Quốc văn trích diễm/115

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

115 — TỰ TRỌNG

Người có ý-khí tài-lực hơn người, không nương tựa ai, không luồn lụy ai, tự mình mình đi, tự mình mình lại, tự mình quí mình, ai yêu cũng mừng, ai ghét không giận, gọi là người tự-trọng (自 重). Còn tài chẳng hơn ai, đức chẳng hơn ai, con mắt sáng bằng hạt đậu, trí khôn nông như đọi đèn, cũng bắc bực làm cao, khinh thế ngạo vật, không gọi là tự-trọng.

Những kẻ thiếu-niên, sinh đời tranh-cạnh, không có chí tiến-tu, không có lòng ganh-gổ, hay nói chuyện yếm-thế, hay có tính khinh người, thì gọi là tự-khí (自 棄). Kẻ không kính trọng phép luật hay chống cự người trên, gọi là loạn-đảng (亂 黨). Kẻ không an-thường thủ-phận, hay phản-đối nhà-nước, gọi là nghịch-đảng (逆 黨). Kẻ hay tự-đắc, hay khoe mình, gọi là người kiêu-căng (驕 矜). Kẻ hay ích-kỷ, gọi là tự-tư (自 私). Kẻ không hợp quần, gọi là cô-độc (孤 獨). Những kẻ ấy dù có tài tốt thế nào, chẳng có tội với phép luật, cũng có tội với đạo-đức, không gọi là tự-trọng.

Ta phải biết rằng người tự-trọng vốn hòa-hợp với mọi người, vốn kính trọng người tiền-bối, vốn giữ phép luật, vốn trọng cương-thường; có tài-năng, có kiến-thức, việc đã làm, không sợ khó, chí đã định, không hồ-nghi, thấy giầu sang không náo-nức, phải nghèo hèn không phàn-nàn. Có câu rằng:

« Lòng ta ta đã chắc rồi, dễ ai giục đứng giục ngồi mà nao ».

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Thích nghĩa hai chữ tự-trọng. Chữ tự-cao tự-đại có đồng nghĩa với chữ tự-trọng không? — Phân-biệt những tính ấy với những tính xưa nay người ta thường nhận lầm là tự-trọng. Thế nào là tự-trọng thật?

II. Lời văn. — Cắt nghĩa những chữ: sáng bằng hạt đậu, nông như đọi đèn. — Khinh thế ngạo vật nghĩa là gì? — Thích nghĩa những chữ loạn-đảng, nghịch-đảng. Khác nhau thế nào? — Câu ca cuối bài này ý nói gì?

2. Thích nghĩa thế nào là lọn? Cách thích nghĩa trong bài này thế nào?