Tây sương ký/Phần I/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cảnh thứ nhất: Trong biệt thự họ Thôi

BÀ LỚN - (Cùng Oanh Oanh, Con Hồng, cậu Hoan cùng ra). Nói:

Già đây họ Trịnh, Ông lớn tôi ngày trước họ Thôi, làm chức Tướng Quốc trong triều, chẳng may mắc bệnh vừa mới mất. Chúng tôi hiếm, chỉ được có con Oanh Oanh đây là gái, năm nay mười chín tuổi: Thơ, từ, tính, viết, thêu, dệt, nữ công, nó đều thông thạo cả. Lúc ông lớn tôi còn, đã hứa gả nó cho Trịnh Hằng, cháu gọi tôi bằng cô, con cả ông Thượng Trịnh. Vì dở dang nên nó còn chưa cưới! Con bé này tên gọi Con Hồng, hầu hạ con tôi từ nhỏ. Còn thằng Hoan đây là con nuôi ông lớn tôi. Ông lớn tôi mất, mẹ, con tôi đưa linh cữu về quê nhà ở Bác Lăng. Nhưng đường xá trắc trở, còn chưa đi được ngay. Đến đây là phủ Hà Trung, hãy đưa linh cữu quàn tạm trong chùa Phổ Cứu. Chùa này là công đức của bà Võ Tắc Thiên hạ sắc cho xây dựng. Sư cụ trong chùa là Pháp Bản, vốn là một nhà sư thế thân cho ông lớn tôi. Vì vậy nhà tôi có làm một lớp nhà riêng ở phía Tây chùa, có thể tạm ở được. Một mặt tôi viết thư vào kinh, gọi Trịnh Hằng ra đưa cả nhà vào Bác Lăng. Nghĩ như lúc ông lớn tôi còn, bàn ăn khoát thượng, người hầu kể trăm. Vậy mà bây giờ ruột thịt chí thân, chẳng qua chỉ quanh quẩn có vài, ba đứa này! Ai mà dễ cầm lòng thương cảm. Hát:

Biết chăng ông dưới suối vàng?
Con côi, vợ góa, bước đường chông gai!
Quê nhà thăm thẳm phương trời,
Xe châu hãy tạm gác ngoài cửa Không.
Tưới hoa lệ đẫm giọt hồng!

Hôm nay chiều trời cuối xuân, thấy mệt người quá! Con Hồng xem vườn trước có vắng, đưa cô ra đứng chơi một lúc giải trí, đi con!

CON HỒNG - Dạ!

OANH OANH – Hát:

Bơ vơ đất khách xuân tàn!
Lạnh lùng, chùa vắng tam quan chặt cài!
Nhuộm hồng nước chảy hoa rơi,
Sầu riêng trăm mối, ngậm ngùi gió Đông.

(Bà lớn cùng các vai vào cả)

Cảnh thứ hai: Trên đường bờ sông Hoàng Hà.

CẬU TRƯƠNG –(Cùng hề ra). Nói:

Tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy. Quê nhà ở Tây Lạc. Cha tôi trước, Thượng Thư bộ Lễ. Còn tôi công danh chưa đạt, du học bốn phương. Hôm nay là thượng tuần tháng hai năm thứ mười bẩy niên hiệu Trinh Nguyên. Tôi vào kinh để nay mai dự kỳ thi Hội. Tôi có người bạn cũ họ Đỗ tên Xác tự là Quân Thực, cùng tôi cùng huyện, cùng học, lại từng kết nghĩa anh em. Về sau anh tôi bỏ văn học võ, thi đậu võ Trạng Nguyên, hiện cầm mười vạn quân đóng giữ Bồ Quan, lĩnh chức Chinh Tây Nguyên soái. Giờ tôi hãy sang thăm anh tôi một chuyến. Rồi hãy vào Kinh, cũng chẳng muộn gì. Nghĩ như tôi: song huỳnh án tuyết, nghiệp văn chương học đã nên tài! Vậy mà: bèo dạt, mây trôi, chí hồ hải bao giờ cho được, a?

Hát:

Sóng thu cất giấu gươm thần!
Buồn xuân đè nặng mấy lần yên thêu!

