Sống mãi với Thủ Đô/Chương 20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Hai tay đút vào túi quần, phu-la che kín miệng, một nửa vắt sang sau lưng, êm dịu vì sức nóng của len và hơi thở, Trần Văn rảo bước đi từ phố Huế về. Anh liếc nhìn vào trong trại Vệ quốc đoàn, thấy giữa cái sân rộng, bộ đội đứng nghiêm trước cờ nghe một cấp chỉ huy nói gì, chắc là dặn dò một lần cuối cùng, hoặc là cùng anh em tuyên thệ. Tất cả như đã tề tựu cả rồi. Anh đi gần như chạy. Trụ sở Quân uỷ hội vẫn có bộ đội gác, nhưng sao nó lạnh lẽo và bí mật. Ông Võ Nguyên Giáp chắc không còn ở trong ấy nữa. Trần Văn nghe mang máng trong một cuộc hội kiến chớp nhoáng, ông đã bác cái tối hậu thư trịch thượng của Moóc-li-e. Bên kia đường. toà báo Sao vàng của Cục Chính trị, một cơ quan mới lạ đối với Trần Văn, cũng đóng cửa rồi. Phố không còn một bóng người đi bộ. Những cột trắng của cái hàng hiên nhà Gô-đa kéo dài trong vắng lặng. Mới quá trưa mà như đã sắp tối, buồn tênh như buổi chợ chiều trong nắng quái. Gió ở Hồ Gươm táp vào mặt Trần Văn lạnh giá, bộ quần áo len của anh như không còn đủ sức ấm nữa. Anh cảm thấy một sự trơ trọi hãi hùng, giữa cái thành phố vẫn là của anh. Gần đến phố Tràng Tiền, anh nơm nớp, lấm lét.

Anh đến phố Huế để hỏi một anh bạn mới ở quê ra về tin tức mẹ. Anh không dám đi xe đạp vì sợ xe Pháp chèn – từ sáng đến giờ xảy ra bốn năm vụ liên tiếp. Mẹ anh đã yên trí ở nhà quê rồi, dặn anh dừng lo gì cả. Tay anh nấm chặt trong túi quần âm ấm cái lá thư chỉ vắn tắt có mấy dòng, mà lại do người khác viết giúp. Anh nao nao nhớ mẹ và ghét Liêm, người anh tri huyện.

Gần đến nhà bào chế Sát-xa-nhơ, anh lùi lại. Một đoàn xe Pháp phóng trên phố Hàng Khay, những băng súng liên thanh oằn oại như những con rắn độc.

Trần Văn nép vào một cái cổng để ngỏ, đợi cho đoàn xe đi hết. Một thanh niên ria Mỹ, đầu chải bóng, sơ-mi cổ cứng, thắt nơ đen, mặc xi-mô-kinh, tươi cười và lịch sự chìa tay ra bắt tay anh. Anh ngơ ngác vì không quen biết người ấy bao giờ. Nhưng anh cũng bắt tay và nói:

- Xin lỗi ông. Có lẽ ông nhầm.

Người thanh niên nói:

- Tôi xin lối ông mới phải. Tôi không nhầm, vì ông đúng là người Hà Nội thứ năm đi qua nhà tôi trong cái buồi chiều rất buồn này. Hiện trong nhà tôi có ba ông cũng không quen biết tôi như hai chúng ta đây. Chiều nay tôi làm một bữa tiệc để mời bất cứ người Hà Nội nào còn gặp được. Không nhiều đâu, chỉ mấy người thôi. Tôi sợ đông, vì đám đông là cùng nghĩa với vô vị. Nếu ông không ngại số lẻ thì tôi rất sung sướng được ông nhận lời vào ăn tiệc với tôi. Bình thường thì phải là số chẵn đấy, nhưng chúng ta đang sống những giờ phút không bình thường, vì thế tôi cố ý làm một bữa cơm năm người ăn. Ông không từ chối chứ?

