Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/119

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
119 — Câu chuyện một tối của người tân-hôn của Nguyễn Bá Học

119 — CÂU CHUYỆN MỘT TỐI CỦA NGƯỜI TÂN-HÔN

(Lời một người tân-hôn thuật lại chuyện mình cho chồng nghe)

« Than ôi! Cái khổ cảnh của thiếp sao nỡ để cho chàng nghe, song thiếp cũng không dám giấu chàng mà không nói. Trong mấy năm nay trên thờ mẹ già, dưới nuôi cháu mồ-côi, một thân thiếp vừa làm con gái, vừa làm con dâu; ngày ngày còn phải đi làm thuê làm mướn để hổ-khẩu 1 một nhà, ngày không được ngồi, đêm không được ngủ, dù người sắt cũng phải đau lòng. Hồi tưởng những ngày cha anh tôi còn, đang như cây ngọc đầy sân, hạt châu trên án, nào ngờ bao lâu vật đổi sao dời, nay đã thành như cảnh mộng.

« Sau khi cha tôi mất, liền bị mấy lần tàn phá, mẹ tôi đem chúng tôi về ở làng Cổ-sự, là nơi mẫu-quán. Anh tôi đi dạy học làng xa, cũng mất ở đó. Chị dâu tôi ở nhà nhân sản-nạn 2 mà chết, để lại cho mẹ tôi một chút con thơ; sự bất-hạnh trong gia-đình đến thế là cực.

« Bấy giờ tôi mới có mười bảy tuổi, mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi, bình thời tinh-thần linh-mẫn, như người ba bốn mươi. Mới trong hai năm khóc con khóc dâu mà tóc bạc hồ hết, mắt càng lòa, tay càng run, như người bảy tám mươi tuổi. Thiếp đã lo gia-biến lại thương mẹ già, cũng muốn chia cay sẻ đắng, lấy chữ cần che chữ chuyết 3 để mẹ con nương náu qua thời. Tiếc thay! Từ xưa cha tôi làm quan, không tập cho chúng tôi theo đường thực-nghiệp; chỉ tưởng những nỗi một người đội ơn vua, cả nhà ăn lộc nước; lấy phấn xức làm thanh-cao, cho doanh-sinh 4 là trục-mạt. Để cho con em tập thói kiêu xa, quen thân biếng nhác, chỉ xu hướng về sự phù-hoa, không có thể suy ra thực-dụng. Đến bây giờ, trí vụng tài hèn, cơ hàn thiết thân, còn giữ sao cho được phong-thể!

« Sau tôi đến nhà một bà láng-diềng, kể cái cảnh-ngộ cho bà nghe, và xin bà bày tỏ cho tôi một lối mà đi làm mướn. Bà nói: « Làm thân con gái gặp buổi nguy nan như các con ngày nay, trừ một cách bán cái sỉ-nhục đi mà kiếm ăn, thời không còn phương kế gì là tự-cứu được. Nay có một lối là vào làm công trong nhà máy, suốt ngày dùng hết sức, hai tay hai mắt cũng chỉ đủ cung một cái dạ dày. Còn đến điều sẩy ra nguy hiểm trong việc làm, thực chưa có pháp-luật nào bảo-hộ bênh vực cho kẻ khổ-công 5 cả. »

« Tôi nghe nói lại càng ngao-ngán, trong thích-lí 6 đã không có cha chú nào tí-hộ, ngoài xóm làng lại cùng gặp buổi gian-nan. Thôi! Đã sinh ra làm một đời dân vô-vốc, còn tránh sao cho khỏi kiếp lầm-than; thà chịu một thân mình nắng giãi mưa rầu, còn hơn là ngồi mà trông thấy một nhà đói rét. Tôi xin bà dẫn lối cho tôi vào nhà máy sợi...

« Nghĩ mà chán thay! Thân giá một người khổ-công hèn hạ, thật là cực; cả ngày lao-động tổn-phí bao nhiêu là tinh-lực, mà một giờ không đáng được một xu. Cũng là vì việc có ít, người thì nhiều, cho nên người ta thắt buộc người mình, bói rẻ còn hơn là ngồi rỗi. Tưởng những thủa cha anh mình đang đắc ý, cứ tập thói xa-xỉ, huy-hoắc tiền của như đất bùn; nghĩ đâu những nông nỗi con em sau này phải đi làm thuê làm mướn cho người ta, cực khổ không bằng thân trâu ngựa. Hôm sau tôi dậy từ lúc 1 giờ sáng, thổi cơm cho mẹ và cháu ăn rồi, 5 giờ tôi tự làng ra đi, vừa đến 6 giờ thời vào làm nhà máy. Việc làm ở máy con (sé cúi 7 thành sợi), cũng là việc giản-dị, chỉ phải đứng, không được ngồi.....