Bạch:

Chút nợ cầm thư trả chửa xong!
Chỉ nào buộc được gót hoa bồng?
Trời xa, xa thật nhìn còn thấy!
Thăm thẳm Trường An mỏi mắt trông!

Hát:

Dùi mài kinh sử bao công!
Làm thân con mọt sách, long đong thôi có ra gì!
Đất trường thi, ngồi đã nhẵn lì!
Mực mài, nghiên sắt mòn đi mấy phần?
Đường mây chín vạn, muốn chen chân,
Mười năm án tuyết phải nhọc nhằn sớm trưa!
Chí to, thời không gặp, bằng thừa!
Tài cao, người thế chẳng ưa cũng hèn!
Chắc đâu không tủi bút thẹn nghiên,
Văn chương rẻ giá, sách đèn uổng công.

Nói: Đường đi đã đến bên Hoàng Hà rồi đây! Trông mà coi: hình thế mới đẹp làm sao!

Hát:

Cả chín khúc là đâu chưa kể,
Riêng chốn này hình thế đã hiên ngang!
Chẹn U, Yên, ngăn Tần, Tấn, rẽ Tề, Lương,
Bề hiểm trở thật khôn lường, hiếm có.
Lớp sóng bạc ngất trời tung vỗ:
Mây chiều thu khép mở không thường!
Dịp cầu xanh trước bến nghênh ngang:
Rồng mặt nước nhẹ nhàng uốn khúc!
Suốt Nam, Bắc, Đông, Tây đỡ dốc,
Ngang trăm sông mà dọc chín châu!
Con thuyền ai thấp thoáng bóng về đâu:
Lìa cánh nỏ, ruổi mau tên mới bắn!
Sông Ngân mới từ Trời sa xuống hẳn?
Nguồn treo cao, cao tận chín tầng trên!
Bể Đông đường ấy đã quen.
Thấm muôn cánh rộng, tưới nghìn thức hoa!
Muốn vin cành quế cung nga,
Buông chèo đường ấy biết là có nên?

Cảnh thứ ba: Trước quán trọ.

CẬU TRƯƠNG Nói: - Nói chuyện thế mà đã vào tới trong thành. Cửa hàng coi mới lịch sự sao? Hề đâu! Dắt ngựa đây! Chủ quán đâu? Chủ quán!

CHỦ QUÁN (ra) Nói: - Bẩm quan! Chính nhà cháu là chủ cái quán Trạng Nguyên này! Mời quan vào nghỉ chân! Quán nhà cháu có phòng nằm sạch sẽ lắm!

CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy, dọn cho trọ vào hạng nhất. Bác quán! Lại tôi hỏi: Ở đây có chỗ nào đi chơi cho giải trí không?

CHỦ QUÁN - Miền nhà cháu đây có tòa chùa Phổ Cứu là công đức của bà Võ Tắc Thiên. Chùa làm lộng lẫy lắm: Các khách quan qua lại, ai cũng phải vào xem - Bẩm quan! Chỉ có đấy là đáng vào chơi hơn cả.

CẬU TRƯƠNG - Hề đâu! Xếp hành lý vào, tháo yên cương cho ngựa! Ta sang chơi bên ấy một lát.

HỀ - Dạ! (vào cả).

Cảnh thứ tư: Chùa Phổ Cứu, bên vườn hoa họ Thôi.

PHÁP THÔNG (ra) Nói: - Tiểu tôi là Pháp Thông, học trò cụ Pháp Bản chùa Phổ Cứu. Hôm nay cụ tôi đi làm chay vắng, dặn tôi ở lại chùa, có ai đến thì nhớ về bạch cụ. Nào! Tôi thử ra ngoài cửa đứng, xem có ai đến không nào!

CẬU TRƯƠNG (ra) Ngâm:

Đường quanh, lối vắng đi vào.
Cỏ hoa cửa Phật đón chào khách chơi.

Nói: - Này, đã đến chùa rồi đây! (Cúi chào Pháp Thông).

PHÁP THÔNG – A di đà Phật! Thầy mới ở đâu lại chơi?