Nói xong, Tân – vì đấy chính là Tân, – né mình sang một bên cửa, cúi rạp xuống như một anh bồi chào khách và mời Trần Văn vào. Trần Văn rất lấy làm lạ, không hiểu cái anh chàng lập dị và kiểu cách này là người thế nào. Anh định xin lỗi để đi, vả anh cũng đang nóng lòng về. Tân biết ý nói:

- Tôi có thể lấy danh dự của một người Hâ Nội mà nói với ông rằng đây chỉ là một bữa tiệc. Sao lúc này người Hà Nội lại có thể dè dặt với nhau? Dè dặt với nhau là một tội lớn đối với Hà Nội của chúng ta. Những người Hà Nội trong nhà đang chờ, xin mời ông vui lòng vào cho.

Tuy là người Hà Nội nhưng Trần Văn ít giao thiệp, không quen biết ai ngoài mẹ và một số bạn thân. Chưa bao giờ anh đứng trước một người ngông ngông, gàn gàn, lố bịch như thế. Thấy Tân khẩn khoản, vả tính vốn cả nể, anh mỉm cười bước vào, định bụng sẽ ra ngay. Tân mời anh đi trước, và nghiêng mình:

- Xin cảm ơn ông.

Trong phòng ăn đã có ba người, thanh niên cả. Họ đang ngồi ở một bộ xa-lông nhỏ, thấp, hút thuốc lá và cắn hạt dưa. Giữa phòng là cái bàn ăn không to lắm, hình chữ nhật, phủ khăn bàn trắng, xanh dịu dưới ánh đèn nê-ông. Chung quanh là năm cái ghế đệm da, một ở đầu bàn, bốn ở hai bên đối diện.Trên bàn, trước mỗi chỗ ngồi đã bày sẵn cốc đĩa, bát mẫu, chén để đựng đồ chấm, khăn ăn, một tập giấy xốp để lau, và một tờ thực đơn viết tay. Giữa bàn, mấy chai vang đỏ, vang trắng. Bình hoa cúc vàng. Vịt nước mắm, lọ dưa góp, đĩa bày ớt và những miếng chanh đã bổ. Hai đĩa nem chua xếp có ngọn. Kề bên cửa sổ, một cái bàn cũng phủ khăn trắng. Một bên: cũng vẫn rượu vang, bộ pha cà phê, và một cái đĩa pha lê có chân đựng táo cam, chuối. Một bên: những bát thang, bún và miến với thịt gà xé rối, thịt lợn băm nhỏ, giò và trứng rán mỏng thái rối, những khoanh trứng luộc đỏ tươi…

Ba người khách thấy Trần Văn vào thì đứng dậy. Một người kéo anh đến ngồi chung, rót nước chè mời, hương sen thoang thoảng. Họ cũng mới quen nhau, và đang nói chuyện tình hình Hà Nội. Tân xin lỗi mọi người xuống bếp chỉ cách có một cái sân nhỏ, một lúc trở lên. Anh tươi cười mời khách vào bàn. Liếc nhìn cái thực đơn, Trần Văn thấy kê: nem chua, chim quay, vịt hầm, thang, thịt gà luộc, cơm, tráng miệng cà phê…

Sau khi đi vòng rót rượu cho từng người, Tân đứng trước cái ghế chủ nhà, hai tay tì xuống bàn, nói giọng nghiêm trang không hợp với cái mặt còn non choẹt không đứng đắn:

- Thưa các bạn, bữa tiệc này tôi làm từ trưa sau khi chia tay với một người bạn thân nhất trong đời. Chính tay tôi làm những món ăn này, không phải vì tôi không tin vào thằng bếp già của tôi, nhưng là để tỏ cái lòng thành của tôi đối với Hà Nội. và cũng để cho lòng nó khuây khoả chút ít vì lúc này buồn, buồn ghê lắm. Việc của thằng bếp bây giờ chỉ là hầu chúng ta thôi. Hôm nay, Hà Nội thiếu rất nhiều thứ, nên bữa cơm này không làm được theo ý muốn, xin các bạn bỏ quá đi cho. Các bạn cũng không nỡ trách vì chúng ta gặp nhau ở đây mới lần đầu và rất có thể là lần cuối cùng. Tôi không mời một người nào quen cả, vì quen thì hay trơ. Chúng ta chỉ là những người tình cờ gặp nhau trong một lát, rồi chia tay nhau mỗi người một ngả, có khi là ngả sống, cũng có khi là ngả chết. Cái may mắn cho tôi là còn dược gặp các bạn. Tôi cứ tưởng rằng chẳng còn ai nữa kia đấy. Tôi đã định nếu không có ai, thì tôi huỷ bữa tiệc này, và chỉ ăn một bữa cơm thường Xin cảm ơn các bạn. Bây giờ thì thế nào. Chúng ta không cần biết tên tuổi, nghề nghiệp, gia đình của nhau làm gì. Cần gì phải biết anh đang làm tự vệ hay sắp tản cư, anh là Việt Minh hay là Quốc dân đảng, cộng sản hay quốc gia, anh đã có vợ hay chưa bị bó buộc, anh đang lo vì tình hình hay nhởn nhơ với nó, anh lạc quan hay bi quan, anh muốn sống hay muốn chết? Tất cả những cái đó không cần biết, biết chỉ thêm buồn, mà cãi nhau thì khổ lắm. Chúng ta chỉ cần biết rằng lúc này – Tân xem đồng hồ – là năm giờ mười lăm, có năm người Hà Nội còn sống, rất hay, toàn con số năm cả, năm người cùng họp với nhau, cùng ăn với nhau, ngay trên đất Hà Nội. ở cái phố Hàng Bài vắng ngắt này, trong khi ở phố Tràng Tiền bên trái, đường Trần Hưng Đạo bên phải, xe Pháp đang chạy ầm ầm, trong khi ở ngoài kia rất lạnh, mà trong này còn ấm cúng. Để rồi chúng ta chia tay nhau, như là đã không biết nhau, như những người khách qua đường, để rồi ngày mai chiến tranh hay hoà bình, không biết nữa…

Tân cầm cốc nâng lên:

- Còn gì sung sướng bằng, nếu nhân loại không phải giết nhau. Bây giờ thì mời các bạn nâng cốc, rồi chúng ta sẽ uống, uống thật say, và quên hết sự đời.

Họ chạm cốc nhau và bữa tiệc bắt đầu. Tân nốc một hơi hết cốc rượu, rồi rót luôn cốc khác. Anh nói:

- Tất cả những chai rượu đây là để thết các bạn. Nút đã mở sẵn. Các bạn cứ tự ý rót, hoàn toàn tự do. Uống bằng hết. Không uống hết thì ta đổ đi. Bởi vì ngày mai, và có thể ngay lúc này, không có gì là chắc cả. Các món ăn, cũng gầy còm thôi, tôi sẽ đem hết lên đây, các bạn muốn ăn gì trước, muốn ăn gì sau, tuỳ hết. Bữa tiệc cuối cùng không có gì là gò bó như bữa tiệc ban đầu.

Tân xuống bếp. Bốn người nhìn nhau, bâng khuâng như trong cơn mê, tò mò như đi vào một xứ mới. Trần Văn hỏi:

- Các ông cũng không biết ông chủ là ai?

Người đã rót nước mời Trần Văn lúc mới vào, bây giờ ngồi trước mặt anh, nói như phân bua:

- Như ông cả thôi.

Đấy là một thanh niên trạc mười tám, mười chín, tóc hất ngược không chải kem nhưng trông như uốn, mắt một mí thỉnh thoảng liếc ngang rất lâu nhưng chẳng để nhìn ai. Đấy là Vũ Minh, một học sinh ở phố Nhà Thờ. Anh bỗng đưa một bàn tay lên xoa cổ, mặt quay đi, nói giọng khàn khàn:

- Quái dị!

Mọi người nén bụng, nhưng rồi cứ cúi mặt xuống mà cười rung. Vũ Minh thấy có người cười, mặt vẫn nghiêm trang, anh nói:

- Vào rồi, uống rồi. bây giờ tính cái chuyện ra mới khướt đây. Bái Công lạc vào Ba Thục.

Rất tề chỉnh, anh gắp dưa bỏ vào bát, cầm một cái nem chua dầm sâu vào bát nước chấm. Mồm anh nhồm nhoàm, anh nhai có vẻ suy nghĩ. Đang đà cười, lại nghe câu nói của anh nó đáp trúng cái tâm trạng của mình, mọi người lại rũ ra cười. Vũ Minh nói:

- Mời các bạn.

