Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/136

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
136 — Tôn-chỉ lễ-nhạc của Thân Trọng Huề

HỢP THÁI

136 — TÔN-CHỈ LỄ-NHẠC

Lễ-nhạc là hai tôn chỉ 1 chớ không phải hai chữ thường như chữ khác; nhưng mà người đời ít kẻ hiểu hai tôn-chỉ ấy, tưởng lễ là cúng tế, nhạc là trống kèn; chẳng những người bây giờ ít kẻ hiểu hai tôn-chỉ ấy, chính người đồng-thời với đức Khổng-tử cũng ít hiểu hai tôn-chỉ ấy, cho nên đức Khổng-tử tức giận mà than rằng: « Khi người ta nói rằng lễ, khi người ta nói rằng lễ, có phải nói ngọc với lụa vậy thay! Khi người ta nói rằng nhạc, khi người ta nói rằng nhạc, có phải nói chuông với trống vậy thay 2! »

Lễ là trật-tự (ordre), nhạc là điều-hòa (harmonie), ở trong vũ-trụ chỗ nào cũng có lễ-nhạc, nghĩa là chỗ nào cũng có trật-tự điều-hòa: nếu không như vậy, thì sự sinh-tồn không thể có được.

Hết xuân đến hạ, hết thu sang đông, là lễ-nhạc, tức là trật-tự điều-hòa ở trong trời đất; nhờ có thế mà muôn vật mới phát sinh được. Nếu xuân hành hạ lệnh, thu hành đông lệnh 3, thì thiên-khí quai-hòa, mà muôn vật cũng vì đó mà đau mà chết.

« Vua làm nghĩa-vụ của vua, tôi làm nghĩa-vụ của tôi », là lễ-nhạc, tức là trật-tự điều-hòa ở trong nước; « cha làm nghĩa-vụ của cha, con làm nghĩa-vụ của con 4 » là lễ-nhạc, tức là trật-tự điều-hòa ở trong nhà.

Muốn giữ gìn lễ-nhạc hay là trật-tự điều-hòa ở trong nước, thì phải tu lòng trung; muốn giữ gìn lễ-nhạc hay là trật-tự điều-hòa ở trong nhà thì phải tu lòng hiếu. Trung hiếu là hai cái linh-phù 5 để giữ gìn trật-tự điều-hòa trong nước trong nhà vậy.

« Trung ư quân » không phải là làm cho vua vui lòng riêng, mà phải lo cho nước càng ngày càng thịnh-vượng; « hiếu ư thân » không phải là làm cho cha mẹ vui lòng một lúc, mà phải lo cho việc nhà càng ngày càng quang-xương 6. Nhưng mà xưa nay nhiều người hiểu sai hai cái nghĩa ấy, có kẻ muốn vui lòng vua, không dám can ngăn, để cho việc nước phải đồi bại; có kẻ chỉ biết ở gần cha mẹ, sớm khuya phụng dưỡng là trọn phận làm con; những người hiểu hai chữ trung hiếu như vậy là hiểu một cách hẹp hòi. Hiện bây giờ cũng có người tưởng rằng đến cửa vua mà cúi đầu vòng tay là tận trung, kỵ giỗ cha mẹ mà có mâm cao cỗ đầy là tận hiếu. Trung hiếu như vậy thì dễ làm lắm, trẻ con làm cũng được! Phải hiểu rằng vua vui lòng chi bằng thấy việc nước càng ngày càng thịnh-vượng; cha mẹ vui lòng chi bằng thấy việc nhà càng ngày càng quang-xương. Ai muốn tu lòng trung thì phải tìm cách mà làm cho nước thịnh-vượng, và phải gây dựng nhân-tài để ngày sau giúp nước cho sự thịnh-vượng càng ngày càng thêm; ai muốn tu lòng hiếu thì phải lo việc nhà cho quang-xương và phải nuôi dạy con cháu để ngày sau việc nhà cứ quang-xương mãi. Trung hiếu là một lá cờ để dẫn nước dẫn nhà lên đường tấn-bộ, nhưng mà sự đi tới ấy phải có lễ-nhạc, nghĩa là phải có trật-tự điều-hòa, cũng như toán binh đi tới có thứ-tự và theo nhịp kèn.

(Trích ở bài Cung dịch Thánh-ý trong Nam-phong, số 50)

CHÚ THÍCH. — 1. Là cái lý-thuyết đem ra mà thực-hành. — 2. Cách nói trùng phục. Lễ vân, lễ vân; nhạc vân, nhạc vân là có ý giận. Ngọc với lụa là vật dùng để tế đời xưa. — 3. Khí-hậu mùa xuân như mùa hạ, mùa thu như mùa đông là trái thời-tiết. — 4. Dịch câu đức Khổng-tử trong sách Luận-ngữ: « quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử ». — 5. Là cái bùa thiêng. — 6. Sáng sủa thịnh-vượng.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — Trong bài này tác-giả định giải-thích về nghĩa gì? — Hai chữ lễ, nhạc nhiều người thường hiểu lầm thế nào? — Hai chữ ấy nghĩa chính là gì? — Lễ nhạc ở trong vũ-trụ thế nào? — Ở trong nước trong nhà thế nào? — Cái quan-niệm về lòng trung lòng hiếu của người thường thế nào? Thế nào mới là chánh đáng?

II. Lời văn. — 1. Nghĩa những chữ: trật-tự, điều-hòa, quai-hòa. — Tu lòng trung: nghĩa chữ tu. — Tận trung, tận hiếu: nghĩa chữ tận. — Nhân-tài là gì?

2. Cách đặt để bài văn này có điều gì đáng nhận?