CẬU TRƯƠNG – Tôi là người Tây Lạc, qua đây nghe tiếng chùa ta là một nơi thắng cảnh, nên vào đây trước là lễ Phật, sau nữa hầu thăm sư cụ.

PHÁP THÔNG – Sư cụ tôi đi vắng. Tôi là đồ đệ, tên gọi Pháp Thông. Xin mời thầy vào phương trượng xơi nước!

CẬU TRƯƠNG – Sư cụ đi vắng thì thôi xin cũng đừng cho uống nước. Phiền sư ông dẫn cho đi vãn cảnh một lượt thôi.

PHÁP THÔNG – A di đà Phật!

CẬU TRƯƠNG – (vãn cảnh): Nói: - Chùa làm đẹp thật!

Hát:

Trên điện Phật dạo chơi đã hết
Dưới phòng tăng xem biết đã tường
Trước mặt, kìa là gác chuông!
Này nơi nhà tổ, nọ buồng cơm chay!
Hành lang dạo đó đây hồ khắp.
Vào động rồi, lên tháp xa trông.
Phật tiền khấn vái đã xong.
Xem bà mụ thiện, lễ ông Thánh Hiền.

Nói: - Kìa lại còn một tòa chùa nữa! Để tôi sang vãn cảnh một thể!

PHÁP THÔNG – (nắm áo cậu Trương giữ lại) Ấy chết! Bên ấy là biệt thự nhà quan Thôi Tướng Quốc. Xin thầy ở lại đây thôi!

CẬU TRƯƠNG – (nhác trông thấy Oanh Oanh và con Hồng thơ thẩn ở vườn hoa).

Ví không duyên nợ kiếp xưa.
Kiếp này hồ dễ tình cờ xui nên!
Mắt trông kể vạn, kể nghìn,
Con người đẹp thế, đã nhìn thấy ai!
Mắt hoa miệng những nghẹn lời,
Thần hồn tơi tả, lưng trời bay xa!
Nói năng đùa cợt mặc ta!
Nghiêng vai chỉ bứt bông hoa mỉm cười!
Phải chăng đây là cảnh Bồng lai?
Sao tôi lại gặp con người thần tiên!
Trâm hoa cài lệch một bên,
Mặt xuân mừng, giận càng nhìn càng say.
Mày in trăng mới xinh thay,
Cong cong bên mái tóc mây rườm rà!
Sượng sùng miệng chửa nói ra.
Răng là ngọc chuốt, môi là son tươi,
Lâu lâu mới nói nên lời,
Véo von oanh hót bên ngoài lớp hoa!

OANH OANH - Hồng ơi! Ta đi vào trong bà đi!

CẬU TRƯƠNG:

Chân tay mềm mại nõn nà,
Bước đi êm ả, trông mà thấy yêu!
Dịu dàng yểu điệu trăm chiều,
Như cành liễu trước gió chiều thướt tha.

(Oanh Oanh cùng con Hồng vào)

Cánh hồng rải lối bước qua,
Bụi thơm in vết hài hoa rành rành!
Kể chi khóe mắt long lanh,
Chân đi cũng đã hữu tình với ai!
Dùng dằng bước một bước hai,
Khuất mành mới thật đôi nơi cách trùng.
Rõ ràng như thế, phải không?
Bảo sao tôi chẳng trong lòng mê tơi!
Gót tiên cách nẻo trần ai,
Bâng khuâng phong cảnh vắng người buồn tanh!
Buồn trông khói liễu xanh xanh!
Buồn nghe đàn sẻ trước mành xôn xao!
Vườn hoa lê cửa đóng lúc nào!
Tường cao, cao quá! kể cao bằng trời!
Trách trời sao chẳng chiều người?
Làm khuây chẳng được, đứng lười không đang!
Nghĩ hươu, tính vượn trăm đường.
Hương lan còn thoảng, tiếng vàng đã xa.
Gió lay cành liễu la đà.
Tơ hồng vướng vít cánh hoa tơi bời!
Rèm châu lấp lánh mặt người!
Nuốt thầm nước bọt! trông hoài nẻo xa!
Ai bảo dinh quan Tướng phủ Hà?
Tôi thì rằng: chính chùa đức phật bà Quan Âm
Mai đây gió bắt mưa cầm.
Bệnh tương tư sẽ đau ngầm tận xương!
Hại thay cặp mắt như gương,
Liếc ai trong lúc bàng hoàng quay đi!
Dẫu người sắt đá tri tri,
Dễ cầm lòng chẳng say mê được nào!
Trước sân hoa, liễu xinh sao!
Trời trưa bóng tháp thu vào tròn xoe!
Cảnh xuân rực rỡ bốn bề.
Mà con người ngọc đi về nơi nao?
Cảnh Phật đây mà hóa nguồn Đào!