Lúc này thì ba người ngất đi trong một trận cười tưởng như không dứt được, người thì ôm bụng, người thì lau nưóc mắt, hễ nhìn nhau là lại tiếp tục cười. Trần Văn cười đau cả ruột. Anh vừa có cái thú muốn ở lại, vừa bứt rứt hối hận đã quá nể người. Ngồi bên anh là một thanh niên, trạc hăm hai hăm ba tuổi, tóc rẽ bên chải mượt, trắng trẻo, lịch sự, mặc một bộ quần áo màu xám sắt, kiểu cài cúc giữa, gi-lê phờ-la-nen trắng, có dây đồng hồ vàng vắt qua hai túi dưới. Hình như anh đã gặp người ấy ở đâu, chỉ có cảm giác là một tay ăn chơi thì phải. Đấy là nhạc sĩ Thu Phong. Trong lúc buồn rầu nhớ tiệm và dàn nhạc, anh thuê xe lần xuống Bạch Mai để hát cô đầu giải muộn và giối già. Gần đến ngoại ô, suýt bị lính mũ đỏ đi cướp giật bắt lên xe. Anh lẩn được và lộn về. Thu Phong đang đói nên Tân mời là vào ngay. Trước mặt anh là Ben-la, một chủ hiệu ảnh đi mua được mấy chục cuộn phim dự trữ để tính chuyện về quê làm ăn. Anh cũng trạc tuổi Thu Phong. Vẻ mặt nhạt nhẽo, tầm thường, không có cá tính. Anh đeo cái máy Kodak một bên, một bên là cái túi da đựng phim, sẵn sàng có gì là chạy. Tất cả bốn người, người nào cũng như tôn trọng cái đề nghị của ông chủ nhà kì dị, không ai tự giới thiệu với ai. Không ai muốn phá cái không khí bí mật, gần như hoang đường ấy.

Tân trở lên, cùng người bếp già khiêng một cái mâm lớn khói nghi ngút, bày la liệt lên bàn tất cả những món ăn đã ghi trong thực đơn. Anh nói:

- Các bạn có vui không? Nếu các bạn vui được trong độ một tiếng đồng hồ thì có lẽ tôi là người sung sướng nhất đời. Các bạn hãy quên hết đi, để mà sống cái thời khắc này.

Anh bảo người bếp đem cả hoả lò và nồi thang lên, để ngay gần bàn cửa sổ. Anh rót đầy cốc rượu của anh, lại chạm cốc với mọi người và nói:

- Bây giờ tôi không còn là chủ nữa. mà tất cả chúng ta là chủ cái bữa cơm này. Ai uống được rượu thì cứ uống, ai không uống được thì ăn, ai không muốn ăn thang thì ăn cơm, không ăn thang bún thì ăn thang miến, không ăn được mắm tôm thì ăn nước mắm, cà cuống tha hồ. Tôi không biết sau đây, còn có những cái này nữa không, cho nên chúng ta cứ tận hưởng đi. Chúng ta hoàn toàn tự do. Các bạn gọi tôi là ông cũng được, là anh cũng được, là thằng cũng được, hay chẳng gọi là gì càng hay. Mày tao chí tớ cũng được. Các bạn cho phép tôi cũng bừa bãi như thế. Không có ông, không có thằng gì nữa, chỉ có năm người Hà Nội uống rượu với nhau thôi!

Tân không mời ai nữa và chăm chú ăn uống. Thỉnh thoảng thấy thiếu một thứ gì lại chạy xuống bếp lấy lên. Mềm môi, thức ăn lại ngon, mọi người uống mãi. Và tiệc rượu kéo dài. Trần Văn như quên hết. Có lúc anh muốn cưỡng lại, nhưng rồi cứ đắm trong cái không khí lạ lùng này. Anh mong mỏi không có sự gì xảy ra. Anh tự hỏi: có phải như thế này mới thật là sống không?

Thu Phong chợt đưa ra một câu hoi như kéo mọi người trở lại cái thực tế tàn nhẫn:

- Vui như thế này có hay không? Sao lại cứ phải đánh nhau? Liệu có đánh nhau không? Trong một cuộc chiến tranh, người ngu không phải là người bị đánh mà là kẻ đi đánh.

