Bước tới nội dung

Tây sương ký/Phần IV/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cảnh thứ nhất: Buồng thêu

OANH OANH - (ra) Tôi cho con Hồng đem thư sang, hẹn với cậu Trương, chiều nay tôi sẽ sang thăm. Đợi nó về, tôi sẽ bàn với nó.

CON HỒNG - (ra nói một mình) Cô tôi sai đưa thư sang cậu Trương, hẹn chiều nay sang thăm. Chỉ sợ cô tôi lại giở quẻ thì thật là giết cậu ấy chứ không phải chuyện bỡn. Giờ tôi vào xem cô tôi nói ra sao!

OANH OANH - Hồng ơi! Em vào thu dọn phòng nằm cho ta đi nghỉ!

CON HỒNG - Cô đi nghỉ thật à? Thế để giết chết người ta hay sao?

OANH OANH - Người ta là ai?

CON HỒNG - Thưa cô! Cô lại thế nào ấy rồi! Làm mất mạng người ta đấy, không phải chuyện bỡn đâu! Cô mà hối lại nữa, thì con vào thú ngay với bà là cô sai con đem thư sang hẹn với cậu Trương...

OANH OANH - Cái con này mới điên làm sao chứ!

CON HỒNG - Không phải con điên đâu! Thực tình thì cô chả nên như thế một lượt nữa!

OANH OANH - Thế nhưng mà ta thẹn chết đi được!

CON HỒNG - Nào ai trông thấy! Trừ Hồng ra tịnh không có ai là người thứ ba! (Giục giã) Thôi mời cô đi! Đi thôi cô! (Oanh Oanh nín lặng) Biết làm thế nào bây giờ. Thôi mời cô đi vậy! Cô đi vậy. (Oanh Oanh nín lặng, ra ý tần ngần). Thưa cô! Chúng ta đi đi thôi! Đi đi thôi! (Oanh Oanh nín lặng, đi mấy bước lại dừng). Thưa cô! Cô đứng lại làm gì nữa? Đi thôi! Đi! (Oanh Oanh nín lặng đi)!

Cô tôi tuy miệng nói cứng, nhưng chân thì đã bước đi rồi đó!

Chỉ vì cô: hoa cốt cách tuyết tinh thần,
Để ai mất ngủ, quên ăn mơ màng...
Đêm nay cô dời gót đài trang,
Thành tâm dừng bước, bước sang thư phòng,
Chẳng còn nói có, nói không!
Nếm mùi ân ái, vỡ lòng nguyệt hoa!
Trông vời thần nữ thướt tha,
Đã từ đỉnh Giáp sang qua Cao đường.
Mây mưa tỏa kín đài Dương...
Bạn tình ai đó, hẳn đương đợi chờ!

(cùng vào)

Cảnh thứ hai: Phòng sách

CẬU TRƯƠNG - (ra) Tiểu thư cho con Hồng đưa thư sang, hẹn với tôi đêm nay thì sang chơi. Giờ đã hết canh một, sao còn chưa thấy sang? Vỉa:

Đêm lành khuya đã khuya rồi!
Biết rằng người ngọc có rời gót hoa?

Hát:

