Bước tới nội dung

Sống mãi với Thủ Đô/Chương 3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bầu trời Hà Nội đục nhờ nhờ.

Giá buốt. Tuy sáng đã lâu rồi, nhưng phố xá vẫn như mới thức. Trần Văn và Loan đứng ở vườn hoa Cửa Nam, nhìn những con đường Hàng Đẫy, Hàng Bông, Tràng Thi, Cột Cờ đổ lại. Văn nao nao nhớ cái buổi chiều mùa thu năm ngoái, khi anh cùng hàng vạn con người dự cuộc mít-tinh ở vườn hoa Ba Đình về qua đây. Tai anh còn văng vẳng những lời trong bản Tuyên ngôn Độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước một bể người cuồn cuộn, một rừng cờ rực đỏ. Ngai vàng của cái nhà Nguyễn ở Huế mà anh rất ghét đổ nhào. Xiềng xích của thực dân Pháp tan vỡ. Một chế độ mới mở ra. Trước đây, anh cứ nghĩ không biết đến bao giờ dân tộc Việt Nam mới ra khỏi vòng trói buộc. Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học nối tiếp nhau thất bại. Anh có ngờ đâu Cách mạng Tháng Tám nổ ra, nước Việt Nam nhỏ bé của anh ngang nhiên thành lập chế độ cộng hoà dân chủ đầu tiên ở châu Á, và chính anh lại được sống những ngày lớn lao ấy. Anh bàng hoàng như mê như say, mặt bừng bừng nóng. Anh nhảy nhót trên đường đầy ánh sáng của một mùa thu tuyệt đẹp. Anh ngẩng đầu ngắm lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ, nhìn vòm trời xanh lồng lộng. Cây cối hai bên đường reo vui. Chung quanh toàn là đồng bào của anh. Không còn bóng một thằng Pháp ngạo nghễ, hống hách. Anh yêu tất cả mọi người, và anh nói rất nhiều. Anh đi suốt từ Ba Đình về Nhà Hát Lớn, rồi lại từ Nhà Hát Lớn trở về Ba Đình. Anh ngẩng đầu đến mỏi cổ, chân anh bước đến long gối. Nhưng anh cứ đi và mãi không muốn trở về. Tất cả người Hà Nội đều đổ ra đường. Người không quen nhau cũng gật đầu chào hỏi. Tiệc mở linh đình ở hầu hết các nhà mà cánh cửa mở toang. Người ta như bừng tỉnh một giấc ngủ triền miên. Vui đẹp lạ lùng, là những con đường sạch bóng quân thống trị dưới bầu trời Tổ quốc trong lành.

Những ngày vui sao ngắn ngủi. Anh lại đang sống những ngày ngột ngạt, nặng nề. Con đường không còn thênh thang như cái ngày ấy nữa. Anh nhìn lên phía Cột Cờ, nơi quân Pháp đóng. Không thấy động tĩnh gì, nhưng nơi ấy trông rờn rợn, chứa đầy những bất trắc, gợi lên trong lòng người sự bực bội tự nhiên trước cái vô lí của một ranh giới giả tạo. Các phố khác thì lác đác vẫn có người, nhưng họ đi lẻ tẻ, âm thầm và như bị đè nặng xuống. Cái thành phố già nua của anh, trải qua nhiều tàn phá của gió bão, nhiều đổi thay của xã hội, đã hơn một lần có những buổi sáng như hôm nay, lúc mà những sinh hoạt đầy màu sắc của hè đường đột nhiên im ắng, thì cũng là lúc người dân mới chú ý tới và yêu thương thêm những mái nhà nho nhỏ, ép vào nhau, im lìm trên nền trời, kề bên những hàng cây um tùm, ủ rũ, thì thầm trong những suy nghĩ và đàm luận muôn đời, để chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên. Trần Văn nghĩ như vậy, và trong cái buổi sáng khô lạnh này, anh thấy các phố xá cũ kĩ, chen chúc, chẳng có gì đồ sộ, phủ một màu xám nham nhở, lại có cái đẹp riêng, sắt lại trong một vẻ buồn nghiêm nghị. Anh nắm tay Loan, nói:

- Hà Nội đẹp nhất những lúc đau khổ này, Loan có thấy không?

