Phiến minh

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phiến minh  (1308) 
của Mạc Đĩnh Chi, do Cao Huy Giu dịch

Năm Mậu Thân, Hưng Long thứ 16 (1308), đời Nguyên Vũ Tông Hải Sơn, Chí Đại năm thứ nhất... Sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ uy sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang nước Nguyên. Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh bỉ. Một hôm tể thần mời vào trong phủ cùng ngồi. Lúc ấy đương khoảng tháng 5, tháng 6, trong phủ có treo cái màn mỏng, thêu hình con chim tước vàng đậu trên cành trúc. Đĩnh Chi giả lầm là chim tước thật, vội chạy đến bắt. Người Nguyên đều cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo cái màn xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi là tại sao. Đĩnh Chi trả lời: "Tôi nghe người xưa có vẽ mai tước (tước đậu cành mai), chưa thấy vẽ trúc tước (tước đậu cành trúc) bao giờ. Nay trong trướng của tể tướng lại thêu chim tước đậu cành trúc. Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, tể tướng đem trúc tước mà thêu vào trướng, thế là để tiểu nhân lên trên quân tử, tôi sợ rằng đạo của tiểu nhân ngày lớn thịnh lên, đạo của quân tử ngày mòn mỏi đi, cho nên tôi trừ giúp bọn tiểu nhân cho thánh triều". Mọi người đều phục là nhanh trí khôn. Đến khi vào chầu vừa gặp người nước ngoài đem dâng quạt. Vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay bài này.

Tiếng Hán[sửa]

流金鑠石,天地為爐,尒於斯時兮,伊周巨儒;
北風其涼,雨雪載途,尒於斯時兮,夷齊餓【食孚】。
噫!用之則行,舍之則藏,唯我與爾有如是夫!

Phiên âm[sửa]

Lưu kim thước thạch, thiên địa vị lô, nhĩ ư tư thời hề, Y Chu cự nho;
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề, Di Tề ngã phu.
Y! Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù!

Bản dịch[sửa]

Chảy vàng tan đá, trời đất như lò, người trong lúc ấy, ngang hàng Y Chu;
Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết mịt mù, người trong lúc ấy, Di Tề đói xo.
Ôi! Dùng thì làm việc, bỏ thì nằm co, chỉ ta với ngươi là như thế ru.