Phật giáo triết học/IV-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Pháp tướng tông.

Pháp tướng tông phát nguyên tự Vô Trước, Thế Thân, mà hoàn thành là nhờ ở sức lực của Hộ Pháp. Tông nầy lấy Thành Duy Thức Luận làm gốc.

Đứng về phương diện khách quan mà phân loại thì pháp tướng tông phân vạn hữu ra năm vị: Một là tâm vương, hai là tâm sở, ba là sắc pháp, bốn là bất tương ứng, năm là vô vi. Rồi lại phân những vị trên ấy ra làm bách pháp.

Đứng về phương diện chủ quan mà phân loại, thì pháp tướng tông lại phân vạn hữu ra: ba khoa: một là uẩn khoa, hai là xứ khoa, ba là giới khoa. Rồi lại phân những khoa trên ấy ra làm bách pháp.

Bảo rằng bách pháp ấy là triếp tận được tâm pháp, cho nên có câu « vạn pháp duy thức ». Vạn pháp đều là duy thức mà biến ra.

Trong ngũ vị trên đây, thì tâm vương là chân tướng của tri thức. Tri thức có tám, mà thức thứ tám, là a-lại-da thức là căn bổn, còn bảy thức kia chẳng qua là biến tướng của a-lại-da thức mà thôi.

Tám thức mỗi đều có duy thức của nó, mà qui kết thì cũng chỉ có một cái thức duy nhứt, là a-lại-da thức.

Tâm sở là sự phân biệt tác dụng của tri thức Tâm sở cùng tri thức vẫn là nhứt trí.

Sắc pháp (tức là vật tượng) là do tri giác của tâm pháp nhận thức được ra nó. Không dựa vào tâm pháp thì sắc pháp không thể tồn tại. Cho nên vật tượng chẳng qua cũng là sở biến của tâm pháp mà thôi.

Bất tương ứng pháp, không phải cái sắc pháp có hình, cũng không phải tâm thức vô hình. Bất tương ứng pháp là do sự quan hệ giữa hai cái tâm pháp và sắc pháp mà thành lập. Rời tâm pháp và sắc pháp ra nó không tồn tại được. Cho nên rốt lại nó cũng là duy thức.

Vô vi là một cách quan sát bổn thể của chân như. Chân như là chỗ dựa của thức.

Trong năm vị kể trên, vị thứ năm, là vô vi pháp, thuộc về bổn thể, còn bốn vị trên thuộc về hiện tượng.

Căn nguyên thứ nhứt của hiện tượng giới là a-lại-da thức. Cái tinh thần giới chủ quan, cái vật chất giới khách quan, và nhứt thiết hiện tượng hiệp lại mà làm một, đều do chũng-tử của a-lại-da thức biến sanh ra.

Nhưng thế, mặc dầu a-lại-da thức là đệ nhứt căn nguyên của hiện-tượng giới, nó vẫn không phải là bổn thể.

Bổn thể là cái lý tánh của chân như, cứu cánh thì nó là thật tại, vô vi, bất biến.

Vậy hiện tượng là do những nhân duyên kết hiệp, và do chũng tử của a-lại-da thức phát sanh. Những vật hữu vi, chuyển biến. toàn là giả tại. Còn những chũng tử làm căn bổn của hiện tượng thì là có thật tại.

Nhưng mà chũng tử tự-thân cũng là thuộc vào giới hiện tượng, chớ không phải là cái thật tại cuối cùng. Bởi đó mới có cái giả pháp của hữu vi.

Vật hữu vi, có sanh diệt, bởi nhân duyên giả hiệp sở sanh, nên nó là giả tại, quyết không phải là bổn thể.

Bổn thể không thể là vật có sanh diệt, giả tại, mà là vật thường trụ, bất biến.

Chỗ đặc sắc của pháp tướng tông là lấy bổn thể tự thân làm bổn thể, còn hiện tượng là riêng tự nó là hiện tượng: Bổn thể với hiện tượng, hai cái cùng nhau cách lịch vậy.

