Tây sương ký/Tựa của Lý Trác Ngô
Người viết vở "Mái Tây" là thợ trời. Người viết vở "Tỳ Bà" chỉ là thợ vẽ. Người thợ vẽ, có thể cướp được cái khéo của thợ trời. Nhưng thực ra thợ trời nào có khéo đâu!
Trăm giống hoa, trời sinh nó, đất nuôi nó, người ta thấy nó đem lòng yêu. Nhưng tìm xem cái khéo ở chỗ nào thì đố tìm ra được! Có lẽ tại ta không đủ thông minh để tìm ra đấy! Nên biết rằng thợ trời vốn không khéo. Dẫu thần thánh cũng không tìm ra cái khéo ấy! Mà ai tìm được đâu! Cứ thế mà suy, thì thợ vẽ khéo cho mấy nữa, cũng vẫn là hạng kém.
Việc viết văn, để tấc lòng lại nghìn đời, đáng thương biết mấy! Mà như điều tôi biết thì; giống ngựa lướt mây, đuổi chớp, quyết không quan hệ ở mầu lông; con người hẹn ngọc thề vàng, há dễ phân bì học thức! mà hạng văn như làn gió thoảng qua trên mặt nước, nào phải hay đâu vì một chữ, một câu! Đến như cấu kỹ, đối chọi khéo, nghĩa lý phải chăng, lời lẽ phép tắc, đầu cuối hợp nhau, sự thực theo nhau, những cái vặt ấy đều dùng để nói chuyện văn, nhưng không thể dùng để nói chuyện những áng văn thật hay của thiên hạ được!
Các vở hát của tạp kịch viện đều là những vở tuyệt hay cả. Vở "Mái Tây" viết có khéo đâu! Viết khéo thì thực không vở nào bằng vở "Tỳ Bà"! Người viết vở Tỳ Bà thực đã đem hết tài, hết sức mà viết. Vì người viết đã cố viết cho thật khéo, không còn dư tài sức nữa, nên lời hết thì ý cũng hết, mà văn đọc xác ra không còn ý vị gì! Tôi đã từng ôm cây tỳ bà mà đàn vở ấy chơi. Đàn một lượt thấy dạ bùi ngùi. Đàn hai lượt thấy người thổn thức. Đàn ba lượt thì thấy cái bùi ngùi, thổn thức lúc trước không còn thấy nữa! Tại làm sao vậy? Có lẽ tại nó như thật nhưng chưa được thật, cho nên không cảm sâu vào được lòng người! Vì rằng cái khéo dù đến đâu nữa, cũng chỉ thấm đến da ta, thịt ta, xương máu ta. Cho nên chỉ cảm ta được đến thế thôi, có lấy gì làm lạ. Vở "Mái Tây" thì không thế. Trong khoảng trời đất này vốn có những đáng yêu như thế. Họ viết văn cũng như thợ trời lặn muôn loài, cái khéo của họ ta không thể tìm biết được? Vả chăng những kẻ thật biết văn ở đời, ban đầu định vào viết văn! Chỉ vì trong bụng họ có một chuyện lạ lùng, quái gở. Bên lòng họ có một món "khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào"! Cửa miệng họ lại thường thường có những câu muốn nói mà không biết nói với ai! Những cái đó chất chứa đã lâu ngày, không thể nén được nữa. Một buổi sớm kia, cảnh vật gợi trêu, tình riêng rạo rực, họ mới: giật chén rượu trong tay người, tưới khối hận trong đời mình! Kể lể hết nỗi lòng uất ức: tiếc thương cho số phận chông chênh! Thế là văn họ đã đủ cho tài nhả ngọc, phun châu, át cả bóng sông Ngân mà sáng rực trời rồi! Kể ra họ cũng tự phụ lắm! cho nên mới phát điên, phát cuồng, khóc to, gào lớn không sao nín đi được. Thà rằng để cho kẻ nghe, kẻ đọc, nghiến răng, trợn mắt, muốn đem mình ra mà băm vằm, mổ xả! Chứ không nỡ đem văn mình mà dìm xuống nước, ném vào lửa, hay giấu kín vào non xanh! Tôi đọc vở này mà tưởng tượng ra người viết. Con người ấy, lúc ở đời, trong khoảng bạn hữu vua tôi, tất có điều gì bất mãn lắm? Cho nên mới mượn chuyện nhân duyên tan hợp của đôi vợ chồng để nói cho hả một đôi phần. Vì thế mới than giai nhân là khó tìm, khen Trương sinh là may mắn, giận thói đời hay lật lường coi người đời như rác bẩn! Tức cười nhất là một bức thư tình con con, mà dám cho là có tài hơn bao nhiêu danh sỹ? Thơ Nghiêu Phu có câu: "Đường, Ngu nhường nhịn ba be rượu; Thang, Vũ nhung nhăng một cuộc cờ?" Đường, Ngu, Thang, Vũ, sự nghiệp to tát thế nào! Thế mà lại coi như ba be rượu với cuộc cờ? Than ôi! Xưa nay các bậc anh hùng, đều như thế cả. Trong cái nhỏ họ tìm thấy cái lớn. Trong cái lớn họ tìm thấy cái nhỏ. Họ muốn quay bánh xe phép ở giữa một hạt bụi, dựng chùa thờ Phật ở đầu một chiếc lông! Không phải nói đùa đâu, chí lý là thế. Nếu ai không tin thì những lúc sân vắng trăng soi, chiều thu lá rụng, phòng văn vắng vẻ, thao thức một mình, thử đem chương "ý đàn" mà gẩy đi, gẩy lại coi! Sẽ thấy trong đó có kho vô tận, không thể tưởng tượng mà nói ra được. Đến như cái khéo thì dễ biết lắm! Trời ơi! Ước gì tôi được gặp một người như người viết vở "Mái Tây".