Bước tới nội dung

Sống mãi với Thủ Đô/Chương 9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
- Loan đi nhé. Loan có thấy vui không?
- Em vui lắm.
- Loan cố vẽ cho xong cái bản đồ. Bình thường thì đây không phải là việc của một người học sinh. Nhưng lúc này việc gì đến tay thì ta làm nấy. Chúng ta sẽ không ngần ngại một việc gì.
- Em không ngần ngại gì cả. Mấy hôm trước, em còn lo cho việc học của em, nhưng từ lúc đến đây, thì em yên trí lắm rồi. Em cũng cần nói rõ là em muốn cầm súng giết giặc, chứ không muốn làm cái công việc tuyên truyền viết lách. Nhưng lúc này, em vui vẻ nhận làm công việc này.

Trần Văn chìa tay nắm chặt bàn tay lạnh giá của Loan:

- Chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều. Loan khoẻ mạnh luôn nhé.

Loan quyến luyến không muốn chia tay. Anh muốn nói lên lòng biết ơn của mình đối với Trần Văn. Đến đây, không những Loan có một công tác nhất định, mà còn được yên tâm về mặt sinh kế. Thế là Loan được ở lại để góp phần của một người tỉnh nhỏ vào việc bào vệ cái thủ đô mà chỉ riêng cái tên cũng làm anh rung động. Nhưng anh vẫn thấy bịn rịn khi phải xa Trần Văn. Cuộc chia tay lúc này có một cái gì đột ngột, choáng váng đối với Loan. Anh vẫn cần có những người thân giúp đỡ trong bước đầu bỡ ngỡ.

- Loan nghĩ gì thế? – Trần Văn hỏi – Từ lúc đến đây, Loan thấy thế nào?
- Em thấy mọi người đều sốt sắng. Tất cả Hà Nội chuẩn bị đánh giặc. Một em bé đánh giày cũng xin ở lại. Một người không lương thiện như Long đen mà còn biết nghĩ, huống chi mình. Em có cảm tưởng rằng rồi đây, dân tộc mình sẽ trong sạch ra, mạnh mẽ thêm lên.
- Tôi cũng tin như vậy.
- Nhưng Long đen giận bỏ đi thì làm thế nào? Có thể nguy hiểm được.
- Trên thì vẫn chưa thật tin anh ta. Mà cũng đúng thôi, những người như thế thì làm sao bỗng chốc mà tin ngay được. Nhưng đây là lúc cái lương tâm của một con người đang được thức dậy. Phải có một lòng yêu chân thành mới làm cho những đống tro ấy cháy lại. Sự lạnh lẽo của tình cảm không bao giờ cứu vớt được một con người. Tôi sẽ gặp lại anh ta. Họ còn đáng quý hơn rất nhiều người lạnh nhạt với thời cục, những người chẳng nghĩ gì ngoài cái thân của họ.

Trần Văn cười một cái mỉa mai. Anh muốn ám chỉ vợ chồng Trinh. Câu nói khinh bạc của Trinh sáng ngày ở nhà ga vẫn còn làm cho anh bực tức. Anh nhún vai:

- Cái giá trị của con người đang được định lại hết, Loan ạ. Rồi đây, ai là người thiết tha với thủ đô, ai là người chỉ có cái vỏ thủ đô, sẽ rõ cả ra. Nhưng đấy là chuyện khác. Còn chúng ta thì công việc đã rõ ràng rồi. Chúng ta ở lại. Giờ quyết liệt đã đến. Chúng ta sắp đi vào một con đường mà sống chết chỉ là một. Không biết Loan nghĩ thế nào, chứ riêng tôi, tôi không băn khoăn rằng tôi sẽ sống hay chết trong cuộc chiến đấu này. Điều quan trọng là chúng mình có mặt. Sống, chúng ta sẽ được trông thấy thủ đô ngàn năm không còn bóng giặc. Chết, chúng ta sẽ có cái tự hào của một thế hệ đã hi sinh lần cuối cùng cho tự do của Tổ quốc. Chúng ta là những người nô lệ cuối cùng đồng thời cũng là những ngươi tự do đầu tiên. Tôi thấy rất rõ. Sống tức là có mặt ở những nơi cần đến chúng ta. Tôi đã nhiều lúc vắng mặt rồi. Rất buồn cho những kẻ đứng ngoài.

