Quốc văn trích diễm/89

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
89 — Thương ghét về việc đời của Nguyễn Đình Chiểu

89 — THƯƠNG GHÉT VỀ VIỆC ĐỜI

(Lời của một ông chủ quán hay chữ nói)

TIỂU DẪN. — Đoạn này là lúc Lục-vân-Tiên đã đến kinh-đô vào nghỉ trong quán trọ cùng với anh em bàn sách vở bàn văn thơ. Ông chủ quán vốn hay chữ, nhân thế cũng bàn luận các việc trong kinh sử. Đoạn này thật là một bài hợp thái về các điển-tích trong sách chữ nho.

Quán rằng: « Ghét việc tầm phào,
« Ghét cay ghét đắng ghét vào tới tâm.
« Ghét đời Kiệt, Trụ 1 mê dâm,
« Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
« Ghét đời U, Lệ 2 đa đoan,
« Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.
« Ghét đời Ngũ-Bá 3 phân-vân,
« Loạn-thần đa tiến nhân-dân nhọc-nhằn.
« Ghét đời Thúc-Quí 4 phân băng,
« Sớm hòa tối đánh lang-quàng rối dân.
« Thương là thương đức Thánh-nhân,
« Bị vì Tống, Vệ; Khuông, Trần tuyệt lương 5.
« Thương thày Nhan-Tử 6 dở-dang,
« Ba mươi mốt tuổi tiếc đường công-danh.
« Thương ông Gia-Cát 7 tài lành,
« Gặp cơn Hán mạt chịu đành tam-phân,

Thương thày Đổng-Tử 8 tinh-thần,
« Chí cao như thế tiếc phần không ngôi.
« Thương người Nghiêm-Lượng 9 ngùi-ngùi,
« Đã hay dẹp nước lại lui về cày.
« Thương ông Hàn-Dũ 10 chẳng may,
« Sớm dâng lời biểu, tối đầy đi xa.
« Thương thày Liêm, Lạc 11 mới ra,
« Gặp đời loạn phải về nhà dạy dân.
« Xem qua kinh sử mấy lần,
« Nửa thương nửa ghét tâm-thần vẩn-vương! »
Trực rằng: « Chùa đất phật vàng,
« Ai hay trong quán ẩn tàng kinh-luân.
« Thương dân sao chẳng lập thân,
« Đang khi nắng hạ, toan phần làm mưa 12? »
Quán rằng: « Nghiêu, Thuấn 13 thuở xưa,
« Khó ngăn Sào-Phủ 14, khôn ngừa Hứa-Do 15.
« Di, Tề 16 chẳng khứng giúp Châu,
« Núi non ẩn mặt, công hầu lảng tai.
« Ông Y, ông Phó 17 cao tài,
« Kẻ cày người cuốc đoái hoài chi đâu.
« Thái-công 18 xưa một cần câu,
« Sớm hôm sông Vị mặc dầu vui chơi;
« Nghiêm-Lăng 19 cũng bực cao tài,
« Áo tơi một mảnh lặng ngồi thả câu;
« Trần-Đoàn 20 tiên phẩm khác mầu,
« Gió trăng bỡn cợt vương hầu chiêm bao.
« Người nay có khác xưa nào,
« Muốn ra ai cấm, muốn vào ai ngăn? »

CHÚ THÍCH. — 1. Kiệt là ông vua cuối cùng nhà Hạ bên Tàu; Trụ là ông vua cuối cùng nhà Thương; là hai ông vua dâm ác. — 2. U, Lệ là hai ông vua dở về đời nhà Chu. — 3. Đời Ngũ-Bá về cuối đời nhà Chu, vì quyền thế nhà vua đã suy nên năm nước mạnh tranh đánh nhau mà chiếm lấy bá-quyền. — 4. Đời Thúc-Quí về cuối đời nhà Đường bên Tàu, năm họ tranh cướp lẫn nhau, là một hồi nước Tàu nhiễu loạn lắm. — 5. Đây là nói về đức Khổng-Tử lúc đi chơi các nước chư-hầu gặp nhiều hồi gian-truân: bị vi Tống, Vệ là phải vây ở nước Tống nước Vệ; Khuông, Trần tuyệt lương là hết lương ăn ở nước Khuông nước Trần. — 6. Nhan-Tử (tức Nhan-Uyên) là người học-trò giỏi nhất của đức Khổng, chả may mất sớm. — 7. Tức là ông Gia-cát-Lượng là một ông tướng giỏi giúp ông Lưu-Bị nước Thục về đời Tam-quốc nhưng không thành công. — 8. Tức là ông Đổng-trọng-Thư, ở đời vua Hán Vũ-đế, đối sách bài « Thiên nhân tam sách » đỗ đầu, nhưng sau vua không biết dùng. — 9. Tức là Dữu-nguyên-Lượng giúp nhà Tấn nhất thống được thiên-hạ sau phải bãi chức về nhà cày ruộng. — 10. Ông Hàn-Dũ là một nhà đại văn-học đời Đường dâng biểu can vua, phải giáng chức ra làm quan ở ngoài. — 11. Tên hai con sông ở chỗ quê ông Chu ông Trình (nên gọi ông Chu là thầy Liêm, ông Trình là thầy Lạc); hai ông ở về cuối đời Tống, trong nước loạn-lạc không muốn làm quan, mới về nhà dạy học. — 12. Ý nói: đương khi trong nước có việc sao không ra giúp nước. — 13. Là tên hai ông thánh-quân bên Tàu đời xưa; Đường, Ngu là họ hai ông vua ấy. — 14 và 15. Sào-Phủ, Hứa-Do là hai người hiền-nhân đời xưa, một người vua Nghiêu truyền ngôi cho, một người vua Thuấn truyền cho, đều không chịu, ở nhà cày cấy làm ăn. — 16. Di là Bá-Di, Tề là Thúc-Tề: hai ông đều là bày tôi nhà Thương; đến khi nhà Thương mất nước, không chịu làm quan với nhà Chu, vào ẩn trong núi. — 17. Y là Y-Doãn, Phó là Phó-Duyệt, đều là bực đại-tài về đời Tam-đại (Hạ, Thương, Chu) mà không chịu ra làm quan, ở nhà cày cuốc. — 18. Tức là ông Lã-Vọng lúc chưa gặp vua Chu Văn-vương là ông vua hiền, thường câu cá trên sông Vị. — 19. Tức là ông Nghiêm-tử-Lăng (xem câu chú-thích (5) ở trang 15). — 20. Trần-Đoàn ở đời nhà Tống có phép tiên biết việc sau, nhưng không chịu ra giúp nước, vào ẩn trong núi.