Tây sương ký/Phần IV/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cảnh thứ nhất: Dọc đường

BÀ LỚN - (ra) Hôm nay tiễn cậu Trương vào kinh. Hồng ơi! Mau mau giục cô cùng ra ngoài trường đình. Ta đã sai chúng nó bày sẵn tiệc rượu. Một mặt đã cho mời cậu Trương, chắc cậu ấy cũng đã thu xếp xong rồi.

OANH OANH - (cùng con Hồng ra) Hôm nay là buổi tiễn hành. Nỗi ly biệt vốn khiến người thương cảm... Huống chi lại gặp trời chiều cuối thu, xui lòng buồn tủi biết bao!

CẬU TRƯƠNG - (ra) Hôm qua bà lớn bắt tôi phải vào kinh thi Hội. Thi đậu làm quan về mới gả tiểu thư cho tôi. Biết làm thế nào? Tôi đành phải đi một chuyến vậy. Bây giờ tôi hãy ra trước trường đình, đợi tiểu thư ra, sẽ cùng nhau từ biệt! (Lên ngựa đi trước).

OANH OANH - (cùng bà lớn, con Hồng cùng lên xe)

Vui buồn, tan, hợp, ba tuần rượu!
Nam, Bắc, Đông, Tây vốn có câu.
Bầu trời thăm thẳm xanh lơ.
Đìu hiu mặt đất lơ thơ hoa vàng.
Gió Tây thổi buốt can tràng.
Về Nam nhạn Bắc kêu thương lạc loài!
Rừng phong anh nhuộm đỏ tươi.
Đều là nước mắt những người biệt ly.
Tơ liễu dài, dài có ích chi?
Buộc sao được gót ngựa phi dặm trường?
Sum vui sao khéo muộn màng?
Chia lìa sao khéo vội vàng xót xa!
Rừng thưa ơi, có thương ta?
Vì ta mi níu lấy bóng tà lại nao!
Ngựa kia chầm chậm chứ nào.
Xe này liều liệu theo vào cho mau!
Tương tư vừa mới qua cầu.
Biệt ly lại chuốc mối sầu mênh mang.
Chợt nghe một tiếng "lên đường"
Rụng rời tay ngọc xuyến vàng rộng thênh!
Xa trông mười dặm trường đình.
Thờ ơ mặt ngọc da xanh mấy phần.

CON HỒNG - Thưa cô! Hôm nay cô còn chưa chải lại đầu, bới lại tóc?

OANH OANH - Ồ Hồng ơi! Em có biết đâu nỗi lòng của ta!

Thấy nào xe ngựa sắp bầy,
Lòng riêng thổn thức vơi đầy đã ghê!
Thôi nào son phấn mà chi.
Công đâu trang điểm vuốt ve bây giờ?
Nhìn nào chăn gối đêm xưa
Mắt những là bải hoải vẩn vơ muốn nằm
Mặc nào khăn nào áo ướt đầm,
Lệ muôn hàng chua xót âm thầm nhỏ sa!
Nỗi buồn chết nửa lòng ta!
Lòng ta chết nửa biết là ai hay?
Còn nghĩ chi nào thư, nào thiếp sau này,
Mong ai tháng tháng ngày ngày gửi trao!

Cảnh thứ hai: Trường đình

BÀ LỚN - (Cùng Oanh Oanh, con Hồng cùng tới trường đình. Cậu Trương lạy bà lớn. Oanh Oanh quay mặt đi)

Cậu Trương! Cậu lại gần đây! Người một nhà cả bất tất phải nề hà! Con! Lại đây chào cậu! (Cậu Trương và Oanh Oanh chào nhau) Cậu ngồi đây! Tôi ngồi đây! Ngồi đây con! Con Hồng đâu! Rót rượu! Cậu Trương! Cậu uống cạn chén này. Giờ tôi đã hứa gả con Oanh cho cậu, cậu vào kinh đừng để tủi cho em. Thế nào cũng cố kiếm lấy cái trạng nguyên về nhé.

CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi tài sơ học thiển, nhưng nương nhờ phúc ấm ông lớn, bà lớn, thế nào cũng tranh lấy cái Trạng nguyên về để kiếm cho tiểu thư lấy đạo sắc phong. (cùng ngồi)

OANH OANH - (thở dài)

Lá vàng gió thổi rụng mau...
Cỏ vàng khói nhuộm đẫm màu thê lương!
Lả mình tựa ghế bàng hoàng.
Lo buồn đã trải đau thương đã từng!
Mắt ai nước mắt rưng rưng,
Sợ người biết đến ngập ngừng không dám sa!
Cúi đầu lần vạt áo là,
Bỗng dưng ngoảnh mặt quay ra thở dài...!
Mai sau dù đủ lứa no đôi,
Lúc này hồ dễ gượng cười làm khuây!
Chập chờn như dại như say!
Mới đêm qua với hôm nay lâu gì
Mà vòng lưng gầy sút hẳn đi!
Đương sum vui bỗng chia ly ai ngờ!
Nào khi gắn bó hôm xưa?
Đêm qua cách mặt bây giờ chia tay!
Mùi tương tư nếm đã bao ngày!
Ai hay ly biệt đắng cay gấp mười!

BÀ LỚN - Con Hồng hầu cô để cô rót rượu mời!

(Oanh Oanh rót rượu, cậu Trương thở dài)

OANH OANH - (nói sẽ) Thì anh uống lấy một chén rượu trong tay em!

Quyết tình dứt áo lên đường.
Coi khinh ân ái xem thường xa xăm!
Nào khi đôi gối cùng nằm.
Má kề bên má tay cầm trong tay.
Nghĩ như làm rể nhà này
Kể sang vì vợ xưa nay thế thường.
Chồng loan vợ phượng yêu đương
Chẳng hơn bia đá bảng vàng hay sao.

(Lại vào ngồi thở dài)

Chúng mày không có mắt chút nào.
Cơm đâu đã vội dâng vào tự nhiên.
Bây giờ ngồi sóng đôi bên,
Rồi ra lát nữa ai nhìn được ai.
Ví không vướng mẹ cùng ngồi,
Cỗ này sao chịu đôi nơi cách trùng?
Giây phút ra cũng thể vợ chồng!
Còn đây còn đáng ăn chung một bàn.
Tấc gang mà cách mấy quan san,
Dẫu rằng hóa đá khôn hàn tấm thương.

BÀ LỚN - Hồng! Rót rượu con!

CON HỒNG - (rót rượu mời cậu Trương rồi mời Oanh Oanh) Thưa cô, sớm nay cô không dùng cơm sớm, xin mời cô xơi ít thang.

OANH OANH:

Thức ăn dù nấu có ngon,
Nếm vào như thể đất bùn nếm qua!
Nhưng đất bùn còn có vị riêng, mà
Đây thì nào thấy có ra vị nào.
Cơm ăn mà nuốt trôi sao?
Dạ sầu chất chứa biết bao hận lòng.
Rượu đào mà thấy nhạt không,
Chén mời pha lẫn muôn dòng lệ châu.
Công danh vì chuyện không đâu,
Lứa đôi nỡ để xa nhau một trời.
Đây một người đấy một người,
Đáp nhau bằng tiếng thở dài buồn tênh.
Chốc đà mâm chén bổ ghềnh,
Bánh xe vó ngựa rắp ranh lên đường.
Đông Tây cách biệt đôi phương.
Nhớ nhau ngoảnh lại bàng hoàng trông nhau!
Trông nhau nào thấy nhau đâu!
Non xanh bốn mặt đẫm màu tà dương!
Ngủ đâu đêm vắng dặm trường?
Chiêm bao hồ dễ biết đường tìm nhau!

BÀ LỚN - Hồng! Bảo chúng nó sắp xe! Mời cậu lên ngựa, ta cùng cô lại nhà thôi. (cùng đứng dậy, Cậu Trương lạy bà lớn) Giờ cậu đi, cũng không có chuyện gì cần dặn cậu. Chỉ xin lấy công danh làm trọn rồi mau chóng chở về.

