Tài mạng tương đố/Cuốn thứ nhì
Ất-sửu-niên, Mộ-Thu (1925)
Tác-giả: NGUYỄN-CHÁNH-SẮT, tự BÁ-NGHIÊM
Truyện nầy tả đủ nhơn-tình thế-thái. Đờn-ông nên đọc, đờn-bà nên đọc; trai-tơ nên đọc, mà gái-tơ lại càng nên đọc hơn nữa.
Tác-giả giữ bút-quyền, cấm không cho ai được in theo nguyên bổn.
|
SAIGON IMPRIMERIE DE L'UNION NGUYỄN-VĂN-CỦA |
CUỐN THỨ NHÌ (Trọn bộ) NGÀY 30 JUILLET 1926 XUẤT BẢN |
Đổ-khắc-Xương liều mình cứu Mộ-Trinh
TÀI MẠNG TƯƠNG ĐỐ
Ất sửu-niên, Mộ-Thu (1925)
Tác-giả: NGUYỄN-CHÁNH-SẮT, tự BÁ-NGHIÊM
Khi ăn uống rồi, Hạo-Nhiên bèn lấy số bạc của Khắc-Xương mà bọn lâu-la đã lục lưng thâu lấy hôm qua đem ra, hai tay trao lại cho Khắc-Xương, miệng cười chúm chím mà nói rằng: « Nầy là nguyên bích phụng huờn, xin anh cất lấy. » Đỗ-khắc-Xương cãm tạ chẳng cùng, rồi lấy bạc cất để trong lưng. Hạo-Nhiên lại lấy ra thêm hai trăm đồng nữa, đựng trong một cái dĩa để ngay giữa bàn mà nói với Khắc-Xương rằng: « Nầy là vật hèn chút đỉnh, của em tạm đưa huynh-trưởng đi đường, xin anh thâu nạp. » Đỗ-khắc-Xương quyết ý chối từ, mà không chịu lấy. Hạo-Nhiên cứ này nỉ năm ba phen, cực chẳng đã Khắc-Xương phải lấy nhón có năm chục đồng cho Hạo-Nhiên vui dạ. Rồi đó thầy trò mới xách đồ hành-lý từ giả ra đi, Hạo-Nhiên cùng đi cho tới bến ô-tô, lại mua giấy luôn ba người, theo đưa Khắc-Xương ra tới cữa Hàng (Tourane) là chỗ có bến xe lửa rồi mới trân trọng đôi lời, từ giả Khắc-Xuơng mà trở lại.
Khi Hạo-Nhiên trở về rồi, thầy trò Khắc-Xương mới lo mua giấy xe lửa mà đi ra cho tới Đông-hà, tới đó hết đường xe lửa, nên phải mua giấy ô-tô đi thẳng ra tới Vịnh (Nghệ-An). Rồi từ Vịnh mà ra Hà-nội thì lại phải đi xe lửa.
Trong lúc xe chạy rần rần, thằng Hành ngồi ngó mông hai bên, ngẩm nghĩ việc đời rồi cứ tũm-tĩm cười hoài. Đỗ-khắc-Xương thấy vậy hỏi rằng: « Em đắc chí việc gì đó lắm hay sao, nên cứ chúm chím cuời hoài vậy em? » Thằng Hành nói: Thưa cậu, tôi có việc gì đâu mà gọi là đắc chí. Nhưng tôi ngồi nghĩ lại ở đời, việc gì cũng vậy, hễ có trải qua rồi mới biết được sự dại khôn, từ hôm tôi theo cậu tới nay, chẳng có mấy ngày, mà tôi đã học được một sự khôn; hèn chi người ta nói:
Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Thiệt phải quá. Tôi từ lúc nhỏ ở với ông bà, hễ nghe tới cái tên Ăn cướp. Trời ơi! Ăn cướp! Thiệt tôi sợ hết hồn; ý tôi tưởng ăn cướp nó dữ tợn như hùm như cọp vậy kià. Nay tôi thấy cái đám ăn cướp mà bắt hai cậu cháu mình đây, rồi tôi mới biết khôn, nên tôi sóng lại với mấy ông quan hay sâu dân mọt nước, với mấy chú nhà giàu mà vi phú bất nhân, cho vay ăn lời cắt cổ, tiền phóng trái hậu đoạn mải, hoặc lợi tăng gia lợi mà siết họng nhà nghèo. Cậu xét lại cho rõ mà coi, thiệt quả cái lũ đó, nó còn ác hơn quân ăn cướp nữa đa cậu à! Phải hông cậu? » Đỗ-khắc-Xương nghe thằng Hành nói vậy cũng thấm ý mà tức cười.
Khi xe lửa tới bến Hà-nội rồi, hai thầy trò bèn xách đồ hành-lý dắc nhau ra đường, kêu xe kéo chạy đi tiềm nhà ông Hoàng-hữu-Tâm. Tiềm đến chỗ rồi hai thầy trò xách đồ ở ngoài ngỏ bước vô, Đỗ-khắc-Xương trong lòng nửa mừng nửa sợ, hồi hộp chẳng yên, không biết cha mình hôm nay bịnh thế thể nào, nên hễ bước vào gần tới chừng nào thì trong lòng lại nôn nao chừng nấy. Khi vào tới nhà rồi, nghe người nhà nói lại rằng cha mình nhờ có ông Hoàng-hữu-Tâm hết lòng lo lắng thuốc men, nên nay ông cũng đà thuyên giảm. Chừng đó Đỗ-khắc-Xương mới hết sợ lại mừng, bèn xin dắc vào cho tạn mặt cha. Hai cha con vừa thấy mặt nhau, vừa mừng vừa tủi, nước mắt rưng rưng. Một chặp lâu ông mới hỏi thăm qua việc nhà ấm lạnh. Đỗ-khắc-Xương bèn thuật hết việc nhà và tỏ hết việc đi đường cho ông nghe. Thằng Hành cũng vào thăm ông, ý nó cũng mừng quýnh, nên nói lia nói lịa, Rồi đó ông mới tính với Đỗ-khắc-Xương để ở lại nghĩ ngơi chừng năm ba bữa, cho ông uống thêm ít thang thuốc nữa, tinh-thần cho được hưng vượng vững vàng, rồi cha con sẽ đề huề dắc nhau về Nam-kỳ mà an dưỡng cùng thuốc men cho thiệt mạnh, nay bịnh ông tuy khá, song lo vì phong-thổ khác nhau, sợ mùa Đông cũng gần sắp tới đây, e ông chịu lạnh không quen mà phải khốn. Hai cha con còn đương bàn tính với nhau, kế nghe trẻ ở nói rằng ông Phán ở trên sở đã về. Đỗ-khắc-Thới liền gượng ngồi chờ dậy vịnh vai con đi ra nhà ngoài, rồi giới-thiệu Khắc-Xương cho ông Phán Hoàng-hữu-Tâm biết mặt. Khắc-Xương vội vàng cúi lạy ông Phán để tỏ lòng tạ ơn ông chiếu cố cha mình. Ông Phán cũng vội vã bước tới nắm vai Đỗ-khắc-Xương kéo lên, chớ ông không cho lạy: rồi bảo ngồi lại chuyện vãn mà chơi cho ông hỏi thăm việc kia cùng việc nọ; ông hỏi thăm qua tới cái vấn-đề kinh-tế ở Nam-kỳ, thì Đỗ-khắc-Xương bèn đam những đều lợi hại, những cơ tấn thối mà nói rót một hồi, thiệt là ngôn ngữ như lưu, ông Phán hết lòng kính phục.
Việc chàng ra Bắc cha con gặp nhau đã yên, còn chờ ít ngày cho tinh-thần ông khoẻ-khoắn rồi sẽ trở về Nam.
Đây ký giả xin nhắc lại việc nhà của nàng Từ-mộ-Trinh; từ ngày nàng nghe Đỗ-khắc-Xương mắc đi ra Hà-nội mà thăm cha chàng rồi, thì nàng mới bàn luận với mẹ, rồi xin tiền lén sai Lệ-Dung đem qua châu cấp cho mẹ chàng là bà Đoàn-Thị. Đoàn-Thị ban đầu còn từ chối mà không chịu lấy. Sau nghe Lệ-Dung tỏ hết tấm lòng từ-thiện của bà phủ và cái lòng tiết nghĩa trinh bạch của Mộ-Trinh: nên bà cũng cãm tình mà phải thọ ơn của hai mẹ con bà phủ.
Còn quan phủ, nhơn thấy Mộ-Trinh cứ đau giây dưa hoài, năm nầy sang tháng nọ, ông lo lắng thuốc men cũng hết sức, trông cho nàng mau mạnh mà gả phứt cho rồi; chẳng dè bịnh nàng đã không mạnh mà cũng chẳng thêm, chỉ cứ dả-dượi mải hơn mấy tháng trời, nên ông cũng chẳng biết làm sao, không lẽ đem con mà gả bướn.
Bữa nọ đương buổi giờ hầu, bổng nhiên ông tiếp được giấy của quan trên gởi xuống cho ông hay rằng ông đã tới kỳ hưu-trí. Được tin ấy ông lấy làm buồn bực chẳng cùng, ông liền trở về nhà tư, nằm ngữa nơi ghế dài, thở ra thở vào, mặt mày buồn xo, miệng không nhích mép. Bà phủ thấy vậy hỏi rằng: « Hôm nay có việc chi mà tôi coi ý ông buồn dữ vậy? » Quan phủ buồn quá không muốn nói, ngặt bà cứ theo hỏi hoài nên ông phải nói rằng: « Giấy lại rồi, tôi bị hưu-trí rồi, mụ cứ hỏi hoài.
— Mình làm quan hễ tuổi lớn rồi, ngày tháng đủ rồi thì phải hưu-trí, ấy là luật nước xưa nay, tưởng cũng là lẽ thường, sao ông lại buồn?
— Không buồn sao được, mình đương làm quan phải đến! Không tội lỗi gì! Khi không, khi khổng, khi khồng, vậy rồi họ bắt mình hưu trí; không đáng buồn sao?
— Tánh ông sao kỳ quá! khác hơn ai hết!
— Sao lại kỳ? Sao lại khác??
— Ông còn ham danh chác lợi quá! Vã bấy lâu ông những mảng xăm xuối nơi hoạn đồ, lo bề tấn thối, sợ việc nên hư nhựt dạ tân cần, lao thân tiêu tứ; nay ông tuổi đã trộng rồi mà được giấy về hưu; thì từ đây ông sẽ được hứng chí duỡng nhàn, vô câu vô thúc, vô lự vô ưu, tiêu diêu tự tại; chẳng tốt lắm sao?
— Mụ ỷ mụ biết ba cái chữ nho rồi mụ cứ chưng chữ nho với tôi hoài. Mụ nghĩ lại mụ coi, hễ mình về hưu đây thì mình đã hết quyền rồi, không ai sợ mình nữa, làng tổng họ cũng hết tới lui với mình. Vậy không buồn sao?
— Tôi nói ra thì tôi e mang lỗi với ông, chớ thiệt tánh ông khó quá, tôi có nói phải cho lắm ông cũng nói tôi nghịch ý. Tự cổ chí kim, tự Âu chí Á, đời nào cũng vậy, mà nước nào cũng vậy, ai ai cũng như nấy, chớ ai lại sợ ai; sợ là sợ phải chớ ai đi sợ quấy, sợ đều công-lý, chớ ai sợ lẽ cường-quyền; giã như ông làm một ông quan, mà trên vì nước dưới vì dân, lợi dụng lấy cái quyền của mình mà chấn chỉnh những sự lợi ích cho dân, làm làm sao cho dân hưng phú thứ, quốc tấn văn-minh; thì cái quyền ấy người ta mới sợ. Chớ như mấy cậu ra làm quan rồi mà không biết đều liêm-sĩ, không giữ cái tư-cách của mình, cứ đem cái quyền ra mà khổ khắc lương-dân, chuyện chết nói sống, chuyện sống nói chết, chuyện không nói có, chuyện có nói không, mỗi mỗi cũng cậy cái quyền của mình mà sâu dân mọt nước. Cái quyền như thế ai lại khốn gì mà sợ.
Bỡi vậy cho nên, dầu làm quan cũng vậy, mà không làm quan cũng vậy, hễ người mà có chí khí quân-tử trượng-phu, dám đem mình mà hi-sanh cho quốc-gia xã-hội, thì chẳng nói một quận hay là một tĩnh mà thôi, toàn thể quốc-dân cũng phải tôn sùng kính sợ. Chớ những người tham-lam dối giã, không tu ố, chẳng nghĩa nhân, thì dầu cho có ở nhà lầu, có mão cao áo dài, lên xe xuống ngựa đi nữa, thì người ta cũng cho là bọn lục lục dung thường, túi cơm giá áo, chớ ai lại sợ bao giờ? Chí như nay mà mình đã hồi hưu dưỡng lão rồi, dầu cho làng với tổng có tới cùng không lại hà ích?
— Cha chã! Mụ nầy là đờn-bà mà mụ nói sao tôi nghe hơi cách-mạng quá chớ phải chơi gì! Thôi, dẹp mụ đi nà! »
Bà phủ thấy ông đà đổ quạu, nên bà cũng chẳng nói nữa làm chi, bèn làm thinh bỏ đi vào nhà trong mà nói cho Mộ-Trinh với Lệ-Dung hay việc ấy.
Nghe được tin như vậy, Lệ-Dung rất mừng thầm, bèn chờ lúc đêm vắn canh khuya, vỗ vai Mộ-Trinh, miệng cười chúm-chím mà nói rằng: « Nầy chị, em xin chúc mừng cho chị đó ».
Từ-mộ-Trinh nghe nói ngạt nhiên, bèn hỏi rằng: « Chuyện chi mà em mừng cho chị?
— Chuyện bà nói với chị em mình hồi trưa đó, ông được giấy về hưu rồi.
— Ậy! cha chị được giấy hưu-trí, sao em lại mừng cho chị là mừng nỗi gì?
— Chị quên rồi hay sao? Nhơn-tình buổi nầy họ tham lắm, cái sự tham của họ, nói chẳng hay cùng; kẻ có tiền thì họ tham thêm quyền-tước, kẻ có quyền-tước thì lại tham tấm bạc đồng tiền; còn những bọn đăng đồ tử-đệ là bọn làng-chơi, nó lại tham về đều sắc-dục. Ông huyện hàm Ngọt mà muốn làm suôi với ông đây là ổng thấy ông có quyền, còn công-tử Chanh mà muốn chị đó là hắn thấy chị có sắc. Nay vì chị đau lâu, sắc chị đã sụy, còn ông hưu-trí thì quyền ông cũng hết. Như thế thì bên nhà đó họ còn cưới chị mà làm gì? Em chắc rồi đây, bề nào họ cũng làm lơ, thế thì cái tình của chị với chàng Đỗ sau nầy cũng còn có chỗ hi vọng được, sở dĩ có bấy nhiêu đó nên em mới mừng chớ.
— Nầy em ơi! Nếu được như lời em nói đó, ấy là hạnh phước của chị đa em; song việc nầy thì chị em mình biết mà thôi, cũng nên để vậy mà coi, chớ em đừng có nói với ai, nếu cha chị mà hay được thì ắt ghét em, mà hễ người không ưa em rồi, thì chị em mình không dễ gì mà gần nhau được nữa đa em. »
Qua bữa sau quan phủ nghe tin có quan huyện Cường ở Saigon xuống thế cho ông, đã tới tĩnh rồi, ngày mai sẽ đáo nhậm. Hay tin có người xuống thế rồi, ông bèn bảo bà và Trần-lệ-Dung coi thu xếp việc nhà và sai người đi mướn ghe mướn bạn, chở hết đồ đạc xuống ghe cho sẵn. Kế thấy có ít ông hương-chức sở tại đến thăm, làm tuồng quyến luyến gọi là, trầu nước một hồi rồi về ráo.
Sáng ra ngày kế đó, vào lối 8 giờ, quan huyện Cường đi ô-tô xuống tới; hai đàng giao lãnh các việc trong quận xong xuôi. Quan phủ bèn bảo bà ở lại đi ghe với Trần-lệ-Dung mà coi chừng diều đở Mộ-Trinh, kẻo nàng còn yếu lắm. Ông ở lại một mình đi xe lên tĩnh, từ giả anh em rồi mới đi xe lửa lên Saigon, rồi cũng đi xe lửa thẳng về Biên-hòa đặng coi chỉnh đốn cữa nhà mà chờ gia quyến.
Cách ít ngày ghe bà về tới, hối bạn dọn đồ lên nhà, sắp đặt đâu đó yên rồi, mới trả tiền và cho ghe về Mỷ. Từ đây quan phủ chẳng có lo chi hơn là lo thuốc thang cho con mau mạnh. Còn Từ-mộ-Trinh, nay tuy trong mình tinh-thần đã bình phục được nhiều, song còn lo sợ bên trai, nếu hay tin mình mạnh mà cưới gắp đi chăng, nên nàng cũng cứ giả đau luôn cho qua ngày tháng.
Còn chàng Đỗ-khắc-Xương ở tại Hà-nội với cha hơn trót tháng, lo nổi mẹ ở nhà hiêu quạnh một mình, bèn bàn luận với cha, tính từ giã ông phán đặng xuống Hãi-phòng, để tháp tùng tàu khói mà về đường biển, vì chàng ta có coi nhựt-báo, biết còn có vài ngày thì tàu sẽ lấy neo, bèn tỏ lại cho ông phán hay; ông phán cũng chẳng dám cầm, bèn lấy ra 2 trăm đồng bạc với một láng quế Thanh, trao cho Đỗ-khắc-Xương bảo cất lấy đem về, để lo thuốc thang mà bổ dưỡng cho ông mau mạnh. Hai cha con Đỗ-khắc-Xương đều lấy làm cảm tình ông phán chẳng cùng.
Sáng ra bữa sau, hai cha con bèn tạ từ ông Phán rồi hối thằng Hành xách đồ hành-lý ra nhà ga mua giấy xe lửa đi xuống Hải-phòng. Ông phán Hoàng-hữu-Tâm cũng theo đưa xuống tới Hải-phòng và đưa thẳng xuống tận bến tàu, hai đàng đều quyến luyến nhau, kẻ ở Bắc người về Nam, tình dang-diếu nói sao cho xiết.
Khi tàu gần lấy neo rồi anh em mới đành dứt tình kẻ ở người đi, đinh ninh trân trọng vài lời rồi mới bắt tay nhau mà từ biệt.
Ông Phán thì trở về Hà-nội, còn cha con Đỗ-khắc-Xương với thằng Hành thì lại ngồi tàu mà trở lại Nam-kỳ, may nhờ gió thuận sóng êm, tàu chạy thẳng thét 3 đêm 3 ngày thì đã tới Saigon; cha con liền dắc nhau lên bờ, kêu xe chạy qua chợ-mới Saigon vào nhà Lữ-quán nghỉ ngơi mà chờ xe lửa.
Qua 4 giờ chiều, cha con liền kêu thằng Hành sắm sửa, rồi xách hành-lý ra ga, mua giấy lên xe, đúng 4 giờ rưỡi thì xe phát chạy; xuống tới Mỹ-tho là 6 giờ rưỡi tối, rồi lại phải mướn một cái xe hai bánh, cha con đề huề dắc nhau lên xe, về tới nhà thì đã gần 10 giờ. Bà Đoàn-Thị thấy chồng con về tới thì mừng rở chẳng cùng, liền hối con Hoa đi nấu nước, rồi bà hỏi thăm các việc lăng-xăng, xóm diềng ai nấy nghe tin ông về cũng đều rủ nhau tới mừng, chuyện vản rùm nhà, ấy là lẽ tự nhiên, đâu đâu cũng vậy. Nhơn thấy ông trong mình còn yếu, phần thì đi đường biển giã sóng gió xa xuôi; cho nên trầu nước một hồi rồi rủ nhau ra về mà để cho ông an nghỉ.
