Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/66

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
66. — Hương-sơn phong-cảnh ca của Vũ Phạm Hàm

66. — HƯƠNG-SƠN PHONG-CẢNH CA

Hựu hà tất Bồng-châu Doanh-hải 1,
Tiểu sơn-lâm mà có đại kỳ-quan 2.
Người tai mắt kẻ nhân gian,
Ai chẳng đến Hương-sơn thì cũng tục.
Kể từ lúc bước lên đò Đục 3,
Liếc mắt trông đà mãn mục vân sơn 4.
Lần theo một giải thanh tuyền,
Nào ngư-phủ nhập Đào-nguyên 5 đâu cũng thế.
Mặt trời gác bóng cây xê-xế.
Tản vân in thủy để rành-rành.
Chim trời mấy chiếc lênh-đênh,
Cây mai, rụng rập-rềnh năm bảy lá.
Chú tiều-tử ruổi rong bến đá,
Lũ ngư-ông quảy cá qua cầu.
Cỏ cây xanh ngắt một mầu,
Núi trước núi sau mình ở giữa.

Đoàn mục-thụ 6 bóng chiều vừa ngả,
Dắt trâu về lả-tả đầu ghềnh.
Trong hang sâu thăm-thẳm một mình,
Thế mới biết « sơn thủy hữu tình » là chốn ấy.
Dừng chèo lại, càng trông càng thấy:
Núi mờ xanh từng dẫy ngất non thiêng.
Kìa núi , núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng 7,
Chưa qua núi lại đò nghiêng bên cạnh núi.
Thoạt trông thấy biết đâu mà hỏi,
Cầu đăng tiên nọ lối đăng doanh,
Gót (chân) in đá biếc xanh xanh,
Lòng trần tục bỗng không thanh-thảnh nhẹ.
Cao chót-vót một tòa cổ-sái 8,
Ấy chi chi nọ trái Thiên-trù 9.
Trăng trong gió mát một bầu,
Ngắm phong cảnh bồng-hồ 10 đâu đó tá.
Động-đào đã giang tay mở khóa,
Càng nhìn lâu càng rõ càng xinh.
Cây xanh xanh mà lá cũng xanh xanh,
Dưới (xuống) một núi lại trèo quanh một núi.
Nước công đức trong ngần không chút bụi,
Đường lên tiên đây là suối Giải-oan 11.
Thảnh-thơi bạch thạch thanh tuyền,
Thế mới biết thiên tiên là diệu thú.[1]
Thơ rằng: Bộc bố khê lưu sơn diệc (dục) vũ,
         瀑 布 溪 流 山 亦 (欲) 舞
Nhân thanh cốc ứng thạch năng ngôn 12.
         人 聲 谷 應 石 能 言
Trông lên trời nhỏ con con,
Mình ta đã lon-chon trên đỉnh núi!
Đứng núi nọ tưởng núi kia là cuối,
Bước chân lên đường núi vẫn không cùng.
Trèo qua một dịp chấn-song 13,

Đấy mới biết (thực) quần phong chi đệ nhất 14.
Niệm nam-vô-a-di-đà-phật,
Mảng vui chơi quên mất (phất) đường xa.
Quả mơ non với nước mơ (mai) già 15,
Trong chân cảnh nhìn (ngoài) ra chân vị.
Trong bụi rậm đàn chim thủ-thỉ,
Dưới rừng xanh mấy chị tìm mơ;
Lá vàng man-mác ngẩn-ngơ,
Tam quan đã tờ mờ đâu đó phải.
Chân bước đi mặt còn ngỏanh lại,
Ước gì đường dài mãi thì hay.
Nào ngờ tiên lĩnh trời xây,
Lối vào đã vén mây trông rõ.
Vạn trạng thiên hình vô số,
Vẫn hãy còn giấc ngủ lơ-mơ.
Xanh như mây mà đá trơ trơ,
Trên vách phấn tờ-mờ treo giá áo 16.
Này « kho tiền », này « kho bạc » này « buồng tầm » này « lẫm gạo » 17,
Phật Quan-Âm 18 thiên-tạo một tòa.
Bốn bề như gấm như hoa,
Đố ai lấy nhân-công mà vẽ được?
Dưới cầu bạch trong veo dòng nước,
Núi bình-phong đứng trước phật-đình.
Chim gõ mõ, vượn tụng kinh,
Giục lòng khách năm canh chải-chuốt[2].
Dục đáo Hương-sơn bất khả ước 19,
Khen cho ai biết trước cũng là tiên.
Ai ơi! chẳng đến cũng hèn!

Vũ-phạm-Hàm

Ông người làng Đốn-thư, huyện Thanh-oai, tỉnh Hà-đông, đậu Thám-hoa niên-hiệu Thành-Thái, mới mất được mấy năm nay.

