Bước tới nội dung

Qua sông

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Qua sông
của Khuất Nguyên, do Phan Kế Bính dịch

Ta thủa nhỏ ưa mặc đồ lạ hề[1]
Tuổi đã già mà chưa thôi.
Đeo gươm dài chi[2] lấp lánh hề,
Đội mũ « thiết-vân » chi cao lồi.
Châu « minh-nguyệt » hề ta đeo,
Ngọc « bảo-lộ » hề ta có.
Đời đục vẩn mà không ai biết ta hề,
Ta cứ ruổi mau mà chẳng ngó.
Cưỡi con « thanh cầu » hề kèm con « bạch-ly ».
Ta cùng với ông « Trùng-hoa »[3] hề chơi ở « Dao-phố »!
Trèo lên núi Côn-lôn hề,
Ăn cánh hoa tươi,
Sánh tuổi thọ với trời đất hề,
Tranh sáng cùng mặt trăng mặt trời!

Thương dân mọi chi không biết ta hề.
Sớm mai ta sẽ vượt sông « Tương »,
Đứng bên « Ngạc » mà quay đầu trông lại hề.
Ào ào nổi tiếng gió chi bi thương.
Ruổi ngựa ta hề chốn « Sơn-cao »,
Đậu xe ta hề đất « Phương-lâm ».
Bơi chiếc thuyền hề lên sông « Nguyên ».
Đều tay chèo hề sóng vỗ rầm.
Thuyền lững thững mà không đi hề,
Nước chẩy quanh nên khó sang.
Sớm đi từ « Uổng-chử » hề,
Chiều nằm ở « Thần-thang ».
Nếu bộng ta chi ngay thẳng hề,
Dù xa quạnh có hà phương.
Vào bến « Tự » ta còn dùng dằng hề,
Ta chưa biết ở vào đâu.
Rừng sâu thẳm chi tối mò hề,
Toàn là hang vượn cùng hang hầu,
Núi các vọi chi ngất trời hề,
Dưới ũm thũm mà mưa dầu.
Tuyết tơi bời chi khắp gần xa hề,
Mây đùn đùn mà kéo mau.
Thương cái sống của ta chi buồn bực hề,
Một mình ở trong núi sâu.
Ta không hay đổi lòng mà theo tục hề,
Đành ta trọn đời mà đeo sầu.
Kìa « Tang-Hộ »[4] còn phải đi trần hề,
« Tiếp-Dư »[4] còn phải tội gọt đầu.
Người trung đã chắc gì được dùng hề.
Người hiền đã hẳn gì ai cầu.
Người xưa mà còn như thế hề,
Ta còn oán gì người sau.
Ta cứ vững một lòng mà giữ đạo hề,
Thôi chẳng quản gì buồn rầu!

   




Chú thích

  1. Chữ « hề » là một tiếng đệm câu.
  2. Chữ « chi » là một tiếng đưa lời.
  3. Trùng-hoa và vua Đế-Thuấn.
  4. a ă Tang-Hộ, Tiếp-Dư là hai người hiền đời xưa.