Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/123

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
123 — Tự bến đò Suối vào Chùa ngoài của Phạm Quỳnh

123 — TỰ BẾN ĐÒ SUỐI VÀO CHÙA NGOÀI

TIỂU DẪN. — Xem bài tiểu-dẫn về chùa Hương ở trang 55. — Đi vào chùa Hương dù từ Hà-nội xuôi xuống, dù từ Phủ-lý (tỉnh lỵ Hà-nam) ngược lên, dù đi xe lửa, dù đi xe hơi, đều phải đến một chỗ gọi là Bến đò Suối, rồi xuống đò theo đường núi đi thẳng vào chùa, thoạt tiên đến Chùa ngoài, rồi đến Chùa trong mới thật là động Hương-Tích.

Đi đò suối ước chừng mất một giờ, phong-cảnh thật là ngoạn-mục. Hai bên núi đá, một giòng sông con chẩy giữa, núi thâm-thấp, nước quanh-co, coi thật như một bức tranh sơn-thủy của Tàu... Núi cao quá thường làm cho người ta dợn, sông rộng quá thường làm cho người ta ghê, mà non kia nước này thực là vừa bằng cái sức người tưởng-tượng, nên coi ra rất là mỹ-miều khả-ái. Mỗi dẫy mỗi trái đều có tên riêng, tùy hình mà đặt, đây là con vâm đương ăn cỏ, trông cũng phảng-phất hình như con voi chúc vòi xuống ruộng lúa, bên đầu lại có chỗ cong lại như hình cái tai, mới nhìn không ai nhận, mà đã có người gọi tên lên rồi thời càng nhìn càng thấy hệt như con voi, mới biết cái danh-hiệu thật là có ảnh-hưởng đến sự tưởng-tượng nhiều lắm vậy; lại kìa núi mâm xôi con gà, trông cũng mưỡng-tượng như con gà đặt trên mâm xôi thật! Ôi! cái trí biến-báo của người ta thật vô cùng vậy.

Đến nửa đường thời có « Đền Trình » ở dưới chân núi, về bên tay phải lối đi vào; đấy là thờ các vị sơn-quân canh rừng núi, giữ cửa chùa, ai vào chùa phải tới đấy trình diện trước; nên gọi là « Đền Trình »...

Gần trưa tới Chùa ngoài, tức chữ gọi là Thiên-Trù nghĩa là cái « bếp trời », là chỗ sửa soạn đồ lễ vật để vào dâng trong động, tuy tên nhỏ mọn như thế mà nghiễm-nhiên là một tòa đình-vũ nguy-nga, ở giữa một cái cao-nguyên, bốn bề toàn núi, trông rất là có thể-thế. Cách kiến-chúc tuy không có gì là khéo là đẹp, mà to lớn lực-lưỡng, thực là xứng đáng với cái cảnh chung quanh, coi đủ biết là chùa giầu, tiền thâu-thập nhiều, sổ chi tiêu rộng...

Các đám đông ở nước mình thật là không có kỷ-luật, không có trật-tự gì cả, rất tạp-nhạp, rất hỗn-độn, dầu ở nơi lễ bái kính-trọng cũng kẻ đi người lại, kẻ đứng người ngồi, nói nói cười cười, kêu kêu gọi gọi, ồn-ào lộn-sộn, Khó mà nghiệm cho được cái tâm-lý những người ngẫu-hợp tại đó. Lại thêm khói hương ngùn-ngụt, mùi người xông ngạt, tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ đinh tai, đủ khiến cho nhà khảo-cứu như vào chốn mê-li, chẳng biết chỗ nào mà dò. Song nhận cho kỹ, dẫu trong đám ồn-ào đó mà cũng có nhiều người cái mặt rầu-rầu, con mắt dim-dim, như ngoan như độn, như dại như ngây, tưởng giá sét đánh bên mình cũng không tỉnh. Những người ấy chính là người thành tâm tín-ngưỡng đó, chớ không phải là những kẻ lau-chau láu-táu, miệng khấn tay vái, nào xụt nào xùi, bao nhiêu sự tâm-niệm thành-kính là ra chân tay mồm miệng cả.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài này thuộc về thể văn gì?

2. Phong-cảnh hai bên đường suối vào Chùa ngoài thế nào? — Tên các quả núi bởi đâu mà đặt ra?

3. « Đền Trình » là gì? Sao lại gọi là « bếp trời »?

4. Các đám đông người ở nước ta có tính cách gì đặc biệt? Các người trẩy chùa Hương có những mục-đích gì? Đối với lòng tín-ngưỡng tôn-giáo, các người ấy thế nào?

II. Lời văn. — 1. Cắt nghĩa chữ ngoạn-mục. — Thế nào là tranh sơn-thủy? Chữ thủy-mạc, thủy-họa nghĩa gì? — Nghĩa chữ mỹ-miều khả-ái. Sự đẹp có nhiều cách nhiều vẻ không? Hãy tìm những tiếng để nói các vẻ đẹp? — Cắt nghĩa những tiếng mưỡng-tượng, biến-báo, sơn-quân, đình-vũ, nguy-nga, kiến-chúc, mê-li.