Loan vâng khe khẽ một cách lễ phép. Loan còn dè dặt, do cái thói quen của một người tỉnh nhỏ, và cũng do cái lòng tôn kính tự nhiên đối với thầy. Nhưng Loan vui lắm. Trần Văn sẽ giới thiệu anh vào tự vệ. Anh sẽ đến một nơi trung tâm của Hà Nội. Có những quãng đường qua lại ta thường chẳng để ý, nhưng khi ta đi để tới một nơi ta vừa mong muốn vừa ngại ngùng, ở đấy cuộc đời ta sẽ có nhiều cái khác trước, thì ta có cảm tưởng như con đường ấy mới mẻ, dài ra, có nhiều thứ như ta chưa trông thấy bao giờ.

Vườn hoa Cửa Nam có cái sạch sẽ mịn mát của mùa khô. Bên cái bệ còn lại của tượng đầm xoè, tượng trưng của thống trị, đã bị nhân dân quẳng đi hồi Nhật đảo chính, một đám người khá đông xúm quanh một anh thợ nặn. Một quang cảnh tưởng như không còn nữa giữa cái Hà Nội đã ngửi thấy mùi tanh giá của chiến tranh. Người dân Hà Nội, hiếu kì và khao khát cái vui, đứng xem như để quên những mối lo nghĩ. Mấy đứa trẻ con len dưới chân người lớn để vào gần. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng trầm trồ khen ngợi cái tài khéo của anh thợ, tưởng như Hà Nội vẫn còn đang thời bình.

Tất cả cửa hàng của anh thợ chỉ gồm có một chiếc bàn vuông, nhỏ, bẩn thỉu với những chiếc chén đựng bột dẻo đủ màu sắc hàng mã: xanh lơ, xanh lá cây, đỏ thắm, hồng, vàng, tím, đen, trắng… Chiếc bàn nhỏ, nhẹ và sơ sài, có thể lăn đi cùng đường phố Hà Nội, nay thềm nhà này, mai bờ đường khác, là sân khấu của những vị anh hùng Tam quốc, Tây du. Mỗi vị anh hùng lớn bằng một ngón tay cái, được cắm dựng đứng trên đầu một que nứa vót nhọn. Những Quan Công, Lưu Bị, Trư Bát Giới, xanh đỏ tím vàng, đứng xếp thành hàng trên quầy. Anh thợ thản nhiên trổ tài. Mười ngón tay dính bột đủ màu sắc, thoăn thoắt như một cái máy nhỏ, cứ năm, sáu phút tạo được một anh hùng. Nhân vật nào cũng khá tinh xảo, những bàn tay nhỏ xíu ngoắt ngược lên một cách rất tuồng, những cử chỉ đưa chân đá chiếc áo giáp, bộ râu đẹp của Quan Công…

Trần Văn đang đứng xem, quay ra thấy Loan có vẻ chăm chú theo dõi anh thợ nặn, anh nói:

- Loan là nhà thơ, có thấy anh thợ có tài không?

Loan tủm tỉm cười không nói. Nhưng anh đang theo đuổi những ý nghĩ riêng. Người thợ có hoa tay thật, nhưng anh ta nặn như một cái máy. Quan Công nào cũng như Quan Công nào, đều giống nhau và không có hồn, hôm nay và ngày mai cũng mãi mãi thế thôi, không có gì đổi thay, không có gì mới mẻ. Sự cần thiết kiếm tiền đã làm hại nhiều người. Nhiều cái tài đã bị vùi đi trong đói khổ và vô học. Loan rùng mình nghĩ đến cái giả thuyết thằng Pháp có thể trở lại. Cuộc đời lại hắt hủi con người như cũ, tài anh thợ nặn rồi cũng chẳng nhích thêm lên. Bao nhiêu những tinh hoa khôn khéo sẽ chết dần mòn.

Anh thợ nặn chào hỏi năm lần bảy lượt chẳng thấy ai mua, mặt anh ỉu xìu. Anh định đẩy xe đi.

Một tiếng gọi dịu dàng. Trần Văn quay lại. Một thiếu nữ gánh hai sọt hoa cúc vàng ở phía Tràng Thi bước tới. Anh nhận ra Nhân. Nhân nghiêng đầu sát đòn gánh, không nhìn anh và hỏi khẽ:

- Anh đi đâu sớm thế?
- Tôi ra ga tiễn đẻ tôi về quê.
- Thế ạ.