Cách ít ngày nhơn lúc rảnh rang ông bèn hỏi lại việc nhà, nghe nói tới việc em ruột của mình là Đỗ-thị-Bườn với em rể là Phùng-văn-Chỉnh, cả hai vợ chồng đều đối đãi với con mình một cách rất gắt gao khắc bạc như vậy, thì ông tức giận tràng hông, bèn nói lớn lên rằng: « Thiệt vợ chồng con Bườn với thằng Chỉnh nầy quả là loài cầm thú, chẳng có chút lương-tâm, chúng nó trọng đồng tiền hơn là cốt nhục........ » Ông nói mới tới đó, thình lình máu đâu trong miệng trào ra hơn cả tô, làm cho ông té xỉu, tay chơn lạnh ngắt, bất tỉnh nhơn sự. Bà Đoàn-thị với Đỗ-khắc-Xương kinh hồn hoãng vía, lật đật kêu thằng Hành với con Hoa xúm lại khiêng ông vào giường, lấy sâm quế đổ cho ông uống, rồi hối thằng Hành mướn xe đi rước ông nhiêu Lân về coi mạch hốt thuốc cho ông.
Ông nhờ có uống được sâm quế vào, cho nên trong giây phút tay chơn ấm đều rồi ông cũng lần lần tỉnh lại, song ông cứ lấy hai tay vuốt ngực và lắt đầu hoài chớ chưa nói chi được hết. Bà Đoàn-thị cứ ngồi bên cạnh mà vuốt ngực cho ông và kiếm lời an ủi khuyên giải ông rằng: « Xin ông đừng có giận nữa làm chi, có giận cho lắm thì lại thiệt mình, chớ chẳng ích gì, nó có ở vậy, để cho trời xét xem cho nó. »
Còn Đỗ-khắc-Xương thì xăng-văng lo sợ, chạy ra chạy vào mà trông chừng ông thầy thuốc. Một chặp lâu, nghe có tiếng xe ngừng ngoài cữa, Đỗ-khắc-Xương định chắc là xe của thằng Hành đi rước thầy thuốc đã về, bèn lật đật chạy ra, thấy ông nhiêu Lân đã bước xuống xe, tay ông cầm cây dù, ngoài trắng trong xanh, đầu ông bịch khăn đen mà khăn đóng, mình ông bận một cái áo xuyến đen, dưới ông bận cái quần nhiểu trắng nhùn-nhục, chơn ông đi đôi giày hàm-ếch da láng, gió thổi phê cái vạc áo trước của ông lên, thấy ông có mang một cái hồ-bao kiểu xưa với buộc một sợi dây lưng màu lông két; bàn tay trái của ông để móng đủ cả 5 ngón rất dài, ông dở lên dở xuống, mấy móng tay khua nhau nghe lắc-cắc[đính chính 1]. Ông nhiêu ngoài ngỏ lơn xơn đi vào, Đỗ-khắc-Xương liền chắp tay mà chào rồi mời ông đi thẳng vào nhà hối con Hoa rót trà đem ra cho ông xơi và nói rằng: « Xin bác trầu nước rồi vào coi giùm mạch cho cha tôi coi thể nào. » Ông nhiêu Lân gặt đầu, xơi nước một hồi rồi đứng dậy đi theo Khắc-Xương vào phòng mà coi mạch. Ông nhiêu coi đủ hai tay, lại còn quang sắc diện một hồi nữa rồi mới đứng dậy ra ngoài, ngồi lại chỗ củ, lấy thuốc giấy ra, và vấn thuốc và nói rằng: « Bịnh của anh đây nguy lắm, lục mạch đều suy, bác sợ cứu không được. » Đỗ-khắc-Xương nghe nói nước mắt rưng rưng rồi nói rằng: « Xin bác ráng hốt giùm cho cha tôi ít thang, dầu hao tốn bao nhiêu tôi cũng không nệ, miễn làm sao cho cha tôi mạnh được thì thôi. » Ông nhiêu Lân lại nói: « Bịnh của anh đây, phải có sâm quế cho thiệt tốt, và địa cũng cho được địa cữu chưng cữu sái thì mới dám dùng, nếu dùng những địa chưng không đúng phép như của mấy ông thầy lôi thôi đó vậy, thì không những là đã không hay ho gì, mà nó lại còn làm cho nê tỳ thêm mà phải khốn; huống chi bịnh của anh là bịnh thùy nguy, nếu nó sanh thêm một chứng nê tỳ nữa thì còn chi mà kể; sẵn ở nhà bác cũng còn để dành được ít lượng, để phòng trị mấy bịnh nguy, mới hôm trước đây có quan Đốc-phủ-Dỏi ở trên Cái-bè cũng bị lạc huyết, thầy thuốc họ biết nhà bác có để địa tốt, họ điềm chỉ nên bà Đốc-phủ có cho người đi ô-tô xuống này bác hết 4 lượng mà ba mươi hai đồng. Nay còn đâu lối chừng vài ba luợng gì đó, cũng đủ dùng mà trị bịnh của anh; duy có quế bây giờ đây thiệt không biết ai có quế tốt mà này. » Đỗ-khắc-Xương nói: « Việc quế xin bác chớ lo, vì hôm tôi ra Bắc mà rước cha tôi đó, thì bác Phán của tôi ở ngoải thấy cha tôi thường hay ươn yếu, nên có cho tôi một láng quế Thanh thiệt tốt, dặn tôi đem về để dành cho cha tôi uống. » Và nói và chạy vào mở rương lấy láng quế đem ra trao cho ông nhiêu Lân và nói rằng: « Đây bác, hồi cha tôi xỉu đó, tôi có cạo hết một chút mà cho cha tôi uống, nên cha tôi mới tỉnh lại đó đa. » Ông nhiêu Lân cầm láng quế coi đi coi lại một hồi rồi tỏ ý mừng mà nói rằng: « May phước quá! ở đâu lại có quế sẵn như vầy thiệt cũng là may, quế nầy thiệt là quế Thanh đó đa cháu à! Vậy chớ bấy nhiêu đây bây giờ mà đi này họ một trăm đồng cũng không được nữa đa cháu. Được đa, vậy cháu đem vào gói cất cho tữ-tế nghé! À quên! Để bác cắt ra sẵn một chút cho cháu biết, đặng sau có liệu chừng mà cắt theo. » Nói rồi liền lấy dao bén cắt ra một miếng, đưa cho Khắc-Xương mà dặn rằng: « Nầy cháu, mỗi bữa cháu cũng cắt độ chừng bằng miếng nầy đây vậy, rồi cạo ra để trong cái chén nhỏ, đổ nước vào mà chưng riêng nó ra, hễ thuốc sắc tới rồi thì trúc nó vô hòa với thuốc mà cho anh uống; sâm cũng phải làm như vậy, chớ đừng có sắc chung với thuốc không tốt đa. Thôi, cháu nói với chị, để cho bác kiếu bác về, còn thân-chủ họ chờ bác ở bên nhà cũng bộn; thằng Hành đâu? Đi theo ông qua bên nhà mà lấy thuốc con. Thôi, bác về nghe cháu! »
Ông nhiêu Lân ra về, Đỗ-khắc-Xương theo đưa ông ra xe; ông nhiêu bèn nói nhỏ với Khắc-Xương rằng: « Nầy cháu, bịnh của anh nguy lắm đa cháu, nhưng mà nhờ có địa tốt quế tốt; nhờ Tổ, bác cũng ráng làm thử ít thang coi, như anh chịu được một mùa đông nầy, hễ bước qua xuân thì anh mạnh được, nếu không thì nội trong mùa đông tới đây, bác sợ anh qua không khỏi đa cháu; nhưng bác thấy cháu nói lắm, nên bác cũng ráng cho hết tình, nhờ trời chớ biết sao bây giờ. Thôi, cháu đi vô, để cho bác về kẻo thân-chủ họ đợi. »
Ông nhiêu Lân về rồi, Đỗ-khắc-Xương trở vào, thấy cha nằm thiêm-thiếp thì nước mắt chảy ra ròng ròng. Bà Đoàn-thị thấy vậy cũng bệu-bạo mà hỏi con rằng: « Sao con? Anh nhiêu ảnh coi mạch cho cha con rồi ảnh nói sao đó? Nặng hay nhẹ vậy con? » Đỗ-khắc-Xương vì sợ mẹ rầu nên không nói thiệt, liền kiếm lời mà nói trớ cho mẹ an lòng, bèn nói rằng: « Thưa má, không hề chi đâu, bác nhiêu bác nói, tại cha con đau ở ngoài Bắc xưa rày, sức cũng đà yếu kế lại bị đi tàu từ Bắc vào Nam, xa xuôi biển giả; về nhà nghỉ chưa được mấy ngày, kế bị việc xúc tâm mà giận quá nư nên mới ra như vậy; sẵn có sâm tốt quế tốt, bác hốt một thang cho cha con tỉnh lại, rồi bác hốt bổ luôn thêm ít thang thì mạnh, chớ không sao đâu, xin má chớ rầu mà sanh bịnh hoạn. » Hai mẹ con còn đương bàn luận với nhau, kế thấy thằng Hành đã đam thuốc về, Đoàn-thị không dám phú thát cho con Hoa, vì e nó dại khờ mà sắc không đuợc kỷ-lưởng, nên bà phải bổn thân đi sắc thuốc cho ông; sâm, quế cũng chưng riêng theo như lời ông nhiêu đã dặn, khi thuốc tới rồi, bà bèn hòa hai món kia vô, chờ cho nguội bớt rồi mói đem vào cho ông uống.
Mà ông nhiêu Lân hốt thuốc thiệt tài, cho nên ông Đỗ uống thuốc hồi đâu hôm, qua lối canh ba ông đà tỉnh lại và than đói bụng, bà bèn đi lấy cháo đã nấu sẵn đem lại cho ông ăn. Ông ăn được ít muổng cháo vô rồi tinh-thần ông coi đã có hơi khỏe khoắn. Rồi từ đó mỗi ngày cũng cứ hốt thuốc luôn luôn, tuy ông nhẹ vậy chớ chưa đi vô đi ra chi được.
Một ngày kia Đỗ-thị-Bườn, nghe tin anh mình đã về mà đau, nên dùng dịp đi đòi nợ mà ghé thăm coi bịnh anh nặng nhẹ. Nguyên Đỗ-khắc-Xương biết cha mình mà thổ-huyết hôm nọ đó cũng vì giận cô mình, nếu nay mà thấy mặt cô mình, thì ắt là khốn nữa. Bèn kiếm chuyện mà nói sướt đặng gạt cô mình rằng: « Cha tôi bị bịnh thổ-huyết, nên cứ mệt hoài, ông thầy thuốc ổng dặn đừng cho ai vô, để cho cha tôi tịnh dưỡng, nếu có ai vào ra hơi lạ thì nó bắt mệt mà làm xung khó lắm, vậy xin cô chớ có vô đó làm chi, để ráng ít ngày cho cha tôi nhẹ bớt đã. » Đỗ-thị-Bườn ngồi đó xớ rớ một hồi rồi bỏ ra về mất.
Cách ít ngày Đỗ-khắc-Xương nhơn thấy bịnh cha mình chưa thiệt mạnh, song coi thế cũng khoẻ lần, bèn đi thăm lối xóm mà tạ ơn chiếu cố mẹ mình trong cơn mình đi khỏi; rồi nhơn dịp mới hỏi thăm qua nàng Từ-mộ-Trinh thì nghe người ta nói nàng ấy vẩn còn đau hoài chớ chưa thiệt mạnh; còn quan phủ thì đã được giấy về hưu, nên ông đã mướn ghe chở gia-quyến và đồ đạc mà đi hết rồi; nghe nói ông về đâu trên Biên-hòa là xứ sở của ông. Đỗ-khắc-Xương nghe nói trong lòng ngùi ngùi, lo vì đường sá xa xuôi, từ đây góc biển ven tròi, khó nổi thơ nhàn tin cá, vì chàng có nghe mẹ chàng nói rằng trong lúc chàng đi khỏi, ở nhà mẹ con bà phủ vẩn có châu cấp cho bà nhiều ít; nên chàng lập tâm đã sẵn, chờ cho cha mình thiệt mạnh rồi sẽ tìm lên Biên-hòa, trước là thừa dịp để tạ ơn bà, sau là dọ thăm tin tức của nàng coi ra thể nào cho biết.
Chẳng dè qua lối tháng mười một, nhằm tiếc trọng-đông, bịnh ông trở nặng quả như lời ông nhiêu Lân đã nói trước với chàng; càng ngày coi càng nặng, thuốc uống như không, chừng ấy ông nhiêu Lân cũng thúc thủ. Đỗ-khắc-Xương vì nóng ruột thương cha, nên lo rưóc đã nhiều thầy, mà ông nào cũng chạy hết.
Qua đến rầm tháng chạp, vào lối canh ba, ông liệu biết trong mình, thế chịu không kham, bèn kêu vợ con vào tận bên giường, trối lại một đôi lòi, rồi nhắm mắt theo ông theo bà mà về cỏi Phật.
Lúc bấy giờ, bà Đoàn-thị nhào lăn ôm chồng mà khóc, còn Đỗ-khắc-Xương thì lụy ngọc dầm dề: hai đứa ở trong nhà cũng khóc kể rùm nhà, lối xóm hay được chạy tới thấy vậy cũng đều rơi lụy.
Sáng ra bữa sau xóm làng tựu tới rất đông, kẻ lo mua món nầy, người lo sắm vật kia, để tẩn liệm ông cho tử tế.
Trưa lại ngày ấy vợ chồng Tám-Chỉnh với Thị-Bườn cũng có xuống chịu tang, khóc kể nghêu ngao, lại có đem một con heo mà tế nữa.
(Nguyên vợ chồng Đỗ-thị-Bườn giàu có, nay anh ruột mình chết, không lẽ mà làm ngơ, cho nên bề ngoài cũng phải đem heo tế lễ mà che miệng thế gian, chớ bề trong đà thót ruột. — Chí như ông Đỗ khắc-Thới, thoản như vong-hồn ông mà có linh-thiên, thì đồ của vợ chồng Thị-Bườn đem tế ông đây, chắc là ông cũng mữa, chớ ông đương có thèm ăn đâu mà tế.)
Khi tống táng ông xong rồi thì tiền bạc còn lại chẳng bao nhiêu. Đỗ-khắc-Xương tính để làm tuần bá-nhựt cho cha mình rồi, sẽ thưa với mẹ đặng lên Saigon kiếm việc làm ăn mà nuôi mẹ.
Lần hồi ngày tháng như thoi, thấm thoát mà đã tới kỳ bá-nhựt, tuần tự xong rồi; Đỗ khắc Xương vừa muốn thưa với mẹ đặng lên Saigon để kiếm việc làm. Chẳng dè Đoàn-thị, một là lo nỗi nhà, hai là bị thức-thối với ông trong lúc ông đau, ba là đến khi ông bất hạnh mà qua đời, bà những mảng buồn rầu thương nhớ ông, cho nên bà cũng đau hoài. Đỗ-khắc-Xương là con chí hiếu thấy mẹ yếu quá, không dám bỏ mà đi xa, nên phải bó tay chịu nghèo ở nhà mà nuôi mẹ
Phàm người ở đời, đã biết rằng có nên có hư, có suy có thạnh, có hồi điên đão, có lúc vinh hoa thì mặc dầu; nhưng vậy mà, Tạo vật cũng chưa chịu để êm đâu, đương trong buổi lưu-ly điên-bái, mà lại còn xen cái may cái rủi vào trong, rồi xô qua đẩy lại, kéo tới giựt lui, làm như trái hí-cầu (balle) nhồi lên đá xuống, cho lăn cho lóc, cho nhuyễn cho nhừ; cho tàn cho mạt, cho hại cho tiêu; chịu đuợc thì chiu, không chịu được thì hư, năm lừa mười lọc, cho đến kiếp đi rồi; nếu có đủ chí đủ sức, có rắn gan mà chịu nổi với người thì người mới nói tay cho mà thở. Bỡi vậy cho nên Đỗ-khắc-Xương đương buổi điên-nguy mà cũng còn gặp được một chút may. Ngày kia đương buổi lo buồn, bổng đâu lại có một người quen, tên là Nguyễn-quốc-Hưng đương làm việc tại sở Trường-tiền trên tĩnh, nhơn ngày chúa-nhựt đi chơi, tiện đường ghé thăm Đỗ-khắc-Xương; anh em gặp nhau mừng rở chuyện vãn một hồi, rồi nói qua việc làm ăn. Đỗ-khắc-Xương nhơn than vì vận nhà điên đão, cha mới mất, mẹ lại đau; nên phải ở nhà mà chịu nghèo, chớ chưa dám đi đâu cho được. Nguyễn-quốc-Hưng noi: « Bạn nói vậy cũng phải, mình là phận làm con, cha già mẹ yếu, ai dám bỏ mà đi đâu. Nhưng mà đi xa kìa, chớ như gần đây thì có hại gì.
— Gần đây có việc gì đâu mà làm được?
— Nè bạn! Tại sở tôi làm, có cần dùng một người thơ-ký, lương mỗi tháng chừng lối 30 đồng, mà tuồng chữ viết cho hay mới được; hổm nay đã có hai ba người đến xin, mà ngặt tuồng chữ viết dỡ quá, ông sếp (chef) ổng chê; tôi nhắm bạn đây chắc là xin được, vì tôi biết tuồng chữ của bạn.
— Bây giờ mình phải làm sao mà xin?
— Thì cứ làm đơn đưa vô cho ông sếp mà xin vậy chớ sao! Mà đều, bạn có làm đơn phải gò, viết chữ cho hay nó nghe hông. Bạn cứ làm đơn đi, rồi sáng mai thứ hai đem vô xin đại đi, tôi sẽ nói với ông sếp tôi rằng tôi có quen biết với bạn thì chắc là ổng cho liền, vì lúc nầy nhiều công việc quá, nên người ta cần dùng lắm.
— Tôi rất cám ơn anh, vậy để sáng mai tôi lên, nhờ anh tiếng dẩn giùm.
— Dữ hông! chuyện anh em, một chút một đỉnh chớ giống gì đó sao! Khó giúp nhau mới thảo, giàu tư trợ ai màng. Thôi, để cho tôi kiếu tôi về kẻo tối, sáng mai bạn cứ việc đem đơn lên đi, đừng có để trễ đây rồi có người khác họ xin trước mà mình hỏng đa nghe hông! » Nguyễn-quốc-Hưng căn dặn đôi ba lần rồi mới đứng dậy từ giã ra về.
Đêm ấy Đỗ-khắc-Xương thưa lại cho mẹ hay, rồi lo viết đơn để sẵn, khuya lại thức dậy sớm kêu thằng Hành dặn dò xem sóc việc nhà rồi sửa soạn ra đi.
Lên đến nơi thì đúng tám giờ, đi thẳng vào sở Trường-tiền. Nguyễn-quốc-Hưng ngó thấy lật đật chạy ra rưóc lấy cái đơn, dặn Khắc-Xương đứng đó mà chờ, rồi cầm cái đơn đem vào trao cho ông Sếp và nói chi với ông, ở ngoài xa nghe không rõ; kế thấy ông Sếp coi đơn rồi gặt đầu và bảo kêu Khắc-Xương vào mà hỏi rằng: « Thuở nay thầy có làm việc đâu chưa?
— Thưa ông chưa, tôi chưa có làm việc ở đâu hết.
— Sao vậy?
— Thưa ông vì từ lúc tôi thôi học rồi về nhà cha tôi đau hoài, tôi mắc lo săn sóc thuốc men cho cha tôi và chăm lo việc nhà, nên không có đi làm việc đâu hết đuợc.
— Nay cha thầy đã mạnh rồi phải không?
— Thưa không, cha tôi mới mất, tôi còn đương để tang cho cha tôi đây (Và nói và chỉ sợi vãi đen bao trên cái nón).
— Tuồng chữ viết đơn đây phải của thầy viết hay không?
— Thưa phải, chánh là tay tôi viết.