Lời phê bình cả chương[1][sửa]

Nay cầm bút tả đây là người xưa, vậy thì cái người cầm bút tả người xưa đó là ai?

Có kẻ lại đáp rằng:

- Là ta!

Thánh Thán nói:

- Vâng! Là ta! Vậy tôi muốn hỏi: Cái người xưa mà ta cầm bút tả họ đó, họ ở những mười năm, trăm nghìn năm về trước. Nay ta đây cầm bút tả họ, ta có thể biết chắc rằng mười, trăm, nghìn năm về trước, có thật có chuyện đó hay không?

Thưa rằng: Không thể biết được!

- Đã không biết mà nay ta lại cầm bút tỷ mỷ tả họ, vậy thì người xưa ở trong khoảng minh minh có chịu nhận hay không?

Thưa rằng: Người xưa thực chưa từng có chuyện ấy! Mà đến đời xưa thực cũng chưa từng có người ấy nữa! Túng sử đời xưa hoặc giả có người ấy, mà người xưa hoặc giả có chuyện ấy nữa, thế nhưng người xưa đã không hề biết trước rằng sau mười, trăm, nghìn năm lại có ta đây chép chuyện họ, mà bảo cho ta biết; ta lại không có cách gì xuất hồn xuất vía, sống ngược lại mười, trăm, nghìn năm về trước, để hỏi lại người xưa; vậy những chuyện mà ngày nay ta cầm bút tả tỷ mỷ đây, đều là tự ý ta muốn tả, chứ không can dự gì đến người xưa cả. Còn hỏi chi người xưa có chịu nhận hay không!

- Người xưa không nhận thì ai nhận bay giờ?

Ta đã tả thì ta phải nhận.

- Ta đã tả là ta phải nhận, vậy thì trong lúc cầm bút sắp tả, chưa tả, đặt lời lập ý, có thể luộm thuộm được đâu! Chuyện Luận Ngữ nói rằng: "Một lời nói đủ khôn, một lời nói đủ dại; nói không thể không cẩn thận được!" Vì rằng ta nói đến ta, tất là ta yêu ta. Vậy thì ta phải tự yêu lấy lời nói của ta. Ta mà không tự yêu lời nói của ta, thì thật là ta không yêu ta vậy. Tôi thấy các nhà viết tuồng gần đây, trong đoạn thứ nhất, đào kép ra sân khấu, đại loại đều nói bừa ngay ra những câu dông càn vô lễ. Kép tất là vai đàng điếm, đào tất là vai đĩ thõa, như thế mới hả dạ! Cho rằng thế mới là "chung tình chính ở bọn ta" Như vậy, người đời sau đọc sách của ta, há rằng họ lại không biết. Bao nhiêu những tên người xưa mà ta soạn vào trong sách, như hạng Quân Thụy, Oanh Oanh, ông Đỗ, con Hồng, đều là do một mình ta, trong tim trong miệng, vốn có một món "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào!" ngứa ngáy vô cùng! Say, mộng sộ lộ! cho đến bây giờ cực chẳng đã, mới thình lình mượn khéo câu chuyện của người xưa, để tự bày giải những nỗi rắc rối trăm hình, nghìn cấp, chứa lại ở trong bụng đã bao nhiêu ngày tháng, đó sao? Trong đó vẹo như đường tắt, tối như đêm tăm, rối như bòng bong, đắng như bồ hòn, giấu như giấu bệnh, nhịn như nhịn đau … Ví phỏng người xưa trước kia thật có chuyện đó, thì là chuyện ta ngày nay quyết không dự biết... Vậy thì ta ngày nay có chuyện đó, cũng là chuyện mà người xưa trước kia quyết không dự biết... Vậy thì ta ngày nay có chuyện đó, cũng là chuyện mà người xưa trước kia quyết không dự biết. Cho nên người đời sau đọc sách ta, họ đã thừa hiểu rằng: Quân Thụy chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là người viết sách! Oanh Oanh cũng chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là ý trung nhân của người viết sách! Ông Đỗ, con Hồng cũng chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là những người quanh quẩn giúp đỡ cho người viết sách! Như vậy mà trong khi cầm bút, không tự yêu được mình, đến nỗi nói bừa ra những câu dông càn vô lễ, cho thế mới hả dạ, thì có phải là tự mình muốn làm hạng đàng điếm, mà cho người trong ý của mình là hạng đĩ thõa hay không? Đọc đoạn đầu vở Tây Sương, coi người ta tả Quân Thụy như thế, ta có thể tỉnh ngộ mà hiểu cái phép ký thác vào bút mực của người xưa vậy.