Nhưng mà, hiện tượng cùng bổn thể, cách lịch nhau, bổn thể không làm ra hiện tượng (như ở các thuyết khác), hiện tượng lại toàn nhiên khác bổn thể, như thế thì hai đàng quan hệ nhau làm sao?

Giải đáp chỗ nầy, pháp tướng tông dùng tam tánh luận.

Tam tánh là: biến kể sở chấp tánh, y tha khởi tánh, viên thành thật tánh.

Hai cái tánh trước thuộc về hiện tượng, còn viên thành thật tánh thuộc về bổn thể.

Biến kể sở chấp tánh là do cái mê tình của chủ quan (năng biến kể) và hiện tượng của khách quan (sở biến kể) quan hệ nhau, làm ra vọng lự. Ấy là cách giải thích chủ quan về hiện tượng.

Y tha khởi tánh là chỉ về sự nhân duyên sanh khởi ra các hiện tượng. Làm cho những hiện tượng sanh khởi, là bốn cái duyên: nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên.

Nhân duyên, ấy là nhân duyên của chũng tử. Trong a-lại-da thức vẫn gồm hết tất cả những chũng tử để sanh khởi nhứt thiết chư pháp. Những chũng tử ấy, mỗi đều riêng có nguyên nhân, mỗi đều riêng có kết quả.

Gọi rằng chũng tử sanh hiện hành, là hiện hành nguyên nhân. Gọi rằng hiện hành sanh chũng tử, là chũng tử nguyên nhân. Tức một đàng là tiên thiên (chũng tử sanh hiện hành) một đàng là hậu thiên (hiện hành sanh chũng tử).

Như vậy chũng tử cùng hiện hành cùng quan hệ nhân quả nhau, mà kế tục sanh khởi tất cả các pháp.

Vô gián duyên, là chỉ về chỗ không gián đoán của tâm thể. Một niệm vừa diệt, đồng thời vừa khởi ra niệm khác. Niệm trước diệt làm duyên cho niệm sau. Niệm trước niệm sau cùng có cái thể đồng đẳng.

Sở duyên duyên, là cái đối tượng (objet) cho trị giác. Đối tượng trực tiếp gọi là « thân sở duyên ». Đối tượng gián tiếp gọi là « sơ sở duyên ». Tâm với tâm sở (objet de la conscience) là năng duyên. Phàm khi tâm khởi, tất nó dựa vào cảnh giới khách quan mà khởi. Cảnh giới khách quan ấy gọi là sở duyên.

Tăng thượng duyên là chỉ cái duyên giúp thế lực cho qua được chướng ngại mà toàn thành kết quả.

Do bốn cái duyên trên ấy hòa hiệp mà sanh ra, cái đó gọi là y tha khởi tánh.

Viên thành thật tánh, tức là cái sanh khởi của y tha pháp; là cái gốc của chân như lý tánh.

Chân như là cái tuyệt đối bất khả tri, khảo lự đến cũng không thể được, mà chỉ có một phương pháp là dựa nơi hiện tượng giới rồi nghịch luận lên đến cái đức dụng của nó. Đức dụng ấy có những nghĩa: viên mãn, thành tựu, chân thật. Vì vậy cho nên dùng ba tiếng viên, thành, thật mà chỉ bổn thể của chân như; gọi bổn thể ấy là viên thành thật tánh.

Chân như có viên thành thật tánh, nên thường trụ bất biến, mà nhứt thiết viên mãn. Y tha pháp có hiển hiện ra chẳng qua là ở nơi giả chân như thật tại, do bốn giống nhân duyên kết thành.

Như thế thì bổn thể cùng hiện tượng cách lịch nhau. Viên thành chân như là bổn thể của y tha, còn tướng là hiện tượng của y tha.

Y tha cùng viên thành không khác, cũng không chung nhau.

Nếu chân như cùng y tha mà toàn nhiên khác nhau, thì ắt hai cái chẳng mảy may nào quan hệ nhau. Nhưng mà chân như là bổn thể của y tha, chân như không dựa vào chi trước nó.

