Sử ký Tư Mã Thiên/XXXIII-2
Lời bình của Lâm Tây Trọng
Hán đem năm Chư-Hầu đánh Sở. Sau khi bị thua ở Bành-Thành, tự giữ ở Huỳnh-Dương, Thành-Cao, sức thường không địch nổi Sở. Vì được Bành-Việt làm quân du-kích cho Hán, chẹn đường vận lương của Sở ở đất Lương, cho nên đôi bên cầm cự không chịu nhau, đó chính là lúc Khoái-Thông cho là « trí, dũng đều khốn cả » vậy! Cửu-Giang-vương Kình-Bá vốn là tướng của Sở. Cáo bệnh không nhận lời Sở gọi, thực tình thì muốn dòm-ngó cả đôi bên! Tuy biết đã gây oán với Sở rồi, song không dám quyết kế về Hán. Tuỳ-Hà trước hãy bàn thờ Sở chả có công gì, gửi thân không nổi! Thứ cân-nhắc thế mạnh, yếu của Hán và Sở, cho hắn biết chỗ nên về. Cuối cùng đem hai ý: phản Sở không tốn sức mấy, về Hán sẽ được lợi to, để rung động lòng người! Câu nào cũng trúng khớp cả. Trong nhắc đến việc giết Nghĩa-Đế, tuy âm-mưu là do Hạng-vương, song hạ thủ chính bởi Kình-Bá... Ý cho rằng: sau khi Sở thua, trong khoảng trời, đất, Bá cũng không còn đâu là chỗ trốn! Lại nói những câu như « Chư Hầu sẽ sợ hãi mà cứu lẫn nhau, » tuy là chỉ bọn phản lại Sở không sao yên được thân, nhưng hạng hai lòng như Bá, có giữ mình sao nổi! Ý nói sau khi Sở được, Bá cũng chả hưởng được ngôi vua Hoài-Nam! Ngầm tỏ ra rằng lúc ấy phản Sở, về Hán, sự cơ chỉ còn như sợi tóc, không thể lại rùi-gắng được nữa! Văn viết tuồn tuột như chuỗi hạt trai, trong chỗ một hơi xuống thẳng, lại có vô-số đoạn khúc-chiết! Về sau kể công, tự cho là giỏi hơn năm nghìn quân kỵ, năm vạn quân bộ, nào phải nói ngoa!