Tài tử đa cùng
Có một người khổ dạng trâm-anh[1], nết na chương-phủ[2]. Hôi miệng sữa, tuổi còn giọt máu, nét hào-hoa chừng ná Tân, Dương! chòm tóc xanh vừa chấm ngang vai, lời khí-nghiệp những so Y, Phó[3].
Nghiêng gợn sóng vẽ vời điển-tích[4], nét nhạn điểm lăn-tăn! Vén bút mây dìu-dặt văn-chương, vòng thuyền khuyên lỗ-chỗ.
Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan[5] Khổng[6], trí xông-pha nào quản chông gai! Cựa đuôi Kình[7] toan vượt bể Trình[8] Chu[9], tài bay nhẩy ngại chi lao-khổ.
Lắc bầu rượu, dốc nghiêng non-nước xuống, chén tiếu đàm[10] mời mọc trích tiên[11]; Hóng túi thơ, nong hết gió-giăng vào, cơn xướng họa thì-thầm Lão-Đỗ[12].
Tươi nét mặt thư-sinh lồ-lộ, bưng mặt trần toàn đạp cửa Phù đồ[13]; Rửa buồng gan du-tử[14] nhơn-nhơn, dương tay Tạo[15] rắp xoay cơn khí số.
Tưởng đến khi vinh-hưỡng đã am-tường; song nghĩ lại trần-ai không đếch chỗ.
Lều nho-nhỏ kéo tấm gianh lướp-tướp, ngày thê-lương hạt nặng giọt mưa sa. Đèn con-con gọn chiếc chiếu lôi-thôi; đêm tịch-mịch soi chung vừng nguyệt tỏ.
Áo Trọng-Do[16] bạc thếch dãi xuân thu cho đượm sắc cần-lao. Cơm Phiến-mẫu[17] hẩm sì, đói tuế-nguyệt[18] phải ngậm ngùi tân khổ. Gió giăng rơi rụng để cái quyên gầy: — Sương tuyết hắt-hiu làm con nhạn võ.
Túi thanh-bạch ngược xuôi miền khách-địa[19], trăm nghìn đường chỉ nhện dệt thưa mau; Đèn toan hàn thức nhắp mái nam-song, dăm ba ngọn lửa huỳnh khêu nho nhỏ.
Miệng châu-quế những rì-rầm học-vấn, chị chú Tô[20] căn-nhẳn chỉ hiểm nghèo. Vai tân sài đủng-đỉnh ngâm-nga, vợ anh Mãi[21] băn-khoăn từng kể khó.
Đói rau rừng thấy thóc Chu[22] mà trả; đá Thu-Dương[22] chơm-chởm, xanh mắt Di[22] nằm tốt ngáy o-o; khát nước sông trông dòng đục không vơ; Phao Vị-Thủy[23] lênh-đênh, bạc đầu Lã[23] ngồi dai ho lụ-khụ;
Trông ra nhấp-nhô sóng nhân tình; Ngảnh lại vật-vờ mây thế-cố[24].
Ngán nhẽ kẻ tham về khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc; nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn; Quản bao kẻ mảng cái giàm danh; Áo giới-lân chùm dưới cơ-phu[25], mỏi gối quì mòn sân tướng phủ.
Khéo ứng thù những các quan trên, xin bái ngoảnh cùng anh phường-phố.
Khét mùi thế vị chẳng thà không; Thơm nức phương danh nên mới khổ.
Tình uốn-éo muốn vạch giời lên hỏi, nào kiếp Chử-Đồng đâu tá, nỡ hoài chi chén ngọc để trần-ai? Trí lẳng-lơ toan vượt bể đi tu, hỏi quê tiên-tử nơi mô, xin lĩnh lấy vân đan làm tế-độ.
Bài phú Dương-Hùng[26] dầu nghiệm tá thì xin quyết tống cùng thần ra đến miền Đông-Hải để ta đeo vòng thư-kiếm quyết xoay bạch-ốc lại lâu-dài. Câu văn Hàn-Dũ[27] phỏng thiêng chăng thì xin quyết tống cùng quỉ ra đến đất Côn-Lôn, để ta gánh vác giang-sơn, quyết ném thanh-khâm sang cẩm-tú.
Nhọc-nhằn cơn nhục mát cơn vinh; cay-đắng lúc cùng bù lúc phú.
Vậy có nhời nôm dặn bảo thế-gian rằng:
« Đừng thấy người bạch-diện thư-sinh mà cười rằng Đa cùng tài-tử ».
Chú thích
- ▲ Kim cài tóc và dải mũ: chỉ nơi khoa bảng quyền quý.
- ▲ Thứ mũ cổ của sĩ phu thường đội.
- ▲ Y Doãn và Phó Duyệt, hai bậc hiền tài đời Thương.
- ▲ Sổ sách.
- ▲ Nhân-Hồi, học trò của Khổng-Tử.
- ▲ Khổng-Tử, nhà hiền-triết đời Chu.
- ▲ Cá voi.
- ▲ Trình-Hiệu tức Trình-minh-Đạo, danh sĩ đời Tống thần Tông (1068-1086), học trò của Chu-đôn-Hi.
- ▲ Chu-đôn-hi danh sư đời Tống.
- ▲ Chuyện trò vui cười.
- ▲ Trích tiên: Tiên bị đày xuống trần thế. Danh hiệu mà người đồng thời đặt cho Lý Bạch.
- ▲ Đỗ Phủ tự Thiếu Lăng, thi hào đời Đường.
- ▲ Chùa tháp để thợ Phật.
- ▲ Người đi xa, cũng có nghĩa là người con ở xa cha mẹ.
- ▲ Tạo-hóa: Ông Trời, sinh hóa ra muôn vật.
- ▲ Trọng-Do hay Tử-Do tức Tử-Lộ học trò của Khổng-Tử.
- ▲ Bà Phiến-Mẫu - người đàn bà giặt vải, đã cho Hàn-Tín bát cơm ăn đỡ lòng khi khốn khó. Sau Hàn-Tín làm nên sự nghiệp hiển hách, kiếm đến bà để trả ơn thì bà đã mất. Tín có làm đền thờ để tạ ơn, có đề bốn chữ: "Nhật phạn thiên kim" nghĩa là "Một bát cơm tạ ơn nghìn vàng".
- ▲ Ngày tháng.
- ▲ Đất khách quê người.
- ▲ Tô-Tần - Người đời Chiến-quốc, trước cùng cực, chị khinh rẻ, vợ coi thường. Sau dốc chí học hành, làm tướng quốc sáu nước.
- ▲ Chu-mãi-Thần, người đời Hán, trước nghèo khốn, gánh củi để kiếm ăn mà học, sau hiển đạt.
- ▲ a ă â Bá-Di và Thúc-Tề hai nhà cao-sĩ, con vua Cỗ-Trúc đời nhà Thương. Chu vũ-vương diệt được nhà Thương, hai ông cho việc dùng thóc gạo nhà Chu để sống là xấu hổ. Sau lên ẩn tại núi Thu-Dương, ăn rau để sống. Rốt cuộc nhịn đói mà chết.
- ▲ a ă Lã-Vọng, tức Khương-Tử-Nha, hồi còn hàn-vi ngồi câu cá ở sông Vị-thủy. Sau ra giúp Chu-văn-Vương thành đại sự.
- ▲ Sự biến cố ở đời.
- ▲ Cơ phu nghĩa là như cơ-thể.
- ▲ Dương-Hùng nổi tiếng là tay giỏi phú đời Hán.
- ▲ Đại văn gia đời Đường.