Vũ Minh hỏi:

- Anh có muốn cái việc ấy xảy ra không?
- Anh trả lời trước đi.
- Lẽ cố nhiên là tôi không muốn. Tôi muốn nhà trường chứ không muốn chiến trường.

Trần Văn nói:

- Nhưng nó đánh mình thì sao?
- Thì kháng chiến. Thì theo Cụ Hồ kháng chiến.

Tân sắp uống, đặt cốc xuống bàn:

- Các bạn cứ hoàn toàn tự do. Ta nói chuyện đi, chuyện trời, chuyện đất, chuyên trai gái, chuyện dâm dục, chuyện chính trị, tha hồ. Miễn là tiệc của năm người Hà Nội không chết.

Vũ Minh đứng dậy, đi rót rượu cho cả mọi người, rồi trở về chỗ của mình. Anh nâng cốc:

- Chúng ta nâng cốc, phải vì cái gì chứ. Nâng cốc suông à?

Trần Văn giơ cao cốc:

- Đúng rồi. Chúng ta nâng cốc vì Tổ quốc, vì Cụ Hồ. Vận mạng của dân tộc chúng ta quyết định trong những ngày sắp tới, có khi ngay trong đêm nay. Sống chết vì Tổ quốc, sống chết vì Cụ Hồ, linh hồn của dân tộc. Người ta thường trách thanh niên chúng ta không có lí tưởng. Đây là lúc chúng ta có một lí tưởng để mà phụng thờ, để mà hi sinh. Chúng ta thường chỉ đuổi theo cái ăn cái mặc, lao tâm khổ tứ vì cái ăn cái mặc, cả cuộc đời rút lại chỉ là cái ăn cái mặc. Sống làm gì như cái cô tân thời ăn mặc sang trọng, ngồi trên xe tay nhà gọng đồng sáng loáng, đì chợ Đồng Xuân chỉ có một xu trong túi để mua đủ một mớ rau muống bỏ vào một cái quả sơn đậy kín rồi lên xe vênh mặt trở về? Lại có anh công tử một sơ-mi, hàng ngày chải đầu bóng mượt, thắng bộ quần áo bảnh bao đi diện phố, lậu vé xi-nê, rồi buổi tối về, chờ cho mọi người đi ngủ, mới cởi áo đem giặt, phơi phóng rồi nằm ngủ cởi trần, kết thúc một ngày vô lí. Kì khôi hơn nữa là cái anh chàng con một nhà giàu lớn ở Hàng Gai, mà chắc các bạn đều biết, mỗi buổi sáng chỉ có một việc là đánh bộ quần áo lụa có vẻ thư hương, diện đôi hài kinh, đi lượn quanh Bờ Hồ để được cười với một cô gái đẹp nào, và yên tâm trở về như đã làm được một kì công. Tôi đã từng trông thấy những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng, họ đem hành tây, họ đem trứng đi đến hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu, họ đòi ít ớt, họ xin ít nước béo, họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục, xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn, có khi còn khinh khỉnh với người khác không sành phở như họ nữa. Con người mà thế thì buồn lắm. Phải khác. Ngoài cái ăn cái mặc ra, còn phải suy nghĩ làm sao có thể giúp ích cho đời, phải có cái gì để lại, nó đánh dấu sự tồn tại của một con người, nó nâng con người lên trên cái ăn cái mặc. Đấy là lí tưởng, đấy là lí do sư có mặt của mình trên trái đất.

Trần Văn cảm thấy mình nói nhiều, nhưng cũng không hiểu rõ mình nói những gì. Đầu anh bốc lên, lưỡi như mềm ra. Anh trôi theo lời nói mà ngày thường anh hay đắn đo dè dặt. Tân chạm cốc với anh:

- Ông nói có những cái đúng, tuy rằng ông đã mắng chính tôi đây, vì tôi là cái hạng ăn phở ấy đấy. Nhưng không sao. Chúng ta hoàn toàn tự do.