CẬU TRƯƠNG - Bà lớn dặn chúng con xin nhớ. (Cùng Oanh Oanh lạy lẫn nhau).

OANH OANH - Anh đi, đậu hay không đậu cũng liệu mà về sớm cho đấy!

CẬU TRƯƠNG - Em cứ yên tâm! Trạng nguyên không phải của nhà em thì còn của nhà ai nữa. Thôi! Tôi xin đi.

OANH OANH - Khoan đã. Anh đi em chả có gì đưa tặng. Xin đọc miệng mấy câu để tiễn anh lên đường.

"Rẻ rúng thôi đành phận,
Van lơn nhớ buổi đầu.
Xin đem lòng lúc trước,
Thương lấy kẻ về sau!"

CẬU TRƯƠNG - Em dạy lầm. Củng này còn dám thương ai nữa. Bài thơ ấy, một là vì tôi lúc này tấc lòng đã rối, hai là vì có nói em cũng không tin. Vậy để khi thi đậu trở về sẽ xin họa lại.

OANH OANH:

Vạt hồng em thấm ướt hàng châu.
Áo xanh anh cũng lệ sầu chứa chan.
Vì đâu nhạn lẻ hồng tan?
Chưa lên đường đã hỏi han độ về.
Uống đâu mà đã thấy say ghê.
Chén mời cạn một người đi dặm ngàn.
Khói mây mờ mịt quan san!
Máu hòa giọt ngọc tro tàn lòng xuân.
Vào kinh đường lối khó khăn,
Độ đi chớ gắng cơm ăn cho thường.
Nào ai giúp đỡ dọc đường?
Liệu mà giữ ngọc gìn vàng cho hay.
Một yên một ngựa đêm ngày
Dãi dầu trong ngọn gió Tây vô tình.
Nắng mây điếm cỏ nhà tranh,
Ngủ xin ngủ sớm! Dậy đành dậy trưa.
Kêu ai cho được bây giờ?
Trên vai nặng gánh tương tư đã chồn.
Trời xanh nào xét đến tấc son.
Hận chồng núi thấp! Lệ tuôn sông đầy.
Chiều hôm tựa mái lầu Tây,
Bóng tà lối cũ, liễu gầy dặm khơi.
Khi đi giắt díu đi đôi.
Khi về lủi thủi mình tôi trở về.
Về nhìn qua cửa màn the,
Nỗi lòng càng nghĩ càng tê tái lòng.
Xưa sao chăn ấm đắp chung?
Giờ sao mộng cũng lạnh lùng vì ai?
Thở than thì sự đã rồi.
Một người lên ngựa, hai người rơi châu.
Thương nhau nhớ lấy lời nhau:
Xem hoa chốn khác chớ lâu như ở chốn này.
Chẳng lo: tài cao mà phúc không dầy.
Chỉ lo: lòng quên vợ cũ lại say mê vợ nào.
Mịt mù sông rộng, trời cao,
Thư đi, từ lại, đổi trao đôi miền!
Chim xanh em không thể đắm tìm!
Bảng vàng anh chớ thề chẳng có tên chẳng về!

CẬU TRƯƠNG - Lời vàng ngọc của em, tôi xin ghi lòng tạc dạ. Ngày về cũng không xa mấy, em bất tất quá thương. Thôi, tôi xin đi.

Nén lòng chua xót vờ tươi mặt.
Nín lệ vùng quanh phải cúi đầu!

OANH OANH:

Không nói can tràng đà dứt nát,
Chắc gì hồn mộng có theo nhau.

(Cậu Trương đi. Nàng thở dài)

Non xanh chẳng nể nang nhau!
Rừng xanh thôi cũng ra mầu khẩy trên?
Mịt mùng sương bạc khói chiều,
Người đi ta biết trông theo lối nào.
Lên xe mà dạ xôn xao,
Về sao chậm chạp? Đi sao vội vàng!
Tà tà bóng ác xuyên ngang,
Nào nghe người nói trên đường cái quan.
Mênh mông đồng lúa xanh rờn,
Còn nghe ngựa thét trong làn gió thu:

BÀ LỚN - Hồng đỡ cô lên xe. Trời chiều đã muộn, thôi ta về thôi!