Nhân dùng dằng như nửa muốn đi nửa muốn đứng lại. Ấy là một cô con gái trạc mười chín đôi mươi, mặc theo lối phụ nữ ngoại thành. Khăn vuông đen quặt đằng sau, áo dài phin nâu mỏng hở cổ để lộ cái áo cánh trắng và cái áo len đan màu xanh. Hai ống tay chét lại, tất cả y phục đều lẳn vào người. Bàn tay trái vịn hờ vào đòn gánh bật nổi cái nhẫn hình trái tim. Trần Văn hỏi:

- Cô đi đâu?

Nhân vẫn không nhìn anh, tay trỏ ra phía đầu Hàng Bông, in hình một Vệ quốc quân im lìm đứng gác. Nhân nói:

- Chúng em góp tiền ủng hộ các anh bộ đội. Chốc nữa em cũng lại gặp chị Oanh.
- Tốt lắm. Cô đi nhé.

Hè năm ngoái, anh có lên chơi Ngọc Hà mấy ngày với một người bạn cũng dạy học tư, và là anh ruột Nhân. Khi ấy Nhân mới lớn lên. Sau khi anh về, Nhân có một hôm xuống chơi, tặng anh hoa. Từ đó thỉnh thoảng vẫn qua lại. Trong những ngày gần đây, Nhân thường có mặt khắp nơi trong Liên khu, rất hăng hái trong những cuộc vận động mùa đông binh sĩ, quyên tiền, quyên gạo, quyên thịt ủng hộ bộ đội. Những người bạn tự vệ của Trần Văn thường gọi Nhân là cô Ngọc Hà, cô mắt nhung. Có người còn nói là Nhân có cảm tình đặc biệt với Văn, nhưng anh gạt ngay đi để khỏi có những chuyện hiểu lầm không lợi cho Nhân. Thực tình, anh đã thờ ơ với chuyện đàn bà. Đối với Nhân, anh giũ nguyên thái độ và tình cảm của một người anh. Anh giục Nhân:

- Cô đi nhé. Hôm nào rỗi, tôi lên chơi anh Sửu, xem hoa đào ngày Tết.
- Anh em nhắc đến anh luôn. Anh Sửu em bây giờ cũng bận họp tự vệ lắm. Đi, chị đi.

Nhân quay lại nói với một người đàn bà dáng quê mùa đã đứng tuổi, đầu chít khăn trắng quặt ngang, tay dắt một đứa trẻ, trạc chín mười tuổi. Người đàn bà chào Văn, mặt buồn rười rượi. Chú bé cắp một cái cặp da cũ đựng đầy những báo Cứu quốc, Dân thanh, Dân mới. Nó đội một cái mũ dạ tàng, mặc một áo dạ tây con đã vá ở hai khuỷu tay, quần đùi ka-ki vàng rộng lùng thùng, thắt lưng da giấu một quả lựu dạn. Tuy nó ăn mặc lam lũ, nhưng mặt nó bầu bĩnh, trắng trẻo, trông có vẻ thông minh lanh lợi, làm cho người ta nghĩ đến những đứa con nhà giàu. Nhân nói:

- Thắng chào anh Văn đi.

Văn hỏi em bé:

-Thắng đi bán báo à?

Em bé ngẩng mặt nhìn Văn cười, hai má phính đều lúm đồng tiền. Không rụt rè, em nói:

- Hôm nay, em vào bộ đội.

Mặt nó vênh lên, vẻ quan trọng. Người mẹ rơm rớm nước mắt quay mặt đi. Nhân nói với Văn:

- Đây là chị họ em; chị em bán xôi chè ở Hàng Da. Anh em đóng giày ở phố Hà Trung. Năm ngoái, anh em vào bộ đội Nam Tiến. Tháng bảy vừa rồi thì nhận được tin anh em hi sinh ở Ban Mê Thuột.

Người mẹ lấy vạt áo lau nước mắt và kể lể:

- Thưa ông, cháu nhớ bố quá. Cứ thấy các anh bộ đội là sán đến, bán báo cho các anh. Các anh cũng mến cháu. Thế rồi cháu đòi ở lại với các anh. Tôi đến gọi, cháu nằng nặc không chịu về. Ông trung đội trưởng yêu cháu lắm, nhận cháu là em nuôi.

Thắng lườm mẹ:

- Anh Dân, u cứ gọi ông trung đội trưởng mãi.
- Anh với mày, chứ u gọi là anh thế nào được. Mày cứ cãi u thế. Nhà chỉ có một mẹ một con, nhưng cháu đòi đi quá, tôi đành phải chiều cháu. Hôm qua, đến xin các anh cho cháu về một buổi cho đỡ nhớ, hôm nay phải dẫn cháu đi ngay.