Nếu chân như cùng y tha mà đồng nhứt, thì ở giữa hai cái chẳng mảy may nào có hở cách. Y tha vô thường như thế nào thì chân như cũng không thể không vô thường như thế ấy. Nhưng mà cái bổn thể chân như không có cái lý vô thường. Cho nên chân như cùng y-tha không phải một, cũng không phải hai

Tóm lại viên thành thật là bổn thể của vạn hữu, cho nên nó thật là thật tại; Y tha là cái sanh ra bởi các cái duyên, cho nên nó giả tại; biến kể là cái vọng hữu sanh ra bởi vọng tình của ta, không có thể, không có dụng gì cả[1].

Trên đây đã chỉ ra chỗ quan hệ giữa thật tại và hiện tượng.

Dưới đây sẽ chỉ ra chỗ quan hệ giữa tâm và vật trong hiện tượng giới.

A-lại-da thức là căn bổn thức của tất cả những hiện tượng. Trong a-lại-da thức lại có chủ quan và khách quan, bởi nên khu biệt ra gọi là tướng phận và kiến phận.

Tướng phận của a-lại-da là ngũ căn của chũng tử. Kiến phận của a-lại-da là cái danh để chỉ rằng nó hay soi được cảnh trước.

Thức thể chuyển biến, đồng thời sanh ra năng duyên và sở duyên. Năng duyên là kiến phận, sở duyên là tướng phận. Thống nhứt hai cái năng duyên và sở duyên thì là làm tự-thể-phận cho a-lại da thức. Tự thể phận cũng gọi là tự chứng phận.

Cái chứng-tri thấy được cái tự thể phận (hay là tự chứng phận) đó, gọi là chứng tự chứng phận.

Kiến phận, tướng phận, tự chứng phận, chứng tự chứng phận, ấy là « tứ phận thành tâm ».

Cái đối tượng của nhận thức của chúng ta, coi thì như là ngoại cảnh, kỳ thật nó không ngoài được ảnh tượng ở tâm nội, tức nó là cái tánh cảnh.

Nhưng mà hễ có ảnh tượng là có bổn chất. Đối với bổn chất của ảnh tượng ấy, tức có đới-chất cảnh tồn tại. Bổn chất và đới chất cảnh đều tựa như là pháp ở ngoài tâm ta, mà rốt lại cũng chỉ là cái tướng phận của a-lại-da trong tâm nội mà thôi.

A-lại-da bao tàng tất cả chũng tử của vạn hữu. Do chũng tử đó mà biến sanh vạn hữu. Cái tác dụng nầy gọi là nhân năng biến. Vạn hữu biến sanh ra đó, tức là tướng phận của tự thức. Cái nầy gọi là quả năng biến.

Bảy thức trước (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân ý, mạt-na) là tri giác tướng phận không biến sanh được tác dụng có bổn chất. Chỉ có a-lại-da thức là một mình có nhân năng biến và quả năng biến đồng thời cùng có ảnh tượng và bổn chất.

Bởi thế cho nên rốt lại vạn hữu không lìa được duy thức.

Mà chũng tử trong a-lại-da thức sanh ra cách làm sao? Đáp rằng: cách vô-thỉ-pháp.

Tóm lại: phàm hễ tâm dao động, tất xuất hiện ra ảnh tượng. Ảnh tượng nầy gọi là tướng phận.

Rồi ta lại lấy tướng phận nầy làm đối tượng, mới phát khởi bao nhiêu những giống tác dụng của tâm tượng. Cho nên tướng phận là khách quan của tâm nội, nên gọi là tánh cảnh.

Đối với tướng phận tánh cảnh có cái bổn chất đồng nhứt với nó. Khi ảnh tượng xuất hiện nó vẫn có đeo theo cái bổn chất của nó, mà ta không trực tiếp được. Ấy gọi là đới chất cảnh.

Bổn chất ấy nguyên là do a-lại-da phát sanh, và đồng thời khiến nó theo thức thể mà biến ra.