Ngồi lại đứng vẩn vơ thềm trước!
Khắp cõi vàng, sương bạc tung hoành!
Canh dần khuya, phòng sách vắng tanh!
Khách đọc sách một mình buồn biết mấy!
Chim vỡ tổ, mọi người đương ngáy,
Mây năm mầu nào thấy đâu nào?
Khắp một vùng gác thấp lầu cao,
Trăng như nước ngập vào lấp loáng!
Nghe tiếng trúc gió lay, những tưởng,
Tiếng chuyền vàng sang sảng nẻo xa!
Trông bóng hoa trăng xế ngờ là,
Bóng người ngọc thướt tha vừa tới!
Mắt đăm đắm, lòng thì bối rối!
Đặt mình đâu cho khỏi khổ này?
Khéo như ngây, như dại canh chầy!
Thôi tựa cửa, đứng đây ta ngóng!
Chim xanh đợi, đợi càng mất bóng!
Chó vàng nghe, nghe cũng im hơi!
Lòng tê mê, cặp mắt mỏi dời!
Tựa bên gối, suýt lạc người vào cảnh mộng!
Nếu biết trước đêm ngày mong ngóng,
Những chua cay thất vọng vì tình,
Thà nén lòng đừng mộ sắc nghiêng thành!
"Có lỗi phải sửa mình, chớ ngại!
Yêu người tốt bằng lòng mê gái!"
Lời thánh hiền dạy phải biết bao!
Nhưng muốn theo đâu có dễ nào!
Cổi chưa được, lại buộc vào khó chửa!
Tay tỳ má, lại ra ngồi cửa!
Một là sang, hai nữa là không,
Biết thế nào mà đoán, mà mong!
Vướng bà lớn, chắc khó lòng đi thoát!
Nghĩ càng nghĩ, trái tim như thắt!
Trông lại trông, con mắt đã mòn!
Của oan gia chắc cũng bồn chồn,
Nhưng khốn nỗi việc còn chửa rảnh!
Năm canh vắng, bốn bề hiu quạnh!
Thật lòng sang hay lại đánh lừa chơi!
Khi sang ra hẳn sắp sửa rồi,
Gót ngọc đã rời buồng gấm!
Khi đến nữa thật là vui vẻ lắm!
Hơi xuân đưa đầm ấm phòng văn!
Bằng không sang, thôi lỡ dở vô ngần!
Bể man mác lặng dần tăm đá ném!
Tính từng bước, chân đi miệng đếm!...
Tựa bên song tay bím lòng chờ!...
Bao nhiêu điều nhiếc móc đêm xưa,
Biết bụng vậy phải làm ngơ, bấm bụng...
Họa là có đem lòng cảm động,
Thuận cho nhau đi vụng, về thầm!
Tính ngày ra chốc đã nửa năm,
Biết bao nỗi âm thầm chịu cực!
Cực mà vẫn cố theo bằng được
Nhục mà còn cố rước lấy chơi!
Gượng cháo cơm, xót nỗi khách quê người!
Nát gan ruột, vì ai trang sắc nước!
Dốc một dạ chí thành sau trước.
May thì còn cái xác trơ xương!
(Chết, ruột tàm tơ vẫn vấn vương!
Rạc, thân cuốc kêu càng cám cảnh)
Gẩy bàn toán mà dồn, mà tính,
Sáu tháng trường, mấy gánh nhớ thương?
Đem xe lừa mà tải, mà mang.
Mười chuyến nặng dễ thường chưa xếp hết!

CON HỒNG - (ra) Thưa cô, con vào trước cô hãy đứng đây! (gõ cửa)

CẬU TRƯƠNG - Tiểu thư sang đây rồi!

CẬU TRƯƠNG - (vái chào) Chị Hồng! Tôi lúc này nói không sao hết lời được! Chỉ xin có trời chứng cho!

CON HỒNG - Cậu bỏ sẽ chứ! Kẻo cô giật mình! Cậu cứ đứng yên đây! Để em đón cô vào! (sẽ đẩy Oanh Oanh vào) Thưa cô, mời cô vào! Con đứng ngoài cửa này chờ cô!

CẬU TRƯƠNG - (thấy mặt Oanh Oanh vội vàng quỳ xuống ôm lấy) Củng này có được bao nhiêu hồng phúc mà dám phiền em hạ cố đến đây!

Mặt hoa thoạt được nhìn gần,
Mười phần phiền khổ chín phần đổ sông!
Đêm xưa giận lục, trách hồng.
Đêm nay nào chắc có lòng sang đây!
Quá chiều cho đến thế này,
Đáng tôi quỳ gối lượm tay đón mời!
Tài mạo tôi nào được bằng ai!
Chỉ vì đất khách quê người em thương!

(Oanh Oanh nín lặng, Cậu Trương đứng dậy đặt nàng ngồi)

Hài thêu gang chỉ nửa gang;
Lưng ong chít một chít ngang vừa liền...
Cúi đầu chẳng chịu trông lên,
Hai tay lần mãi đường viền gối thêu!
Thoa rơi, mái tóc sổ đều;
Mây huyền lóng lánh dễ yêu bội phần!
Tha cho nhau tội lần khân;
Tôi mở dần khuyết áo, cổi lần dây đai...
Chưa quen ngây ngất cả người!
Buồng khuya lan xạ ngát mùi hương xông...
Sao không quay mặt lại cùng?

(Cúi ôm nàng, nàng nín lặng)

Yêu nhau phượng bế, loan bồng đã sao!
Then mây mở cửa động Đào...
Đào tiên hớn hở đón chào tin xuân,
Những là tê tái tàn vần.
Lả dần vóc liễu, mở dần lòng hoa...
Rồng, mây, cá nước mặn mà!
Nụ đơn nở giọt sương sa đầm đìa...
Nhị non, hương sớm bốn bề.
Tha hồ con bướm đi về thong dong!
Em dùng dằng nửa thuận, nửa không;
Tôi khắp người bủn rủn trong lòng mê tơi!
Má hồng thơm ngát dưới môi.
Tôi coi em như trái tim tôi từ ngày...
Trắng ngà trong ngọc giá này.
Quấy hôi bôi nhọ lỗi này tự tôi!
Không bền lòng chờ đợi hôm mai,
Dễ đâu khổ tận, cam lai có rầy?
Cùng nhau ân ái đêm nay.
Thần hồn bay chín tầng mây ngoài trời!
Này vì em tôi thân thể gầy rơi!
Thế này em mới biết cho người tình si!
Đêm nay, má tựa vai kề.
Mà lòng còn vẫn hồ nghi với lòng;
Sương sa! Gió lặng sân không!
Trăng soi viện sách, mây lồng đài Dương!
Lẽ nào nhìn thấy rõ ràng,
Lại là trong giấc mơ màng gặp nhau?

