Sử ký Tư Mã Thiên/XXXIV-2
Lời bình của Lâm Tây Trọng
Cái kế chia ba thiên-hạ, cùng câu nói « rút lại sẽ bị Hán-Vương bắt giết », trước kia Vũ Thiệp đã nhất nhất nói qua! Ở Hoài-Âm khi đó, cho là ra tự miệng một tay thuyết khách của Hạng-vương, nên mặc đó chẳng xét. Sau đó thì nói nữa thật là chuyện khó! Khoái-Thông mượn phép xem tướng để làm đầu mối. Nói về chỗ chia ba thiên-hạ, thì lấy cớ là rẹp yên loạn-lạc cho thiên-hạ; vả lại sau khi chia ba, lại chuyên chế được cả bốn bể! So với Vũ-Thiệp còn cao hơn một nước! Nói về chỗ « rút lại sẽ bị vua Hán bắt giết », lấy hai ý thân tình không đáng cậy, trung tín không đáng chắc, lộn ngay vào ý công lược to quá, tất Hán không dong nổi! So với Vũ-Thiệp, lại sâu hơn một từng. Đoạn cuối xin quyết đoán cho mau, vì sự cơ gấp không đặt nổi sợi tóc, qua đó mà đi, thì khó mà làm được nữa. Đó là điều Vũ-Thiệp chưa từng nói tới! Đoạn đầu nói « Xin ngài tính kỹ... » Đoạn giữa nói « Xin ngài nghĩ sâu... Đoạn cuối nói « Xin ngài xét rõ... » Chỉ là sợ lại để đó chẳng xét, đem tấm lòng của chàng sốt sắng vì Hoài-Âm, cũng coi là mánh-khóe của bọn thuyết khách đó thôi! Ta thử nghĩ kỹ sự-tình khi ấy, Hoài-Âm nếu chịu xét rõ, thì nhà Hán chưa chắc đã là nhà Hán cũng nên! Hãy xem lúc Tín xin tạm làm vua Tề, Lương và Bình phải bấm chân, ghé tai nói với vua Hán, sợ khi sinh biến... Ý kiến của các anh-hùng đại lược cũng giống nhau. Khoái-sinh thật đáng là tay sành-sỏi trong bọn tôi-tớ vậy! Cũng đáng cho Hoài-Âm khi sắp bị chém, phải hối về sự không nghe lời chàng! Thế văn biến hóa xốc-nổi, như rồng thần ẩn hiện, không thể coi thường được!