lộn Đại-tây-dương, cuốn Địa-trung-hải, tràn Thái-bình-dương vung ngang quét dọc mà nổi lên ở giữa nơi đại-lục châu Á. Cuộc chiến-tranh trước là Âu-châu chọi với Âu-châu, cuộc chiến-tranh sau là Á-châu chọi với Âu-châu. Cái sóng chiến-tranh rất lớn cổ kim chưa thấy, đông tây chưa có kia không phải ở ngày nay, mà chính là ở sau này. Ai đã đủ cái nhỡn-quang xem xét cuộc đời, quyết không cho câu tôi nói đây là lời mê sảng vậy. Tôi nghĩ đến nông nỗi ấy mà tôi chột dạ, tôi rùng mình, tôi ghê cả lông-tóc, tôi chuyển cả thần-kinh, bởi vì lớp sóng chiến-tranh rất lớn về cuộc thứ hai này, cái bóng vang rung-động, cái bọt gợn sô đẩy, tất dấp đến bản thân tôi trước. Bản thân tôi tức là Việt-nam tổ-quốc của tôi đó! Việt-nam tổ-quốc của tôi, há chẳng phải là Ấn-độ chi-na Indochine hiện đang thuộc quyền nước Pháp bảo-hộ đó ru! Ôi lớp sóng chiến-tranh thứ hai này, từ thế-kỷ thứ 19 đến giờ, đã bao lâu âm-thầm vần-vụ, sóng sánh rập-rờn, chỉ chực một ngày kia sẽ nghiêng sông dốc bể, điên-đảo kiền-khôn mà vùng nổi dậy. Cái nơi trận-địa thứ nhất nhóm lên lớp sóng chiến-tranh ấy tất ở đất nước Việt-nam ta. Ấy cái chủ-não của tôi viết bài luận-thuyết này là thế đó. Tại sao lại nói như vậy?
Tại trên châu Á-tế-á này kể chừng vài mươi nước, trải bao phen cơ trời lừa-lọc, có nước mất, có nước diệt, có nước dẫu còn mà không đáng kể, không đủ khinh trọng. Hiện còn lù-lù ở đại-lục Á-châu này chỉ thấy có Trung-hoa với Nhật-bản. Trung–hoa sù sù to lớn, nhưng thần-xác béo trương mà tinh thần suy yếu, thịt bệu hồn xiêu, các cường-quốc đã gọi là Thổ-nhĩ-kỳ ở cõi Viễn-đông. Coi bộ cái bác già-nua đau ốm kia, còn hơi sức đâu mà chọi nổi với Âu-châu nữa. Thế thì bảo Á-châu sắp khai-chiến với Âu-châu chăng? Chẳng thà bảo Nhật-bản khai-chiến với Á-châu vậy.
Nhật-bản kia là một nhà nham-hiểm nhất trong thế-giới, cũng là một bác nhanh chân nhất trong trường đi săn. Bắt đầu khi liệt-cường đua nhau dúng tay cầu lợi ở Trung-hoa thì Nhật-bản đã vớ trước ngay được mấy miếng thịt béo là Đài-loan và Nam-mãn, đến bây giờ thì cả vùng Phúc-kiến và Sơn-đông đã hình như của trong túi người Nhật. Nhưng cái lòng tham-lam hăng-hái của người Nhật, được thế phỏng đã lấy làm no chán chăng! Cái dư-luận « Thôn tính Trung-hoa » ở trong nước Nhật đã xôi nổi từ 10 năm trước, mà sao chậm chạp mãi đến nay, người Nhật vẫn còn nhịn hơi nuốt dãi, chưa dám hung hăng là chỉ bởi coi cái thế-lực liệt-cường ở Trung-hoa hình như đang bày đao ngả thớt, vòng quanh cái vạc, sắp phanh thịt chia nhau, người Nhật muốn dự cuộc dành phần, nhưng không được là bao, chẳng qua chỉ thêm đau cho Trung-hoa và thêm sức cho liệt-cường, chứ người Nhật không ích chút gì vậy. Bấy giờ người Nhật mới giấu kín dao găm, ngầm nuôi sức mạnh, đối với phương-diện liệt-cường thì hết sức xướng hòa-bình, đối với phương-diện Trung-hoa thì giả dạng làm thân-thiện. Giữa chốn đông người, miệng cười thơn-thớt, mà đêm khuya nhà vắng, quèn-quẹt mài dao. Vì sau cuộc Nhật-Nga chiến-tranh đến giờ, người Nhật không một phút nào là không hết sức chu-toàn về cách ngoại-giao, không một phút nào là không nghĩ mưu mở mang về việc kinh-tế, không một phút nào là không cố chí khuếch trương về đường quân-bị; cái lòng tham-lam hăng-hái muốn vơ-vét cả