(Dậy, quỳ, cảm tạ)

Củng đêm nay được hầu hạ em, suốt đời xin làm thân trâu ngựa...

(Oanh Oanh nín lặng)

CON HỒNG - Thưa, mời cô về! Sợ bà thức giấc dậy chăng! (Oanh Oanh dậy, nín lặng bước ra)

CẬU TRƯƠNG - (cầm tay Oanh Oanh ngắm lại)

Phong tư, tài mạo tuyệt vời!
Thoạt nhìn đã khiến lòng người vấn vương!
Không nhìn lòng nặng nhớ thương!
Được nhìn lòng thấy yêu thương bội phần!
Bây giờ họp mặt buồng xuân,
Bao giờ lại được cổi lần dây lưng?

CON HỒNG - (giục giã) Thưa cô, mời cô mau lên! Sợ bà thức giấc dậy chăng!

(Oanh Oanh nín lặng bước xuống thềm)

CẬU TRƯƠNG - (hai tay cầm tay Oanh Oanh ngắm lại)

Mày xanh lồ lộ vẻ xinh!
Nõn nà bộ ngực xuân tình đầy vơi!
Bao nhiêu lụa ngọc trên đời
Đem mà đọ với giá người, kém xa!
Má đào dưới ánh trăng tà,
Hây hây càng rõ nước da trắng hồng!
Xuống thềm bước một ngại ngùng;
Phải vì giầy hẹp, thực lòng ngại đi!
Tội nghiệp tôi nào có ra gì!
Ơn lòng em đã thương vì thiết tha!
Đã thương, thương trót họa là.
Đêm mai sang sớm hơn là đêm nay.

Lời phê bình cả chương

[sửa]

Người xưa có nói: "Thơ Quốc Phong mê gái mà không dâm!" Thánh Thán đọc câu này mà lấy làm ngờ: Trời ơi! Lạ chưa! Mê gái với dâm, thì khác nhau có là mấy? Nếu bảo rằng: những bài thơ ấy đều "vì tình mà phát ra, nhưng vì lễ nghĩa mà đứng lại": Vì tình mà phát ra, thế là mê gái; vì lễ nghĩa mà đứng lại, thế là không dâm, thì khi tôi mười tuổi, mới học kinh Thi, các thầy đồ nhà quê đã giảng cho nghe nghĩa ấy rồi!... Nào phải tôi chưa được nghe, hay nghe mà vội quên đâu! Có điều tôi không hiểu là: Mê gái như thế nào thì gọi là mê gái? Mê gái như thế nào thì gọi là dâm? Mê gái lại như thế nào thì gọi là suýt nữa dâm, mà may nhờ có lễ mới không đến nỗi dâm? Mê gái lại như thế nào thì gọi là may nhờ có lễ không đến nỗi dâm, mà cứ việc tha hồ mê gái? Theo ý tôi thì mê gái mà nói rằng tôi không dâm, ấy là kẻ chắc chưa từng mê gái bao giờ! Mê gái mà nói rằng tôi sợ lễ lắm, có dám dâm đâu! Ấy là những kẻ chẳng những không dám dâm, mà còn không dám cả mê gái nữa! Mê gái mà rất sợ lễ, mà còn dám mê gái, chỉ có không dám dâm thôi, thì tôi không biết cái dâm ấy là thứ dâm thế nào? Vả chăng thơ Quốc Phong còn đó, cố nhiên không phải bài nào cũng mê gái; song những bài mê gái thì thường thường cũng có... Dâm như văn Quốc Phong mà còn cho là không dâm thì như thế nào mới gọi là dâm? Dâm như văn Quốc Phong mà còn mong treo gương cho đời sau, bảo thế là không dâm thì còn văn nào không thể treo gương cho đời sau, bảo thế là không dâm? Đó là những điều mà tôi lấy làm ngờ trong khi đọc sách vậy! Theo ý tôi thì người ta chả có ai là không mê gái! Mà người ta mê gái thỉ chả có ai mê gái mà không dâm! Và người ta đã dâm thì chả có ai không lấy nê là mình mê gái cả. Cái đó trong quan hệ đến tính tình, ngoài quan hệ đến phong hóa, thu vào rất nhỏ, nhưng phát ra rất to! Cho nên nhân dịp bàn văn Mái Tây tôi hỏi qua đến chuyện đó. Thực ra thì mê gái với dâm, khác nhau có là bao nhiêu! Những bài có ý dâm ở trong Quốc Phong, không thể kể hết ra đây, tôi chỉ xin trích ra một câu dâm nhất đám... Ấy là câu: "Đem xe mình lại! Vận của tôi đi!". Trời ơi! Sao mà quá làm vậy? Thế mà lại còn có câu quá nữa... Ấy là câu: "mình chẳng nhớ ta, thiếu gì người khác!". Trời ơi! Là giống người mà lại mở mồm ra nói như thế hay sao? Thơ Quốc Phong, nhặt vào đầu đời Chu. Đó là những thơ trong lúc đời đương thịnh. Lại qua tay sửa chữ của đức tiên sư ta là cụ Khổng. Vậy nó lại là bậc thư văn của bậc đại thánh nhân! Vậy mà lời lẽ như thế! Thật là khiến kẻ học giả đời sau không còn biết nghĩ ra thế nào! Xét ra các văn vần từ xưa đến nay, mười phần thì đến bảy phần đều là chuyện ấy của trai gái! Như vậy, há lại không phải chính chuyện ấy là chuyện hay, cho nên trong lòng thấy thích mới đem viết ra văn đó sao? Ai viết văn chả muốn cho văn hay? Thế nhưng bỏ chuyện ấy ra thì văn không thể hay được... Viết văn muốn cho văn hay, nhưng văn hay tất phải mượn chuyện ấy, thế thì chuyện ấy tất là chuyện hay... Vì sao? Vì chuyện hay tất văn phải hay, mà văn hay tất chuyện phải hay vậy... Đến như chuyện ấy thực là chuyện hay mà viết ra văn lại không phải là văn hay thì chuyện ấy chưa chắc đã là chuyện hay... Vì sao? Vì văn không hay tất chuyện không hay, mà chuyện không hay cho nên văn không hay vậy...