Trần Văn đứng trên cầu thang nhìn xuống cho đến khi Loan đi khỏi, mới vào thu xếp. Anh đến trước bàn thờ, nhìn cái ảnh cụ Tú thân sinh ra anh, nhìn nén hương vòng mà mẹ đốt sáng ngày trước khi ra đi. Nó đã tắt nửa chừng. Anh đánh diêm đốt cho nó cháy lại, cảm thấy trong nhà và người anh đỡ lạnh. Anh tần ngần chưa muốn bước đi. Trong giây phút, anh như sống lại cái quá khứ của ông cha. Cụ Tú đã dự vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, và khi nó thất bại, thì đóng vai một người bất đắc chí lấy rượu giải phiền. Ông nội Trần Văn thì ngang tàng hơn. Khi Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, Hoàng Diệu quyết tử chiến ở Hà Nội. Trong khi nhân dân nổi lên hưởng ứng, gõ thau gõ mõ trợ lực cho quan quân, thì ông nội anh được cử đem ba nghìn dân quân vào thành giúp. Nhưng đến nơi thì nội phản vừa đốt kho thuốc súng và quân Pháp đã vào thành. Sau khi Hà Nội thất thủ, những hoạt động của ông cụ dính liền với những công việc kiều các thánh Văn Xương, Quan Đế, Đào Hoa công chúa, Liễu Hoa công chúa ở đền Ngọc Sơn mà các cụ gọi là đền giảng thiện. Đền Ngọc Sơn biến thành nơi tuyên truyền chống Pháp, nơi rung chuông độc lập, dựng cờ tự do. Những bài ca lục bát do các thánh giảng gióng giả tình cảnh quốc dân. Nhưng rồi phong trào bị lộ. Mật thám sục vào giữa lúc ông nội anh thay lời Quan Đế đang phán truyền một bài thơ ưu thời mẫn thế. Cuối cùng, ông cụ bị đem đi đày sang Tân Thế giới và gửi xương ở đó…

Trần Văn tự hào về những công việc làm ấy của ông và cha anh, và thường lấy những chuyện cũ ra để tự an ủi. Anh mong mỏi một nước Việt Nam thoát khỏi ách thực dân và ách phong kiến của triều đình nhà Nguyễn bán nước, và một chế độ dân chủ được dựng nên. Nhưng anh không dám hoạt động cách mạng. Để tỏ cái chí khí của mình, anh không đi vào con đường giàu sang mà anh thấy rất bẩn thỉu. Anh không muốn làm một viên chức phải luồn cúi, nịnh nọt bọn quan thầy. Anh chọn nghề giáo trường tư để được tự do. Anh nghiên cứu sử và quan niệm rằng việc học sử sẽ làm cho người Việt Nam nhớ đến gốc gác của mình, và những trang sử oanh liệt của cha ông, những Bạch Đằng Giang, những Chi Lăng, những Đống Đa sẽ nuôi dưỡng lòng yêu nước không bao giờ mai một. Anh thường tự nhủ: “Mình không dám làm cách mạng, nhưng làm được việc này thì cũng là giúp nước. Còn hơn những kẻ nhận tổ tiên là giống Gô-loa [1] mà không biết nhục”. Đến thời kì Việt Minh, anh có cảm tình với cái chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật. Cách mạng Tháng Tám bùng ra, anh chào đón nó với tất cả lòng chân thành của anh. Thời đại của tự do, của dân chủ đã mở ra và anh cảm ơn nó. Nó đã thực hiện được một việc mà chính anh không làm được và không dám làm. Bây giờ thì đối với anh, con đường đã rõ, anh không còn lí do gì để đứng ngoài nhìn người khác làm thay. Thấy lẽ phải mà không làm cũng hèn nhát như một kẻ đầu hàng…