Các bạn từng xem cách "nhuộm mây nẩy trăng" chưa? Ta muốn vẽ mặt trăng, nhưng mặt trăng không vẽ nổi, vì thế phải vẽ mây. Vẽ mây mà ý không phải vẽ mây... Ý không phải là mây, nghĩa là ý vẫn ở mặt trăng. Thế nhưng thế nào cũng phải để ý vào mây đã... Vậy vẽ mây, lỡ một chút thì đậm quá; lại lỡ một chút thì lạt quá; thế là mây hỏng! Mây hỏng thì trăng hỏng!

Nay vẽ mây đậm lạt vừa phải rồi, nhưng hơi không cẩn thận, để dây một vết bằng hạt bụi nhỏ, thế cũng hỏng mây. Mây hỏng tức là hỏng cả trăng... Nay vẽ mây đậm lạt vừa phải, lại không dây vết nào bằng hạt bụi nhỏ, trông thì như là có, sờ thì như là không, thổi thì như muốn bay, sờ thì như muốn chạy, thế là mây ta vẽ khéo! Mây ta vẽ khéo thế rồi ngày mai người xem sẽ lũ lượt tới, đều nói rằng: Vầng trăng đẹp thật! Tuyệt không một ai là khen đến mây... Như vậy, tuy rất phụ tấm lòng người vẽ ngày hôm qua đã cậm cụi chật vật về việc vẽ mây; thế nhưng xét đến bản tâm người vẽ, có phải chỉ vì trăng, chứ chẳng vì gì mây cả đó sao? Mây cùng trăng, thần lý chính là một. Hợp lại đành rằng hợp không nổi, nhưng chia ra có dễ chia ra được sao? Đoạn đầu vở Tây Sương tả cậu Trương tức là cách đó. Vở Tây Sương viết ra, cốt là vì Song Văn. Thế nhưng Song Văn là trang sắc nước... Trang sắc nước, có phải là cứ mua nhiều son phấn là tô điểm nên được đâu! Vả lại Song Văn là bực người trời … Bậc người trời, thì hạng thợ thuyền sâu kiến ở thế gian có nặn gọt thêm bớt thế nào nổi! Muốn tả Song Văn mà không tả được nên để đó không tả nữa, mà tả cậu Trương trước, đó tức là một phép bí mật của con nhà hội họa, gọi là phép "nhuộm mây nẩy trăng" vậy. Vậy thì tả cậu Trương như trong lớp thứ nhất, tức là đậm lạt vừa phải, không để dây vết nào như hạt bụi nhỏ... Ví phỏng không thế, khi tả cậu Trương, lại để cho có mảy may nhỏ là vẻ đàng điếm, thì bên dưới sẽ bôi nhọ đến Song Văn không phải nhỏ. Về chỗ đó, bạn đọc có thể không để ý sao được.

   




Chú thích

  1. Các lời bình trong Tây sương ký là của Kim Thánh Thán