Cho hay người ta hơn kém nhau thực không thể lấy lẽ thường mà tính được! Cùng là bàn tay, cùng là cây bút, vậy mà người thì viết được văn hay, người thì không viết được văn hay!... Có những thế mà thôi đâu; đến nỗi cũng cùng là một đôi trai gái, mà có đôi thì làm được chuyện hay, có đôi thì không sao làm được chuyện hay? Nhưng sao biết họ không làm được chuyện hay? Thưa rằng: Cứ đọc văn họ thì biết! Thế nhưng họ thì họ cãi: chuyện tôi cũng chuyện hay đấy chứ! Văn tôi cũng hay đấy chứ! Viết đến đây, Thánh Thán bất giác không sao nhịn được cười!...

Có người cho trong Mái Tây có chương này nhảm nhí nhất!

Đó là lời các cụ đồ trong xóm ba nhà! Kể về chuyện thì từ đời Bàn Cổ đến giờ, có nhà nào không có chuyện ấy? Đến như kể về văn, thì từ đời Bàn Cổ đến giờ, có tay nào là viết nổi văn ấy? Không nhà nào là không có, thì chuyện đó có quái gì là nhảm nhí! Không tay nào là viết nổi, vậy mà văn ấy lại dám bảo có câu nào, chữ nào nhảm nhí hay sao! Không câu nào chữ nào là nhảm nhí, thế thì từ "Hài hoa gang chỉ nửa gang", cho đến "...Họa là trong giấc mơ màng gặp nhau?" đó là những lời lẽ gì? - Ấy thì thế... Tôi thì tôi cho rằng: Nếu quả thật nhảm nhí thì chỉ một câu, một chữ là xong chuyện rồi...; quyết không phải viết dài đến như thế! Nay từ câu "hài hoa... đến câu "...mơ màng gặp nhau", lại viết dài đến như thế, cho nên tôi phải thán phục là tuyệt không nhảm nhí chút nào... Chuyện là chuyện hết thảy mọi nhà... Còn văn thì văn của riêng một mình ta... Mượn chuyện của hết thảy mọi nhà để viết nên văn của riêng một mình ta thì bản ý là văn chứ có ở đâu chuyện... Bản ý không ở chuyện, cho nên nhảm nhí cũng không cần kiêng... Bản ý là ở văn, cho nên tôi chả thấy có gì là nhảm nhí cả! Vậy mà các cụ đồ nhà quê còn cứ lèm nhèm chửi mãi là nhảm nhí! Sở dĩ vậy, há chẳng phải chỉ vì văn ấy thì các cụ không hiểu, riêng có chuyện ấy thì các cụ thạo lắm lắm đó sao? Như vậy thì trong đời có lẽ không ai nhảm nhí hơn các cụ nữa! Vậy mà còn dám lèm bèm nữa chi?