Độc ảnh cảnh sanh ra là do nơi quan hệ giữa tướng phận và kiến phận. Nó gợi được tâm nhưng không có bổn chất riêng, cho nên có câu « độc ảnh duy tòng kiến ». Như sừng thỏ, lông rùa, là độc ảnh cảnh.

Rốt lại, nhứt thiết vạn hữu đều là do a-lại-da biến ra. Cho nên nói rằng: « tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.»

Xem trên đó thì a-lại-da thức biến ra hết thảy vạn tượng và là căn bổn của hiện tượng. Do a-lại-da mà phát sanh tâm và vật.

Nhưng tám cái thức, mỗi đều tự có duy thức, và mỗi người đều mỗi có duy thức riêng. Cho nên mỗi vật mỗi có a-lại-da thức của nó và bởi thế a-lại-da thức có vô lượng số.

Như thế thì tự thân của vũ trụ cũng vô lượng số (đa nguyên).

Nhân sanh quan.— Pháp tướng tông cho rằng hiện tượng giới là mê vọng, và mê vọng như thế là khổ, cho nên phải đoạn diệt nó đi. Chỗ nầy không khác chủ trương của câu xá tông là bao nhiêu.

Pháp tướng tông có chỗ đặc sắc của nó, là nó chủ trương ngũ tánh. Một là bồ tát định tánh tức là cái động cơ quyết định thành phật. Hai là giác định tánh. Ba là thanh văn định tánh. Hai tánh nầy (giác định và thanh văn định) kết cuộc ngừng chỗ a-la-hán (arhat) không thành phật được. Bốn là bất định tánh, do tánh nầy mà tới thì đến chỗ phật quả, lui thì chỉ tới quả của thanh văn thừa cùng duyên giác thừa mà thôi, hai cái đều không quyết định được. Năm là vô tánh hữu tình; ấy là cái cơ không thành phật được, cũng không đến được hai thừa thanh văn và duyên giác, mà phải chịu luân hồi sanh tử.

Nhưng mà thật đại thừa phản đối cái thuyết trên đó và cho rằng nhứt thiết chúng sanh đều có phật tánh, tức là đều có thể thành phật.

Giải thoát luận.— Muốn thành phật, nghĩa là muốn đạt được giải thoát tối cao, phải tu lục độ, vạn hạnh, trải qua thời gian ba a-tăng kỳ (asamkhyêyas). A-tăng-kỳ nghĩa là con số vô cùng. Mỗi a-tăng-kỳ viết ra là một con số một với ở đằng sau bốn mươi bảy con Zéros. Đó là nói giải thoát về phương diện đạo đức.

Về phương diện duy thức phải trải qua ngũ trùng duy thức và ngũ chủng duy thức. Đây không thuật lại, vì phiền phức quá, chỉ tóm tắt cái nghĩa của nó như vầy: bỏ cái vọng, theo cái chân, bỏ hiện tượng giới, về với thật tại giới, nhứt trí với thật tại.

  1. Luận về tam tánh, nhà duy thức thường có cái dụ chiếu lệ như vầy:

    Bạch nhựt khán thằng, thằng thị ma;
    Dạ lý khán thằng, thằng thị xà.
    Ma thượng sanh thằng do thị vọng,
    Khởi kham thằng thượng cánh sanh xà.

    Ban ngày sáng tỏ xem sợi dây, thấy rõ nó là gai. Ban đêm xem sợi dây như rắn. Gai mà xem ra dây đã là vọng rồi, nữa chi là dây (đã vọng) mà lại còn xem ra con rắn (vọng thêm vọng)

    « Ma thượng sanh thằng » là dụ chỉ « Y tha » « Thằng thượng sanh xà » là dụ chỉ « biến kể ».

    Nhưng mà cái dụ nào cũng không xác đáng được. Tây ngạn đã có câu: « comparaison n'est pas raison ». Ở đây, ngay như về « ma thuợng sanh thằng », ta cũng có thể bảo nó chỉ về « biến kể » được.