Phú hỏng thi khoa Canh Tý

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phú hỏng thi khoa Canh Tý
của Trần Tế Xương

Khoa Canh Tý là vào năm 1900

      Đau quá đòn hằn,
      Rát hơn lửa bỏng
      Hổ bút hổ nghiên,
      Tủi lều tủi chõng.

Nghĩ đến chữ "lương nhân đắc ý"[1], thêm nỗi thẹn thùng,
Ngẫm đến câu "quyển thổ trùng lai"[2], nói ra ngập ngọng.
Thế mới biết học tài thi phận, miệng đàn bà con trẻ nói vậy mà thiêng.
Nào ai ngờ chữ tốt văn hay, tài bảng nhãn thám hoa lỡ ra cũng hỏng.

Có một thầy :
 Dốt chẳng dốt nào ;
 Chữ hay, chữ lỏng.
 Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu,
 Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng.[3]
 Quanh năm phong vận, áo hàng gù, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh,[4]
 Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ[5], bít tất tơ, giày Gia Định bóng[6].
 Giá cứ chăm nghề đèn sách thì mười lăm mười sáu đỗ tự bao giờ
 Chỉ vì quen lối thị thành, nên một tuổi một già, hoá ra lóng ngóng[7].
 Tú rốt bảng giữa năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa[8],
 Con nhà dòng ở đất Vị Xuyên, ăn phần cảnh nọng[9]
 Năm vua Thành Thái mười hai,
 Lại mở khoa thi Mỹ Trọng[10]
 Kỳ đệ tam văn đã viết rồi,
 Bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng.
 Thầy chắc hẳn văn chương đúng mực, lễ thánh xem giò[11]
 Cô mừng thầm mũ áo đến tay, gặp người nói mộng[12].
 Sáng đi lễ phật, còn kỳ này kỳ nữa là xong,
 Đêm dậy vái trời, qua mồng bốn mồng năm cho chóng.

Nào ngờ :
 Bảng nhỏ có tên
 Ngoại hàm còn trống.[13]
 Kẻ đến sáng văn còn được chấm, bảng cót nghênh ngang[14] ;
 Người ngồi khuya tên hãy được vào, áo dài lụng thụng.
 Thi là thế, học hành là thế, trò chuyện cùng ai?
 Người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng!

Thôi thời thôi :
 Sách vở mập mờ;
 Văn chương lóng ngóng.
 Khoa trước đã chầy;
 Khoa sau ắt chóng.
 Hẳn có kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng tài;
 Hay không ai dạy dỗ đàn con, trời còn bắt hỏng!

   




Chú thích

  1. Lương nhân đắc ý: Người chồng (hoặc vợ) đắc ý, được thể. Tác giả dùng chữ sẵn trong sách cổ, hàm ý nói những tưởng có thể đỗ đạt vinh dự
  2. Quyển thổ trùng lai: chữ rút từ thơ của Đỗ Mục tiếc thương cho Hạng Vũ, đại ý nói là "Con em xứ Giang Đông có lắm người tài giỏi. Nếu biết dốc hết lực lượng để đánh quật trở lại (quyển thổ trùng lai) thì chưa biết cục diện sẽ thế nào"
  3. Xuống lõng: chỉ việc xuống thuyền chơi gái, hát ả đào trên mặt sông.
  4. Ô lạc hoạn: Ô che bằng thứ lụa màu xanh óng ánh
  5. Quần tố nữ: Quần may bằng vải trắng đẹp hiệu Tố Nữ
  6. Giày Gia Định: giày ta, hở gót, mũi da đen bóng, sản xuất ở Gia Định (Nam Bộ)
  7. Lóng ngóng: lao đao, lận đận
  8. Tú rốt bảng: đỗ tú tài cuối cùng bảng. Tú Xương đỗ vào loại "thiên thủ" (lấy thêm)
  9. Cảnh nọng: khoanh thiệt cắt ở phần cổ trâu, bò hoặc lợn. Theo tục lệ nông thông trước đây, trong mỗi kỳ việc làng, đó là phần được hưởng của người đứng vị trí thứ hai trong làng xã (tiên chỉ, người đứng đầu, được hưởng phần sở).
  10. Mỹ Trọng: tên xã ngoại ô Nam Định, nơi đặt trường thi.
  11. Xem giò: xem chân gà luộc đem cúng để đoán điềm tốt xấu
  12. Nói mộng: kể lại giấc chiêm bao để thầy bói đoán điềm may rủi
  13. Ngoại hàm: Ngoài hòm, theo thể lệ thi củ, thí sinh nộp quyển bỏ vào một cái hòm để sẵn. Hết giờ thu quyển, người ta đánh một hồi trống, dứt hồi trống ấy thì những quyển nộp chậm phải để ngoài hòm, không được chấm nữa. Cả hai câu ý noi: đã phạm trường quy thì dù còn chưa dứt hồi trống thu quyển, quyển coi như bị loại ra ngoài hòm rồi.
  14. Bảng cót: bảng ghi tên những thí sinh được vào kỳ sau