— Đâu nà, thầy viết lại ít hàng cho tôi coi thữ. (Và nói và đưa giấy viết cho Khắc-Xương). Khắc-Xương ngồi lại vừa viết được vài ba hàng chi đó, thì nghe ông Sếp khen rằng: « Tốt lắm! Thôi, đủ rồi, khỏi viết nữa; vậy thì thầy cứ làm việc đây với tôi, mỗi tháng tôi sẽ trả cho thầy ba chục đồng, ví bằng mà thầy làm việc tử tế siêng năng, thì tôi sẽ tăng thêm lương bổng. »
Đỗ-khắc-Xương tạ ơn, rồi bước lại bàn, chỗ ông Sếp đã chỉ cho đó ngồi mà làm việc. Sánh cái sức học thì Khắc-Xương có lấn hơn Quốc-Hưng, ngặt vì mới vào, cho nên công việc chưa được thạo, việc gì cũng nhờ có Quốc-Hưng ân cần chỉ bảo giùm cho. Trưa lại tan hầu, thầy Hưng cũng mời về nhà ăn cơm với thầy. Khi về tới nhà thầy Hưng bèn kêu vợ mà nói rằng: « Nè mình, thầy hai đây là anh em bạn học với tôi, thẩy ở dưới Chợ-gạo đây, tội nghiệp quá, cũng là con nhà giàu có, mà nay vận nhà suy sụp, rủi bác trai lại mới mất, còn bác gái lại đau hoài; thẩy mới xin được vô làm một chỗ với tôi đây; mình dọn cơm ra cho thẩy ăn với tôi luôn thể. » Cô thông Hưng cũng là người tử-tế, cho nên trong lúc ăn cơm, có hỏi Khắc-Xương rằng: « Thầy Hai có bà-con quen lớn với ai tại đây không?
— Tôi có một bà cô ruột, ở phía thân trong chợ đây một đổi, nhà cổ cũng có ăn, mà hai vợ chồng kỳ quá, nên tôi ít hay tới lui cho lắm.
— Ối! Thầy hai ôi! Nhơn-tình buổi nầy khó lắm, họ coi đồng tiền trọng hơn giống gì hết thảy, Thôi, vợ chồng tôi cũng son vá, không có con cái chi, thầy ở đây ăn cơm tháng với vợ chồng tôi cũng được; đi làm thời đi với nhau, có về thì về với nhau như vậy cũng là vui.
— Anh chị có lòng thương em út như vậy, thiệt tôi rất cám ơn, vậy để chiều nay tôi phải về dưới nhà thưa lại cho mẹ tôi hay, và lấy quần áo thêm để đỗi thay luôn thể, rồi sáng mai tôi sẽ trở lên. »
Chiều lại năm giờ tan hầu Khắc-Xương cũng về nhà thầy Hưng, ăn hối hả ba hột cơm rồi lật đật tuốc về Chợ-gạo, tỏ hết đầu đuôi các việc lại cho mẹ hay. Đoàn-thị nghe con đã có sở làm, tuy là lương bổng không bao nhiêu, song cũng đủ mà đở ngặt trong cơn khốn đốn, nên bà cũng có bụng mừng.
Từ đó Đỗ-khắc-Xương an lòng làm việc tại sở Trường-tiền, hễ chiều thứ bảy thì về nhà thăm mẹ, rồi khuya thứ hai thì lại trở lên, cứ giữ bổn phận mà làm, tuần nào cũng vậy.
Đỗ-khắc-Xương tuy là làm việc mà chẳng hề lảng phí một đồng, hế mỗi tháng lãnh lương rồi thì mua chút đỉnh trà bánh đem về cho mẹ vậy thôi; còn lại bao nhiêu cũng đều giao hết cho mẹ để phòng thuốc men và xây dụng việc nhà.
Bữa nọ cũng nhằm ngày thứ bảy, Khắc-Xương về nhà, thấy mẹ mặt buồn dả-dượi, không được vui-vẽ như mội lần thì sanh lòng lo sợ, liền vội vã hỏi rằng: « Má đau hay sao?
— Không, má có đau gì đâu con, đều cách hơn mươi bữa rày, giượng ba con, nó cho đứa ở của nó xuống đây, nói rằng tiền của nó đã tới kỳ rồi, bảo phải đam bạc lên cho nó; vì sợ con buồn nên má chưa kịp nói cho con hay; cách vài bữa sau nó lại sai xuống nữa, mà chuyến nầy trong thế cô hay giượng con có xúi nó hay sao, cho nên nó nhiếc mắng nhiều đều hổn ẩu quá! Tuy vậy mà má cũng chưa dám nói với con; té ra hồi trưa nầy, chánh mình cô ba con là con Bườn, nó đi xe hai bánh xuống đây, nó nặng nhẹ nhiều lời rất nên khó chịu, mà nó còn hâm để mướn Truởng-tòa xuống đây bắt má mà giam thâu. Thiệt má chẳng biết tính làm sao, cực chẳng đã bữa nay má phải nói cho con biết. » Đỗ-khắc-Xương nghe nói tức giận vô cùng.
Đêm ấy trằn-trọc một mình, suy tới nghĩ lui, nằm không an giấc; nhơn nghĩ cho ông giượng cũng chẳng lạ gì hơn người dưng, thì chẳng nói làm chi, chớ như cô của mình, rõ ràng là cô ruột, mà cổ cũng coi đồng tiền tấm bạc trọng hơn cốt nhục thân tình, nếu ta mà chẳng tính cho kham. để cổ kiện và lãnh án giao cho Trưởng-tòa, vạn nhứt mà họ giam thâu tới mẹ ta, thì ắt là ta không sống được. Bằng mà muốn tính cho kham, thì cái số ba trăm mấy chục đồng bạc vốn và lời đây, cũng chẳng dễ gì mà lo cho kịp. Thôi, muốn cho êm chuyện thì chi bằng ta tính giao phứt cái nhà và miếng vườn nầy cho vợ chồng cổ cho rồi, thì chắc là vợ chồng cổ mới vừa lòng đẹp ý. Đã biết cái sự-nghiệp nầy tuy là của tiên-nhơn ta để lại, lẽ thì ta phải giữ-gìn, nay mà cô ta lại bức sách và khuẩn-nhục mẹ con ta như vầy, thì ta tưởng khi tiên-nhơn ta ở dưới suối-vàng cũng xét rõ lòng ta. » Đỗ-khắc-Xương nghĩ trọn một đêm, kế ấy là kế cùng; chớ chẳng còn có phương nào cho hay hơn nữa.
Sáng ra bữa sau, Đỗ-khắc-Xương bèn đem những việc mình tính ban đêm mà tỏ lại cho mẹ nghe; Đoàn-thị nghe nói khóc ròng Đỗ-khắc-Xương bèn kiếm lời khuyên giãi cho mẹ nghe, lại nói: « Nay cổ đã cố tình, quyết đoạt cho được mới nghe, nếu mình còn dụ-dự mà không tính cho rồi, thì vợ chồng cổ ắt sai sắp đày tớ xuống đây mà nhục mạ mẹ con ta, lại còn thưa kiện tới Tòa, rồi bề nào cũng chẳng khỏi bị thi hành phát mãi, chớ chẳng ích gì, chi bằng mình tính trước cho xong. » Đoàn-thị thấy con nói vậy, thì cũng không biết tính làm sao, chỉ có khóc ròng, rồi bảo con cứ tính thế nào cho êm thì tính.
Qua bữa thứ hai, khi tan hầu chiều. Đỗ-khắc-Xương về nhà thầy Hưng cơm nước xong xuôi, rồi đi thẳng vô nhà bà cô mà tỏ việc của mẹ con mình tính giao cả cái nhà và miếng vườn mà trừ nợ. Vợ chồng Tám-Chỉnh với Thị-Bườn nghe nói thì trong lòng đà mừng húm, song cũng còn kiếm chuyện mà nói hơi rằng: « Thiệt cực chẳng đã, vì là chị hai với cháu, bà con cật ruột chẳng phải người nào, nên cô cũng không biết nói làm sao, chớ như người ta thì không được; vì lúc nầy cô cần dùng đồng tiền lắm, ba bốn trăm đồng bạc của cháu thiếu đó, giá để mà cho ra năm ba chủ tiền góp, thì mỗi tháng cũng được trót trăm ngoài đồng bạc lời. Chớ bây giờ để đem đồng bạc ra mà mua đất mua nhà thì đồng bạc ấy là đồng bạc chết, nó nằm cứng đó trơ trơ, chớ có ích gì. » Đỗ-khắc-Xương nghe nói trong lòng cười thầm. Thị-Bườn lại nói tiếp: « Thôi, cháu về nói lại với chị hai, để mai ổng đi xuống dưới rồi sẽ mời làng mà làm tờ làm giấy cho rồi đi.
— Mai đi sao được.
— Sao vậy?
— Vì ngày mai nầy là ngày thứ ba, rồi mải cho đến ngày thứ bảy thì tôi mắt đi làm việc, xin để đến ngày chúa-nhựt rồi giượng sẽ xuống, vì ngày ấy mới có tôi ở nhà; song xin giượng xuống cho sớm, tôi sẽ mời hương-chức tựu sẵn mà chờ.
— Ạ! Vậy cũng được. »
Đỗ-khắc-Xương ra về suy tới nghĩ lui mà ngán cho cái nhơn-tình, thiệt nói tới cái nhơn-tình mà ghê mà gớm.
Đến chiều thứ bảy Khắc-Xương về nói lại cho mẹ hay, rồi đi mời Xã-trưởng với Hương-thân và Hương-hào, ngày mai xin đến tại nhà mà thị nhận tờ đoạn-mãi.
Sáng ra bữa sau hương-chức làng tới đủ, bà Đoàn-thị có bảo con Hoa bắt vịt làm thịt cho 3 ông hương-chức ăn uống chơi mà chờ. Qua lối 8 giờ ngoài, vợ chồng Tám-Chỉnh mới đi xe xuống tới. Đỗ-khắc-Xương tờ giấy đã viết sẵn rồi, chờ cho có đủ mặt hai đàng, rồi mới mời mẹ mình ra ký tên trước mặt chủ mua và hương-chức. Đoàn-Thị cầm bút ký tên mà hai hàng nước mắt chảy ra ròng ròng. Đỗ-khắc-Xương cũng ký tên xong, đem để nơi giữa ghế, ông hương-thân già nói: « Theo phép thì chủ mua cũng phải ký tên vào tờ mới được. » Tám-Chỉnh cũng đứng dậy bước tới ký tên rồi cũng để y nơi ghế.
Hồi lâu mà chẳng thấy vợ-chồng Tám-Chỉnh nói chi; làm cho anh hương-hào ngứa miệng nên phải nói rằng: « Tờ giấy xong rồi, chủ bán ký tên cũng đành rành rồi đó, đàng mua sao chưa thâu tờ giấy mà cất đi còn đợi cái gì nữa? » Thị-Bườn nói: « Thưa, tôi còn đợi hương-chức thị nhận giùm. »
Hương-hào.— « Vậy cũng đủ rồi, còn nài anh em tôi thị nhận làm gì? »
Tám-Chỉnh. — « Thưa, có hương-chức thị nhận rồi tôi đem đi đóng bách-phần mà cầu chứng mới được chớ. »
Hương-hào. — « Ạ! Anh muốn cho anh em tôi thị nhận cho anh thì anh phải tính sao, chớ anh ngồi làm thinh đó hoài mà chờ anh em tôi nhận cho anh hay sao? »
Tám-Chỉnh. — « Thưa, cái đó là về phần chị hai tôi và cháu tôi là thằng Ký đây chịu chớ! »
Hương-hào. — « Ạ! Ai biết đâu nà, mà thằng Ký nó đã ký tên như vậy cũng là đủ phép rồi, anh còn nài anh em tôi thị nhận chi vậy? »
Tám-Chỉnh. — « Thưa, có hương-chức ký tên và xã-trưởng nhận mộc mới chắc chớ. »
Hương-hào — « Ạ! anh muốn cho chắc của anh, sao anh bắt người ta chịu tiền. Thiệt, mất lòng anh thì tôi chịu, chớ anh làm nhiều cái không ai nín[đính chính 2] được; anh ỷ anh có tiền, rồi anh khắc bạc với nhà nghèo quá đổi, anh không sợ trời sao? »
Tám Chỉnh. — « Tôi khắc bạc ai chỗ nào đâu mà cậu hương rủa tôi như vậy. »
Hương-hào. — « Anh không khắc bạc ai à! anh cho nhà nghèo vay, anh ăn lời mỗi tháng tới bốn, năm phân lợi, ai trả nổi thì trả, trả không nổi thì anh bắt làm giấy lại, chồng lời lên mà làm vốn; rốt cuộc rồi thì anh cứ kiện đặng lãnh án thi-hành; tôi làm huơng-hào tại làng nầy mới có hai năm nay, mà đã lãnh án thi-hành cho anh hơn ba bốn đám rồi, ý là có một làng nầy đa, còn nhiều làng khác nữa hơi đâu mà kể. Nay tới phiên chị Đỗ trong nhà đây và thằng Ký là cháu ruột của vợ anh sặm-sờ, mà anh Đỗ là anh ruột của vợ anh, cũng mới mất đây, thiệt đống xương cũng còn chưa lạnh, mà vợ chồng anh nhẩn tâm làm chuyện bức như vầy, thiệt chẳng còn nhứt điễm lương tâm nào hết. Thôi, tôi cũng chẳng thèm nói chuyện đạo-nghĩa với người trọng tiền bạc hơn anh em mà làm chi. Tôi cũng cứ lấy sự bạc tiền mà đối đãi với người tiền bạc. Nay hai vợ chồng anh có muốn cho chắc ý mình thì đem đủ ra đây mười lăm đồng bạc, cho anh em tôi uống rượu chơi thì anh em tôi sẽ thị nhận giùm cho, bằng không thì anh em tôi về, còn đi nhiều việc khác nữa. »
Thị-Bườn. — « Nếu hương-chức không chịu nhận thì thôi, tôi không mua, có hại gì, rồi thằng Ký đây nó phải chạy bạc mà trả cho tôi lập tức, bằng không thì tôi đi kiện liền. »
Hương hào. — « Chị nói bằng chơi đa! Tôi e cho thằng Ký nó kiện chị bây giờ đây, chớ chị đừng có mong mà đi kiện nó. »
Thị Bườn. — « Sao, tôi có việc gì mà nó kiện tôi? »
Hương-hào. — « Chị chịu mua nhà mua đất của người ta, rồi bây giờ chị nói chị không mua, người ta kiện sở tổn chị không được sao? »
Thị-Bườn. — « Lấy cớ nào mà kiện tôi đó? »
Hương-hào.— « Chị đừng có làm hơi lanh mà! (và nói và cầm cái tờ mãi trong tay, chỉ chỗ Tám-Chỉnh ký tên mà nói tiếp). Không mua chớ ai ký tên đây? »
(Nguyên ông Hương-hào nầy cũng có bà con cô cậu với anh em Thị-Bườn, nhằm vai chú của Khắc-Xương, nay thấy vợ chồng Thị-Bườn bức sách cháu ruột như vậy nên giận mà nói ba đều chơi cho bỏ ghét).
Khi nói dứt ời liền kêu Khắc-Xương mà giao tờ mãi lại và nói rằng: « Nầy Ký, cháu cất cái tờ nầy cho kỷ, rồi mai đem lên Tòa mà kiện họ đi, họ không nghĩ chị hai với cháu là bà-con, thì cháu còn nghĩ họ mà làm gì; cháu cứ phép làm đi, bề nào cũng có chú với hai ông Xã-trưởng và Hương-thân đây làm chứng cho, đừng sợ. » Nói rồi vừa muốn đứng dậy đi về. Tám-Chỉnh biết mình thất lý, vì đã ký tên lỡ trong tờ, và cũng nghĩ nếu bây giờ mình giận lẩy mà không mua, để đi kiện thì lại tốn hao thêm mà rồi mẹ con nó lại có gì mà trả, đi lại thì cũng có một miếng đất với cái nhà nầy. Bèn làm bộ cười mơn rồi nói rằng: « Ở nhà tôi nó nói tầm lếu, mà cậu hương nó cũng nóng thì thôi đa! Thôi, mười lăm đồng thì mười lăm, không hề chi, xin ba ông làm ơn nhận giùm. » Và nói và thò tay vào hồ-bao móc ra ba tấm giấy năm đồng mà để trên cái khay trầu.
Ông Xã bèn ngó Tám-Chỉnh mà nói rằng: « Nầy anh Tám, hồi nảy ông hương-hào ổng nói mười lăm đồng đó là phần ba cái ký tên của ba anh em tôi, mỗi cái là năm đồng thì phải rồi; còn phần cái mộc-ký của tôi nhận vào đó nữa thì cũng phải năm đồng nữa mới được. » Vợ chồng Thị-Bườn tức giận vô cùng, song cũng muốn xong việc cho rồi, nên dằn lòng vuốt giận, móc túi để ra thêm ba đồng nữa. Nói gì thì nói, ông xã cũng khăn khắn năm đồng; cực chẳng đã phải lòi ra thêm hai đồng nữa. Chừng ấy ba ông hương-chức mới chịu ký tên và nhận mộc xong xuôi. Vợ chồng Tám-Chỉnh bèn lấy giấy nợ mà trả lại cho Khắc-Xương nơi trước mặt hương-chức rồi mới lấy tờ đoạn-mãi mà cất vào mình. Các việc xong rồi Tam-Chỉnh bèn đứng dậy nói với làng rằng: « Nay cái nhà nầy và miếng đất nầy, mẹ con Đỗ-khắc-Xương đã đoạn-mãi cho vợ chồng tôi rồi, tôi chỉ còn về tĩnh mà đóng tiền cầu chứng nữa là xong; vậy sẵn có hương-chức đây tôi xin nói cho thằng Ký nó hay, nay cái nhà và miếng đất nầy đã thuộc về tay của vợ chồng tôi rồi, vậy tôi hạn trong ba ngày thì nó phải dọn ra đặng cho tôi có đem thợ tới mà sửa lại. » Ba ông hương-chức thấy cái lòng tàn nhẩn của vợ chồng Tám-Chỉnh như vậy thì lắt đầu, còn bà Đoàn-thị với Khắc-Xương thì cứ ngó vô bàn thờ mà rưng-rưng nước mắt. Ba ông hương-chức thấy vậy cũng động lòng, bèn nói nhỏ với nhau chi đó một hồi, rồi kêu Đỗ-khắc-Xương mà nói rằng: « Nè Ký, ba anh em qua đây thấy cái tình-cảnh của chị hai với cháu như vầy mà động lòng quá; trừ ra những đất, đá, cỏ, cây cùng loài cầm thú là giống vô tri vô giác thì mới không nao không núng mà thôi, chớ người mà có chút lương-tâm, thấy cái cảnh-tượng như vầy, ai mà không đau lòng xót dạ! Thôi, cháu cũng chẳng nên buồn làm chi, và cũng chẳng đi đâu xa làm gì; sẵn trên xóm đây có cái nhà lá ba căn, của thằng Tư-Hổ, nay nó tính bán đi, đặng nó về theo quê vợ của nó ở đâu trên Bến-tranh, cái nhà ấy cũng còn khá, nó mới cất hồi năm ngoái nầy đây; còn đất của nó cất đó là đất công-thổ của làng; nghe nói nó dứt giá có bốn chục đồng; vậy thôi cháu mua phứt đi, rồi dọn về đó cho chị hai chỉ ở, còn cháu cứ lo đi làm việc, hễ cứ chúa-nhựt thì về mà thăm chị hai, ở nhà có thằng Hành với con Hoa nó coi cơm nước cho chị hai cũng được. Còn giá bạc bốn chục đồng đó, thì sẵn đây có hai chục đồng bạc thị nhận, ba anh em qua kính lại hết cho chị, chớ không thèm lấy một đồng su nào, cháu hãy cất đi chừng mua cái nhà thằng Tư-Hổ xong thì có anh xã đây, ảnh chịu cho cháu mượn thêm hai chục đồng nữa mà mua cho đủ; rồi mỗi tháng cháu trả lại cho ảnh đôi đồng ba đồng gì cũng được, chừng nào cho đủ cái số hai chục đồng bạc vốn đó thì thôi, chớ ảnh cũng không ăn lời ăn lải gì; còn hai chục đồng về tiền thị-nhận đó, cháu cứ việc cất đi chớ ngại; đã biết rằng anh em qua thị-nhận mà đòi ăn tiền quá luật thì cũng mang lỗi với quỉ-thần; nhưng mà, cũng không sao, lấy của bất nhơn đem cho người hiếu nghĩa thì dẩu cho ông Địa với ông Táo mà có linh thiên, thì hai ổng cũng vui lòng, chớ chẳng chấp nhứt chi tới mấy ông Làng mà sợ. »
Thị-Bườn thấy mấy ông hương đã đòi tiền thị-nhận cho nhiều, rồi đem mà cho Đỗ-khắc-Xương, ấy là có ý bỉ mình, lại còn kiếm lời gần xa nặng nhẹ mà ngạo và nhiếc xéo mình thì giận lắm bèn nói rằng; « Mấy chú đừng có làm bộ cái mặt từ-bi, để tôi trở về tĩnh đây rồi tôi vào đơn tôi kiện mấy chú cho mấy chú coi tôi.
