Bước tới nội dung

Sử ký Tư Mã Thiên/XXIII-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử ký của Tư Mã Thiên, do Nhượng Tống dịch
Lời bình của Lâm Tây Trọng

Lời bình của Lâm Tây Trọng

Tô, Trương vốn không có thực tài. Cái thuật dùi-mài học của Quỷ-Cốc, chỉ là đoán-phỏng tâm-địa các vua đương thời, liệu chiều đưa đón để kiếm-chác chút giầu sang, mà đỡ ngoài bằng lối « bẻm mép »! Điều mà các vua đương-thời muốn bàn xét, phi « hợp tung » thì là « liên-hành » (Đem nước Tần gồm nuốt các nước). Đến như đem thế mạnh-yếu mà so-sánh, thì « hợp tung » khó mà « liên-hành » dễ: Tô cùng Trương đổi địa vị thì đều thế vậy! Trương đã cầm quyền ở Triệu, thì đành là phải làm cái khó. Thế nhưng sau khi hiệp-ước hợp-tung đã thành, có cấm sao được nước Tần không ra quân đánh-rẹp? Mà một khi nuớc Tần đã ra quân đánh-rẹp, có giữ sao được Chư-Hầu phải theo đúng hiệp-ước mà không có chuyện lật lường? Trừ phi được một người đồng-tâm, cho vào Tần để chủ-trương ngầm chuyện ấy, thì lời-thề trên sông Hằng-thủy chưa quanh-gót đã có kẻ nuốt lời rồi! Trương tuy là bạn Tô, ví phỏng có đủ tiền vào Tần để cất mình lên địa-vị Khanh, Tướng, thì không có lẽ gì là không phá vỡ thuật của Tô cả! Như Bàng-Quyên với Tôn-Tẫn Lý-Tư với Hàn-Phi, trước đều cùng học một thày. rồi đó hoặc chặt chân nhau, hoặc cho nhau uống thuốc độc! Phong-khí đời Chiến-quốc đều như thế cả, nào có lạ gì đâu! Cái khéo của Tô là ở chỗ ngoài mặt thì làm cho xỉ-nhục mà ngấm-ngầm thì giúp đỡ cho. Đem cái khổ-tâm của mình, mượn miệng tên người nhà vanh-vách kể lại... Làm cho Trương đã cảm Tô tử-tế, lại phục Tô khôn ngoan, thế tất không giúp Tô không được! Xem lời Trương tạ lại Tô, nào là « đương thời ông Tô... »; nào là « ông Tô còn đó... »; rõ-ràng là nói sau đời Tô sẽ vạch rõ cái kém của Tô ra! Ông Thái-sử lấy câu « lừa lọc lẫn nhau » để làm lời đoán cho hai người, thật là giản-dị và đích-xác. Đến như Trương khi bị đòn bảo vợ xem lưỡi, và khi viết hịch dọa Tướng Sở, cũng là tự-phụ mình có những khóe lừa lọc, sẽ có phen làm nên mà báo được thù xưa! Thế nhưng ở người quân-tử coi ra, thì chẳng qua là những ngón của bọn « chân-giường cạp-liếp » mà thôi! Trong chuyện những chỗ kể chuyện xen thêm vào, chỗ nào cũng khéo cả.