Thu Phong đứng lên, mắt lườm lườm, đầu cúi xuống trịnh trọng:

- Xin lỗi ông anh. Các ông là những người thân nhất trong đời tôi rồi đấy, bởi vì bữa cơm này là một buổi gặp gỡ không thể quên được. Tôi nói thật bởi vì trong cái đời giang hồ của tôi, hết bar này đến bar khác, Pháp đánh cũng có, Nhật chửi cũng có, Tàu bợp tai cũng có, trong Nam ngoài Bắc, cả cái đất của thống chế họ Tưởng nữa, ở đâu cũng thế thôi, chưa bao giờ tôi được sống cái phút say sưa như thế này. Nhưng trước khi nâng cốc, tôi muốn hỏi ông bạn vừa nói, đã hi sinh thì còn gì nữa mà tồn tại? Ví dụ như tôi là nhạc sĩ, cái tồn tại của tôi là bản nhạc truyền đời này qua đời khác chứ gì, thế bây giờ tôi chết đi, mà không phải là trời bắt chết, thế thì tôi để lại cái gì?

Thấy tiệc rượu đã đi đến chỗ có thể xảy ra những sự đánh nhau to, vả cũng no say rồi, Ben-la giả làm bộ vội vã, cáo từ mọi người, hai tay giữ riệt lấy máy ảnh và túi phim, lạch bạch chuồn thẳng. Tân nói:

- Tôi không muốn giữ một người tầm thường. Vì bỏ dở tiệc là tầm thường. Thợ ảnh là tầm thường. Bữa tiệc chuyền sang số chẵn. Một điềm lành.

Trần Văn không đề ý đến người đi, tay run run chạm cốc với Thu Phong:

- Nếu lí tưởng mà đắn đo thì không còn là lí tưởng nữa. Trần Bình Trọng đắn đo thì đã chẳng tuyên bố: Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. Bernard Palissy mà đắn đo thì đã chẳng dỡ nhà cửa đồ đạc để đốt lò mà tìm ra men sứ. Cụ Hồ đắn đo thì đã chẳng hi sinh cả cuộc đời không vợ không con để sáng lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Vũ Minh nói:

- Rất đồng ý. Nâng cốc vì Tổ quốc, vì Cụ Hồ. Tôi cũng rất phục Cụ Hồ, hai tháng trước đây tôi đã làm hàng rào danh dự đón ông Cụ ở Pháp về. Nhưng xin nói thêm: nâng cốc vì thắng lợi nữa. Nếu có đánh nhau thì những người đã dự bữa tiệc này không ai chết. Ông này, xin lỗi ông, nếu là nhạc sĩ thì ông cứ làm nhạc, ông bạn vừa rồi thì cứ chụp ảnh, ông là gì tôi không rõ, thì cứ tiếp cái nghề của ông, và ông chủ, vâng xin lỗi, vẫn cứ phải gọi là ông chủ chứ biết gọi thế nào, sẽ có thể một ngày nào đó lại cho chúng ta ăn một bữa cơm no say như thế này. v.v…

Thu Phong hỏi:

- Còn anh?
- Theo ý kiến ông chủ xin giữ bí mật.

Mọi người cười ầm lên. Vũ Minh tiếp:

- Tại sao chúng ta không thắng lọi? Nếu đánh nhau, chúng ta sẽ làm nhanh hơn đêm Nhật đảo chính mồng chín tháng ba. Một đêm phải xong. Giặc chỉ đóng trong thành. Cả Hà Nội ta vây nó lại, nó chạy đi đâu? Chúng ta sẽ là những libérateurs de la capitale immortelle [1]

Trần Văn nâng cao cốc:

- Vậy thì vì Tổ quốc, vì Cụ Hồ, vì thắng lợi! Vì Hà Nội muôn thuở!

Thu Phong hỏi:

- Khoan đã. Một đêm không xong thì sao?

Vũ Minh hùng hồn:

- Thì thiêu đốt kinh thành ra tro. Thành La Mã đẹp là thế mà thằng bạo chúa Néron còn đốt trong một trận điên cuồng kia mà. Huống chi là cái thành phố cổ lỗ này, xấu xí và bẩn thỉu, vá víu và lai căng, bé bằng cái hổng mũi, trơ trẽn như một con đĩ, cái thành phố đầy những cai Công, cai Mơ, những J. Dod, Kính què, những mụ cai Đen, những mụ Bé Tý, những Đốc Sao, những Trịnh Thục Oanh, những Cả Vê, Hai Cua, còn gì nữa cái thành phố ấy, thì để làm gì mà không đốt nó đi để mà xây dựng một cái mới.