cõi Á-châu kia, người Nhật quyết không giây-phút nào quên được. Hơn mười năm nay, nhịn hơi nuốt dãi mà chưa dám hung-hăng, cái lòng cay-đắng lo-toan của người Nhật biết là dường nào! Ôi! Điều đó cũng không nên trách chi người Nhật. Nếu muốn vì nước Nhật tính cuộc tự-tồn, vì nước Nhật mưu đường tiến-bộ thì cái thế-lực liệt-cường ở đất Trung-hoa, không thể nào mà không phải khu-trừ cho được. Vì Trung-hoa kia tức là đông-đạo-chủ của người Nhật. Trong mấy năm nay, dân số Nhật-bản tăng lên rất chóng, hồi đánh được Nga ước độ 5000 vạn người, mà nay đã tăng đến 7.000 vạn, chỉ trong 5, 6 năm nữa tất tăng đến 10.000 vạn. Trong nước đất xấu dân nghèo, khu-khu ba cõi cù-lao, hiện không còn chỗ đất thừa đủ cho người họ vẫy-vùng nẩy-nở, tài nào không phải tìm đất thực-dân ở nước ngoài. Muốn tìm đất thực-dân ở nước ngoài, trừ bỏ Trung-hoa thì còn đi đâu. Bao nhiêu đồ xuất-sản về công-nghiệp thương-nghiệp của nước Nhật, đều lấy Trung-hoa làm một nơi tiêu-thụ rất lớn, ví phỏng một ngày không có Trung-hoa thì cái nguồn kinh tế của nước Nhật phải tức thời khô-cạn. Thế thì cần lối ngoài tiêu-thụ xuất-sản, trừ bỏ Trung-hoa, lại còn biết đi đâu. Ngắm lại đất Trung-hoa từ thế-kỷ thứ 19 đến giờ, phàm những cái có thể tư-ích cho Nhật-bản thì mười phần đến tám chín phần ở tay liệt-cường, cứ như thế mãi được một muốn mười, được tấc muốn thước, thế tất phải chia đều mà xâu-xé từng mảnh. Nào Anh, nào Đức, nào Pháp, nào Mỹ, nào Nga đều lấy Trung-hoa làm chỗ giường nằm, thì người Nhật có thể nằm yên mà ngủ ngáy ở bên cạnh chăng! Thế thì người Nhật phải tiều-tụy tinh-thần, lấy vấn-đề Trung-hoa làm một điều sinh-tử đại-quan-hệ, không phải là càn-rỡ vậy. Bởi lý-do ấy mà cái mưu-kế « Thôn-tính Trung-hoa », người Nhật thế tất phải thực-hành: muốn thực-hành cái mưu-kế ấy, nếu không đem cái thế-lực liệt-cường ở Trung-hoa mà liệu trước khu-trừ đi thì người Nhật dẫu có phách-lực thế nào, thủ-đoạn thế nào, rút lại cũng không tránh khỏi một tiếng thở dài bảo nhau đành chịu mà thôi. Nhật-bản mà muốn nghĩ kế tự-tồn, muốn mưu đường tiến-bộ thì đối với cái thế-lực liệt-cường ở Trung-hoa, thế tất phải lao tâm khổ tứ để tìm cách khu-trừ. Cái chương-trình khu-trừ, hoặc do việc ngoại-giao, hoặc do việc kinh-tế, hoặc do việc quân bị, tuy bước đường có mau chậm khác nhau, phương-châm có tả hữu khác nhau, mà rút lại thì lấy « Hùng bá Á-châu » làm cái mục-đích cuối cùng. Muốn đạt cái mục-đích ấy thì những thế-lực liệt-cường ở Trung-hoa, tất phải đem toàn lực mà khu-trừ; mà muốn khu trừ những thế-lực liệt-cường ở Trung-hoa thì phàm ở nội-bộ Trung-hoa hay ở các miền lân tiếp có chỗ nào khả dĩ đủ làm nơi cần cứ của liệt-cường, người Nhật đều mắt nhìn chăm chắm mà bụng muốn hăm-hở vậy. Ôi! Trong con mắt ngườ Nhật coi làm kình địch là nước nào ru? tức là nước Nga, nước Đức, nước Pháp, nước Anh và nước Mỹ. Sau cuộc đánh Tầu và đánh Nga, trải qua hai phen thắng trận, người Nhật dẫu nổi tiếng là tay thiện-chiến ở Á-châu này, nhưng ngó đến hải lục quân của liệt-cường, chưa từng nước nào có chút tổn hại; vì khiến Anh, Đức, Pháp, Nga hợp sức nhau mà ruỗi cánh tay sang cõi Viễn-đông thì người Nhật cũng không thể làm thế nào cho được, bấy giờ thế tất phải chú ý về cái chính-sách ngoại-giao.