Dầu rằng chiều chuộng lòng con trẻ,
Cũng phải làm nghiêm lối mẹ già!

(vào)

CON HỒNG - Xe bà đi trước xa rồi! Xin mời cô về thôi!

OANH OANH - Em coi cậu đâu rồi.

Bốn bề sắc núi đìu hiu.
Một roi trong lớp bóng chiều sắp tan.
Bao nhiêu phiền não nhân gian,
Mình ta xếp lại đầy chan bên lòng,
Liệu xe này mang có nổi không?

Lời phê bình cả chương[sửa]

"...Phật nói: Hết thảy chúng sinh ở trong bể khổ, vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn lộn... Duy Nhiên Thế Tôn hỏi: Thế nào vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn lộn? Phật nói: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta giảng cho nghe:

"Cõi đời vốn là một bể không lớn thường tự hòa hợp, không phép gặp mặt; thường tự vắng lặng, không phép ly biệt; không có ta, nó không phải không kể... nhất thiết đều đủ, không thể kể được... Nhưng mà chúng sinh, vì cớ vô minh, chẳng giữ tính mình... Tự nhiên nghiệp chướng, như sức gió thổi, xui cho nghĩ càn, chăm chú tỷ mỷ. Bắt đầu từ chỗ không ta trong sạch, suy xằng tính bậy, bảo đây là ta... Đã có ta rồi, ngoài ra chúng nó không phải là ta, tự nhiên không thể không gọi là người. Vì thế lần lượt, bao nhiêu những kẻ không phải là ta, mà gọi là người, cũng đều suy tính, và đều tự bảo: Đây chính là ta. Đã đều tự bảo đây chính là ta, thì đối với ta, tự nhiên chúng nó đều cho là ta không phải với chúng nó... Không phải chúng nó, thì tất chúng nó không thể lại gọi ta là người... Bọn chúng sinh ấy cùng sinh một nước, hoặc một bộ lạc, có khi một nhà... Đối với lẫn nhau, sinh lòng mến yêu. Vì cớ mến yêu, sinh ra không biết. Khăng khít lâu ngày, gây nên ân nghĩa. Ân nghĩa sâu nặng, bầy ra lời nói. Hoặc khi tựa vai. Hoặc khi kề đùi. Hoặc khi giắt tay. Hoặc khi ôm ấp. Nhẹ lời khẽ tiếng, chỉ bể thề non, rằng tôi ở đời, chỉ yêu một người... Mà một người ấy, tức là mình đó! Tôi thực không yêu một người nào khác... Và lại nói rằng: Nay tôi với mình, tức là một người, không có phân biệt... Và lại nói rằng: mình không phải mình! Tôi không phải tôi! Mình mới là tôi! Tôi mới là mình! Khi đã nói ra những lời như thế, đôi tình yêu mến như đôi nai khát, chạy vào đống lửa! Không thích lời can của người ngoài cuộc. Cũng không để cho những người ngoài cuộc được biết chuyện mình... Ở ngay trong nhà, xây một lầu cao... Sửa sang, trang sức, cho rất xinh đẹp. Giữa đặt giường êm, hai đầu bầy gối... Ống tiêu, ống địch, đàn, sáo, tỳ bà, các thứ âm nhạc, bầy ra không thiếu... Rồi đó hai người, ngồi ở trong lầu, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm, nhất thiết những việc người đời thường làm, thì hai người ấy cũng đều làm cả... Bốn mặt lầu ấy đều xây tường cao. Thang, bậc ở dưới lầu, cất bỏ không để. Không để cho ai có thể nom dòm. Cũng không để cho ai được lên tiếng gọi... Hạng chúng sinh ấy chìm ở trong bể, lăn lộn nghĩ càn... Vì nhân nghĩ càn, làm chuyện lăn lộn... Vì duyên lăn lộn, lại sinh nghĩ càn. Nghĩ càn! Nghĩ càn! Lăn lộn! Lăn lộn! Hạng chúng sinh ấy, sa vào trong đó, kể từ một kiếp, cho đến hai kiếp, ba kiếp, bốn kiếp, rồi hàng nghìn kiếp. Như kẻ say rượu, mờ mịt mê man... Bệnh ấy ít thuốc có chữa sao nổi!..."