— Kiện về khoản gì đó?
— Về khoản mấy chú thị nhận cho người ta mà ăn tiền quá luật đó chớ khoản gì.
— Bằng cớ đâu? Ba anh em tôi có cho chị biên-lai hay không đó?? Như có biên-lai thì đem biên-lai ra mà trình với quan cho đủ bằng-cớ mà kiện đi. Bằng mà không có bằng-cớ chi hết thì hãy năn nỉ và lo lót với anh nầy đây, (chỉ chồng Thị-Bườn là Tám-Chỉnh mà nói) cậy ảnh làm chứng cho mà kiện. » Nói rồi đứng dậy phủi đít rủ nhau về hết, vợ chồng Thị-Bườn vừa giận vừa hổ, nên cũng dắc nhau ra xe mà về.
Còn Đỗ-khắc-Xương nghe lời ba ông Hương-chức, đi hỏi mua được cái nhà của Tư-Hổ, rồi mướn vài tên dân trong làng xe chở đồ đạt ván phên đem về chỗ nhà lá mới mua đó mà ở. Từ đó Đỗ-khắc-Xương cứ lo đi làm việc như thường, hễ chiều thứ bảy thì về rồi sáng thứ hai thì đi; Đoàn-thị ở nhà nhờ có thằng Hành với con Hoa là hai đứa tớ rất trung-tín, giúp đỡ tay chơn cho bà, nuôi gà nuôi vịt, trồng mướp trồng bầu, để đở thêm với số lương của con, mà chi độ cho qua ngày tháng.
Độc địa thay cho tay Tạo-vật, Đỗ-khắc-Xương đầu đuôi còn có một cái nhà với một miếng vườn, lại khiến cho cha chàng đau rồi kế thác, chôn cất vừa xong thì nhà và đất đã tiêu điều; làm cho một nhà đạo-đức như thế, hiếu-nghĩa như thế, tài-tình như thế, mà nay phải ra thân tất tưởi, mẹ con ở hủ hỉ với nhau trong một khóm lều tranh, như vậy thì cũng đã đủ thãm rồi; nhưng mà, chàng còn đi làm việc được, có cái số lương ba chục đồng một tháng, mẹ con an phận tiện tặn hẩm hút với nhau cho qua ngày tháng như vầy thì người cũng còn chữa chịu dung đâu! Người lại còn muốn làm cho, cho lăn cho lóc, cho đão cho điên, cho tàn cho mạt, cho hại cho hư, ghe phen chầm-chầm, lao-lao lục-lục, thì người mới vừa lòng. Bỡi thế cho nên, Đỗ-khắc-Xương tuy là làm việc rất siêng năng cần cán, lại thêm tánh nết ôn hòa, cho nên chẳng những là ông Sếp đã thương mà thôi, nội trong sở lớn nhỏ mấy thầy cũng đều thương chàng hết thảy. Có dè đâu làm việc vừa được bảy, tám tháng trời, thình lình vùng xán bịnh đau, ban đầu còn xin phép được, vì ông Sếp ấy thương, sau bị đau lâu, đã hai tháng trường mà còn chưa mạnh; ông Sếp củ lại đỗi đi, ông Sếp mới đỗi lại, không biết ất giáp gì, hễ thấy vắng mặt lâu, thì cứ việc bôi sổ và xin sa-thải. Ôi!
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Từ đó Đỗ khắc-Xương cứ đau trầm trệ hoài, nên phải nằm bịnh ở nhà, bà Đoàn-thị lo chạy cũng hết phương, mà chàng cũng chưa mạnh.
Đây nhắc qua việc quan phủ Từ-thế-Anh, từ ngày hưu trí, về ở tại Biên-hòa, đã hèn lâu mà không nghe tin tức bên trai chi hết.
Một buổi chiều kia, ông đi chơi về, sao nghe có hơi xây xẫm nhức đầu, tưởng lây lất chút đĩnh rồi thôi, không dè nó đệm ông luôn trót hai tháng trời, bà phủ lo sợ, cầu thầy chạy thuốc cũng hết phương, mà coi thế bịnh của ông càng ngày càng trầm trọng. Lúc nầy Từ-mộ-Trinh trong mình cũng mới vừa khá khá kế thấy cha nàng đau nặng, cho nên nàng cũng lo sợ mà khóc hoài.
(Mà thường con người ta ở đời, lúc còn đầu xanh tuổi trẻ, niên tráng lực cường, thì ai ai cũng liều sống cố chết, xẩn-bẩn trong 4 cái vách tường mà tranh danh đoạt lợi với nhau; có kẻ dám đam tới tánh-mạng mà đổi lấy đồng tiền, ấy cũng vì cái túi tham không đáy, nhan nhản của thói đời cho nên bạ chi làm nấy, chẳng kịp nghĩ suy. cứ sấn sướt làm càn, không đắn đo phải quấy. Đến khi việc đã đáo đầu rồi, thì chừng ấy mới là tỉnh ngộ. Hoặc để cho đến giờ lâm-chung thì mới biết ăn năn, thiệt là muộn quá).
Một đêm kia quan phủ Từ-thế-Anh, nhơn biết trong mình thế không chịu nổi, bèn kêu hết vợ con và Trần-lệ-Dung vào tận bên giường mà than rằng: « Mụ ôi! Từ ngày tôi hưu-trí mà về đây tới nay, cuộc hôn-nhơn của con gái mình, tôi coi ý bên trai họ thấy tôi hết quyền rồi mà họ làm lơ, nên không thấy tin tức gì của họ nữa hết; lúc tôi chưa đau, tôi cũng có gởi cho quan Đốc-phủ Phạm-nhứt-Thanh đôi ba cái thơ, cũng không thấy ông trả lời; thiệt tôi thấy cái nhơn-tình mà tôi chán ngán. Nay tôi hồi tâm nghĩ lại mà thương cái lòng nghĩa của Đỗ-khắc-Xuơng, tội nghiệp cho nó quá, đã hai phen liều mình mà cứu mạng cho Mộ-Trinh; cũng bỡi tôi bất minh trong một lúc mà làm cho lở làng duyên phận của con; nay nghĩ lại mà ăn năn đã muộn, vậy hễ khi tôi mà có nhắm mắt đi rồi thì mụ phải đem hết những đồ nữ-trang của họ buộc tay cho con mình lúc nọ mà tôi để trong một cái rương sắt nhỏ kia, đến nhà dây thép gởi trả cho Huyện-Ngọt, vã lại đồ đó là đồ trượng tiền, nên phải gởi theo cách khai-giá-minh-bạch (valeur déclarée) cho chắc ý và viết một bức thơ mà từ hôn luôn đi; rồi tìm cho được Đỗ-khắc-Xương mà cho hai trẻ nó thành hôn, để đền đáp ơn chàng cho toàn chung toàn thỉ; và mụ nói với nó, xin nó hãy thứ cái tội tham phú phụ bần cho tôi, thì tôi mới được an lòng nơi chín suối. » Nói đến đây nước mắt ông chảy ra dầm dề, coi ý ông mệt lắm, nên ông nín êm mà nghĩ một hồi. Lệ-Dung liền đem chén nước sâm cho ông uống.
Một chặp lâu ông khỏe, bèn kêu Lệ-Dung lại gần rồi vói nắm tay nàng mà nói rằng: « Nầy con, từ ngày con vào ở với ông bà đến nay, cũng đã năm sáu năm trời, mà ông với bà cũng đều thương con như con ruột vậy bỡi vậy cho nên, ông bà mới để cho con lên ở nhà trên mà bậu bạn với chị hai con; nó ăn chi con ăn nấy, nó bận chi con cũng bận nấy, bấy nhiêu đó, tưởng khi con cũng đủ biết cái lòng của ông bà đối đãi với con là thể nào rồi; vậy nếu chẳng may mà ông có theo ông theo bà rồi, thì từ đây con cứ kêu bà con bằng mẹ, ấy là ông đã nhận con làm con rồi đó, đừng có kêu bằng ông bà như trước nữa nghe con! Rồi chị em con cũng cứ yêu thương hòa thuận nhau, ráng cho hết lòng mà nuôi lấy mẹ con kẻo tội nghiệp! » Lệ-Dung nghe ông nói tới đó thì khóc mùi, liền cúi xuống lạy ông, nước mắt tuông ra như suối chảy. Mộ-Trinh với bà phủ cũng khóc ròng. Rốt sau hết ông mới kêu Mộ-Trinh lại gần rồi ông vuốt-ve nàng mà nói một cách rất thê thảm rằng: « Thôi, con ở lại phải ráng mà nuôi dưỡng mẹ con và phải thương lấy em con luôn, trước sao sau vậy; chí như việc hôn-nhơn của con thì cha đã dặn mẹ con rồi, cha không cần nói nữa; cha chỉ còn lo có một đều nầy nữa mà thôi. Vã con là con, mà con biết ở với cha hết lòng hiếu thuận; còn cha đây là cha, mà cha chẳng biết ở với con cho được từ-hòa; xét ra cái phận làm cha mà đối đãi với con như vậy, thì cha cũng không tránh sao cho khỏi lỗi. Vậy thì con phải hứa mà xá cái lỗi ấy cho cha, thì cha mới an lòng mà nhắm mắt đó con ôi! Người xưa có nói: Điểu chi tương tử kỳ min giã ai, nhơn chi tương tử kỳ ngôn giã thiện[1]. Vậy những lời mà cha đã trối với ba mẹ con con đây, thì ba mẹ con phải ghi nhớ, mựa chớ bỏ qua, được như vậy thì dầu cha có thác đi nữa, thiệt cha cũng ngậm cười nơi chín suối! » Nói tới đây thì đàm đã kéo lên, làm cho ông trực thị một hồi lâu, mới thở dài một tiếng rồi nhắm mắt lại, riu-ríu mà qua đời.
Ba mẹ con bà phủ nhào lăn, than khóc rùm nhà, xóm làng tựu tới rất đông, kẻ giúp việc nầy, người giùm chuyện kia, lo mua sắm quách quan mà tẩn liệm.
Khi chôn cất ông xong rồi, bà cũng nghe theo lời ông dặn, gởi thơ cho ông huyện Ngọt mà từ hôn và cũng gởi hết đồ nữ-trang trả lại, không hề vi sơ một món.
Vả lại quan phủ lúc còn sanh tiền, tánh tình huy hoát, ăn xài lảng phí, không hay đáy để chút nào, nên khi ông được về hưu, thì ông chẳng có của dư như mấy ông khác vậy. May nhờ lúc nọ, bà chắt lót giấu để ít nhiều, rủi bị ông đau lâu, nên bà phải đem ra lo chạy thuốc than, đến khi ông mãn phần rồi, cuộc tống táng vừa xong thì của bà tích trử bấy lâu cũng gần muốn hết. Phần thì ba mẹ con yếu đuối, lại là dòng-dỏi trăm-anh, không quen tay lấm chơn bùn, biết lấy chi mà độ nhựt; mẹ con trong lòng buồn bực, vì lo câu tọa thực sơn băng. Nhưng mà cũng may vì hai chị em biết giỏi nghề mạng vớ thêu khăn, nên gắn công thức thối làm rồi đem bán kiếm ăn, cũng đở qua ngày tháng được.
Lần hồi ngày tháng như thoi, bóng thiều-quang đưa rất lẹ, lật-bật mà cũng gần ngày làm tuần bá nhựt cho ông. Ba mẹ con lo rầu, không biết lấy chi mà làm tuần tự. Còn đương ưu lự, thoạt đâu lại có một tên lính làng, đem giấy của nhà thơ dây thép đến, kêu Từ-mộ-Trinh phải đến tận nơi mà lãnh một phong thơ rờ-com-măn-đê. Mộ-Trinh không biết là thơ của ai gởi đến cho mình mà lại[đính chính 3] gởi rờ com-măn-đê cũng lạ. Nàng bèn sắm sữa đi đến nhà thơ, ký tên vào sổ mà lãnh cái thơ ra rồi, coi kỷ lại thì té ra là thơ của cậu ruột mình là ông huyện Nguyễn-hữu-Thân, ở Bắc-ninh, thuộc về địa-phận Bắc-kỳ, đề gởi cho tên nàng nhận lãnh. Nàng mừng khắp khởi, liền xé ra coi, thấy trong cái thơ lại có một cái măn-đa một trăm rưởi đồng của cậu mình gởi vào cho. Sẵn dịp đó nàng ký tên mà lãnh luôn bạc ra, rồi mau mau quày-quả về nhà mà nói lại cho mẹ với em hay mà mừng với nhau. Bà phủ nói: « Hôm đó má bảo con viết thơ gởi ra cho cậu con hay tin cha con mất vậy thôi, chớ má có xin tiền xin bạc chi đâu, mà cậu con nó lại gởi bạc cho mẹ con ta nhiều lắm vậy? Đâu nà, con đọc hết cái thơ của cậu con lại cho má nghe thử coi; hay là nó gởi mượn mua đồ giùm cho nó như mấy năm trước vậy chăng? » Mộ-Trinh thưa rằng: « Không mà, cậu ba cho mình thiệt má à, con coi kỷ cái thơ rồi, cậu ba biểu mẹ con mình ra ngoải nữa. Mà thôi, để con đọc kỷ lại cho má nghe. » Mộ-Trinh nói rồi liền lấy thơ đọc rằng:
« Kính thăm chị hai và hai cháu cho được bình an, mới hôm trước đây em có tiếp được thơ của cháu gởi ra cho em hay rằng anh phủ đã mất lộc rồi, thiệt em cũng lấy làm buồn cho chị và hai cháu; song em coi lại cái thơ thì té ra anh phủ mất đã hơn hai tháng rồi chị mới cho em hay; nên em không hiểu tại sao mà chị để trễ lâu mới cho em hay như vậy.
« Trong thơ em lại thấy cháu nó than rằng anh phủ mất rồi mà chị với cháu phải chịu nghèo vậy vậy. Nên em phải mau mau mua măn-đa gởi về cho chị một trăm rưởi đồng, để dùng mà đở ngặt; vã lại bây giờ đầu đuôi mình còn có hai chị em mà chị ở Nam em ở Bắc, thiên san vạn hải, cách trở xa xuôi, vậy thì hay hơn là chị bán hết nhà cữa rồi dắc hai đứa cháu ra đến Bắc-ninh mà ở với em cho gần gủi, bề nào cũng tình thâm cốt nhục với nhau; xin chị và cháu hãy tính cho sớm mà ra đây, mựa đừng dụ dự, em hết lòng trông chị chẳng cùng, nay kính. »
Nguyễn-hữu-Thân
Bà phủ nghe con đọc thơ rồi, bà có lòng mừng, bà tính để làm tuần bá-nhựt cho ông rồi sẽ kiếm người mà bán cái nhà, đặng đi ra Bắc mà ở với em cho gần gủi. Còn Mộ-Trinh khi nghe bà tính như vậy thì buồn, bèn thưa với mẹ rằng: « Má tính vậy thì con không dám cải, chớ mẹ con ta mà đi hết đây rồi, thì cha con ắt chịu mồ hoang cỏ lạnh. » Nói tới đó thì nàng lấy khăn ra mà lau nước mắt, rồi lại nói tiếp thêm rằng: « Huống chi cậu huyện tuy là em ruột của má mặc dầu, song má cũng phải phòng cái lòng dạ của em dâu; như may mà mợ ba là người hiền-đức thì chẳng nói làm chi, nếu mợ ba mà cũng như người đờn-bà tầm thường kia vậy, thì con e ở lâu cũng bất tiện lắm má à. Vậy chớ má quên câu: Cửu trú lịnh nhơn tiện, tần lai thân giả sơ[2] rồi hay sao má? » Bà phủ nói: « Con nói vậy cũng phải, nhưng má nghỉ lại cũng không sao; nay con phải viết thơ mà hồi âm cho cậu huyện con rõ; nói rằng mẹ con ta để chờ bán cho được cái nhà đã rồi sẽ đi ra; trả lời trước như vậy đi, kẻo cậu huyện con ở ngoải nó trông, rồi lo làm tuần bá-nhựt cho cha con, lại kêu thợ hồ đặt soát cho nó chừng một trăm đồng, bảo nó mua đá, gạch và xi-măng mà xây đơn-sơ cái mộ của cha con cho ấm cúng; má tính vừa làm tuần vừa xây cái mộ cho cha con thì ắt tiêu mất hết cái số bạc một trăm ruỡi đồng của cậu con cho đây rồi; còn đường đi từ đây mà ra cho tới Hải-phòng, rồi lên tới Bắc-ninh, tiền tàu và tiền xe mỗi người chừng lối hai mươi ngoài đồng, tính cả ba mẹ con mình thì hết, lối sáu bảy chục đồng; mà cái nhà của mình đây, có bán rẻ nào cũng được bảy tám trăm đồng; mình bán phứt nó đi, rồi đem gởi bớt cho Băng, để chừng vài trăm cho đủ sở hụi vừa khứ vừa hồi, trước là đi chơi cho giải bớt sự buồn rầu, sau là thăm cậu mợ con luôn thể, vì đã hơn 15 năm trời, chị em xa cách mặt nhau; như mẹ con mình ra đó mà cậu mợ con có tử tế thì ở lâu, bằng mà con có ngại bụng mợ dâu hay nói nọ nầy vầy khác, thì mẹ con ta cũng sẵn có đồng bạc trong mình, có lo chi là đều bất tiện. Ta hãy dùng dịp ấy xuống Hà-nội mà làm quen với mấy tiệm bán hàng lụa Bắc-kỳ, vào Băng lãnh hết bạc ra, mua hàng lụa về Nam mà bán; mà rồi ta lại được quen thuộc[đính chính 4] với người ngoài Bắc, tỏ tình liên lạc Bắc-Nam, hễ có nơi quen biết nhau rồi, tự hậu ta khỏi phải vào ra mà tốn nhiều tiền cước, ta chỉ cứ ở trong nầy gởi thơ và bạc ra, muốn mua kiểu nào, thức nào, cứ nói trong thơ là đủ, rồi mẹ con ta hoặc là ở tại Saigon buôn bán lắt lẽo mà nuôi nhau, có khi còn khỏe hơn ở tại Biên-hòa nầy mà rồi những khăn và vớ của hai chị em con làm đây, ở Saigon cũng là dễ bán nữa đa con à. Đó! Má tính như vậy con nghĩ lại coi, có phải là lưỡng tiện hay không? Mình ra đó mà thăm cậu con rồi, liệu ở được thì ở, bằng không được thì về, nào ai buộc trói chi mình mà con quá lo cho nhọc trí. Má chỉ còn lo có một đều mà nó làm cho lòng má xốn xang, đã biết rằng nay con còn đương mắc đại tang, việc hôn-nhơn chưa nên tính vội thì mặc dầu, song không biết Đỗ-khắc-Xương bây giờ mẹ con nó lưu lạc ở đâu, vì má có nghe người ta nói, cha nó cũng đã mất rồi, còn nhà cữa vườn đất gì cũng bị một mụ cô của nó đã đoạt hết đi mà trừ nợ. »
Từ-mộ-Trinh đương buồn nổi mình, bổng nghe mẹ mình lại[đính chính 5] nói đến việc gia biến của chàng thì lại càng xót dạ đau lòng mà rưng rưng nước mắt. không biết chàng lưu lạc xứ nào. Lệ-Dung thấy vậy lòng cũng ngùi ngùi, bèn thưa với mẹ và chị rằng: « Việc nầy con tưởng cũng dễ hỏi thăm, vì con biết ảnh có một người chú bà-con, làm hương-hào ở trong làng ấy; khi mẹ con ta ra tới xứ Bắc, yên nơi yên chỗ rồi, thong thả ta lại viết thơ gởi về cho ông hương ấy, cậy người thăm dọ tin ảnh ở đâu; hoặc chừng nào mà mình về ở[đính chính 6] buôn bán tại Saigon theo như lời má tính đó, lại càng dễ tìm tin ảnh hơn nữa; vì ảnh là người Tây-học, hễ thất thời thì phải đến Saigon kiếm công việc mà làm, chớ không lẽ ảnh rút ở trong vườn mà chịu nghèo cho được; như thế thì sớm muộn gì ắt mình cũng biết được tin ảnh chớ chẳng không. » Bà phủ với Mộ-Trinh nghe nói cũng yên lòng, bèn lo qua việc làm tuần và mướn người xây mộ.