Trần Văn hỏi:

- Thắng không nhớ u ư?

Thắng nói:

- Em vào bộ đội thì cai báo không bắt nạt được em nữa. Đi u đi.

Trần Văn cúi xuống nhìn quả lựu đạn. Thắng cài khuy lại, thẹn thò vì đấy là quả lựu đạn giả. Người mẹ mỉm cười. Thắng khoe:

- Anh Dân làm cho em đấy. Anh ấy gấp cả thuyền cho em nữa.

Văn móc túi lấy tiền mua cho em mấy tờ báo. Thắng bỗng reo to một tiếng, quăng cả tiền xuống đất, chạy lại với một người mặt bộ quần áo tím như thợ ở đầu Tràng Thi tiến lại. Thắng ôm choàng lấy người ấy:

- Anh Dân ơi, u em dẫn em đến. U em bằng lòng rồi.

Một cái cười rộng, thật thà nở trên môi dày của người áo vải tím mà Thắng kêu là Dân. Anh bế xốc Thắng lên, và chỉ trong nháy mắt, Thắng đã ngồi trên vai Dân. Anh làm ra bộ khom khom lưng và nhăn mặt:

- Úi chà, nặng quá, nặng quá. Xuống ngay, xuống ngay.

Nhưng hai bàn tay rất to của anh vẫn nắm lấy hai chân Thắng buông thõng trước ngực. Anh công kênh Thắng tới trước người mẹ và nói, tiếng rất to:

-Chào bà. À, chào cả cô Nhân. Úi, hoa cúc đẹp quá.

Người mẹ bảo con:

- Xuống chứ con.

Thắng nhảy phóc từ trên lưng Dân xuống, quả lựu đạn giả văng ra. Dân nhặt lên, cười để lộ hai hàm răng trắng muốt. Anh giậm giậm chân, doạ Thắng:

- Này nó nổ. Này nó nổ.

Anh thọc bàn tay rất lớn vào túi Thắng đút quả lựu đạn, và nói:

- Phê bình đồng chí nhá. Thôi để yên nó trong ấy không nó chạy mất.

Tất cả mọi người ở vườn hoa đều nhìn Dân và cười ròn tan. Dân là một thanh niên trạc ngoài hai mươi tuổi, vai rộng, người lớn. Một pho tượng lực sĩ nước da đen hồng, khuôn mặt trái xoan, lưỡng quyền hơi cao, đường nét gãy gọn, không bị thịt mỡ làm cho thô và nặng. Toàn thể toát ra một con người khoẻ mạnh, thật thà, giản dị, điểm đôi chút phớt đời. Anh là một thợ nguội, vốn người ngoài bãi, trước làm công cho hãng A.V.I.A.T. rồi sang hãng S.T.A.I., rồi thoát li để vào tự vệ chiến đấu thành. Sau khi học ở trường quân chính Bắc Sơn ra, Dân được chuyển sang bộ đội và hiện làm trung đội trưởng Vệ quốc quân bảo vệ khu vực Cửa Nam. Vì ban ngày sợ lộ nên mấy đêm hôm nay, Dân đi suốt dọc đường Tràng Thi, Hàng Khay để khoan các thân cây hai bên đường chuẩn bị đặt mìn nếu xảy ra tác chiến, và cũng để kiểm soát những lỗ cây đã khoan, vì quân Pháp đã cho một bọn Việt gian đi lấp lại các lỗ. Người mẹ nói:

- Bố cháu mất rồi, cháu ở với các ông vậy, còn hơn để cháu ở nhà, tôi không trông nom được, cháu chỉ lêu lổng trèo me trèo sấu. Ở với các ông thì phải ngoan con nhớ.

Bà ta nắn lại cái mũ méo cho con :

- Trăm sự nhờ các ông. Bố cháu chỉ còn có nó.

Dân nói:

- Được ạ. Được ạ. Bà cứ yến tâm cho em Thắng ở đây. Anh ấy mất rồi, chúng tôi sẽ thay anh ấy bảo vệ em Thắng.

Trần Văn đưa tiền cho Thắng. Anh thợ nặn nói:

- Bà mua cho em một cái.

Anh nhổ một Quan Công chìa cho người mẹ:

- Quan ngài thì khước lắm. Đây, giống ngài như đúc. Mua cho em lấy may. Chả nói giấu gì bà, cũng là để kiếm ít tiền cho mẹ cháu về quê.

