Sử ký Tư Mã Thiên/XV-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Tào-Tham làm tướng-văn, làm tướng võ, trước sau không chút lỗi, công danh đáng kể vào bậc nhất. Vậy mà xem ý lời tán, thì câu nào cũng cho là ăn may! Chẳng khác gì nói: Nếu không cùng đi với Hoài-Âm; thì chưa chắc đã được nhiều công như thế. Dù cho nhiều công mà Hoài-Âm không bị chu-diệt, thì tất-nhiên danh-tiếng cũng không sao vượt được lên trên. Cho Tham là may, chính là để phàn-nàn cho Hoài-Âm là không may vậy. Kịp khi làm tướng-quốc, chỉ vì gặp sau khi nhà Tần bạo-ngược nghiêm-ngặt quá, cho dân được yên-nghỉ, may mà được ca-tụng là giỏi. Nếu không thì chả có gì là đáng kể cả! Người ta cho là tán, tôi thì cho là chửi mà thôi! Vì, chức Tướng-quốc là cốt để giúp đỡ Thiên-tử, rẹp yên họa loạn, gây dựng thái-bình... Tham vào làm tướng năm thứ hai đời Huệ-Đế, chính là lúc bọn họ Lã đương chuyên-quyền. Sâm không ngăn ngừa nổi, gây ra cái vạ Sản, Lộc (Người họ Lã toan cướp ngôi vua), họ Lưu xuýt mất ngôi! Xem như lời Sâm mắng con: « Việc Thiên-hạ không phải chuyện mày nên nói » thì ra biết việc không làm được mà không làm, há phải là cái đạo « hết sức làm việc, không được thì thôi đừng làm quan nữa » đó sao? Vì làm Tướng-văn không hết chức phận, cho nên đến việc làm tướng võ cũng kể là « nhờ người nên việc »! Ông Long-Môn rất bất-mãn về chỗ đó. Người đọc nên tìm ý ở ngoài lời nói.