Cách chẳng bao lâu tuần tự vừa xong, mồ-mả cũng xây rồi, mẹ con bèn làm tờ đoạn mãi cái nhà của bà cho một thầy thông kia được bảy trăm rưởi đồng, và còn phần riêng bàn-tủ, ghế-đẳng, ván-phên trong nhà cũng được vài trăm; duy có những đồ nội cái bàn thờ, thì bà đem gởi cho một người bà-con trong họ của bà, rồi mẹ con đề huề dắc nhau xuống Saigòn xin giấy thông-hành và mua giấy tàu mà ra Bắc.
Đêm ấy mẹ con nghĩ ngơi tại Saigon, sáng ra bữa sau, mới kêu xe kéo chở đồ hành-lý xuống tàu; vào lối 8 giờ, tàu đã lấy neo, rồi chạy quanh qua lộn lại, chìu uốn theo khúc sông, chừng lối 2 giờ chiều thì tàu đã tới Vủng-Tàu, ngừng lại đó một khắc đồng-hồ cho hoa-tiêu xuống, rồi thì trực chỉ ra khơi, chạy thẳng thét 3 đêm 3 ngày mới tới Hải-phòng. Tàu đậu yên rồi, ba mẹ con bèn dắc nhau lên bờ, kêu xe chở đồ đem đến ga xe lửa, đi luôn lên Hà-nội; rồi lại mướn xe ô-tô đưa thẳng đến tĩnh Bắc-ninh. Khi đến nơi rồi đi kiếm hỏi thăm, hơn trót giờ lâu mới tìm được nhà ông huyện. Chẳng dè ông huyện đã bị đổi lên Cao-bằng, ông mới đi trước ngày mẹ con bà phủ ra tới, độ chừng mươi bữa. Nhưng may vì ông nghĩ Cao-bằng là xứ xa đất lạ, phần thì hai cậu con của ông vẩn còn nhỏ lắm mới có năm ba tuổi mà thôi; sợ e thủy thổ chẳng hiền, nên ông để bà huyện với hai cậu nhỏ ở nhà, ông đi trước một mình lên đó coi địa-thế thể nào, rồi chừng vài ba tháng ông sẽ trở về mà rước bà với hai cậu nhỏ. Lúc ra đi ông có dặn bà huyện rằng sớm muộn gì cũng có bà phủ là chị ruột của ông với hai đứa cháu gái ở trong Nam-kỳ sẽ ra thăm ông, nếu chị ông và cháu ông mà ra tới rồi, thì phải cầm ở lại mà chờ ông và phải hậu đải chị ông cho tử tế, vì đầu đuôi ông còn có một bà chị đó mà thôi, nên ông xem bà chị của ông cũng như mẹ vậy. Bà huyện đã tỏ ý vâng lời, mà ông cũng còn đinh ninh căn dặn đôi ba lần rồi ông mới lên đường. Nguyên bà huyện nầy tên là Đào-Thị, tánh-tình sâu sắc, độc ác bất nhơn; trừ chồng con của bà ra rồi thì bà chẳng còn có chút lương-tâm gì mà biết thương ai ở trong thế-giái nầy nữa.
Đây nhắc lại việc bà phủ, đỗi đường xa xuôi, thiên san vạn hãi, tìm đến mà thăm em, chẳng dè ra đến mà chẳng thấy em thì mặt mày bà buồn nghiến. Chí như hai chị em Mộ-Trinh, tuy bà huyện là mợ dâu của mình, mà thuở nay kẻ Bắc người Nam, chưa biết mặt lần nào, cho nên trong lúc thấy nhau rất nên bợ ngợ.
Còn bà huyện là Đào-Thị, khi thấy chị chồng và cháu chồng mới ra, lại nghe tiếng chị chồng mình là bà phủ ở Nam-kỳ, thì coi ra thế bà ân cần vui vẻ lắm; mấy ngày đầu bà lo đi chợ, hối thúc trẻ ở nấu cơm, bà săn sóc từ miếng ăn miếng uống, ban đêm lại lo trải nệm giăng mùng; trong lúc thảnh thơi, chị em chuyện vãn với nhau, bà phủ mới tỏ thiệt qua việc gia-đình của mình, vì nay chồng đã mất rồi, gia-thế suy vi, mẹ con côi cút không ai, nên bà mới tính ra nương dựa với em cho gần gủi. Khi Đào-Thị nghe rõ trước sau rồi, bề ngoài tuy là ừ hữ gọi là, mà bề trong bà đã có ý chẳng vui. Từ đó đến sau, tánh ý của bà, thiệt chẳng có ai chế ai pha, mà sao càng ngày coi càng lợt. Từ-mộ-Trinh với Trần-lệ-Dung dòm coi tánh ý Đào-Thị, tuy đã thấy rõ như gương, song sợ mẹ phiền lòng, nên chẳng dám nói chi, cứ đánh chữ làm thinh, để coi cho rõ cái nhơn-tình ra sao cho biết.
Mẹ con ở đó hơn trót tháng ngoài, một hôm có một bà Phán là người giàu-có lớn ở Hà-đông lên chơi, tính ở nghỉ đó một đêm. Đào-Thị bèn khiến đứa ở dọn đồ hành-lý của ba mẹ con bà phủ đem ra để ở nơi bộ ván ngựa ngoài, rồi dọn quét cái phòng chỗ mẹ con bà phủ nằm hỗm rày đó, lót nệm trải ra (drap), thay áo gối mới vào, để cho bà Phán nghỉ ngơi tại đó.
Đêm ấy hai chị em Mộ-Trinh không ngủ, cứ rầm-rì to nhỏ chuyện vãn với nhau, chờ cho đêm vắng canh khuya, trong nhà ai nấy ngũ rồi, Mộ-Trinh mới mò lại gần, kêu mẹ dậy mà nói chuyện. Ban đầu nàng tưởng bà đã ngũ rồi, chẳng dè khi nàng lại gần, đèn tắt tối thui, nàng mò động nhằm gò-má của bà, thấy sao ướt rượt; chừng ấy nàng mói hay mẹ mình còn thức mà khóc đây chớ chưa ngủ, nàng liền rút khăn mu-soa (mouchoir) mà lau nước mắt cho mẹ, rồi lại cúi xuống hun mẹ một cái mà hỏi rằng: « Má chưa ngủ hay sao má? » Bà phủ liền đáp rằng: « Chưa, má buồn quá, đà ngủ được đâu con.
— Sao má buồn vậy má?
— Má thấy cái tình đời, rồi má nghĩ lại má nhớ cha con quá? Phải cha con còn, thì mẹ con mình có đâu mà phải ra thân tất-tưởi như vầy.
— Hồi còn ở nhà con cũng đả có nói với má mà má không nghe, bây giờ đến việc rồi đó, má thấy không? Cửu trú lịnh nhơn tiện là vậy đó đa! Hồi chiều tới giờ hai chị em con thấy cái cách của mở đối đãi với mẹ con mình như vậy nên chị em con cũng buồn, tính chờ cho trong nhà họ ngủ hết rồi sẽ bàn tính với má; đặng liệu coi, hoặc là trở về Nam-kỳ, hoặc là kiếm phố khác mướn mà ở đỡ, rồi má có đi xuống Hà-nội mà kiếm coi hàng hoá thể nào, như lời má đã tính hồi ở trỏng đó, chớ ở đây nữa mà làm gì cho người ta khinh khi bạc đải mình như vậy.
— Má cũng tính như con vậy đó, ngặt vì cậu ba con nó đi khỏi, đổi đường ở trỏng ra đây, chị em không thấy được mặt nhau, rồi bỏ mà đi về thì cũng ức; thôi, để nín[đính chính 7] nẫm một hai ngày mà chờ cậu con coi, rồi sau sẽ liệu; vậy để sáng mai má phải đi xuống Hà-nội vài bữa. »
Chẳng dè bà huyện lại có một đứa cháu trai kêu bà bằng cô, tên là Đào-duy-Thạt, tuy sanh trong nhà giàu có, mà tánh tình du-đảng, lại cũng là một môn với bọn Đăng-đồ; thường hay tới lui nơi nhà quan quyện.
Một buổi kia nhằm lúc bà phủ mắc đi xuống Hà-nội, hai chị em ở nhà đương ngồi thêu khăn và chuyện vản với nhau, còn đương nhắc chuyện đâu đâu; thình lình vùng nghe có tiếng giày tây cộp cộp ngoài ngỏ bước vào, làm cho hai chị em giựt mình, liền ngước mặt ngó ra: té ra người đó là Đào-duy-Thạt, nhơn đi chơi tiện đường thừa ưa ghé đó thăm cô. Bợm ta vừa mới bước vô, thoạt nhiên trông thấy hai nàng, tuy không trang điễm như ai; nhưng mà, mắt phụng mày ngài, dung nhan yểu điệu, mặt hoa mày liểu, da trắng như ngần. Thiệt là: Mai cốt-cách, tuyết tinh-thần, một người một vẻ mười phân vẹn mười.
Nguyên Đào-duy-Thạt nầy là một tay phóng-đảng, mèo-đàng chó-điếm, tập tánh đã quen; nay tình cờ mà thấy hai cô gái-đẹp, như ngọc-nữ, như tiên-đồng, thì bợm ta đà quắn-quít trong lòng, có thế nào mà bỏ qua cho được, bèn vào thăm cô, rồi lần hồi mới hỏi thăm qua chuyện hai nàng ở đâu cho biết. Đào-Thị cũng cứ trước sau tỏ thiệt bợm ta[đính chính 8] mới biết là con quan phủ ở Nam-kỳ, mà lại là cháu, kêu giượng mình bằng cậu; nay may mà giượng mình không có ở nhà, thế ra cũng dễ cho mình rủ trăng quến gió. Nghĩ như vậy rồi lại chẳng chịu về, cứ lân la chà-lết mải ở đó, đặng có làm quen, ban đầu còn đứng xa xa, sau mới mon men, muốn lết lại gần, cho dễ thả mồi ong bướm. Hai chị em đà biết ý, song chẳng nói chi, để coi chú-chàng muốn thả giọng gì cho biết. Đào-duy-Thạt bèn bước tới tủm-tỉm miệng cười mà thả hơi ra rằng; « Từ Nam ra Bắc đường sá xa xuôi, hai cô đi có việc gì thế? » Lệ-Dung liền đáp rằng: « Thưa thầy, chị em tôi ra đây là cũng có nhiều duyên cớ.
— Duyên-cớ gì thế?
— Thưa thầy, anh rể tôi đương làm việc ở tại tòa Sứ Hà-nội, nhơn nghe tin cha tôi mất lộc, anh tôi về không được, nên cho chị tôi đây (và nói và chỉ Mộ-Trinh) về trong ấy mà chịu tang. Nay mẹ con tôi ra đây, trước là đưa chị tôi ra để sum hiệp với anh tôi; sau là thăm cậu mợ tôi đây luôn thể, nhơn tiện cũng cho cậu mợ tôi hay rằng mẹ tôi đã định đôi cho tôi và cũng đã cho người ta làm lễ Sơ-vấn rồi, chờ đến kỳ mãn phục cha tôi, thì sẽ làm lễ thành hôn, nên mời cậu mợ tôi trước, chừng ấy có rảnh thì vào uống rượu chơi với mẹ tôi vậy.
— Thế ra hai cô đã có chồng rồi cả?
— Thưa phải.
— Ôi chào! Uổng lắm nhỉ!
Mấy lời của Trần-lệ-Dung nói dối với Đào-duy-Thạt trên đây, là có ý muốn làm cho bợm-ta thấy hai chị em đã có chồng hết rồi, mà không trêu bẹo ghẹo chọc tới nữa, chẳng dè bợm-ta cũng không đếm xĩa gì, cứ đứng hỏi dần-lân mải cho đến khi bị nhục mới thôi).
— Hai cô ở Nam-kỳ ra đây, đường sá xa xuôi, tàu-bè biển-giả, có khi mệt lắm nhỉ?
— Thưa thầy, phàm hể ăn no rồi mà cứ ngồi một chỗ, thế mới mệt chớ! Còn như chị em tôi mà đi tàu-bè biển-giả, được hớp lấy thanh-khí giữa trời, càng đi xa, càng khoẻ khoắn tinh-thần; chớ mệt là mệt làm sao?
— Ối chào! Hai cô là gái mà nói nghe anh-hùng quá!
— Thưa thầy, chị em tôi đâu dám xưng với thầy là mặt anh-hùng. Nhưng mà, chị em tôi phận tuy là gái, song cũng biết cái nghĩa-vụ làm người, ăn của đời, phải lo báo bổ cho đời; một mai mà nước nhà điên-đảo, nếu có dịp mà dùng đến chị em tôi, thì chị em tôi cũng biết phất cờ gióng trống, cũng biết cật ngựa lưng đao, đóng nổi một vai tuồng Nương-tử-quân nơi giữa chốn chiến-trường mà đền bồi cho Tổ-quốc. Chớ không phải như ai kia, đường đường một đấng râu mày, mà năm chí cuối, chỉ cứ ăn không ngồi rồi, một ngày hai buổi, trông cho no bụng thì lại đánh áo đánh quần, chưng cái bộ mặt văn-minh hình-thức ra cho sáng lạng huy hoàng, để mà dạo xóm dạo làng, trai trên gái dưới, phóng đãng chơi bời, chẳng biết quốc-gia xã-hội là chi, ngang bể dọc trời, hiêu hiêu tự đắc; ấy mới gọi là đương thế anh-hùng chớ! »
Nghe mấy lời nghiêm trang đoan chánh của Lệ-Dung nói đó thiệt là thấm thía tới đâu, làm cho bợm ta điên óc nhức đầu, bỏ ra về một nước.
Mà cũng lạ thay! Theo như người có liêm-sỉ, biết tu-ố mà nghe mấy lời của Lệ-Dung nói đây thì ắt phải che mặt đậy mày; tưởng khi trọn cả đời, cũng còn chưa dám ngó tới cái dung-nhan của nàng nữa mới phải cho. Chớ như Đào-duy-Thạt nầy thì không phải vậy, chỉ biết hổ hang có một lúc là nội hồi đó mà thôi, chớ hễ về nhà rồi thì quên hết cả mọi việc, chỉ còn nhớ chăm bẳm có cái sắc đẹp của hai nàng ấy mà thôi. Bỡi vậy cho nên khi về nhà rồi bợm ta chỉ cứ bù-xa bù-xít, trằn trọc cả đêm, nằm không an giấc, quyết lo làm sao cho cả hai nàng đều lọt vào tay thì mới cam tâm; bèn tính để sáng ngày qua hỏi thữ ý cô mình coi ra thể nào rồi sẽ liệu.
Sáng ra bữa sau bợm ta thức dậy, đánh áo đánh quần đi thẳng qua nhà bà huyện, rồi đi tuốt ra nhà sau nói nhỏ với cô mình mà tỏ bày việc ấy. Đào-Thị liền cười tủm-tỉm mà nói nhỏ rằng: Cháu muốn đứa nào? Con em hay con chị?
— Hai đứa sao mà đứa nào cũng đẹp hết, cháu không biết đứa nào mà lựa, nên cháu muốn trụm cả hai, ước có được chăng? (Đào-Thị cười).
— Cháu tham quá vậy sao được? Chưa được đất Lũng mà đã mong tới đất Thục à! Đều nói thì nói vậy, chớ cô sợ mẹ nó không gả đâu; vì cô có nghe nói rằng hai đứa đều có người ta đi nói rồi hết, chớ chưa cưới, vì chúng nó còn mắc đại tang (tang cha).
— Ủa! Sao con nhỏ nó nói rằng chị nó đã có chồng rồi, đương làm việc ở nơi tòa Sứ Hà-nội kia thê mà!
— Nó nói dối cháu đó, nếu chị nó đã có chồng ở tại Hà-nội, sao hồi sáng nầy mẹ nó đi xuống Hà-nội, con chị nó không theo mẹ nó mà đi thăm chồng, lại ở đây mà làm gì thế?
— Ối chào! Thật con nhỏ nớ nó lanh quá nhỉ!
— Như cháu có muốn nó, thì cháu phải thừa dịp đêm nay mẹ nó không có ở nhà, cô cố ý đóng cữa sau sơ sịa, cháu chờ khuya một chút, để cho chị em nó ngủ hết rồi, cháu lỏn vô.,........... thì xong việc, chớ có khó gì. Ối mà! Nầy, cháu phải coi chừng đa nghe hông! Cô coi ý cái con nhỏ nó lanh lắm đa! » Đào-duy-Thạt tủm-tỉm miệng cười rồi từ tạ cô mà về.
Đêm ấy vừa lối mười hai giờ khuya, Từ-mộ-Trinh đương ngũ mơ màng vùng nghe như có ai đánh ai một cái choát! Rồi lại nghe một cái ịch rất mạnh, như có ai té xuống đất vậy, lại nghe la một tiếng: « Ối chào! Chết tôi rồi. » Từ-mộ-Trinh không hiểu việc gì, hồn vía rụng rời, vùng lồm-cồm ngồi dậy, lại nghe tiếng Lệ-Dung hỏi rằng: « Chị thức đó phải không chị hai? Mau đốt đèn lên, em đã bắt đặng kẻ trộm rồi đây. » Mộ-Trinh nghe nói lại càng hải kinh hơn nữa, tay chơn run rẩy, quẹt hơn cả chục cây quẹt mà đốt chưa được cái đèn.