Nào cuộc Nhật Anh đồng minh - Cuộc Nhật Pháp hiệp ước - Cuộc Nhật Nga hiệp ước.
Xét cái nội-dung thì không một điều gì không trú trọng về những sự quan-hệ cho hai nước Nhật Hoa: nhủ bảo-toàn Trung-hoa và khai-phóng Trung-hoa. Gần đây lại có lời tuyên-ngôn của Nhật và Mỹ, càng thừa nhận rõ ràng cho Nhật-bản được có cái lợi ích đặc-biệt ở đất Trung-hoa. Việc ngoại-giao của Nhật-bản đối với liệt-cường, đã được nhiều dịp thành công, cái toán quân gián-điệp của đội khu-trừ, có thể bảo được là cái trưng-triệu trước để dự-bị khải-hoàn đó. Tuy vậy, sự chiến-tranh về kinh-tế, cũng đi với sự ngoại-giao kia, người Nhật còn chưa chiếm được phần ưu thắng là bao, huống chi sự chiến-tranh về quân-bị, lấy một Nhật-bản mà cùng 5 đại-cường-quốc quyết phen sống mái thì qua bước khó khăn ấy, há phải câu chuyện dễ-dàng! Không ngờ trời xanh gieo vạ châu Âu, cuộc chiến-tranh bỗng dưng nổi dậy ở nội-bộ Nga Pháp, hàng ngày chôn chiến-sĩ tại nơi hầm hố kể mấy mươi vạn người; hàng tuần tiêu chiến-phí tại khắp trong ngoài kể mấy nghìn vạn bảng, dần dần lan cả toàn Âu, ba bốn năm tròn mà chưa kết-cục. Trong khi ấy hình như trời đem cái thời-cơ rất tốt dành riêng cho người Nhật-bản. Nhật-bản kia thật là đứa con nuông của trời đó chăng? Này thử xem mấy năm gần đây, về đường kinh-tế chiến-tranh, người Nhật chiếm phần ưu thắng biết dường nào, hãy nói những đồ hàng đem bán cho Trung-hoa, mỗi tháng đã ra tăng lên hàng ức vạn, thế thì toán quân chi-trọng của đội khu-trừ, không đợi hỏi cũng biết là đã khua múa hoan hô rồi vậy. Ôi! Cuộc chiến-tranh về ngoại-giao, người Nhật đã gặp may như thế, cuộc chiến-tranh về kinh-tế, người Nhật lại gặp may như kia. Khỏe thay người Nhật, từ nay về sau, đón gió giương buồm, thẳng dao chẻ nứa, muốn bảo người Nhật đừng quyết thắng về cuộc chiến-tranh quân-bị, chỉ trừ phi người trong toàn-quốc đều mắc bệnh thần-kinh họa chăng mới thôi được, chớ trên ba đào cõi đông kia mà còn có giống người Nhật-bản dữ-tợn tham-lam ấy thì cái thế-lực của liệt-cường ở đất Trung-hoa có lẽ nào lại không dần dần tiêu-diệt ru! Quả vậy, cuộc Âu-chiến phát khởi chưa đầy nửa năm mà Thanh-đảo Nam-dương của Đức, đều thấy cờ Nhật phất-phơ, báo cho chủ cũ biết cái cảnh-tượng ông khách cường ngạnh đã đến. Cái then-khóa của người Đức ở Trung-hoa đã phải hai tay đệ dâng người Nhật rồi. Sau nữa đến Nga, khai chiến chưa đầy năm mà cuộc ước Nhật-Nga-Mãn-Mông thành, lại chưa đầy năm mà tân-mật-ước Nhật-Nga thành, cho đến ngày nay thì cái quyền lợi về đường xe lửa ở bắc-bộ Trung-hoa đã hoàn toàn về tay người Nhật. Cái phòng ăn lớn của người Nga ở đất Trung-hoa, nay đã nghiễm-nhiên đổi khách rồi. Dám hỏi các ông: sau này người Nga phỏng còn có chút hơi sức thừa nào để chống chọi được với người Nhật nữa chăng? Tôi chắc phàm người có mắt, ai cũng quyết đoán là không thể sao được. Thế thì lớp sóng chiến tranh sau này tất từ bể Nhật-bản qua bể Trung-hoa, mà tràn úp vào đất Nam-dương của người Anh và đất