Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/109

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
109 — Bảy tình người ta của Bùi Huy Bích, do Trần Văn Ngoạn dịch

109 — BẢY TÌNH NGƯỜI TA

Bảy tình là: mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghétmuốn, đã là người không ai không có, nếu buông thả không biết đường ngăn giữ lại, thời hỏng mất tính hay, mà biết cách trị, thời tình phát hiện ra, đều là tính hay cả. Cách trị nên như thế nào? Nên như sau này.

Ngày xưa ông Tử-Lộ, 1 có người bảo cho điều lỗi, thời lấy làm mừng; nước Lỗ sai ông Nhạc Chính-tử 2 ra làm quan, ông Mạnh-tử nghe tin, mừng mà không ngủ. Như thế thời tình mừng được trị vậy.

Ông Nhan-tử 3 không nhân việc này, giận sang việc khác, ông Mạnh-tử khen vua Văn vua Vũ 4 nổi một cơn giận mà yên được thiên-hạ, ông Trương-kính-Phu 5 nói rằng: « Sự giận tức máu không nên có, sự giận nghĩa lý không nên không. » Như thế thời tình giận được trị vậy.

Kinh Thi nói rằng: « Thương sót cha mẹ đẻ ta khó nhọc. » Đức Khổng-tử nói rằng: « Thơ Quan-thư 6 có tình thương xót mà không đến nỗi hại tính mệnh[1]; lại nói rằng: « Ai đến chỗ tang ma, không có tình thương xót, ta còn bởi đâu mà xét tính nết nữa? » Ông Tăng-tử 7 nói rằng: « Khi tra hình ngục nên có lòng thương, không nên mừng là minh-sát. » Sách Sở-từ nói rằng: « Thương dân trên đời, phải nhiều sự khó nhọc. » Như thế thời tình thương được trị vậy.

Đức Khổng-tử nói rằng: « Tuổi cha mẹ không nên không biết, một là mừng cha mẹ được thọ, hai là lo cha mẹ đã già; lại nói rằng: « Làm việc gì cũng nên có lòng lo sợ. » Sách Trung-dung nói rằng: « Cẩn thận những điều chưa trông thấy, răn sợ những việc chưa nghe thấy. » Ông Mạnh-tử nói rằng: « Đức Khổng làm sách Xuân-thu, để răn những kẻ loạn-thần tặc-tử »; lại nói rằng: « Ta sợ Dương Mạc, làm loạn đạo thánh nên ta phải giữ lấy. » Như thế thời tình sợ được trị vậy.

Sách Lễ-ký nói rằng: « Con hiếu có lòng yêu cha mẹ lắm, tất có nét mặt hòa-thuận, có nét mặt hòa-thuận tất có lòng êm ái »; lại nói rằng: « Cha mẹ yêu ai mình cũng phải yêu. » Ông Mạnh-tử nói rằng: « Người nhân ở với em không để oán giận trong lòng, chỉ biết thân yêu mà thôi. » Luận-ngữ nói rằng: « Ai cũng nên yêu, mà thân với người nhân »; lại nói rằng: « Ông vua tiêu dùng[2] nên hà-tiện, mà yêu nhân-dân. » Như thế thời tình yêu trị vậy.

Đại-học nói rằng: « Mình ghét người ta vô lễ với mình, thời mình không nên lấy điều vô lễ sai kẻ dưới; mình ghét kẻ dưới bất trung với mình, thời mình không nên lấy điều bất trung thờ người trên »; lại nói rằng: « Người dở thì ghét, nhưng người ta có nết tốt cũng phải biết cho người ta. » Như thế thời tình ghét trị vậy.

Đức Thánh nói rằng: « Mình muốn nhân thời nhân đến. » Đại-học nói rằng: « Ông vua muốn cho đức tốt rõ rệt trong thiên-hạ, tất phải trị nước trước, muốn tầy nhà tất phải sửa mình trước. » Như thế thời tình muốn trị vậy.

Những các nết ấy khi phát ra ngoài mà đâu vào đấy, chẳng phải là tính hay rư? Nếu mà trái lại thời là buông thả mất vậy. Nói tóm lại, thời tâm hay theo tính-tình, có biết ngăn cấm tâm trước, thời mới biết tránh điều dở mà theo điều hay.

Bùi-huy-Bích (Lữ-trung tạp thuyết)
Trần-văn-Ngoạn dịch (Nam-phong, số 19)

Cụ hiệu Tồn-Am, sinh năm 1744, đỗ (đậu) hoàng-giáp, làm quan triều vua Lê Hiển-tôn đến chức Hành-tham-tụng. Đến khi nhà Tây-Sơn dứt nhà Lê, mời thế nào cụ cũng không ra làm quan, đi tránh một nơi ngâm vịnh và trước thuật. — Trong bài này cụ lấy lời thánh hiền và chữ kinh truyện để dạy người ta cách trị thất tình.

CHÚ THÍCH. — 1. Học-trò đức Khổng-tử. — 2. Nhạc-chính-Tử là học-trò giỏi ông Mạnh. — 3. Học-trò hiền đức Khổng-tử. — 4. Văn là vua Văn-vương nhà Chu đánh nước Sùng nước Mật; Vũ là Chu Vũ-vương đánh vua Trụ để cứu dân. — 5. Một vị đại-nho đời Tống bên Tàu. — 6. Bài thơ đầu tiên trong kinh Thi; bài ấy đặt tên thế vì bắt đầu có câu: « Quan quan thư cứu — 7. Học trò đức Khổng.

   




Chú thích

  1. Mạng.
  2. Sài.