Đến khi đèn đốt sáng lên rồi, coi rỏ lại thì thấy Đào-duy-Thạt nằm ngửa dưới đất mà rên hì-hì; Trần-lệ-Dung chơn còn đạp ngay trên bụng chú-chàng mà nét mặt coi còn lườm-lườm giận dữ. Mộ-Trinh bèn khuyên em rằng: « Thôi em, hãy thả hắn ra em. » Lệ-Dung bèn trỏ vào mặt Đào-duy-Thạt mà nói rằng: « Nếu chẳng có chị tao khuyên tao, và tao không vì nể mợ huyện của tao trong nhà đây, thì tao cho mi một đá nữa cho mi bay hồn, từ rày mi phải chừa mặt tao đi, đừng có đem thói cầm thú mà đối đãi với chị em tao như vậy nữa mà chết oan uổng mạng. » Nói rồi liền lấy chơn đi. Đào-duy-Thạt lồm cồm ngồi dậy tay thì ôm bụng miệng thì rên, rồi lỏn ra ngỏ sau về mất. Kế lấy Đào-Thị trong phòng buớc ra hỏi rằng: « Hai đứa bây làm gì mà chừng nầy còn chưa ngũ, lụi-bụi việc gì đó vậy? » Mộ-Trinh bèn đem những việc của Đào-duy-Thạt đã làm đều nhục nhả cho danh-giáo như vậy mà tỏ hết cho mợ mình nghe, có ý xin mợ mình hăm he quở trách Đào-Duy-Thạt cho hắn biết lỗi mà chừa. Không dè Đào-Thị vùng trở mặt mà nói rằng: « Khéo lắm! Chó đâu có sủa lỗ không? Nếu hồi trưa mà chị em mầy không có trò chuyện với nó, không có mi lai nhản khứ với nó, thì sao mà nó dám lăng loàn như thế? Bây giờ bễ chuyện sao đó, rồi liệu thế không êm, nên muốn lẽo mép với tao cho khỏa lấp đi phải hông? Để chị phủ chỉ về đây, tao bảo chỉ dắc bây đi đâu thì dắc; chớ cái đồ hư như vậy tao không chứa ở trong nhà tao nữa đâu. » Mộ-Trinh nghe nói nghẹn ngào, tức tối nói chi không được hết, cứ ngồi đó mà khóc ròng. Còn Lệ-Dung thì thấy cái lòng người nham hiểm như vậy mà bắt cuời thầm. Đào-Thị mắng nhiếc hai chị em một hồi, rồi bỏ đi ngũ. Lệ-Dung bèn nói nhỏ nhỏ mà khuyên Mộ-Trinh rằng: « Lòng người nham hiểm, ấy cũng do nơi cái tai ách của mình mà ra, hơi sức đâu mà rầu mà khóc a chị; miển là trời đất biết rỏ tấm lòng trinh-bạch của mình thì thôi? » Mộ-Trinh bèn lau nước mắt mà hỏi Lệ-Dung rằng: « Nầy em, vã thằng đó là đờn-ông con-trai hùng hùng củ củ, còn em đây phận là con-gái, hình dung như liểu yếu mai hoằng, bề nào nó cũng có sức mạnh hơn em; chẳng biết em làm thế nào mà em đánh ngã nó được vậy? Huống chi lúc ấy đã khuya rồi, sao em biết nó vô đây mà phòng trước? »
Lệ-Dung nói: « Lúc nhỏ, khi em tuổi mới nên mười, nhờ có người chú của em thọ truyền vỏ-nghệ cho em, song từ ngày em vào ở với chị đến nay, em tưởng chẳng có ích gì mà cho chị biết làm chi, nên em chưa nói thiệt. Hồi trưa nầy hai cô cháu họ to nhỏ với nhau nơi nhà dưới, nói nói cười cười, không biết bàn luận những việc gì mà em vừa đi trờ tới thì em nghe mợ huyện nói gì mà có tiếng: Cữa sau...., rồi thấy em bước tới vùng nín đi; em lại thấy cái tuồng mặt thằng quỉ lồi đó, có ý hớn hở, hình như đắc chí việc gì lắm vậy. Bỡi đó mà nó làm cho em phát nghi, nên em liệu chắc là cô cháu họ toa-rập với nhau, bày mưu thiết kế, nữa đêm lén mở cữa sau cho thằng đó lỏn vào mà rờ-rẫm khuấy-phá chị em mình chi đây chớ chẳng không. Bỡi nghỉ vậy cho nên em không dám ngủ, tuy nằm thì nằm, song em chỉ cứ thức hoài mà phòng đều nguy biến. Mà thiệt quả như lòi em liệu trước, cho nên lúc hắn lò-mò đi vô gần tới, em cứ lẳng-lặng làm thinh mà giả đò ngủ, để cho hắn men lại gần, xuất kỳ bất ý, đánh cho hắn một bộp tai xửng-vửng, em lại thừa thế mà đá ngang cho hắn một đá tréo giò, nằm ngữa sải tay, rên như bò rống. » Nói tới đó rồi hai chị em lại bụm miệng nhau mà cười sùng-sục. Mộ-Trinh bèn vổ vai Lệ-Dung mà nói rằng: « Thiệt em là gái, mà tánh chất thông minh, lại thêm nhân nghĩa vẹn toàn, sắc tài gồm đủ, chị mà có em như vầy thì biết bao là hạnh-phước. Nhưng mà, từ đây chị em ta cũng phải đề phòng, vì thằng đó mà nó bị em đánh nó đây, thế nào nó cũng sanh lòng cừu oán, lại thêm mụ cô của nó đây cũng chẳng phải là người hiền-lương đâu em, nếu mình ở đây ắt có ngày phải mang họa lớn; thôi, để chờ má về rồi mình sẽ nói với má, phải tính lẽ nào, chớ để ở đây lâu, ắt sanh đều bất tiện. » Chị em bàn tính với nhau xong rồi mới làm thinh mà ngũ.
Còn Đào-duy-Thạt đã bị Lệ-Dung đánh đá như vậy mà cũng chưa chịu tởn, về nhà suy nghỉ, tức giận câm gan; bèn nói một mình rằng: « Vã cô ta đã cho ta được phép tự do, thì là dễ quá, thật là thịt đã tới mồm rồi; có dè đâu mà cái con nhỏ quái ấy nó hung quá, nếu con chị của nó mà không cảng nó, thì ắt nó đã đạp ta giẹp ruột đi rồi. Nhưng mà, không lẻ ta sợ nó mà thôi đi hay sao? Phải làm tới mới được; nhứt bất tố, nhị bất hưu. Thà không làm gì thì thôi, chớ nay đã lở ra rồi, nếu ta nhịn nó thì ắt chẳng khỏi bị sắp đày tớ của cô ta nó chê cười ta là thằng tướng nhát. Thế thì ta phải làm sao cho hai chị em con nhỏ nầy đều lọt vào tay ta hết cả, thì ta mới nghe cho. Ngặt vì con nhỏ ấy nó có vỏ-lực, chớ chẳng phải như con gái tầm-thường; nếu muốn cho được lưởng toàn, thì ta phải mướn một bọn du-côn, cũng phải cho có vỏ-lực, nữa đêm ta lén đem thuốc vào mà xông cho chị em nó ngũ cho thiệt mê, rồi ta xúm nhau trói hết cã hai chị em, bắt bỏ lên xe, chở chúng nó lên rừng, đem đến nhà của một người bạn-hữu ta mà gởi đở; chỗ đó tư bề rừng núi vắng vẻ chẳng ai hay, rồi kiếm một người đờn-bà miệng lưỡi cho cực kì lanh lợi, để khuyến dụ chúng nó; như chúng nó chịu nghe theo thì tốt, bằng chẳng nghe thì ta lại lập thế, hủy phứt con nhỏ đó đi mà rửa hờn; chỉ còn có một mình con chị, thì ta muốn thế nào lại không được » Nghỉ tới đó rồi bợm ta lấy làm đắc ý, mặt mày hớn hở, tủm-tỉm cười thầm, rồi nói một mình rằng: « Tao đố bây chạy đường nào cho thoát khỏi tay tao »
Sáng ra bữa sau, bợm-ta lo đi kiếm mướn được một lủ côn-đồ hơn 9, 10 đứa, dặn dò sắp đặt mưu lớp đâu đấy sẵn sàng, chờ tối lại sẽ hiệp nhau mà cử sự. Rồi đó bợm-ta lại viết một phong thơ mà nói rỏ hết cái kế của mình tính vậy vậy, rồi sai người tâm-phúc đem qua cho cô mình là bà huyện hay, xin bà để cữa sau cho mình dễ bề thi thố.
Chẳng dè đêm ấy Mộ-Trinh với Lệ-Dung, nhơn thấy việc đêm hôm qua như vậy, cho nên đêm nay cũng còn lo sợ phập-phồng, cứ thao thức mà nói chuyện rầm-rì với nhau mải cho đến 3, 4 giờ khuya; chừng mòm quá mới chịu ngủ quên.
Mà thường hễ đứa có tình, nó hay rình người vô ý, nên khi hai chị em vừa nhắm mắt ngũ rồi thì Đào-duy-Thạt liền lén đem thuốc mê vào mà xông; trong giây phút thì hai chị em đã bắt hơi thuốc mà ngủ mê-man như chết. Đào-duy-Thạt bèn kêu lủ du-côn đem dây vào, vừa muốn ra tay; thình lình, thoạt nghe có tiếng xe ô-tô, ù ù ở đâu chạy tới, đậu ngay trước cữa; rồi lại nghe có tiếng gỏ cữa mà kêu. Bà huyện lóng nghe thì biết rỏ ràng là tiếng bà phủ đi Hà-nội về. Cô cháu đều hoảng vía kinh hồn. song việc đã lở ra rồi không biết tính sao, bà huyện liền hối Đào-duy-Thạt, khiến bọn du-côn áp vào khiên nhầu hai chị em nàng đi ra ngỏ sau, đem bỏ đại lên xe rồi cứ việc quất ngựa chạy dông lên rừng; còn bà phủ thì để đó mặc mình tùy cơ ứng biến.
Nguyên bà phủ đi xuống Hà-nội đặng có dọ coi cho biết mấy tiệm hàng lãnh, nhiểu, the, giá cả thể nào, để chừng về Nam-kỳ sẽ mua đem về mà bán, và bà cũng có ý giao thiệp với một ít tiệm hàng nơi đất Bắc cho có chỗ quen lớn, phòng sau có gởi thơ mua hàng cho dễ, khỏi phải đi ra đi vào mà tổn mất nhiều tiền cuớc. Bà xuống ở Hà-nội được hai ngày, may gặp và làm quen được với một bà chủ tiệm hàng kia. Bà chủ tiệm hàng thấy bà là người tử-tế, cũng có dạ yêu bà, nên cầm bà ở lại chơi vài bữa. Bà nhơn thấy bà chủ tiệm tánh tình vui vẻ, ăn nói bải-buôi, ý bà cũng mến, phần thì bà muốn làm quen, nên cũng phải chìu lòng, ở nán chơi vài bữa.
Đêm ấy không hiểu tại sao mà trong lòng bà nóng nảy, lo sợ phập-phồng, làm cho bà thao thức xốn xang, đi ra đi vào, nằm không yên giấc; lại thêm con mắt máy lia, thịt nơi cánh tay cũng giựt lịa; bà bèn nghỉ lại bà huyện là em dâu của bà ở trên Bắc-ninh đó không phải là người từ-thiện, còn hai cô con của bà thì tuổi hởi thơ-ngây, bà đi hai bữa rày, không biết ở nhà có chuyện chí lành dữ thể nào mà đêm nay nó khiến cho bà bứt-rứt xốn-xang như vậy; vì vậy mà bà không chờ đến sáng mai mà đi xe lửa cho được, nên bà nói với bà chủ tiệm, xin cho người đi mướn giùm cho bà một cái ô-tô, rồi bà vội vàng từ giả bà chủ tiệm; hối sốp-phơ chạy riết về Bắc-ninh.
Khi xe bà vừa về tới nhà bà huyện thì đã gần 4 giờ khuya, chánh là lúc bọn gian-nhân vừa muốn trói hai cô con của bà; chúng nó nghe xe bà về tới và tiếng bà kêu cữa thì thất kinh, nên cứ việc khiên nhầu đem ra bỏ đại trên xe, quất ngựa chạy càn, chớ chưa kịp trói. Chúng nó đi rồi thì bà huyện lại trở vào phòng mình, nằm trơ như chết, giả rằng mình cũng bị thuốc xông đó mà mê.
Còn bà phủ ở ngoài cữa trước, chưa hay chưa biết chi hết, cứ việc gõ cữa kêu hoài mà không nghe ai lên tiếng, trong lòng phát nghi, bà lại càng kêu thúc tới mãi, mà cũng chẳng thấy động tịnh chi hết, bà lấy làm lạ, bèn tính đi vòng ra phía sau, đặng kêu đứa ở. Chẳng dè bà ra đến phía sau thì thấy cữa sau không đóng, còn đứa ở thì nằm ngủ chinh chòng. Bà liền kêu giựt nó dậy mà hỏi, thì coi ý nó lơ-láo như đứa mất hồn, cứ ú-ớ hoài, chớ chẳng biết chi mà nói.
(Thằng nầy cũng bị thuốc mê, song nó nằm xa hơi khói nên nhẹ.)
Bà dòm lên nhà trên, thấy đèn còn chong mà cữa nẽo gì cũng mỡ hoát, bà hoãng kinh, liền đi thẳng lên nhà trên, bước ngay vào phòng chỗ hai cô con bà ngủ đó; té ra phòng không mỡ hoát bóng người vắng tanh. Chừng ấy bà lại càng thất kinh hơn nữa, liền xách đèn đi kiếm khắp trong nhà, mà cũng không thấy tăm dạng gì, mà bà lại nghe có hơi khói chi bay mùi sao lạ mủi quá. Bà liền bước đại vào phòng mà kêu giựt bà huyện, ai ngờ bà huyện lại nằm ngũ cũng mê-man như chết, kêu mấy thì kêu, giựt bao nhiêu thì giựt, bà cũng không ư hử gì. Lúc nầy bà phủ lại càng bối rối hơn nữa; bà vùng sực nhớ lại mùi khói, liền đi kiếm mà coi khói ấy ở đâu, té ra khói ấy tự trong phòng của hai cô con bà mà bay ra, bà bèn vào đó mà coi, ai ngờ hễ bà bước gần đến chỗ khói ấy chừng nào thì bà nghe trong mình bà có hơi ngầy ngật, bà liền hội ý, biết đó là thuốc xông cho mê; nên bà đã tự biết rằng: Đây chắc là có quân gian nào đem thuốc đến xông mê cả nhà rồi bắt hết cả hai cô con của bà mà đem đi đâu rồi. Nghĩ tới đó thì bà sảng sốt, bèn la khóc om sòm, truy hô lên, xóm diềng đều chạy tới, kẻ lo giải mê cho bà huyện, người lo đi cáo báo với quan; quan liền sai người, lớp thì lính, lớp thì làng, phân nhau kẻ đầu nầy người ngã kia chạy theo tìm bắt.
Đây nhắc lại việc Đào-duy-Thạt với một lũ côn-đồ đem hai chị em Từ-mộ-Trinh và Trần-lệ-Dung ra bỏ lên xe, nhơn lúc hoảng hốt, vì nghe tiếng bà phủ đã về kêu cũa, nên lật đật mà không kịp trói hai chị em nàng, cứ khiên bỏ nhầu lên xe, rồi hối nhau quất ngựa chạy dộng lên rừng.
Chạy một đỗi rất xa, mặt trời đà lố mọc, tới một chỗ đường rừng, núi non vắng vẽ, Đào-duy-Thạt bèn khiến dừng xe mà nghĩ ngựa, đặng nhắm chừng đường mà tìm đến nhà người bạn-hữu của mình. Chẳng dè lúc ấy hai chị em đã lần lần tỉnh lại, phần bị mặt trời mọc lên, nắng chói ngay vào mặt, Lệ-Dung giựt mình, liền mở mắt ra, ngó thấy tư bề rừng núi xanh um, không hiểu bỡi sao mà mình lại phải nằm giữa rừng hoang như vậy, bên tai lại nghe có tiếng đờn-ông nói chuyện rất đông; nàng bèn liếc mắt xem coi, thấy một tốp ước 8, 9 người đờn-ông, mà trong bọn ấy lại có Đào-duy-Thạt. Trần-lệ-Dung hội ý, vùng lồm-cồm ngồi dậy, nhảy đại xuống xe. Đào-duy-Thạt xem thấy giựt mình, liền hô bắt trói. Tám chín tên du-đảng áp lại vây chặc Lệ-Dung; lúc bấy giờ, một mình nàng tả đụt hữu xông, không nao không núng, còn nàng Mộ-Trinh thì chỉ cứ kêu cứu om sòm.
Tội nghiệp cho Trần-lệ-Dung, một mình nàng là gái, mà cự với 8, 9 đứa côn-đồ, tuy là nàng vỏ-nghệ tinh-thông, song ít mà cự với đông, cũng khó thắng cho nỗi được, phần thì bị thuốc mê, trong mình còn ngầy ngật, nên cũng khó nỗi duy trì, tay chơn bãi hoãi, mệt đã đuối hơi; nàng tự độ trong mình, chắc là phải lầm tay quân gian ác.
Lúc đang nguy cấp, bỗng đâu lại có một người trai-tơ, ở nơi mé đường rừng, cởi ngựa chạy tới, nhảy xuống buộc ngựa bên đường, rồi xốc vào giải vây, đánh đá tưng bừng. Lệ-Dung thấy có người đến cứu, thì nàng mới vững lòng, khí-lực bội gia, nên nàng cũng nổ lực tung hoành, làm cho bọn Đào-duy-Thạt ngã lăn, kẻ u tráng người lọi tay, cả bọn đều hoảng kinh, chẳng kể tới ngựa xe, chỉ có dắc nhau tìm đường, mạnh ai nấy chạy. Người trai tơ ấy rược theo một đỗi xa, rồi mới quày trở lại, đặng hỏi thăm coi hai nàng ấy con gái nhà ai, xem y-phục thì biết là người ở Nam-kỳ, đi đâu ra tới ngoài nầy mà lại bị lũ côn-đồ nó hiếp bức như rứa. Hai chị em Mộ-Trinh bèn tạ ơn người ấy, rồi mới đem hết đầu đuôi các việc của mình ra mà thuật lại một hồi; người ấy nghe rỏ trước sau, trong lòng nỗi nóng, giận vì quân lang-tử giả-tâm, thường hay đam cái giả-man thủ đoạn ấy ra mà hiếp bức gái lành, liền muốn thét lên ngựa rược theo, quyết giết cho sạch bọn hung-đồ mà răn loài bất-nghĩa.
Hai chị em vẫn còn nghỉ tình cậu mợ của mình, nên kiếm lời khuyên giải cho qua; nhơn thấy người ấy là trai, tuy đã có ơn với mình, mà nơi chốn non cao rừng rậm, vắng vẽ không người, đối với hai chị em là gái đương xuân, cứ giữ một mực từ nghiêm nghĩa chánh, thiệt rỏ ràng là hào-kiệt trượng-phu; hai chị em Mộ-Trinh kính phục chẳng cùng, bèn hỏi thăm tên họ và quê-quán cho biết ở đâu, để phòng sau chờ ngày đền đáp.
Người ấy bèn tỏ hết lại-lịch của mình, té ra chàng là Nguyễn-hạo-Nhiên, quê-quán tại Qui-nhơn, từ ngày gặp được Đỗ-khắc-Xương mà kết bạn với nhau, hai bên ý hiệp tâm đầu, như ngư đắc thủy; ngặt vì chàng Đỗ gắp đi ra Bắc thăm cha, cho nên anh em gặp gở chưa được phỉ tình, mà phải lìa nhau đã trót hai năm trời, không biết chàng đã về Nam hay còn ở Bắc, mà biệt tích vắng tâm, vì thương nhớ nhau nên mới ra Bắc mà tìm; ngày ấy đương buổi bình minh, khí trời mát mẻ, một người một ngựa rảo bước thung dung; mảng xem nước bích non xanh, bổng nghe có tiếng người kêu cứu, liền giục ngựa buông cương, chạy riết tới đó mà cứu được hai chị em nàng, đầu đuôi thuật hết một hồi.
Trần-lệ-Dung nghe rỏ lai-lịch của chàng, bèn động niềm tâm-sự, trong lòng lưởng lự, bán tín bán nghi, liền đánh bạo mà hỏi người ấy rằng: « Nảy giờ em nghe ân-huynh tự xưng là người Bình-định, quí-danh là Nguyễn-hạo-Nhiên, lại là con của quan tiền nhậm Tri-phủ Qui-nhơn, vậy mà ân-huynh có biết ông Trần-xuân-Khôi là Huấn-đạo, cũng đồng ở một làng với ân-huynh và cũng làm quan đồng thời với Lịnh-tiên-công hay chăng? » Hạo-Nhiên nghe nàng hỏi dứt lời, vùng sa nước mắt, hồi lâu rồi mới nói rằng: « Ông ấy là Nhạc-thân của tôi, từ ngày ông bị cách một lược với tiên-nghiêm tôi, rồi ông buồn lòng dắc hết gia-quyến vào ở Nam-kỳ, sau nghe hai ông bà đà tị thế, lịnh-ái của ông mỷ-danh là Trần-lệ-Dung, tức là người mà ông đã định gả cho tôi, không biết lưu lạc nơi nào, âm hao vắng bặt; từ ấy nhẩng nay tôi không biết nàng ở đâu mà tìm cho được. Nói tới đây tôi cũng ngùi ngùi mà thầm tủi cho cái phận của nàng một thân cô khổ, đất khách quê người, nói tới chừng nào gan bào ruột thắt; chí như cô là người ở Nam-kỳ, chẳng hay cô có bà-con quen-lớn chi sao mà biết được ông Trần-huấn-đạo? »
Lệ-Dung nghe rỏ hết trước sau liền xé cái đảy đương đeo trong mình, lấy tờ di-chúc của cha mình để lại, mở ra mà coi,[3], biết quả là chàng, nên nàng cũng nghẹn ngào, khóc lở khóc, cười lở cười, cứ nhìn sững Hạo-Nhiên, hai hàng nước mắt rưng rưng, không nói rằng chi được hết. Còn Từ-mộ-Trinh nghe rỏ đầu đuôi, biết chàng là phu-tế của Lệ-Dung, lại là bạn hữu của Khắc-Xương, trong lòng mừng rở chẳng cùng, bèn nói rằng: « Em tôi đây là Trần-lệ-Dung, còn ân-nhân là Nguyễn-hạo-Nhiên, tình cờ mà gặp, thiệt quả lòng trời còn vâng hộ người ngay, lại thêm hai đàng chẳng những là có lời đính-ước của mẹ cha, mà cũng có tiền-duyên túc-trái chi đây, nên mới khiến cho Đào-duy-Thạt nó đồ mưu thiết kế, bắt hai chị em tôi mà đem tới chỗ nầy, cho vợ chồng đường xa muôn dặm, mà được gặp nhau như vầy, thiệt rỏ ràng là thiên hạnh đó. » Nói tới đó rồi lại đam hết những việc của Lệ-Dung từ ngày cha mẹ nàng bất hạnh mà qua đời, vì nàng còn nhỏ, lại thêm côi-cút một mình, cho nên bao nhiêu sự nghiệp cữa nhà đều bị những bọn bất lưong nó đoạt hết, lại còn bắt nàng đem đợ cho cha mẹ mình; lúc ấy nàng vẩn biết cái số kiếp của nàng phải chịu đọa đày một lúc, nên nàng cũng an lòng chịu vào ở đợ với cha mẹ mình; may nhờ cha mẹ mình thương nàng mà nhìn nhận làm con, chị em lại yêu mến nhau v.v... đầu đuôi gốc ngọn, thuật rỏ một hồi, lại lấy tờ di-chúc của cha nàng Lệ-Dung mà trao cho Hạo-Nhiên xem. Hạo-Nhiên nghe rỏ trước sau, lại thấy tờ di-chúc căn-cứ đã rỏ ràng, liền cúi lạy Mộ-Trinh mà tạ lòng nhân hậu của nàng đối đải với Lệ-Dung tự bấy lâu nay. Mộ-Trinh bèn day lại nói với Lệ-Dung rằng: « Nầy em, nay may gặp được ân-nhân mà chị em ta đã tai qua nạn khỏi rồi, song không biết mẹ mình đi xuống Hà-nội đã về chưa, nếu mẹ mình về tới Bắc-ninh mà không thấy chị em mình, thì chắc sao mẹ mình cũng kinh hồn hoảng vía, lo sợ lung lắm đa em à! Vậy phải tính sao bây giờ? »
Lệ-Dung nói: « Vã đây mà về Bắc-ninh thì gần, còn đi xuống Hà-nội thì xa, vậy bây giờ chị em ta phải trơ lại Bắc-ninh mà dọ nghe coi động tịnh thé nào, nếu mẹ mình còn ở dưới Hà-nội thì chị em mình sẽ đi thẳng xuống Hà-nội mà tìm cũng chẳng muộn chi » Hạo-Nhiên cũng gặt đầu mà cho rằng phải, chị em bèn nhứt định trở lại Bắc-ninh. Mộ-Trinh lại mời Hạo-Nhiên về theo cho mẹ mình biết mặt, sẵn có xe ngựa của bọn Đào-duy-Thạt còn bỏ lại đó, hai chị em bèn lên xe ấy, Lệ Dung cầm cương giục ngựa đánh xe đi trước, Hạo-Nhiên cởi ngựa huởn-huởn theo sau, bảo hộ hai chị em nàng lần đường trở lại Bắc-ninh mà tìm mẹ.