CHÚ THÍCH. — 1. Là những chốn tiên-cảnh, thường nói trong sách Tàu. — 2. Hai câu này ý nói: cứ gì phải cầu kỳ những chốn thần tiên ở đâu xa, ngay chỗ động Hương-tích ở đất nước nhà là nơi rừng núi nhỏ mà phong cảnh đẹp lạ. — 3. Tức là bến Đục-khê, lên đấy rồi xuống đò suối vào chùa. — 4. Đầy mắt những mây cùng núi. — 5. Tích cũ: Cuối đời Tấn bên Tàu có một người đi đánh cá đi vào một cái suối hoa-đào (đào-nguyên), vào mãi hóa ra chốn động tiên: đây ý nói phong-cảnh đẹp như chốn động tiên. — 6. Bọn chăn trâu. — 7. Người ta nhân các quả (trái) núi hơi phảng-phất như hình con gà, con voi, cái trống, cái chiêng, mà đặt các tên ấy. — 8. Là chốn phong-cảnh sầm-uất có tiếng đã lâu. — 9. Xem câu chú-thích (9) ở bài trên. — 10. Là chốn đẹp-đẽ như nơi tiên ở. — 11. Xem câu chú-thích (8) ở bài trên. — 12. Nghĩa là: cái thác nước tự trong khe chảy ra, trông hình như núi cũng múa; tiếng người nói trong hang vang lại, tưởng chừng như đá biết nói. — 13. Lối vào động có một chỗ đường cao lắm mà giốc lắm, gọi là chấn song. — 14. Quả cao nhất trong các quả núi. — 15. Chỗ chùa Hương sản mơ, khách trẩy chùa thường ăn quả mơ và uống nước nấu gỗ mơ. — 16. « Giá áo » hay « mắc áo » là tên người ta thường gọi những thạch-nhũ dủ xuống ở trong động. — 17. Người ta theo hình dáng các tảng đá ở trong động mà đặt các tên này. — 18. Động Hương-tích tục truyền là chỗ hóa thân của đức Phật-Bà Quan-Âm. — 19. 欲 到 香 山 不 可 約 muốn đến chùa Hương không thể ước trước được.

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Bài này tác-giả cốt tả cảnh gì? Có thể chia ra làm mấy đoạn? Tác-giả theo thứ tự nào để tả các phong-cảnh vào chùa Hương?

2. Phong-cảnh chùa Hương có vẻ gì đặc-sắc?

3. Tự bến đò Đục đến Chùa-ngoài phong-cảnh thế nào? — Các quả núi có tiếng là những quả nào? Tại sao người ta đặt tên các quả núi thế? Sự đặt tên ấy đối với trí tưởng-tượng của người ta có ảnh-hưởng gì không? — Phong-cảnh chỗ Chùa-ngoài thế nào?

4. Tự Chùa-ngoài vào Chùa-trong có những nơi nào có tiếng? Lối vào Chùa-trong có khó đi không?

5. Cảnh-tượng trong động thế nào?

6. Trong bài này tác-giả có ý ví cảnh chùa Hương như cảnh gì? Cảm-tưởng của tác-giả khi trẩy chùa thế nào?

Lời văn — 1. Người tai mắt: đây nghĩa là gì? Cách dùng chữ thế gọi là gì? — Tục: nghĩa ở đây. — Mặt trời gác bóng: cắt nghĩa rõ câu ấy — Tản vân, thủy để, tiều-tử, ngư-ông: nghĩa. — Núi trước núi sau... tại sao vậy? — Lả-tả: ý nói gì? — Sơn thủy hữu tình: nghĩa. — Chưa qua núi lại... tại sao vậy? — Đăng tiên, đăng doanh: nghĩa; tại sao đặt những tên ấy? — Động đào: nghĩa đen, nghĩa bóng. — Giang tay mở khóa: ý nói gì? — Nước công đức: tại sao gọi thế? — Đứng núi nọ tưởng... vẫn không cùng: tại sao vậy. — Chân cảnh, chân vị: nghĩa. — Tiên lĩnh: nghĩa đen; đây chỉ gì? — Giấc ngủ lơ-mơ: ý nói gì? — Như gấm như hoa: ý nói gì? — Chim gõ mõ, vượn tụng kinh: đây nói việc gì? — Dục đáo Hương-sơn....: nghĩa; tại sao vạy?

2. Nhặt những chữ tác-giả dùng để sánh cảnh chùa Hương với cảnh tiên. Cách so sánh ấy có thích hợp không? Tại sao? Giọng văn bài này có đặc-sắc gì? Nhặt những tiếng rắp đôi làm cho âm điệu bài ca này được êm đềm và nói qua về công dụng những tiếng ấy trong văn ta thứ nhất về việc hình-dung các cảnh-sắc.

3. Bài ca này về thể nào? Xét qua về cách đặt câu hạ vần của bài này.


   




Chú thích

  1. Có bản chép: Thế mới biết thần-tiên chi diệu thú.
  2. Có bản chép nối thêm mấy câu này:
    Chữ rằng: « Nam-thiên chi đệ nhất ».
    Bút anh-hùng có thật không sai.
    Cảnh tiên nào có riêng ai,
    Hễ ai hết tội trần-ai thời đến được.