Việt-nam của người Pháp, hẳn không còn nghi ngờ chi nữa. Bởi sao? Bởi cái thế-lực liệt-cường ở Trung-hoa, chỉ có Anh và Pháp là còn như cái đinh trước mắt của người Nhật, người Nhật cố sức nhổ bỏ cái đinh trước mắt ấy chỉ trong giây phút mà thôi. Than ôi! Tôi là người Việt-Nam, câu nói rùng mình ghê thịt ấy nỡ nào lại tự miệng tôi nói ra hay sao! Nhưng mà tôi lại có cái lý do không nỡ im-lặng cho được. Kìa Nam-dương, Hương-cảng và Hải-sâm-uy của Anh tất cùng Việt-Nam có cái bóng vang cùng trong một lúc, nhưng cái lợi hại họa phúc của mấy xứ ấy đối với tôi không quan-hệ, hà tất tôi phải thêm lời. Nay tôi chỉ xin bàn về Việt-Nam là một nước lợi hại họa phúc rất quan-hệ đến tôi. Nếu lời tôi nói mà sẽ không nghiệm thì tôi thật vui lòng, nhưng phỏng thử lời nói của tôi không sai thì làm thế nào? Ôi! Việt-Nam là ngoại-phủ của Ba-lê (Paris), mà tức là một chỗ căn cứ của nước Pháp sở cạy để nom dòm Trung-hoa đó. Nếu nước Pháp có việc gì ở Viễn-đông, tất đóng quân tại đó, tích lương tại đó, chỉ-huy hoạt-động cũng tại đó, đất Việt-Nam một ngày còn ở trong tay người Pháp thì người Nhật dẫu muốn khu trừ cái thế-lực người Pháp ở Trung-hoa, cũng còn phải than là sự khó khăn. Người Nhật đã không khu trừ được người Pháp thì đối với người Anh là bạn đồng minh của Pháp kia thế tất phải giả dạng tươi cười vồn vã. Nhân lúc này gặp được vận tốt, kẻ kình-địch trong nước mệt-nhoài, bọn cường-lân nửa vào lao-lung mà nỡ khiến cho cái khổ-tâm kinh-doanh vất-vả hơn 10 năm nay, chịu để cái cơ-hội may-mắn ấy lại thắm-thoát dần-dà bỗng qua đi mất thì người Nhật dẫu khờ dại, có lẽ nào như thế ru! Bởi thế mà tôi biết cái thời-kỳ người Nhật muốn cướp lấy Việt-nam, cũng không xa là mấy. Bọn chính-giới Nhật-bản sau khi Thanh-đảo bị hãm, đều bảo rằng khoảng 10 năm nữa sẽ khai chiến với Pháp, nhưng nhân thấy cuộc Âu-chiến có thay đổi lớn, bọn chính-giới ấy lại đều nóng nẩy đến sự tiến về phương nam, thế thì cơ nguy rất gấp, có lẽ cũng không đợi đến sau 10 năm vậy. Bởi thế mà tôi lo cho người Pháp, tôi lại sợ cho người Nam. Lo về cái gì? Lo người Pháp mất đất Việt-Nam thì cõi Viễn-đông mông-mênh này không còn chỗ cho người Pháp đặt chân nữa. Sợ về cái gì? Sợ Việt-nam một mai vào tay người Nhật thì thật muôn đời nghìn kiếp Việt-nam không còn có ngày tái sinh. Người Pháp chăng? người Nam chăng! Có nên sớm nghĩ cách nào cho hai bên đều được lưỡng-lợi đó chăng! Lớp sóng chiến tranh thứ hai, nay dẫu chưa dậy ở dưới chân các ông, chưa đè ở trên đầu các ông, nhưng các ông thử thò gót khoắng xem, biết bao nhiêu sóng úp gợn ngầm, đã dập dờn mà khó cản; các ông thử nghển đầu trông xem, biết bao nhiêu mây mù vẩn đặc, đã vần-vụ mà tới nơi. Hại quá! Thương thay! chỉ nay mai thì lời tôi sẽ thấy ứng-nghiệm. Tôi dẫu muốn cứu-vớt mà duy-trì lại, cũng không sao kịp. Cái nguy-cơ ẩn-phục, sớm tối sẽ bùng, cái hiểm-tượng chênh-vênh, vụt chốc sẽ hiện, mà người Pháp với người Nam bây giờ vẫn còn say-sưa mê-mộng đó ru!