« Từ khi vào làm trong nhà máy, không còn được trông thấy mặt trời. Từ 4 giờ sáng, còi nhà máy gọi lần thứ nhất, tôi trở dậy mà nấu ăn, đến 5 giờ còi gọi lần thứ hai, tôi bắt đầu ra đi, đến 6 giờ đến nơi vào làm, lại cho đến 9 giờ tối ra về; 10 giờ đến nhà, dọn dẹp cho đến 12 giờ thì đi ngủ.....

« Tính các chú đốc-công 8 người Hoa-kiều lại hay cợt-nhợt, thấy con gái sạch sẽ hay thương hay yêu, khi ra bẹo má, khi vào nắm tay, con gái nhà máy như cái quà của các chú. Chị nào vô-ý chống cự lại thời các chú nói với ông chủ phải đuổi, mất việc làm ngay. Bấy giờ tôi mới hiểu lời bà láng-diềng nói « bán cái sỉ-nhục đi mà kiếm ăn » là vì thế.

« Một hôm, trước ngày phát tiền công, theo lệ, tôi đang lau cái máy chỗ mình làm cho sạch sẽ, thấy một chú nhăn-nhở đi lại, tôi đã sợ đứng nép vào một bên. Bỗng chốc, thấy có tay ai mó vào mình tôi, giật mình, tôi ngã xô ngay vào cái máy đang chạy. Nghe một tiếng « soẹt » thấy máu ở tay tóe ra, đau buốt đến tận óc, tôi kêu lên một tiếng thời liền ngã ra, không còn biết gì nữa...

... « Tôi đương thiêm-thiếp; nghe thấy tiếng văng-vẳng bên tai, bừng mở mắt, thấy mẹ tôi đang đứng một bên năn-nỉ mà nói: « Mẹ đây, con có biết không, con? Mẹ nghe tin con phải máy kẹp mất tay, người ta đưa con vào nhà thương từ trưa đến nay, mẹ lật-đật đến đây, con có biết không, con? Tôi mới bàng-hoàng tỉnh lại, thấy mình đã mất hẳn hai ngón tay: « Mẹ ôi! mười mấy đồng xu, con đã bán rẻ cái mệnh[1] con, may mà trông thấy mẹ đây, biết bao giờ trả cái tủi nhục này cho được! »

« Tôi phải ở lại nhà thương hai tuần lễ nữa, bình-phục 9 rồi lại về nhà, không còn đi làm con gái máy sợi nữa.

« Ngày chàng cho băng-nhân 10 lại hỏi, chính là ngày mẹ tôi đang phải chứng đau tức kịch lắm. Mẹ tôi cứ bối rối mà nhận lời. Tôi nghe nói thất kinh rụng rời, vì mẹ đang đau, cháu còn dại, chưa biết ỷ thác vào đâu. Nghĩ mình thiếp đã vô đức vô tài, lại mang lấy tiếng tàn tật vào thân, dù trượng-phu có đức bao dung, song tự mình cũng lấy làm hổ thẹn lắm. Mẹ tôi gạt nước mắt mà nói: « Mẹ nay đã già, con cũng đã lớn, trước sau sao cũng phải về nhà người; dữ-kỳ mẹ con tạm thời lẩn-quẩn với nhau mà cùng khốn, sao bằng gửi thân vào nơi có đức để phòng khi hoãn-cấp mà dựa nương. Vả mẹ nay bệnh ngày một nặng, biết có nay, nào biết có mai, mong cho con được yên vợ yên chồng thời mẹ nhắm mắt dưới cửu-toàn cho đành dạ. » Tôi nghe bấy nhiêu điều, không còn muốn cưỡng lời mẹ tôi nữa. Than ôi! Sự mình càng nói càng đau, dẫu người sắt đá cũng sa châu nghìn hàng. Trời đã rạng đông, xin chàng đi nghỉ... »

(Đoản-thiên tiểu-thuyết đăng trong Nam-phong, số 46).

CHÚ THÍCH. — 1. Là nuôi cơm. — 2. Ốm (đau) vì đẻ. — 3. Cần là siêng năng, chuyết là khờ vụng; ý nói: tuy mình vụng nhưng chịu khó siêng năng. — 4. Là làm nghề để kiếm ăn. — 5. Kẻ làm thuê làm mướn khó nhọc. — 6. Họ hàng. — 7. Cuộn bông (goòng) chưa xe thành sợi. — 8. những người cai coi thợ làm. — 9. Khỏi bệnh. — 10 Người mối.

   




Chú thích

  1. Mạng.