Khi về gần tới Bắc-ninh, đi dọc đàng, nghe hai bên thiên-hạ cứ chỉ trỏ hai chị em mà nói với nhau rằng: « Hai cô nầy đây, chắc là hai cô nầy. » Người khác lại nói rằng: « Phải rồi, hai cô đó đa. » Hai chị em thấy vậy thì lấy làm lạ, bèn dừng xe lại, hỏi coi duyên cớ làm sao, họ lai chỉ mình mà nghị luận với nhau như thế. Trong đám ấy có một bà già, bước lại gần nhìn sửng hai chị em rồi nói rằng: Số là đêm nay có quân gian ác nào đó, đem thuốc mê đến xông nơi nhà bà huyện, rồi bắt mất hai cô cháu-gái của bà. Bà mẹ của hai cô ấy đi Hà-nội về, thấy chúng bắt mất cả hai cô con thì than khóc om sòm, rồi lại đi cáo quan; hiện bây giờ đây, quan còn đương tra hỏi lung-tung nơi nhà bà huyện. Nghe nói ba mẹ con bà ấy là người Nam-kỳ, nay mấy người nầy họ thấy hai cô đều bới tóc[4], họ biết là người Nam-kỳ mà định chừng là hai cô bị bắt đó, nên họ mới nghị luận lăng xăng như thế đấy. » Hai chị em nghe nói rỏ ràng thì biết mẹ mình còn đang ở nơi nhà bà huyện; liền nói cho Hạo-Nhiên hay rồi quất ngựa chạy dông về nhà bà huyện.
Nhằm lúc quan còn đang tra hỏi bàn cận hai bên, bà phủ cũng còn đang than khóc ní-non ní-nọt. Hai chị em liền bước xuống xe chạy đại vào nhà, miệng kêu má, má, lăng xăng, còn tay thì ôm lấy mẹ mình rồi cũng khóc oà, nước mắt tuôn ra như suối chảy. Bà phủ đang khóc ní-non, bổng nhiên trông thấy hai con, mừng tủi dập dồn, làm cho bà lại càng sửng sốt nghẹn ngào hơn nữa. Một chặp lâu bà phủ mới định tỉnh tâm thần, bèn vuốt ve hai cô con mà hỏi thăm sau trước. Mộ-Trinh thuật sơ lại cho mẹ nghe, song vì trước mặt bà huyện, nên nàng cũng chẳng nói tới tên Đào-duy-Thạt. Rồi đó nàng lại mới Nguyễn-hạo-Nhiên vào mà trình diện cho mẹ mình biết và thuật việc cha mẹ hai đàng vẩn đã giao hòa với nhau, lại lấy tờ di-chúc của cha Lệ-Dung để lại mà trao cho mẹ coi. Bà phủ nghe rỏ trước sau, lại thấy Nguyễn-hạo-Nhiên hình dung tuấn nhả, diện mạo khôi ngô, rồi bà nhìn lại Lệ-Dung, thiệt rỏ ràng là một cặp giai-nhân tài-tử, đôi đã xứng đôi, bà mừng vui chẳng xiết.
Lúc bấy giờ, quan còn đang tra xét, thấy hai chị em nàng lại đã được về, bèn day lại gạn hỏi hai nàng đặng cho biết tung-tích đứa gian để sai người tầm nả. Trần-lệ-Dung bèn đem đầu đuôi các việc, từ lúc chúng nó xông thuốc và chở đem lên trên rừng, cho đến khi hai chị em tỉnh lại, chống cự với nó, lại may gặp Hạo-Nhiên giải cứu, nhứt nhứt bẩm thiệt một hồi; ngặt vì lạ hết, cho nên không biết rõ mặt mày mà nhìn cho ra được.
(Số là Lệ-Dung vẫn biết trong lúc hổn chiến, nàng đã đánh trúng chỗ nhược của Đào-duy-Thạt; tuy hắn không chết, song mà rồi đây hắn cũng trở ra một đứa tàn-tật trọn đời, thân sống như thân chết, cũng đã đáng cái tội ác của hắn rồi. Nên chẳng cần phải khai bẫm với quan làm chi cho mít lòng mợ mình là bà huyện; mà rồi chi cho khỏi hắn bị quan bắt buộc mà hỏi tra, mình tuy là tiên cáo, song cũng phải bị đòi tới đòi lui, lẳng-nhẳng nhiều ngày mà thêm bận, nên nàng bỏ biệt tên hắn mà chẳng khai ra, chỉ cứ nói là quân hoang nào ở đâu, mình không biết mặt mày, đặng bỏ qua cho rồi việc)
Quan hỏi tới Hạo-Nhiên, thì chàng lại bẫm rằng chàng ở Trung-kỳ mới ra, cũng chẳng biết được mặt mày những quân hoang ấy.
Khi quan lấy lời khai xong mà về rồi, thì hai chị em Mộ-Trinh mới to nhỏ với mẹ mình mà tỏ thiệt những việc mợ dâu mình dung túng thằng cháu trai là Đào-duy-Thạt làm những đều nhẫn tâm hại lý, nhục cho danh-giáo vậy vậy...... rồi khuyên bà phải lo dời đi ở chỗ khác cho mau. chớ có ở đó nữa làm chi, e sau nó còn sanh nhiều đều biến trá. Bà phủ nghe rỏ trước sau thì bà giận lắm, song bà cũng dằn lòng ẫn nhẫn, chẳng nói tiếng chi cứ lo thu xếp đồ đạt, rồi giả từ bà huyện, 4 mẹ con đề huề, dắc nhau ra xe trở xuống Hà-nội.
Khi xuống tới nơi rồi, bà phủ bèn bảo Mộ-Trinh viết một phong thơ gỏi lên Cao-bằng cho quan huyện là em của bà mà tỏ những việc như vậy cho ngài hay và từ giả luôn mà trở về Nam-kỳ chớ không thế nào mà ở chờ cho chị em gặp mặt được. (Quan huyện Nguyễn-hữu-Thân được thơ, hay rỏ công việc như vậy thì giận thằng cháu vợ là Đào-duy-Thạt vô cùng. Đến sau khi ngài mãn nhậm mà trở về Bắc-ninh, thấy Đào-duy-Thạt vì bị đánh lúc nọ mà đã ra thân què-trệt có đi đâu thì phải lết mà đi; tội ác của hắn đã đền rồi, nên ngài cũng chẳng biết nói làm sao, phải bỏ qua cho hắn; ấy là việc sau).
Đây nhắc lại mẹ con bà phủ, khi gởi thơ cho em rồi thì bà lại đi vào nhà Băng lãnh hết số bạc của bà gởi ra, lo mua đồ hàng nhiểu, lược, the, để đem về Nam mà bán. Còn Nguyễn-hạo-Nhiên thì lo đi hỏi thăm tin tức của Đỗ-khắc-Xương; té ra nghe nói năm nọ chàng ra có vài tháng, rồi cha con dắc nhau đi tàu mà về Nam-kỳ là nội lúc đó rồi; lại nhơn đi đường biển, nên không ghé được mà cho Hạo-Nhiên hay. Bỡi đó cho nên Hạo-Nhiên không rỏ âm hao, nên mới đi phóng chừng, thời may lại gặp mà cứu hai chị em khỏi nạn; ấy rỏ ràng là cũng tại lòng trời, chớ không phải việc ngẩu nhiên mà được vậy.
Rồi đó Hạo-Nhiên bèn thưa cùng bà phủ, xin đi đường bộ mà về trước vài ngày, đặng lo thu xếp việc nhà rồi ở tại Qui-nhơn mà chờ tàu vô tới đó, chàng sẽ tháp tùng một chuyến tàu mà về theo trong Nam-kỳ, đặng có tìm kiếm bạn lành là Đỗ-khắc-Xương luôn thể.
Khi Hạo-Nhiên đi rồi, ba mẹ con bà phủ còn phải ở lại Hà-nội hơn trót một tuần mà chờ tàu; đồ đạt mua chác đâu đó xong xuôi. hỏi thăm ngay tàu chạy đã chắc chắn rồi mới đề huề đem đồ ra xe lửa đi xuống Hải-phòng, rồi mới mướn cu-li chở ngay xuống tàu.
Sáng ra bữa sau, lối 4 giờ khuya, tàu mới lấy neo, may nhờ trời êm gió thuận, tàu chạy thẳng thét hai ngày một đêm mới vào tới cữa Hàng, tàu gieo neo đậu đó mà lấy thơ và nghĩ máy vài giờ, rồi mới lấy neo mà chạy; ước độ chừng 6, 7 giờ nữa mới tới Qui-nhơn.
Tàu tới cữa Qui-nhơn, gieo neo đậu lại rồi. Nguyễn-hạo-Nhiên ở dưới ghe bầu xách đồ hành-ly bước lên, lại có đem theo một tên gia-nhân để phòng sai khiến. Hai đàng gặp nhau mừng rở, lo an trí đồ đạt vừa xong thì tàu đã lấy neo; chạy trọn một đêm ngày mới tới bến Saigon.
Bà phủ bèn hối con mướn xe chở đồ hành-lý thẳng vô lối cầu Rạch-bần mà ở nhờ ít ngày nơi nhà ông Phán Hạp là người bà-con của bà, rồi sau sẽ lo kiếm mướn một căn phố để ở mà buôn bán. Bà lại bảo Lệ-Dung viết thơ gởi về Mỷ-tho mà hỏi thăm tin tức Đỗ-khắc-Xương.
Khi an trí đồ đạt xong, Nguyễn-hạo-Nhiên bèn thưa với bà, rồi mướn xe kéo đi ra chợ Sài-gòn giạo chơi cho biết. Chẳng dè, khi nên trời cũng chìu ngưòi, xe ra tới chỗ sân rộng nơi trước Chợ-mới, vừa muốn quanh lại chợ, Hạo-Nhiên vùng ngó thấy một người đương đi trên lề đường (trottoir) giống dạng Khắc-Xương, liền bảo xe ngừng lại, rồi bước xuống vừa chạy theo vừa kêu. Đỗ-khắc-Xương nghe kêu, liền day mặt lại, anh em gặp nhau mừng vui chẳng xiết, bèn dắc nhau tìm vào quán rượu, kêu bồi đem rượu li-mỏ-nách (limonade) ra, hai anh em bèn ngồi lại uống cầm chừng mà chuyện vãn với nhau. Hạo-Nhiên đem hết những việc mình thương nhớ Khắc-Xương nên phải ra ngoài Bắc mà tìm, may đâu lại gặp chị em Mộ-Trinh mắc nạn mà cứu được, rồi theo ba mẹ con bà phủ đặng vào Nam-kỳ mà tìm Khắc-Xương, đầu đuôi các việc thuật hêt một hồi. Khắc-Xương nghe nói cảm tạ chẳng cùng, rồi cũng đem hết những việc của mình mà thuật lại cho Hạo-Nhiên nghe; lại nói: Hôm nay mình lên Sài-gòn đây là cũng vì đau mới mạnh, chưa làm gì được, nhà còn một mẹ già và hai đứa nhỏ, thiếu trước hụt sau, gia-tài còn có nữa láng quế[5], mẹ mình thấy nhà thúc-múc, bảo đem đi bán, mà bán dưới Mỷ-tho không được, nên phải đem lên Sàigòn mà bán, để lấy đồng tiền đem về mà đở ngặt trong lúc nầy, không dè bất kỳ nhi ngộ, thiệt cũng là may. Hạo-Nhiên nghe rỏ trước sau, cũng hết lòng cám cảnh. Rồi rủ Khắc Xương đi theo với mình vô cầu Rạch-bần mà thăm ba mẹ con bà phủ. Đỗ-khắc-Xương xét mình nghèo khổ, e nổi tình đời ấm lạnh, nên chàng chẳng muốn đi. Hạo-Nhiên bèn đem hết những việc của mẹ con bà phủ có lòng hoài vọng và nhắc nhở mà thuật lại cho Khắc-Xương nghe, lại nói: Nếu anh chẳng đi thì té ra anh lại phụ tấm lòng trinh-bạch của nàng và cái ơn châu-toàn của bà phủ. Đỗ-khắc-Xương nghe Hạo-Nhiên nói lắm, nên phải gắng gượng đi theo.
Còn ba mẹ con bà phủ ở nhà. đương ngồi trò chuyện với nhau, bà tính hể tìm được Đỗ-khắc-Xương rồi thì bà sẽ cho hai cặp thành hôn một lược. Còn đương bàn luận với nhau, bổng thấy hai cái xe kéo chạy đến đậu ngay trước cữa. Bà chưa biết xe ai, liền đứng dậy ngó ra, chừng coi lại, té ra là Hạo-Nhiên với Khắc-Xương, đắc nhau về một lược.
Thiệt là việc không ngờ, thình lình mà lại gặp, rỏ ràng là cái máy nhiệm của Hoá-công, dầu cho tan hiệp hiệp tan, cũng một tay người sắp đặt. Bà phủ thấy Đổ-khắc-Xương thì mừng vui chẳng xiết, bèn bảo chàng ngồi lại cho bà hỏi thăm việc nhà của chàng từ ấy đến nay, bề ăn ở làm sao, mẹ chàng mạnh giỏi lẽ nào; Đỗ-khắc-Xương bèn đem hết đầu đuôi gốc ngọn mà thuật lại một hồi; bà phủ nghe nói ngùi ngùi, còn Từ-mộ-Trinh ở trong buồng nghe rỏ trước sau, cũng sụt sùi lụy ngọc. Bà phủ cũng thuật việc nhà của bà lại cho chàng nghe, chừng ấy Đỗ-khắc-Xương mới hay quan phủ đà tạ thế Bà lại kêu Mộ-Trinh ra, hai đàng thấy nhau, khóc lở khóc, cười lở cười; chỉ cứ nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt.
Rồi đó bà phủ bèn bảo Khắc-Xương dắc Hạo-Nhiên về Mỷ-tho mà thưa trước cho mẹ chàng hay, để ba mẹ con bà ở lại Saigon ít ngày mà bán cho hết hàng, rồi bà sẽ về sau đặng tính việc hôn nhơn cho bốn trẻ.
Đỗ-khắc-Xương với Hạo-Nhiên vâng lời, liền từ tạ ba mẹ con bà, rồi dắc nhau về Mỷ-tho. Về đến nhà rồi Đỗ-khắc-Xương bèn đem hết những việc mình gặp bạn củ là Hạo-Nhiên và ba mẹ con bà phủ tại Saigon, cùng những lời bà phủ đinh-ninh dặn dò mà thưa lại cho mẹ mình hay; Hạo-Nhiên cũng vào lạy mừng bà, kêu bà bằng bá-mẩu (bác gái). Đoàn-thị bấy lâu tuy đã có nghe con nói lại, song chưa thấy được mặt mày, nay mới biết Hạo-Nhiên, nên bà cũng mừng cho con bà may được gặp bạn hiền và vợ nghĩa.
Cách ít ngày bà phủ bán đã hết hàng, mẹ con bèn từ giã vợ chồng ông Phán Hạp rồi dắc nhau về Chợ-gạo. Đoàn-thị mừng rở, ra đón rước vào nhà, chị em trò chuyện với nhau, nhơn nói qua tới việc lứa đôi, thì bà Đoàn-thị lại càng cãm tình bà phủ. Hai bà bàn tính với nhau xong xuôi, cậy người chọn được ngày lành, dọn dẹp nhà cữa và sắp đặt cổ bàn, mời hết xóm-diềng và họ-hàng bà-con thân-thích đến, rồi cho 4 họ là: Đỗ-Từ Trần-Nguyễn[6] làm lễ từ-đường và động phòng huê chúc.
Khi xong việc đám cưới rồi, bà phủ bèn xuất bạc ra mua cây mua ván mà sữa cái nhà lại cho rộng rải chắc chắn đặng ở chung với nhau.
Từ đây ơn mặn tình nồng, tài-tử giai-nhân, song song hai cặp; mẹ con chồng vợ, sum hiệp một nhà, trên thuận dưới hòa, trong vui ngoài đẹp; hai bà mẹ[7] thì lo mướn bạn bè mà làm ruộng. Khắc-Xương với Hạo-Nhiên thì dạy học trò trong xóm, còn Mộ-Trinh với Lệ-Dung thì cứ châm nom theo việc nữ-công, mạng vớ thêu khăn, để bán lấy tiền mà đấp đổi cho qua ngày tháng.
Ngày giờ thấm thoát, mới đó mà đã ba bốn năm trời. Bửa kia Đỗ-khắc-Xương đương ngồi trong nhà mà đàm luận thế-tình với Nguyễn-hạo-Nhiên, bổng thấy một tên lính làng đem đến một phong thơ, đề tên họ của mình rõ ràng, nơi góc cái bao thơ có mấy hàng chữ in; coi kỷ lại thì biết là thơ của quan Nô-te (Notaire) ở Hà-nội gởi đến cho mình, Đỗ-khắc-Xương không hiểu ý chi, bèn mở ra mà xem.
Thơ như vầy:
« Monsieur Đỗ-khắc-Xương,
« Ta là quan No-te ở tại Hà-nội, kính cho thầy hay rằng ông Hoàng-hữu-Tâm ở tại Hà-nội, trước khi lâm chung, ông có giao cho ta một số bạc là hai chục ngàn đồng, với một tờ chúc-ngôn, ông dặn ta trao lại cho thầy. Ấy vậy, hễ thầy được thơ nầy rồi thì thầy phải lập tức đến tại phòng việc của ta mà lãnh lấy số bạc với tờ chúc-ngôn ấy, chớ nên trì huởn, ta hết lòng trông đợi tin thầy.