Tôi khuyên người Nam, chớ nên coi người Pháp là kẻ thù, vì sợ rằng kẻ thù thứ hai mà đến thì thảm-khốc có phần gấp trăm gấp nghìn người Pháp ngày nay, biết làm thế nào?
Tôi khuyên người Pháp, chớ nên coi người Nam như trâu ngựa, vì sợ rằng mấy năm Âu-châu xong rồi thì trâu ngựa ấy sẽ vĩnh-viễn về tay người khác, biết làm thế nào?
Cái đồng-hồ treo trên tường đã đánh một lần, hai lần, báo cho biết cái thời-khắc nạn to sắp tới, mà anh em trong nhà vẫn còn ỏm-tỏi, cong môi trợn mắt để đối-đãi nhau. Ôi! phỏng làm chi thế?
Nay tôi xin có vài vấn-đề ngỏ cùng người Pháp.
Nay mai quân Nhật tới Việt-nam, binh-lực tài-lực của chính-phủ bên Pháp còn có dư-dụ để giúp đỡ cho sự hoạt-động của chính-phủ thuộc-địa được không? Tôi biết rằng tất không thể được. Vì nước Pháp trải qua một phen tổn-hại vô cùng về việc chiến-tranh, cắt thịt chữa đau, những lo không xuể, còn giọt thừa nào mà bón tưới cho Việt-nam ru! Đó là điều thứ nhất.
Khi Nhật Pháp khai-chiến thì quân Pháp ở Việt-nam, liệu có thể cùng người Nhật chống-cự mà quyết thắng hay không? Tôi biết không thể được. Vì quân Pháp ở Việt-nam, tất không nhiều bằng quân Nga ở Liêu-đông hồi 10 năm trước. Việc Nga trước đã vậy, thế thì quân Pháp ở Việt-nam, hẳn không khỏi như quân xưa mở thành Lữ-thuận, đã rõ lắm vậy. Đó là điều thứ hai.
Quân Nhật tới Việt-nam, phỏng thổ-binh và quan-lại ở Việt-nam, hẳn không có những sự mở thành đón giặc, giở giáo đánh lại hay không? Tôi lại biết rằng tất không thể tránh khỏi. Vì từ khi người Nam thuộc quyền người Pháp, chưa từng có một ngày nào được hưởng cái giáo-dục quốc-dân. Cái tư-cách trâu ngựa tôi-tớ, cứ khỏe là sợ, cứ lợi là theo. Một tiếng súng lớn vang động ở khoảng Tây-cống Đông-kinh, ngẩng nhìn trời bể, chiều gió hơi nguy, thì người Nam hoan-nghênh người Nhật hẳn cũng như hồi 50 năm trước hoan-nghênh người Pháp, chẳng sai chút nào. Đó là điều thứ ba.
Khi Nhật Pháp khai chiến thì người Pháp có thể nhờ được bạn tốt là nước Anh kia ra sức thừa để cứu giúp cho Việt-Nam hay không? Tôi lại biết rằng tất không thể được. Vì Anh Pháp và Đức Áo sau khi trải qua cuộc chiến-tranh này tất có cái thù chẳng đội trời chung. Nhật mà hô ở đông, Đức tất ứng ở tây, cái làn sóng chiến-tranh tất lại tràn khắp Âu-châu thì hải-quân nước Anh quyết không dám dời bỏ cửa nhà mà vượt muôn dặm bể khơi để đi trợ chiến. Huống-chi việc chống-giữ trong các mặt như Hương-cảng, Nam-dương và Ấn-độ, người Anh còn xoay-sở chưa rồi, thế tất đành ngồi nhìn miếng đất Việt–Nam thuộc Pháp này phải chìm-đắm. Đó là điều thứ tư.