Anh dừng lại trước cái bàn giấy nhỏ của anh. Trên bàn có đặt cái hình mẹ anh. Anh cầm lấy bức ảnh nhỏ, cho vào ví. Anh ngẩn người ra, hình dung thấy mẹ nằm một mình ở một xó nhà quê hẻo lánh và đang trằn trọc nghĩ đến anh. Anh lúi húi thu xếp chồng giấy mà mà Loan đã để gọn vào một góc trên bàn, một số thì tạm đặt trên cái ghế đẩu cạnh đó. Đây là những bài giảng anh đang soạn, và quyển vở anh đang dùng để viết chữ nho. Chữ Hán sẽ giúp anh đọc được một số sách cổ mà ông cha anh còn để lại chứa trong hai cái tủ treo trên tường. Anh mới khởi công học được hơn hai tháng. Anh lấy cái cặp da, định cho mấy cái tài liệu quý vào. Nhưng cái cặp da đã nhét đầy những thứ cần thiết hơn: khẩu súng lục, mấy quả lựu đạn, một nắm lương khô. Anh tắc lưỡi: “Đem đi cũng vô ích thôi. Bỏ lại hết những cái gì không cần thiết để cho người nhẹ nhõm”. Anh mở ngăn kéo cho tất cả các giấy má vào. Ngăn kéo chật, anh phải bỏ ra nhiều thứ không quan trọng lắm và vứt xuống bàn. Chợt anh trông thấy ảnh Trinh trong đống giấy bị loại ra. Anh nhặt lên. Cái ảnh mới nhất của Trinh chụp mấy ngày trước khi Trinh biết Bao. Trinh như đang cười với anh, với tất cả cái tươi thắm tự nhiên của một nữ học sinh. Họ đã có biết bao nhiêu những dự định tương lai. Trần Văn đi dạy học. Trinh sẽ giúp anh soạn bài và chấm bài cho học sinh. Họ sẽ sống một cuộc đời thật giản dị, trong tình yêu và trong hạnh phúc gia đình. Có những lúc anh đã hỏi Trinh có thể sống cuộc đời thanh bạch ấy không. Trinh quả quyết nói rằng không bao giờ đi chệch con đường ấy. Còn đường ấy bây giờ đã chia hai ngả. Mỗi người đi một hướng và sẽ chẳng bao giờ gặp nhau nữa. Anh từ từ buông bức ảnh trong tay ra. Nó rơi sấp xuống sàn. Hiện lên còn mới tinh hàng chữ đề tặng của Trinh. Anh thở phì một cách chua chát, vung tay trong một cử chỉ dứt khoát, cúi xuống khoá ngăn kéo, cầm lấy cái cặp chứa nặng những võ khí và bước xuống dưới nhà. Vào trong buồng của mẹ, anh với tay lên tường lấy cái ba-lô quần áo mà mẹ đã đưa may từ mấy hôm trước. Anh quàng cái quai lên vai, ngùi ngùi nhớ mẹ mà anh không rời từ thuở nhỏ. Anh đứng ngắm cái buồng con của mẹ, cái sập mộc, cái hòm khoá chuông anh vẫn nghe quen, cái thạp gạo mẹ đã đong đầy, cuộn bóng thủ gói trong một tờ báo mẹ đã sắm để chuẩn bị Tết sắp đến. Tất cả toát lên một cái gì sơ sài, tạm bợ, lạnh lẽo của những nơi người già ở. Sự vắng mặt của mẹ càng làm tăng thêm cái không khí cô độc, hiu hắt.

Gió bấc tê buốt táp vào mặt Trần Văn khi anh ra tới đầu ngõ hẻm. Vai đeo ba-lô quần áo, một tay xách cặp, một tay cầm cái chìa khoá cửa nhà, Trần Văn thấy mình nhẹ nhõm, trong cái say sưa của nguy hiểm và cái kích thích của phiêu lưu. Anh đã sẵn sàng hết thảy. Từ biệt cái nhà cổ. Từ biệt cái bàn làm việc an nhàn. Từ biệt mẹ già và cả cái quá khứ đầy những mộng không thành.

Anh trông lại cái gác nhỏ, cửa sổ còn le lói sáng. Cứ để đèn cho ấm áp. Chung quanh nhà, các nhà đóng cửa im lìm, lẻ tẻ có nơi nhấp nhánh ánh đèn. Những ô vuông ngơ ngác, cao thấp của những căn nhà hỗn độn, nham nhở, xiêu vẹo, cái tắt, cái sáng, lộn xộn trong lúc dừng lại để chia tay giải tán.