"Thế Tôn đương ngồi, liền đứng ngay dậy, sụt sùi khóc mếu, lại thưa Phật rằng: Lạy đức Đại Từ! Hạng chúng sinh ấy, sao độ được họ? Phật dậy: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe:

"Hạng chúng sinh ấy, không thể độ thoát! Dù đức Như Lai, đại từ, đại bi, nhiều cách thuyết pháp, rất là khôn khéo, cũng không làm sao độ thoát được chúng! Huống chi kém ngài: Bọn tu đà hằng, bọn ty đà xá, bọn tích chi phất, có làm thế nào mà độ chúng thoát?"

Thế Tôn khi ấy lại thưa Phật rằng: Lạy đức Đại Từ! Hạng chúng sinh ấy, như lời Phật dạy, thì chúng không bao giờ được độ thoát sao? Phật rằng: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe:

"Hạng chúng sinh ấy, độ sao được thoát! Ví phỏng kiếp trước, có dầy phúc đức, thì họa may ra, có độ thoát chăng! Nhưng là chúng nó, lại tự độ lấy. Chứ không phải ai có thể độ được! Thế nào lại bảo: đáng không độ thoát, bỗng được độ thoát? Mà lại là chúng tự độ thoát; chứ người ngoài không thể độ được? Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe! Hạng chúng sinh ấy, đương lúc lăn lộn, phúc đức kiếp trước, bỗng dưng tới nơi... Thì chúng nó sẽ cùng nhau ly biệt... Hoặc vì việc quan, mà sinh ly biệt! Hoặc vì lệnh vua, mà sinh ly biệt! Hoặc vì giặc giã gay chuyện binh đao, mà sinh ly biệt! Hoặc vì kẻ thù tìm phương hãm hại, mà sinh ly biệt! Hoặc vì kẻ mạnh ra tay bắt hiếp, mà sinh ly biệt! Hoặc tự chán ghét, mà sinh ly biệt! Hoặc nghe dèm pha, mà sinh ly biệt! Có khi hoặc vì nghiệp báo đã hết, kẻ chết, người sống ly biệt mãi mãi! Nhà ngươi để ý: ly biệt là trí thức rất hay cho bọn chúng sinh nghĩ càn lăn lộn. Ấy là thuốc hay chữa bệnh mê đắm. Ấy là dao sắc cắt dây ái ân. Ấy là đường phẳng, dọn sạch chông gai. Ấy là lệnh xá tha tội trói buộc. Nhà ngươi để ý: Hết thảy chúng sinh, rất khổ ly biệt. Rất khó ly biệt. Rất trọng ly biệt. Rất giận ly biệt!... Nhưng vì nhờ sức phúc đức kiếp trước, cho nên tất phải có lúc ly biệt. Một khi ly biệt, ly biệt hết thảy! Thẩn thơ ngồi rồi, như mơ chợt tỉnh. Trong lòng nhẹ nhõm, chẳng cũng sướng sao. Nhà ngươi để ý: Ví phỏng chúng nó từ ngay kiếp trước không có phúc đức thì đến kiếp này, không ly biệt nổi. Đã không ly biệt, tất lăn lộn mãi. Lăn lộn mãi sinh chán ghét nhau v.v..."

Trở lên là trích trong bản nhại lại kinh "Phật hóa Tôn-đà-la-nạn-đà nhập đạo" thuộc bộ Đại Tạng. Cứ đó mà suy thì chương "Tiệc khóc" của Mái Tây há chẳng phải là tác giả phát bồ đề tâm, nhỏ lệ nhỏ máu mà viết đó sao. Nếu lại bình phẩm bằng câu: "văn vui khó hay, văn buồn dễ viết" của Hàn Xương Lê, thì thật là rất phụ tấm lòng muốn cứu vớt người đời của cổ nhân vậy.