Khi quân Nhật tới Việt-Nam, người Pháp có thể ngăn giữ được quân Điền, Việt (Vân-nam và Quảng-đông) ở liền cạnh Việt-nam kia, không giúp sức với Nhật để đuổi Pháp chăng. Tôi lại biết rằng tất không thể được. Vì Trung-hoa ở Á-châu cũng giống như Thổ-nhĩ-kỳ ở Âu-châu vậy. Lớp sóng chiến-tranh nổi dậy, người Trung-hoa tất theo người Nhật chỉ-huy. Huống chi Việt-nam là chỗ phên rậu của Điền, Việt, người Trung-hoa muốn phòng trước cái họa-hoạn sau này, thế tất phải đem nhiều binh qua cõi Việt-nam chiếm lấy một góc trong trường săn-bắn, điều ấy tất người Trung-hoa vốn biểu đồng-tình, mà cũng lại là người Nhật đang sẵn lòng hoan-nghênh vậy. Cái mẹo khôn của người Đức lợi-dụng Thổ-nhĩ-kỳ năm xưa là thế đó. Đó là điều thứ năm.
Năm vấn-đề trên, thử hỏi người Pháp ở Việt-nam, có một ai dám đoán quyết là bất-tất phải nghi-ngại hay không? Thế thì thiết nghĩ cái nguy-hiểm của người Pháp ở đất Việt-nam mai sau này ra làm sao?
Nay tôi lại thử đặt mấy vấn-đề này để ngỏ cùng người Nam:
Người Nhật lấy được Việt-nam, người Nam phỏng dám vin cái lẽ là tổ-quốc cũ mà đòi lại ở trong tay ông khách cường-ngạnh kia không? Tôi biết rằng không khi nào dám. Này thử xem Cao-ly, Đài-loan, cái hung-hiểm người Nhật có phần lại gấp trăm nghìn ông bảo-hộ hiện tại ngày nay đó. Đó là điều thứ nhất.
Người Nhật lấy được Việt-nam, người Nam phỏng còn dám mong có ngày tự-chủ độc-lập hay không? Tôi biết rằng không khi nào dám. Nước Pháp xa-cách nước Nam kể có nghìn muôn dậm bể, thế mà năm mươi năm nay, không hề bao giờ thoát khỏi được vòng giàng-buộc, huống chi vào tay người Nhật ở kề cửa liền nhà kia, chiến-hạm sư-đoàn, sớm đi tối đến thì do dó bọn người Nam liệu có thể dơ tay cất chân được nữa chăng. Đó là điều thứ hai.
Việt-nam thuộc quyền người Nhật phỏng người Nhật có chịu để chút cơm thừa canh cặn nhường cho người Nam lót dạ hay không? Tôi biết rằng không khi nào có được cái hi-vọng ấy. Đất nước Nhật-bản hẹp xấu mà nhân khẩu nhiều, cố liều chết tìm đất thực dân, túi tham vơ vét vẫn chưa đủ, còn đâu thừa-thãi bố-thí cho ai. Đó là điều thứ ba.
Có ba cái lý-do ấy mà tôi biết rằng cái thời-kỳ người Nhật lấy được Việt-nam, tức là thời-kỳ nhân-chủng Việt-Nam phải tiêu-diệt đó. Than ôi! người Nam ta ôi! thà rằng cùng mặt giời kia đều lặn chẳng còn hơn ru! Các ông đang đứng dưới tường siêu, ngồi trong thuyền thủng kia ôi, thử nhắm mắt bình tâm, nghĩ kỹ những mầm họa-hoạn như tôi đã nói ở trên xem có lý chăng! hay không lý ấy chăng! Nếu không lý ấy thì tôi là một người cuồng vọng, không đáng dườm tai các ông; nếu có lý ấy thì tôi xin cùng các ông nghiên cứu cái mưu-kế thế nào cho được lưỡng lợi để cùng sinh tồn. Ôi! lấy lẽ thổ-địa nhân-dân nguyên có mà bàn thì người Nam là chủ mà người Pháp là khách; lấy lẽ thế lực quyền hạn hiện tại mà bàn thì người Pháp là anh mà người Nam là em. Chủ khách biết hiệp sức cùng lo thì dẫu trước mặt lửa bùng cháy chiếu, không sợ rằng không thể dập được. Anh em biết đồng lòng cứu nạn thì dẫu nửa đêm kẻ cướp vào nhà, không sợ rằng không thể đánh nổi.