Dân hỏi:

- Thế còn ông?
- Cháu thì về thế nào. Phải ở lại chiến đấu chứ lị.
- Thế thì cho tôi một Quan ngài. Mặt đỏ râu dài, đẹp lắm, Thắng này.

Anh cầm cái tượng đưa cho Thắng, và lại cõng em lên vai, đi về trụ sở. Người mẹ và Nhân bước theo sau. Vóc người lực lưỡng của Dân nổi bật lên. Thấy người ta reo cười, anh lắc lư cái đầu thỉnh thoảng lại làm bộ suýt ngã. Một bà vừa cười vừa nói:

- Cái ông ấy đến hay.

Anh thơ nặn thu dọn đồ đạc và đẩy xe đi:

- Bộ đội lại chả vui. Không có bộ đội thì cũng chẳng bà con nào mua cho tôi lấy một cái. Các anh ấy tinh lắm, biết người biết của.
- Cái bà ấy gan quá, dám ủng hộ con cho bộ đội.

Anh thợ nặn đẩy xe đi, cái vườn hoa bỗng trở nên buồn tênh như sân đình dỡ rạp. Loan thấy thương người nghệ sĩ bình dân, và nhơ nhớ những trò vui đơn giản làm nhộn nhịp thêm, thân mật thêm những vườn hoa, những rìa hè, những đầu đường Hà Nội, đem lại chút giải trí cho những kẻ nghèo. Người ta ngơ ngác nhìn theo anh thợ nặn vô duyên, cái hình ảnh duy nhất còn lại của thời bình trong buổi sáng hôm nay. Một bà già nói:

- Khốn nạn, mua cho anh ta một cái thì phải.

Có những tiếng ầm ầm phía đường Cột Cờ đưa lại. Một đoàn xe gíp, háp-tờ-rắc tiến rầm rộ vào phố Tràng Thi. Một người đi xe đạp ở đầu phố bị một xe gíp thúc vào. Người ấy chỉ kịp nằm sóng xoài trên hè đường, lặng đi như một xác chết. Hết xe này đến xe khác lao đi chồm chồm, phố xá chung quanh rung chuyển, dọc đường Cột Cờ, Tràng Thi, bụi bốc như trong một cơn lốc rối mù. Xe chở toàn tụi Tây mũ đỏ, kèm theo mấy con nhà thổ, me tây lòe loẹt. Người ứ lại ở đầu phố Hàng Bông. Cả một đoàn xe điện chở đầy người tản cư cũng phải đỗ lại. Một thằng lính đội mũ sắt có dấu Cờ-roa đờ Lo-ren của quân Đờ Gôn ngang nhiên đứng ở ngã tư, ngăn không cho người qua lại.

Anh thợ nặn đứng sau lưng Trần Văn bật lên một tiếng chửi và nói một mình:

- Đánh Đức thua Đức, đánh Nhật thua Nhật, đánh đâu thua đấy, bắt nạt Việt Nam. Mẹ cha mày, bố mày cũng không dám đánh đêm.

Lời nói lỗ mãng nhưng dầy tự hào. Trần Văn quay lại cười, tỏ ý đồng tình. Đoàn xe vẫn rầm rầm đi, những thằng Tây đứng ngồi trên xe giơ lên những quả đấm doạ nạt. Văn nhìn con đường lúc này không còn là của anh nữa. Trống ngực anh đánh mạnh. Tay phải anh nắm chặt. Anh nói trong lòng: Không. Chúng mày sẽ không trở lại được đâu. Một người mẹ đã ủng hộ đứa con một của mình cho bộ đội. Những người học sinh lũ lượt xin vào tự vệ. Một anh thợ nặn bình thường cũng coi rẻ chúng mày. Với cái thái độ của một người chịu ảnh hưởng của nho giáo, thường coi khinh bạo lực, có thể đắc chí nhưng chỉ nhất thời, anh thấy mình cao hơn chúng nó. Dưới con mắt anh, bọn lính viễn chinh trông ngu độn và trẻ con một cách thảm hại. Anh bĩu môi, lẩm bẩm: Mọi bạo lực, mọi cường quyền mạnh đến như sấm như sét rồi cũng tan đi như bọt. Hạng Vũ, At-ti-la, Nã Phá Luân, Hít-le và Lơ-cờ-léc, tất cả, trước hay sau, chóng hay muộn, tất cả đều sụp đổ. Chỉ có nhân tâm là muôn thuở…