Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

3. — CẢM HỨNG

TIỂU DẪN. — Nguyên hồi năm Quang-thiệu (1516-1522) đời Lê Chiêu-Tôn có việc biến loạn, Trịnh-Tuy, Mạc-đăng-Dung đều muốn tranh quyền, đánh nhau mấy năm. Ông ở ẩn một chỗ, tính số Thái-ất đoán biết nhà Lê lại khôi phục được, ông mới làm bài thơ này.

Non sông nào phải buổi bình-thời,
Thù đánh nhau chi khéo nực cười!
Cá vực, chim rừng, ai khiến đuổi? 1
Núi xương, sông huyết, thảm đầy nơi!
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ, 2
Thú dữ nên phòng lúc cắn người. 3
Ngán ngẩn việc đời chi nói nữa,
Bên đầm say hát nhởn-nhơ chơi!

CHÚ-THÍCH. — 1. Điển trong sách Mạnh-tử: con giái cá đuổi cá cho vực, con cắt đuổi chim cho rừng; nghĩa bóng là lúc loạn những giặc giã nổi lên tranh cướp nhau, tàn hại nhân dân cũng như con giái-cá bắt cá, con cắt đánh chim, thì cá phải tìm đến vực, chim phải tìm đến rừng; nhân dân khổ vì những giặc giã tàn hại mình cũng tìm đến người có nhân mà quy phục. — 2. Ý nói: nhà Lê sau có ngày khôi phục. — 3. Ý nói: nhà Trịnh sau lại tiến quyền vua.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Thế nào là thơ cảm-hứng? Tác-giả nhân cảm việc gì mà làm ra bài này?

2. Tác-giả đối với cảnh binh-đao bấy giờ cảm-tưởng ra làm sao? Hai câu thực nói những ý gì? Kể qua việc họ Lê trung-hưng và việc họ Trịnh tiến quyền để chứng giải hai câu luận. Theo câu kết thì ý-chí tác-giả bấy giờ thế nào?

3. Xem bài thơ này thì biết tác-giả có trí tiên-kiến không?

II. Lời văn. — 1. Chữ non sông nói ý gì? — Giải các điển trong câu thứ ba và nói qua cách dùng điển trong thơ văn ta. — Núi xương sông huyết: mấy chữ ấy tả cảnh gì?

2. Bài thơ này làm theo luật gì? Nói qua phép-tắc về luật thơ ấy.