*

* *

Khắp bốn bề, những tiếng đục tường thông nhà nọ sang nhà kia nổi lên bí mật, như đứt hơi, như giận dữ. Nó không lẻ tẻ như hôm trước, mà râm ran, vội vã. Trần Văn rảo bước như bị ai thúc giục, cái bóng của anh mờ mờ xoá xoá trên con đường phố tối âm âm. Ngã tư Hàng Bạc, một ngọn đèn treo lờ mờ, u uất, vãi một khoảng ánh sáng lặng lẽ xuống con đường lượn vòng sang Hàng Bồ. Từ đầu Hàng Đào, qua Hàng Ngang, Hàng Đường đến chợ Đồng Xuân, rải rác những bao cát dựng sù sụ trước những cửa lùa gỗ rất xưa và những cửa lùa sắt văn minh một cách lạc lõng. Rải rác một vài hố cá nhân bên hè, sau cột đèn sắt. Trên hè hẹp, đất mới hắt lên, làm thành những con đường nhỏ như đường làng, gập ghềnh, ướt át. Đất và sỏi quăng ra bừa bãi đã gần lấp kín con đường xe điện. Lẻ tẻ một vài bóng anh em công nhân đạp xe đi tuần. Trước cửa một trụ sở, anh tự vệ giữ lại một người, có vẻ là khách làng chơi về muộn, bắt nằm sấp xuống đề khám xét. Rồi phố xá lại vắng tanh, lặng im một cách khó chịu, để nổi lên độc tôn những tiếng đục tường, khi nặng khi nhẹ, khi xa khi gần, khi mau khi chậm. Khắp thế giới, sau một cuộc chiến tranh khủng khiếp, đã im tiếng súng, nhưng ở đây, giữa cái Hà Nội êm đềm, bão táp của chiến tranh đang đổ tới. Cái thành phố đã đứng vững trên chín trăm năm, đã bị bao phen tàn phá, đốt cháy, cướp bóc, có chống cự được trong keo cuối cùng này không? Tiếng đục tường đáp lại những tiếng đục tường. Kẻ thù mạnh gấp trăm, gấp nghìn, và không chỉ có nó. Và để đối lại, những người cán bộ, những nam nữ học sinh, những anh thợ, những người buôn bán chưa hề biết đến súng đạn đang phải sắp lại thành pháo đài, tự biến mình làm chiến sĩ. Đêm lạnh như băng giá, buốt như năm đói rét vẫn còn ám ảnh, gió ào ào như vọng về những tiếng kêu thảm thiết của phố Yên Ninh hờn oán, vo vo trên các dây điện, luồn vào các nhà tối tối trơ trọi ánh đèn. Tiếng gió vù vù làm nặng thêm, âm vang thêm những tiếng đục tường thình thịch, gấp gấp, những tiếng kê lại bàn ghế, tủ giường lục cục, rít rít, sệt sệt. Những bàn tay vô hình đang đục phá bên trong như thét vang: Chuẩn bị một nấm mồ vĩ đại để chôn chặt quân thù. Dãy phố hai bên sít lại. Các mái nhà thấp xuống. Và cả một thành phố cũ được bê lên trên gác, với những điện, những nhà thờ, những chòi gỗ, những chữ nho, những chậu cảnh, những tường thấp quay lưng ra ngoài, những cửa sổ nhỏ như những cái lỗ, thập thò, sợ sệt, cả cái thành phố cũ ấy bị bỏ quên, như vụt hiện về, rung chuyển sắp đổ nhào xuống để chặn giặc. Trong cái giận dữ của tiếng thuổng đâm vào tường, bực bội và thương tiếc, có một cái gì thân mật, nhẹ nhàng, phơi phới. Rì rầm những tiếng nói tiếng cười. Những bức tường ngăn cách mọi nhà đang được mở ra, đầu phố nọ đang sát lại đầu phố kia, những con người không biết nhau, thành kiến với nhau, khinh ghét lẫn nhau, lừa lọc lẫn nhau, đang gần lại. Trái tim của Hà Nội cùng đập theo tiếng đục tường. Tiếng đục tường ran ran, khi thét, khi cười, khi thì thầm như lời tình tự, khi dồn dập sôi nổi như lời thách thức. Những khẩu hiệu: Thanh niên sống chết với thủ đô la liệt hai bên đường bỗng như cùng kêu lên, và khẽ rung rung trong cái sáng tối mập mờ.

   




Chú thích

  1. tổ tiên người Pháp