Trần Văn cãi:

- Hà Nội có chín trăm năm lịch sử. Ông nên nhớ cái vinh quang của Thăng Long, Đông Đô. Nó còn lâu đời hơn cái Paris lộng lẫy kia.
- Vì Paris lộng lẫy nên thằng Pháp không đánh đã hàng. Hà Nội xấu xí cho nên ta đốt nó đi và cùng với nó đốt luôn cả thằng Pháp. Để xem dân tộc Pháp anh hùng hay dân tộc Việt Nam anh hùng. Vậy thì nâng cốc vì Tổ quốc, vì Cụ Hồ, vì thắng lợi, vì sự tàn phá của Hà Nội. Không nên để Hà Nội làm gì. Hà Nội xấu, Hà Nội ô nhục…
- Chúng ta không nên nói thế
- Xin lỗi ông, đau lòng đấy, nhưng là sự thật. Hà Nội xấu lắm. Hà Nội không có Acropole, không có Arc de triomphe, không có Saint Pierre. Hà Nội nhục lắm. Đến cả cái đền Bạch Mã Hàng Buồm, thờ ông thành hoàng của chúng ta, mà cái tượng Mã Viện vẫn còn sờ sờ, vẫn có người lễ bái. Phát khóc lên được.
- Ông bất công đấy, ông bạn ạ.

Trần Văn vừa nói vừa đứng lên. Anh đã say lắm, người lảo đảo, tay run run cầm cốc:

- Hà Nội không xấu đâu, ông ạ. Hà Nội thiếu lâu đài nhưng không thiếu cảnh. Các cụ ngày xưa chả nói Hà Nội là đất của năm núi, hai mươi tám đảo, của Thăng Long, đại bát cảnh đấy ư? Ở trên thế giới đâu có Hồ Gươm, Hồ Tây ở giữa thủ đô. Ở đâu có con sông nước đỏ chảy qua? Ta đừng trách Hà Nội mà trách những kẻ làm xấu, làm hại Hà Nội. Tháp Đại thắng tư thiên đời Lý, có trụ đá, có tượng đồng, cao hàng mấy chục trượng. Tượng thì thằng Tàu đem đúc súng để đánh lại Bình Định Vương, trụ đá thì thằng Tây phá đi để xây dựng cái nhà thờ ở phố Nhà Thờ bây giờ.

Thu Phong nói:

- Hả. Thật à? Phố tôi đấy.
- Các cụ còn nói Hà Nội có Rừng bàng Yên Thái, hàng vạn cây bàng trên một ngọn đồi thoai thoải bên Hồ Tây, mùa hè thì xanh mát, mùa thu thì rực đỏ, lại có Bến trúc Nghi Tàm, hàng vạn cây trúc thân vàng soi bóng xuống nước hồ biếc, những cảnh thần tiên ấy, mà ông cha ta thường đến nghỉ mát ngâm thơ, thì thằng Lê Chiêu Thống phá đi để triệt mả chúa Trịnh. Đền Kính Thiên rất đẹp, thằng Gia Long đem vào Huế, sợ để Hà Nội đẹp hơn kinh đô của nó. Nếu những cái đó còn thì Hà Nội sẽ đẹp biết mấy. Tiếc vô cùng. Thế rồi đến Pháp, nó hoàn toàn biến cái Hà Nội thành một đất thực dân. Hà Nội mất mát nhiều rồi. Nhưng ta đừng trách nó. Nó vẫn còn đẹp với những con người lịch sự của nó.

Thu Phong đứng khum khum người, nắm tay Trần Văn:

- Đúng. Rất dúng. Ông uống với tôi một cốc. Hà Nội là đất lịch sự, rất có gu, rất tế nhị, từ cái ăn, cái nói, cái cách cư xử, đến cách ăn mặc của một người phụ nữ thủ đô.
- Và Hà Nội cũng không nhục đâu, ông ạ. Nó có Đống Đa, có Đông Kinh Nghĩa Thục. Muốn hay không muốn, nó vẫn là Thủ đô toàn quốc. Ông bạn trước mặt tôi, nếu ông đồng ý, ta uống cạn cốc rượu này.