« Bấy nhiêu lời cho thầy rõ. »
Đỗ-khắc-Xương đọc dứt thơ rồi, cả nhà đều chưng hững, không hiểu bỡi sao mà ông Hoàng-hữu-Tâm khi gần qua đời, lại để bạc mà cho Khắc-Xương nhiều như vậy, làm cho ai nấy cũng sửng sờ. Một chặp lâu bà Đoàn-Thị bèn nói với Đỗ-khắc Xương rằng: « Hoặc là lúc cha con ra ở ngoài Bắc, có làm việc gì với anh Phán chăng, vậy thì con cũng phải đi ra đó đặng coi cái tờ chúc-ngôn của anh Phán thể nào cho biết. » Đỗ-khắc-Xương nghe nói có lý, nên phái vâng lời, liền sắm sữa hành-lý rồi từ giả hai mẹ (mẹ ruột và mẹ vợ) với vợ và vợ chồng Hạo-Nhiên, rồi cũng dắc thằng Hành theo cho có bạn mà đi ra Bắc.
Khi ra tới Hà-nội rồi, bèn tìm đến phòng việc quan Nô-te, đem cái thơ của Nô-te gỡi cho mình hôm nọ và những giấy tờ chứng chắc rằng mình thiệt là Đỗ-khắc-Xương mà trình ra cho quan Nô-te xem.
Quan Nô-te liền mời Đỗ-khắc-Xương ngồi lại cho ông xem xét giấy tờ kỷ-lưởng, rồi mới đứng dậy đi mở tủ sắt, lấy bạc ra đếm đủ hai chục ngàn đồng với một tờ chúc-ngôn, bảo Đỗ-khắc-Xương ký tên nhận lãnh rồi giao hết cho chàng. Đỗ-khắc-Xương lãnh bạc xong xuôi rồi, liền mở tờ chúc-ngôn ấy ra mà xem, thấy rỏ ràng là tuồng chữ của ông Phán Tâm.
Tờ chúc-ngôn ấy như vầy:
« Tôi đứng ký tên dưới đây là Hoàng-hữu-Tâm, Thầu-khoán tại Hà-nội, làm tờ chúc-ngôn nầy để lại mà cho tên Đỗ-khắc-Xương là người ở làng.... tổng.... tĩnh Mytho (Nam-kỳ) một số bạc là hai chục ngàn đồng.
« Nguyên vì trong năm 19... tháng... ngày... cha nó là Đỗ-khắc-Thới với tôi có tìm được một mỏ đồng tại Sơn-la, lúc ấy anh em tôi có giao ước miệng với nhau, quyết chung sức nhau lại mà khai cái mỏ ấy, hễ ngày sau được lợi bao nhiêu thì chia nhau mà hưỏng.
« Chẳng dè công việc chưa kịp khởi ra mà ông Đỗ-khắc-Thới rủi thọ bịnh trở về Nam-kỳ rồi qua đời luôn trong ấy.
« Từ ấy đến nay trót đã 5 năm, một mình tôi lo mướn dân thợ khai mỏ ấy mà thủ lợi.
« Nay tôi tính sổ, khấu trừ hết các khoản chi phí và thuế-vụ, thì còn lại một số tiền lời chắc chắn là bốn vạn đồng.
« Xét vì ông Đỗ-khắc-Thới với tôi là bạn thiết, tuy ông không có công khai, mà ông có công tìm được; tuy không có giấy tờ chi hết, song một lời giao-ước với nhau như ghi vô đá, chạm vô đồng, dầu cho muôn đời ngàn kiếp cũng chẳng nên quên; chớ tưởng rằng không ai hay biết, không có bằng cớ chi mà chiếm hưởng lấy một mình, thì còn mặt mũi nào mà dám nhìn nhau nơi chín suối.
« Bỡi giữ lòng chơn-chánh và tín-nghĩa với nhau, nên tôi đành chia hai cái số bạc lời 4 vạn ấy ra, để lại cho con tôi một nửa, còn một nửa thì cho con trai ông Đỗ-khắc-Thới là Đỗ-khắc-Xương cho tròn cái nghĩa-vụ, vân vân...................... »
Đỗ-khắc-Xương xem hết tờ chúc-ngôn ấy rồi thì trong lòng ngùi ngùi, rất cãm cái lòng khẳng-khái và tín-nghĩa của ông Hoàng-hữu-Tâm. Liền từ tạ quan Nô-te, rồi dắc thằng Hành đến nhà ông Hoàng-hữu-Tâm mà thăm vợ con ông, và xin vào lạy bàn thờ, rồi ra lạy mồ mã của ông để tỏ tấm lòng hoài cãm
Đâu đấy xong rồi. thầy trò Đỗ-khắc-Xương bèn từ tạ vợ con ông Hoàng-hữu-Tâm mà trở lại Nam-kỳ.
Khi về đến nhà rồi Đỗ-khắc Xương bèn đọc hết tờ chúc-ngôn và thuật rỏ tấm lòng hào-hiệp, trọng nghĩa khinh tài của ông Hoàng-hữu-Tâm lại cho ai nấy nghe; cả nhà đều hết lòng kính phục.
Rồi đó Đỗ-khắc-Xương mới bàn tính với Hạo-Nhiên, muốn dùng số bạc ấy anh em chung sức với nhau, lập một cuộc buôn bán dừa khô và lúa.
Hai anh em thương lượng với nhau xong rồi mới thưa lại cho hai bà mẹ hay. Hai bà thấy con rể có chí dinh thương như vậy thì cũng có bụng mừng.
Chẳng dè năm ấy khí trời độc địa, thiên hạ bao nhiều, cô của Đỗ-khắc-Xương là Đỗ-thị-Bườn xuông dịch nặng mà thác. Vợ chồng Đỗ-khắc-Xương bèn thưa với mẹ đặng đến mà chịu tang. Đoàn-Thị thấy dâu con cư xử như vậy thì khen rằng: « Phải đa con, vợ chồng con biết xữ nghĩa như vậy thì phải lắm đa; bề nào nó cũng là cô ruột của con, nó có ở quấy thì để cho trời, chớ vợ chồng con là cháu, thì phải giữ cho tròn phận cháu. » Đỗ-khắc-Xương bèn bảo vợ lo mua sắm lễ-vật đặng đem đến mà chịu tang, bỡi biết tánh-tình của ông giượng rể, nên vợ chồng cũng phải mua vải đem theo mà bịt khăn, chớ để lấy vải của va mà bịt khăn thì chắc là va thót ruột.
Khi tống táng xong rồi mà trở về nhà, đi dọc đàng, Tám-Chỉnh bước xớ-rớ, rủi sao lại đạp nhằm con rắn; bị nó mỗ trúng bàn chơn, Tám-Chỉnh vùng la hoảng lên, ai nấy đều thất kinh, bèn xúm nhau lại khiên cậu ta đem về. Vừa về tới nhà thì đã nghe đờm kéo lên ồ-ồ. Đỗ-khắc-Xương liền cho người chạy đi rước ông Tư-Sành là thầy thuốc rắn. Ông ấy chạy tới, coi chỗ dấu rắn cắn và lại coi cặp con mắt của Tám-Chỉnh, rồi lắc đầu mà nói rằng: « Đó là rắn hổ-đất, mà lại nhằm con rắn chữa, nọc đã nhiều mà độc lắm, trể quá rồi, cứu không kịp. » Ông Tư-Sành nói chưa dứt lời mà Tám-Chỉnh đã hồn qui dị lộ.
Nguyên vợ chồng Tám-Chỉnh chẳng có con cái chi hết, cho nên khi nhắm mắt rồi, trong nhà chẳng có một ai; Đỗ-khắc-Xương bèn thưa với làng, xin phải cho người đi báo bẫm cho quan Tòa hay; còn một phía thì lo mua sắm quách-quan mà tẩn liệm.
Buổi chiều ngày ấy, ước lối 4 giờ, có xe ô-tô của quan Lục-sự và quan Trưởng-tòa xuống tới, có một thầy thông-ngôn đi theo. Kêu Xả-trưởng, Hương-thân và Hương-hào đến, dạy kiểm điểm hết sản-vật trong nhà mà biên từ món, lại mở tủ bạc ra[8] đếm hết mà coi, thì những gia-sản của vợ chồng Tám-Chỉnh để lại kể biên như sau nầy:
Bạc hiện trong tủ là = |
13.223$70 | |
Những giấy nợ cho vay cọng hết là = |
9.255 00 | |
Bốn sở vườn đáng giá là = |
3 000 00 | |
Năm dây ruộng đáng giá là = |
8.000 00 | |
Bàn ghế, ván, tủ, cùng đồ tạp vật đáng giá là = |
500 00 | |
Cọng hết được = |
33 978$70 |
(Than ôi! vợ chồng Phùng-văn-Chỉnh với Đỗ-thị-Bườn, lúc sanh tiền con cái không ngơ, mà không lo tu nhơn tích đức, để cứ khu-khu một lòng vi phú bất nhơn, cho vay đặt nợ, khắc bạc nhà nghèo, năm chí cuối cứ lo thâu liểm, đem về mà dồn dập cho đầy nhóc cái túi tham; lại không dám ăn dám mặc, cứ bo bo làm mọi mà giữ của cho thế-gian. Đến khi hết số mà phải theo quỉ vô thường rồi, thì một su một điếu cũng chẳng đem theo được, đi lại cũng nắm hai bàn tay không; thế thì cái kiếp phù-sanh nầy như bọt nước, như chiêm-bao, những kẻ tham-lam mà có ráng sức tranh danh đoạt lợi cho lắm đi nữa lại có ích gì!)
Khi quan Lục-sự biên xong sản-nghiệp của Tám-Chỉnh rồi cọng hết thảy được 33 ngàn, 9 trăm, 7 mươi 8 đồng, 7 cắt (33.978 $ 70). Có mấy ông hương-lão ra đứng bẩm với quan Lục-sự xin truất trong số bạc ấy ra 2 trăm đồng, để chi phí về việc chôn cất Tám-Chỉnh. Quan Lục-sự hứa để về bẫm với quan Tòa đã. Rồi đó quan Lục-sự liền niêm phong lại hết, giao cho làng canh giữ mà chờ lịnh quan Tòa.
Quan Lục-sự về rồi, cách qua bữa sau có giấy quan Tòa gỡi xuống cho phép làng truất ra 2 trăm đồng bạc mà tống chung Tám-Chỉnh, y như lời của mấy ông hương-lão đã xin, và dạy làng phải truyền rao cho những người nào mà thiệt là bà-con thân-thích của Phùng-văn-Chỉnh với Đỗ-thị-Bườn, thì phải làm khai cho làng thị nhận chắc chắn rồi đem đến Tòa mà xin thừa nhận những sản-nghiệp ấy.
Lúc bấy giờ, những người ở trong làng trong xóm, ai mà chẳng biết Đỗ-khắc-Xương là cháu ruột của Đỗ-thị-Bườn; mà nhứt là mấy ông hương-lão lại thường hay tới lui nhắc nhở Khắc-Xương, bảo phải làm khai đến Tòa mà xin thừa nhận cái sự-nghiệp ấy. Theo cái thường-tình thì ai cũng đều mừng cho Đỗ-khắc-Xương. Duy có một mình Đỗ-khắc-Xương thì lại nhứt định không thèm lảnh đồng tiền bất nghĩa.
Từ-mộ-Trinh thấy vậy thì khuyên chồng rằng: « Đã biết rằng của ấy là của bất nghĩa cũng phải đó chúc! Nhưng mà, nếu ta biết lợi dụng của ấy thì ta lại làm cho nó trở ra có nghĩa, chẳng tốt hơn sao! Chớ nếu mình chê mà không lảnh, rồi cũng không ai được lảnh, thì của ấy phải nhập quan; té ra cũng chẳng có ích gì cho ai hết cả. Chi bằng mình lảnh lấy đem về, rồi lựa những giấy nợ, hoặc kêu mấy người thiếu nợ đến mà cho, hoặc đốt hết đi mà làm phước. Còn những vườn đất mà cô với giượng xiết nợ của người nào thì kêu người nấy mà cho họ lai. Còn chỉ tồn lại số bạc bao nhiêu, thì ta coi những con trẻ trong làng, lựa những đứa nào mà có khiếu thông-minh, thì ta giúp học-phí cho chúng nó sang Tây du học. Ví bằng mà có còn dư nữa, thì ta lại chọn những hội nào mà chuyên lo công ích cho đời, thì ta đem hết mà dâng cho hội ấy chẳng tốt lắm sao? Thầy-nó nghĩ coi, làm như vậy thì có phải là của bất nghĩa mà mình làm ra việc nghĩa hay không? » Đỗ-khắc-Xương nghe lời vợ nói rất hay, rất có lý thú; bèn vổ vai vợ mà nói rằng: « Thiệt chị-hai-nó là đờn-bà con-gái mà chí khí rất cao, có vợ mà được như vầy thì quí biết dường nào! » Bèn lấy giấy viết khai, cho đi mời làng đến thị nhận cho mình và có mấy ông hương-lão cũng đứng vào làm chứng chắc chắn rằng mình là cháu ruột của Đỗ-thị-Bườn, xin thừa nhận gia-tài sự-sản của cô mình.
Đâu đấy xong rồi, sáng ra bũa sau Đỗ-khắc-Xương bèn đem lá khai ấy với một tờ tông-chi tộc-phái và một lá khai-sanh đến trình với Tòa mà xin thừa nhận của ấy. Tòa xét đã rõ ràng bằng cớ rồi, liền lên án cho Đỗ-khắc-Xương thừa nhận sản-nghiệp của Đỗ-thị-Bườn và Phùng-văn-Chỉnh.
Khi Đỗ-khắc-Xương được quản lảnh trọn hết gia-tài sự-sản của Thị-Bườn rồi, bèn thưa lại cho hai bà mẹ hay, và cũng tỏ cái ý-kiến của vợ mình cho vợ chồng Hạo Nhiên nghe. Hạo-Nhiên với Lệ-Dung nghe rõ những việc của vợ chồng Khắc-Xương tính làm như vậy thì lấy làm kính phục cái cao-nghĩa ấy vô cùng.
Rồi đó Đỗ-khắc-Xương bèn dạy gia-dịch trong nhà, vật heo vật bò làm thịt, mời hết làng xóm và mấy người thiếu nợ đến mà đải đằng một bữa, rồi lấy hết giấy nợ đem ra mà đốt ráo. Lại cho kêu những người đã bị cô giượng mình xiết-đất đoạt vườn mà trừ nợ thuở nay đó tới, rồi của ai thì cho lại nấy. Ôi! Lúc bấy giờ, những người thiếu nợ và mấy người bị đoạt đất xiết vườn, thảy đều mừng rở và thâm cảm cái lòng khẳng-khái của Khắc-Xương; bỡi đó cho nên, người niệm phật, kẻ vái trời mà xưng tụng cái lòng hào-hiệp và cái chí thanh-cao của hai vợ chồng chàng Đỗ.
Còn lại bao nhiêu vườn ruộng, Đỗ-khắc-Xương cũng bán hết rồi nhập với số bạc hiện còn trong tủ; đem ra, lớp thì giúp cho con nhà nghèo sang Tây du học, lớp thì cất nhà trường thêm, rước mấy thầy thất vận về để nuôi dạy những con trẻ mồ-côi trong làng, hoặc cho hội nầy, hoặc giúp hội kia. Lại xin phép quan mà lập một nhà hội Giảng-Báo ở trong làng, gởi mua đủ hết các thứ nhựt-báo quốc-văn trong Nam ngoài Bắc, rồi bốn vợ chồng là: Đỗ-Từ Trần-Nguyễn, cứ luân phiên nhau, hễ mỗi ngày chúa-nhựt thì mời hết dân trong làng tựu nhau tại nhà Hội, rồi lựa những bài nào có giá trị, có thể bổ ích được cho quốc-dân, thì đọc hết và giảng giải rỏ ràng cho ai nấy nghe.
Hễ ngày nào mà giảng giải cho đờn-bà và con-gái nghe, thì về phần Từ-mộ-Trinh với Trần-lệ-Dung; còn ngày nào mà giảng giải cho đờn-ông và con trai nghe, thì về phần Đỗ-khắc-Xuơng với Nguyễn-hạo-Nhiên lãnh lấy. Nhờ vậy mà không đầy một năm, dân trong làng ấy, mười phần đã được mở mang hết tám, chín.
Đỗ-khắc-Xương lại xuất bạc riêng của mình ra 4 trăm đồng mà xây hai cái nền mộ cho vợ chồng Tám-Chỉnh, đó là chàng ta có ý để huờn cái số bạc của mình vay khi trước, đặng chuộc cái nhà và miếng vườn lại rồi kêu thợ về sữa lại cho rộng rãi và sạch sẽ hơn, rước hai bà mẹ về ở đó với hai vợ chồng. Còn cái nhà mua của Tư-Hổ mà ở xưa rày đó, cũng cất lại tữ tế, để cho hai vợ chồng Nguyễn-hạo-Nhiên với Trần-lệ-Dung ở. Từ đó đến sau hai đàng tới lui với nhau như tình ruột thịt; sanh con đẻ cháu đầy nhà, khổ tận cam lai, đoàn viên một cữa.
Nghĩ lại mà coi, Tạo-vật thiệt khéo xây, như vợ chồng Đỗ-thị-Bườn, nhà đã giàu có tiền bạc dư muôn, lại còn mong lòng tham quấy; gia-tài của cháu ruột mình còn có một miếng đất với một cái nhà, mà cũng cố tình, quyết đoạt cho được mới nghe.
Đến khi nhắm mắt rồi, thì đi lại của cháu cũng giao về cho cháu; thiệt là thiên-lý chiêu chương, tham lam mà hà ích?
Từ đây Hiệp-phố châu huờn, vật qui cố-chủ; Nguyễn, Trần, Từ, Đỗ, sum hiệp một nhà; ấy rỏ ràng, hễ tích thiện chi gia, thì ắt được hưởng muôn vàn hạnh-phước.
CHUNG.
- ▲ Chim mà gần chết tiếng kêu nghe buồn thảm lắm, người mà gần chết lời nói cũng hiền lành.
- ▲ Mình tới ở trong nhà người ta lâu ngày thì người ta hèn mình, khinh bạc mình. Còn năng tới lui thường lắm, dầu bà con cũng hóa ra xa.
- ▲ Nguyên lúc cha nàng gần lâm chung, có để tờ di-chúc lại rằng đã có hứa hôn, định gã nàng cho Nguyễn-hạo-Nhiên, con quan phủ Nguyễn..... ở Qui-nhơn v. v,.... Mẹ nàng lại xếp tờ di-chúc ấy may vào trong một cái đảy, nàng đeo luôn trong mình tự bấy lâu nay.
- ▲ Nguyên đờn-bà con-gái Nam-kỳ thì bới tóc, còn đờn-bà con-gái Bắc-kỳ thì chích khăn; cho nên hễ vừa trông thấy nội có cái đầu, thì đã biết mà phân biệt được đờn-bà trong Nam hay là đờn-bà ngoài Bắc.
- ▲ Nguyên láng quế nầy là của ông Hoàng-hữu-Tâm cho, lúc cha chàng đau, đã dùng hết phân nửa, còn lại phân nửa nên nay chàng mới đem đi bán đó.
- ▲ Đỗ-khắc-Xương với Từ-mộ-Trinh; Trần-lệ-Dung với Nguyễn-hạo-Nhiên, ấy là Đỗ-Từ Trần-Nguyễn.
- ▲ Từ đây về sau, hễ nói hai bà mẹ thì tức nhiên là nói bà Đoàn-Thị và bà phủ, (mẹ ruột và mẹ vợ) xin khán-quan lưu ý.
- ▲ Xin chư độc-giả chớ lấy làm lạ rằng: Tủ sắt có khóa chữ mà sao quan Lục-sự mở được? Đều ấy chẳng lạ gì, chừng quan mà muốn mở ra cho được, thì thiếu chi cách mở. Tác-giả chẳng cần kể-lể làm chi cho dông-dài, xin miễn nghị.
- ▲ Gốc: lắt-cắt được sửa thành lắc-cắc: chi tiết
- ▲ Gốc: nính được sửa thành nín: chi tiết
- ▲ Gốc: lạ được sửa thành lại: chi tiết
- ▲ Gốc: huộc được sửa thành thuộc: chi tiết
- ▲ Gốc: tại được sửa thành lại: chi tiết
- ▲ Gốc: lở được sửa thành ở: chi tiết
- ▲ Gốc: nính được sửa thành nín: chi tiết
- ▲ Gốc: taợ được sửa thành ta: chi tiết