Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/56

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
56. — Bài họa lại bài trước của Phan Văn Ái

56. — BÀI HỌA LẠI BÀI TRƯỚC

Mưỡu
Non thiêng khéo đúc nên người,
Trông chừng sành-sỏi khác người trần-gian.
Trải bao gió núi mưa ngàn,
Đã già già sóc, lại gan gan lỳ!
Nói
Tổng-mạo Gan-lỳ già sóc, c. t.[1]
Hà non chi mà sợ cóc y. t. chi ai! c. b.
Thừa-đề Người là người yb tớ cũng là người c. b.
Nhằm cho kỹ vẫn tranh vanh đầu giốc c. t.
Hai câu thơ Tương tri tằng thức năng công ngọc, c. t.
相 知 曾 識 能 攻 玉
Mạc luyện như hà khả bổ thiên? c. b.
莫 鍊 如 何 可 補 天
Phô-diễn Thôi mặc ai răng trắng răng đen, c. b.
Thế như thế cũng ngồi yên yb như thế vậy. c. t.
Còn trời đất hãy còn tai mắt ấy, c. t.
Lặng mà coi họa thấy yt lúc nào chăng? c. b.
Kết Hẵng về giã gạo ba trăng! c. b.
Phan-văn-Ái

GIẢNG NGHĨA. — Cụ Phan-văn-Ái là người làng Đồng-tỉnh về Bắc-ninh đậu Phó-bảng. Bài này cụ họa theo bài « Ông phỗng đá » của cụ tam-nguyên Yên-đổ để tả chí-ý của mình, tức thuộc về thể thuật hoài. Đại-ý nói mình có tài mà đời không biết dùng, thì mình cũng đành yên phận để đợi thời.

Chia ra làm ba đoạn:

I. Bốn câu mưỡu tả ông phỗng đá mượn đấy để tả tài trí mình. Đọc bốn câu ấy rõ ra một ông phỗng đá trải bao mưa gió mà vẫn y nguyên, ngụ ý rằng mình cũng là người lỗi-lạc có tài trí có can đảm khác thường. Đoạn này lời văn rắn-rỏi, hơi văn mạnh-mẽ; nên nhận hai bộ điệp-tự già già, gan gan làm cho câu văn mạnh biết chừng nào.

II. Bốn câu trên “bài nói” tả chí khí của mình: đã gan đã già, đã có tài-trí hơn người thời có sợ ai, vẫn biết trọng phẩm-giá mình mà treo cao lên, chứ không chịu tự-hạ mà luồn cúi đê mạt như ai.

Rồi hạ hai câu thơ chữ để nói ý đời không biết dùng mình mà chuyển xuống đoạn sau. Hai câu thơ nghĩa là: người biết mình biết giũa được ngọc; không luyện làm sao vá được trời? Ý nói rằng mình có tài-trí có thể giúp đời được ví như đá có thể đem giũa được ngọc đem vá được trời, nhưng không ai biết đến. Đoạn văn này giọng khảng-khái lắm, rõ ra chí khí một người có tài mà không chịu khuất ai.

III. Năm câu cuối nói ý an phận đãi thời. Ý nói đời đã không biết dùng ta thì ta cũng mặc họ tha hồ mà múa may, tha hồ mà làm trò. Ta cứ ngồi yên mà ngắm cuộc đời, hễ mình còn sống thì tất có lúc đem tài trí ra mà thi thố được, khác nào như người đã có công cấy tất có lúc được gặt. Nay hãy cứ trau giồi thêm cái nhân-cách của ta để dự-bị lúc ra đời cũng như ta chưa có lúa mùa thì ta hẵng giã gạo ba-trăng để ăn đến lúc gặt.

Xem bài này biết rõ chí-khí một người có tài mà không gặp thời nhưng cũng không chán đời.

Còn văn-thể bài này thì rất trúng cách lối hát nói: 4 câu mưỡu theo thể lục-bát, 11 câu nói giữa xen hai câu thơ chữ nho. Vận điệu cũng hợp thức cả.

   




Chú thích

  1. Chữ viết tắt: c=cước-vận; y=yêu-vận; b=vần bằng; t=vần trắc.