Vũ Minh đứng dậy trong khi mọi người chăm chú nhìn Trần Văn, gật gù nghe những chuyện mà họ chưa biết bao giờ. Vũ Minh nâng cốc:

- Ông nói hay lắm. Tôi chắc ông là một nhà khảo cứu mà lại thiết tha. Cái đất khốn khổ này cần chúng ta hiểu thêm để yêu thêm. Nhưng bây giờ thì làm thế nào? Những cái đẹp của Hà Nội mất rồi? Còn tiếc gì nữa? Phá đi làm lại? Đồng ý không? Xin nâng cốc.

Trần Văn tặc lưỡi:

- Đồng ý. Nâng cốc.

Trần Văn nói nhưng không biết gì nữa, chỉ mang máng say sưa vì những lời anh vừa nói. Anh ngồi phịch xuống. Đũa anh quờ quạng gắp một miếng gì anh chẳng rõ, nhưng anh chỉ đặt vào bát chứ không ăn. Anh nghe Tân nói:

- Tôi cũng nâng cốc như các bạn, nhưng lại vì bữa tiệc của chúng ta kia. vì năm thằng thiếu một của chúng ta kia. Hà Nội xấu, Hà Nội đẹp, Hà Nội vinh quang, Hà Nội ô nhục, nghe được tất, nói được tất, miễn là bữa tiệc của người Hà Nội không chết. Bữa tiệc không chết, đấy là một thành công mà chúng ta cần nâng cốc mừng cho nhau lần nữa. Làm cho các bạn vui trong cái buổi chiều thảm của Hà Nội này, tôi đã không vô ích.

Họ lại uống. Tân vẫn tỉnh như sáo. Anh nói:

- Tôi sẽ rất sung sướng nếu tôi lại được thết các bạn hơn thế này, trong một ngày vui hơn. Cái ngày đó chúng ta sẽ hoàn toàn tự do, không ai nói chính trị, không ai nói quân sự, không ai nói đánh nhau, tất cả những cái vô lí ghê tởm đó đều là kẻ thù của một bữa tiệc vui. Nhưng hôm nay, trong lúc chúng ta không biết Hà Nội sẽ còn hay tan nát ra tro, các bạn hãy cứ vui đi, dù vừa rồi các bạn đã phải nói đến những điều thảm hại ấy.

Trần Văn đã gục xuống bàn. Anh chỉ nghe như họ từ biệt nhau, rồi như anh chủ nói bên tai mình:

- Ông xơi một bát thang cho tỉnh rượu. Nước dùng còn bỏng. Mắm tôm đây, cà cuống đây.

Trần Văn thấy mình ăn bát thang rất nóng, lại thấy có người giữ cho anh nôn tháo ra. Rồi anh thấy người chủ dắt anh đến cái chậu thau nước nóng, có xà phòng thơm, có khăn mặt bông. Như cái máy, anh rửa mặt. Có ai chùi cờ-ra-vát, chùi áo cho anh. Mang máng như người chủ nói:

- Cái nhà này từ hôm nay cũng không còn là của tôi nữa. Giường chiếu chăn màn đủ hết. Bạn có thể ở đây như chính ở nhà bạn.

Trần Văn hỏi:

- Mấy giờ rồi?
- Hơn sáu giờ. Trời tối và rét lắm.
- Sắp đánh nhau chưa? Xe nó chạy ầm ầm.
- Có gì đâu. Xe nó có bao giờ không chạy? Bạn cứ yên tâm. Ngủ đi thì vừa. Các bạn khác đã đi cả rồi. Cảm ơn những người bạn tôi không quen.
- Sáu giờ rồi à? Sao tôi lại ở đây lúc này? Cho tôi về.

Trần Văn không biết gì nữa. Chỉ như thấy có ai đỡ mình nằm xuống một cái giường rất êm, có cả mùi nước hoa và phấn, và đắp chăn bông lên mình. Bên ngoài gió thổi ào ào. Ôi cái thú ở trong nhà không phải đi đâu rét mướt. Một bàn tay giá lạnh nắm lấy bàn tay ấm của anh:

- Bonsoir! [2]

   




Chú thích

  1. Những người giải phóng Thủ đô bất tử
  2. xin chào!