Phật giáo triết học/Tựa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tựa

Tôi không còn hai mươi tuổi.

Đau đớn thay ngày tháng thoi đưa!

Năm nọ, tết nguyên đán, ngồi giữa biển trời, trong bốn vách đá xanh, sa nước mắt mà tự thán:

Xưa, bốn mươi, thầy Khổng hết ngờ.

Giờ ta tuổi ấy rõ đời vờ.

Gia đình ngoảnh lại, lần « lưng túc »[1]

Xã hội chường ra, thẹn mặt bơ.

Lấm tấm sương dầm đôi mái tóc,

Lạnh lùng tuyết quyến một lòng tơ.

Mong nào sự nghiệp công danh muộn,

Tràn đến, già như nước vỡ bờ!

Tôi tự nguyện giấu cái mặt bơ ấy đi. Song le chủ-nhân nhà Tân Việt lôi ra cho kỳ được Sau mấy tháng chối từ, tôi phải có tập nầy. Là vì bạn, chẳng vì mình, càng chẳng vì đời.

Không. Vì đời phải một công trình khác hơn, làm với một con tim nồng thắm, với một khối óc thanh liêm.

Tôi đâu còn những của báu ấy nữa.

Trí thức thanh liêm (probité intellectuelle) cấm học giả dối mình, dối đời, bằng tri thức mượn vay nơi kẻ khác.

Đợi cho được có tri thức đầy đủ về Phật giáo, tôi không biết bao giờ, tôi không có mong nào. Tôi không còn hai mươi tuổi. Tôi hết những mộng tưởng lớn lao rồi. Kinh điển nhà Phật tôi có « thấy » một phần ở kho sách của Viện Bảo-tàng Guimet bên Paris. Nhiều quá. Thế nhưng chưa đủ. Đủ hết những tên kinh điển nhà Phật, đã tìm thấy ra, trong các nước có phát hành hoặc tàng trử loại ấy, vào khoảng 1930, góp lại in hơn một ngàn rưỡi trương sách mục lục. Mục lục nầy, ông Hữu Tùng Viên Đế[2] có đưa tôi xem cho choáng mắt.

Tôi muốn sao được như vị Hòa Thượng kia ở Trung Kỳ. Ngài sung sướng đề lên vách chùa bốn câu tuyệt diệu:

« Kinh điển lưu truyền tám vạn tư.
« Học hành không thiếu, cũng không dư.
« Năm nay tính lại: chừng… quên hết,
« Chỉ nhớ trên đầu một chữ « NHƯ ».

Có học, có hiểu, rồi có quên đi hết, mới thật là nhập diệu. Mới không câu nệ nơi sách. Mới thoát được lên trên một học thuyết, mà điều khiển những vấn đề thuộc về nó, không để bị điều khiển bởi học thuyết hay bởi vấn đề. Jules Lachelier, chấm vở của Emile Boutroux ở trường Normale Paris, luận về một điểm nọ trong học thuyết Spinoza. có đề một câu sâu sắc: « Pour comprendre un système, la première condition est d'y entrer, mais la seconde est d'en sortir.» — (Cho đặng hiểu một học thuyết, điều kiện thứ nhứt là phải vào trong đó, mà điều kiện thứ hai là phải ra khỏi nó đi.)

Học thấy như thế, mà tôi chưa làm theo được, bất kỳ là đối với học thuyết nào. Về Phật giáo càng khuyết hám. Rằng kinh điển nhà Phật nhiều quá chăng? Phải, mà không. Cần chi phải đọc cho hết những sách đã chỉ trong quyển mục lục nói trên đây.

Hai ông André LalandeAbel Rey ở Sorbonne thường nhủ tôi: « Chỉ nên đọc những tác phẩm do tay đầu tiên, œuvres de première main. » Tôi chẳng bao giờ dám quên lời thầy.

Nhưng về phật giáo, tác phẩm do tay đầu tiên đều viết bằng chữ phạn (sanscrit). Tôi đọc mãi quyển mẹo tiếng phạn, mà chưa thuộc. Thời sách viết bằng tiếng phạn sao chịu hé màn bí mật cho tôi tò mò xem. Hoặc hỏi: còn những kinh điển dịch ra chữ tàu? Tôi chẳng nề « dịch là phản », nhưng tôi không có đủ, và, cái có thì chưa đọc hết, cái đọc hết chưa hiểu cùng: bởi chữ tàu tôi lại chỉ biết nhấp nhem mà thôi.

Vậy, cho ra quyển sách nầy là sự cực chẳng đã. Chuối non giú ép, tự mình chê mà ai thèm.

Chủ nhân nhà Tân-Việt, mà có được chút lòng thương xót tôi, đâu lại nỡ đưa bổn thảo đến nhà in.

PH. V. H.
  1. Tiếng trong làng đổ bác, chỉ rằng nơi lưng tiền đã sạch-sành-sanh.
  2. Hữu Tùng Viên Đế (tiếng nhựt bổn là E Tomomatsu) giáo sư tiếng phạn ở trường Đại-Học Kyoto có viết bằng tiếng pháp một quyển Le Bouddhisme, nhà F. Alcan ở Paris xuất bản.