Từ nay về sau, đại-thế biến thiên, thời-cục thay đổi, cái cảnh khốn của người Pháp không ở cuộc chiến-tranh này mà ở cuộc chiến-tranh sau; cái ngày chết của người Nam không ở lúc thuộc Pháp bây giờ, mà ở lúc thuộc Nhật sau này đó.
Trước đây tôi vẫn giữ cái lý-thuyết bài Pháp, vì tôi nghĩ rằng tôi là người Việt-Nam, lẽ nào tôi không vì nước Nam nghĩ kế tự-lập ru! Nhưng từ khi cuộc Âu-chiến phát sinh thì tôi liền khóa miệng buộc lưỡi, không nói một câu gì. Ngòi bút của tôi và ngọn lưỡi của tôi cùng tai mắt các ông không cùng giao-thông, đã lâu hàng bốn năm rồi. Bởi vì ban đầu tôi rất trông nom cuộc Âu-chiến chóng xong thì cái lòng nham-hiểm của người Nhật hoặc không dám hung-hăng nữa, tôi sẽ không cần phải nói. Nhưng chậm đến ngày nay, cái vạ chiến-tranh chưa dứt, mà thế-lực người Nhật, ngày một bành trướng lên đến cái độ rất cao. Tôi e cái lòng tôi hoài nghi trước kia, sớm tối sẽ thành ra sự thực, cái cơ khốn quẫn của người Pháp cùng cái vạ gớm ghê của người Nam, thế tất không sao tránh khỏi, phòng bị sớm được lúc nào, hoặc có tìm ra cái mưu khéo vạn toàn thì tôi sẵn lòng muốn lắm. Tôi muốn thế nào?
Tôi muốn từ nay về sau, người Pháp chớ coi người Nam như tôi, như tớ, như trâu ngựa, mà coi người Nam như bạn bè. như thân-thích. Người Pháp mà thực lòng coi người Nam như bạn bè, như thân thích thì người Nam dẫu ngu, vẫn là loài người, có lẽ nào người ta coi mình như bạn bè thân thích, mà mình lại không biết coi người ta như bạn bè thân-thích hay sao! Trong lúc vô sự thì dạy nuôi gồm đủ, đến khi có sự thì họa phúc cùng nhau. Đem tất cả bọn con em khỏe mạnh hai nghìn năm vạn người Việt-nam kia mà cùng bọn tướng tài quân giỏi của nước Pháp cùng hợp sức chống cửa ngõ, thì người Nhật dẫu muốn cắn nuốt, e cũng không sao chôi cổ họng được. Nếu không thế lại cứ hàng ngày coi người Nam như tôi tớ, trâu ngựa. Ôi! tai không cần phải sáng, mắt không cần phải rõ, tay chân không cần phải nhanh nhẹn, ăn miếng cơm thừa, nuốt giọt nước dãi, hành hạ sai khiến, làm những việc hèn, sớm theo Tần được thì tối cũng có thể theo Tấn, lợi chẳng biết đâu thì hại cũng có thể chẳng cần, đó là cái quyền lợi của bọn tôi tớ trâu ngựa vậy. Trời đất mênh mông, đi đâu chẳng được vững chân tôi tớ, tội gì mà quăng đầu bỏ sác, để giữ gìn cho cái chủ-quyền của người Pháp đó ru!
Tôi muốn từ nay về sau, người Nam chớ coi người Pháp là giống khác, là kẻ thù, mà coi người Pháp như thầy hay, như bạn tốt. Người Nam mà thực lòng lấy thầy hay bạn tốt trông mong người Pháp thì người Pháp cũng sợ gì mà không dám đương cái trách-nhiệm thầy hay bạn tốt ru! Than ôi! Ngày cùng đến rồi! Nạn lớn tới rồi! Hung thần ác-sát đã gõ cửa mà vào rồi! Nào người Pháp, nào người Nam, có chịu nén lòng để cùng theo nhau hay không? Có thể đổi đường thay lối để cùng nghĩ cách lưỡng lợi mà được sinh-tồn hay không? Nếu các ông không cho lời tôi là viển vông thì tôi còn có nhiều mưu kế, xin cùng các ông nghiên cứu.
In tại nhà in Nghiêm-Hàm 58, Phố hàng Bông — Hanoi
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.
Tác giả mất năm 1940, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.